(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách công là một công cụ quan trọng để nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện chính sách công là quá trình đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống mà đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Để làm rõ hơn nội dung này, cuốn sách chuyên khảo: “Thực hiện chính sách công – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Lê Văn Gấm và Nguyễn Thị Ánh Mây (đồng chủ biên) được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành vào năm 2021.
Cuốn sách được nhóm tác giả chia thành 4 chương nhằm làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách công; đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện chính sách công ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách công ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:
Chương 1 – Tổng quan tình hình nghiên cứu về thực hiện chính sách công.
Chương 2 – Những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách công.
Chương 3 – Thực trạng thực hiện chính sách công ở Việt Nam hiện nay.
Chương 4 – Giải pháp hoàn thiện thực hiện chính sách công ở Việt Nam hiện nay.
Thực tế trong thời gian qua, có nhiều chính sách công góp phần vào kiến tạo xã hội và phát triển bền vững. Mỗi chính sách công đưa vào thực tiễn cuộc sống nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng người dân. Song, quá trình tổ chức thực hiện chính sách công cũng vấp phải không ít những khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả của việc thực hiện chính sách công. Với cuốn sách chuyên khảo: “Thực hiện chính sách công – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” sẽ giúp cho bạn đọc hiểu và nắm rõ hơn, đó là:
Thứ nhất, tổng quan về tình hình nghiên cứu; hệ thống hóa và phân tích những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách công. Xây dựng một hệ thống cơ sở lý luận, khung lý thuyết tương đối hoàn chỉnh liên quan đến đối tượng nghiên cứu “thực hiện chính sách công”. Đặc biệt, đã xây dựng được khung lý thuyết về thực hiện chính sách công với những nội dung của các bước trong quy trình thực hiện chính sách công, đồng thời, nghiên cứu hình thức trong giai đoạn thực hiện chính sách và khái quát hóa được các tiêu chí, yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến quá trình thực hiện chính sách để khảo cứu, đánh giá về toàn bộ thực trạng tổ chức thực hiện chính sách công ở Việt Nam.
Thứ hai, phân tích thực trạng về quy trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển ở Việt Nam. Trong nội dung này, tác giả tiến hành đánh giá tình hình thực hiện chính sách công ở Việt Nam dựa theo các bước tổ chức thực hiện chính sách công, bao gồm: (1) Ban hành văn bản và kế hoạch thực hiện chính sách công; (2) Phổ biến, tuyên truyền về chính sách công; (3) Tổ chức bộ máy và phân công phối hợp thực hiện chính sách công; (4) Huy động, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách công; (5) Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách công; (6) Đánh giá quá trình thực hiện chính sách công.
Trong nội dung này, nhóm tác giả đã chỉ ra những kết quả nghiên cứu thực hiện chính sách công, được khái quát thành các vấn đề:
(1) Không hoàn toàn là yếu tố tài chính hay phương tiện, công cụ mang tính vật chất – kỹ thuật, mặc dù biết rằng nguồn lực vốn là rất cần thiết, song nguồn nhân lực (con người) trong quá trình thực hiện chính sách công là yếu tố năng lực của chủ thể có thẩm quyền như các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam mới là nhân tố quyết định then chốt nhất đến hiện trạng của toàn bộ quá trình thực hiện chính sách công ở Việt Nam thời gian qua.
(2) Mức độ ưu tiên, quan tâm của cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể ở Việt Nam và các địa phương là không giống nhau. Để luận giải cho vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng, yếu tố điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa – xã hội, cùng với chính sách tài chính, mức độ hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật của trung ương và địa phương, cũng như khả năng tiếp nhận chính sách, khả năng nhận thức, mức độ và thái độ tham gia của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thực hiện chính sách chính công là yếu tố thúc đẩy, tạo ra sự khác biệt nhất định này.
(3) Việc thực hiện chính sách theo hình thức từ trên xuống, từ dưới lên, hỗn hợp, còn bộc lộ một số bất cập giữa một bên là các nội dung phản ánh nguyện vọng, mức độ quan tâm, thái độ theo ý kiến của người dân, doanh nghiệp với một bên là mức độ ưu tiên thực hiện các nội dung chính sách trong quá trình thực hiện chính sách công được xác định, xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền, có thể xảy ra hiện tượng “một chiều”, không khéo sẽ thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng người dân và doanh nghiệp vào quá trình thực hiện chính sách công.
(4) Quá trình tổ chức thực hiện chính sách công ở Việt Nam, các chủ thể có thẩm quyền (thể hiện ở một số cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền) có phần “chưa nhận thức rõ” về vai trò, tiềm lực của các chủ thể phi nhà nước chủ yếu là người dân, doanh nghiệp.
Với những nội dung được trình bày, phân tích, đánh giá chu trình chính sách công, bao gồm: phát hiện mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội; xác định vấn đề chính sách công; hoạch định chính sách công; thực hiện chính sách công; phân tích chính sách công; duy trì chính sách công; đánh giá chính sách công, nhóm tác giả đã mạnh dạn xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu (chủ yếu tập trung vào các giải pháp trong 6 bước của quy trình thực hiện chính sách công) nhằm phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập đã ảnh hưởng tới quá trình thực hiện chính sách công.
Cuốn sách có thể được coi là tài liệu tham khảo cho hoạt động nghiên cứu chính sách công nói chung và thực hiện chính sách công nói riêng để phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy môn học chính sách công.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!