Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền ở Việt Nam đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương. Thông qua phân cấp, phân quyền, vai trò của các cấp hành chính ở địa phương ngày càng được khẳng định; góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội.

Việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và chính quyền địa phương (CQĐP) cũng như phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP tại Việt Nam hiện nay luôn là vấn đề được quan tâm,  nghiên cứu, giải quyết. Điều này được thể hiện trong các lần sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp và trong các đạo luật quản lý ngành, chuyên ngành. Cấp CQĐP gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp CQĐP.

Phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP là sự phân quyền, phân cấp về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thuộc CQĐP các cấp hoặc của các cơ quan nhà nước cấp trên cho các cơ quan nhà nước cấp dưới nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở địa phương; và đây luôn là vấn đề quan trọng trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước.

Những năm qua, việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền ở Việt Nam đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo của CQĐP. Các nội dung được phân cấp đã được triển khai thực hiện khá đầy đủ và bảo đảm theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thông qua phân cấp, phân quyền đã từng bước rà soát, loại bỏ sự chồng chéo và phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, qua đó, ngày càng khẳng định vai trò của các cấp hành chính ở địa phương; góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp CQĐP vẫn còn những bất cập, hạn chế, như: chủ trương phân cấp, phân quyền chưa được thực hiện đồng bộ, triệt để theo yêu cầu đặt ra; việc phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp CQĐP chưa thật hợp lý, thiếu nhất quán, chưa đáp ứng được xu thế phát triển, chưa xác định được việc gì giao cho cấp nào hiệu quả hơn. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cần phải có những nghiên cứu cơ bản nhằm tìm ra cách thức để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong vấn đề phân định về thẩm quyền giữa các cấp CQĐP.

Cuốn chuyên khảo: Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương của tập thể tác giả công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia do PGS. TS. Trần Thị Diệu Oanh làm chủ biên được kết cấu thành 3 chương đã làm rõ những vấn đề lý luận và phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP hiện nay thông qua hoạt động phân cấp, phân quyền; phân tích thực trạng phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP trong một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, đặc biệt là chỉ ra những vướng mắc, hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn thực hiện. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, duy trì một cơ chế phân định thẩm quyền giữa các cấp CQĐP hiệu lực, hiệu quả.

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc.

Hoàng Trang