Phát huy “văn hóa quan tâm” trong môi trường giáo dục  

(Quanlynhanuoc.vn) – Tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, tương thân tương ái thể hiện trong sự quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe, tinh thần của những người xung quanh đã tạo nên nét văn hóa riêng độc đáo của người Việt. Phát huy văn hóa quan tâm trong môi trường giáo dục chính là sự kết nối từ truyền thống đến hiện đại, kế thừa nền tảng nhân văn của dân tộc để kiến tạo một nền giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Việt Nam là quốc gia coi trọng chữ tình, chữ nghĩa. Từ nghìn xưa trong kho tàng văn học dân gian, đã có rất nhiều câu ca dao tục ngữ về truyền thống trọng tình của dân tộc ta: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Chính chữ tình đã tạo nên sức mạnh vĩ đại của đất nước ta, giúp quốc gia nhỏ bé tồn tại vững vàng trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia, tương thân tương ái thể hiện trong sự quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe, tinh thần của những người xung quanh đã tạo nên nét văn hóa riêng độc đáo của người Việt. Với môi trường giáo dục, sự quan tâm của giáo viên đến học trò, đồng nghiệp đã tạo nên một nền giáo dục nhân văn trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước với những người Thầy mà dấu ấn đã đi vào lịch sử, như: nhà giáo Chu Văn An (1292 – 1370), Tuyết Sơn Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804), nhà giáo mù Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) với triết lý dạy người cao hơn dạy chữ… Trong sự phát triển đổi mới của xã hội hôm nay, khi những luồng tư tưởng mới Tây phương tràn vào xã hội Á Đông vốn quen sống kín đáo, đùm bọc trong những nếp nhà xưa cũ, văn hóa quan tâm (VHQT), thương yêu, đoàn kết càng cần được chú trọng, phát huy, gìn giữ; bởi vì đó chính là sức mạnh mềm của dân tộc.

Trong nhà trường, VHQT sẽ giúp giáo viên nắm bắt được hoàn cảnh, đặc điểm của học trò, từ đó mà nghiên cứu tìm hiểu và áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo ban, dạy dỗ học trò đúng hướng. VHQT sẽ giúp cho người lãnh đạo có cái nhìn toàn diện hơn về những vấn đề đang diễn ra trong hoạt động của nhà trường, thấu hiểu được tâm nguyện, sở trường của giáo viên để có sự sắp xếp công việc, sự khuyến khích, động viên, sẻ chia kịp thời với đồng nghiệp, góp phần tạo ra văn hóa học đường hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Có thể thấy, VHQT trong môi trường giáo dục được tiếp nối và lan tỏa rộng khắp. Động viên, chia sẻ và hỗ trợ các cán bộ, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là việc làm thường xuyên của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Việt Nam nhiều năm nay. Đơn cử:

(1) Phong trào: “Mái ấm công đoàn” tại Thanh Hóa. Ngày 03/12/2021, Công đoàn cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Công ty cổ phần Giáo dục UNISCHOOL tổ chức Lễ bàn giao nhà  “Mái ấm Công đoàn” năm 2021 cho 2 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn (cô giáo Hà Thị Ban tại huyện Bá Thước, thầy giáo Lê Thế Mạnh ở huyện Đông Sơn).1

Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT trao quà cho gia đình thầy giáo Lê Thế Mạnh, ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).

(2) Phong trào “Mỗi giáo viên giúp đỡ một đồng nghiệp” tại trường Mầm non Phì Điền, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, hằng năm, nhà trường sẽ xây dựng một kế hoạch cụ thể để thực hiện phong trào. Các tổ, khối chịu trách nhiệm liệt kê những điểm mạnh hay những điểm còn hạn chế của từng tổ viên. Để có sự ghép đôi, giúp đỡ, hỗ trợ nhau một cách phù hợp2. Giáo viên cốt cán giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên mới, những giáo viên trẻ thì hỗ trợ đồng nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, soạn bài giảng điện tử. Qua sự động viên, chia sẻ giúp nhau trong công việc không chỉ giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý, công tác giảng dạy mà còn giúp gắn kết tình cảm đồng nghiệp, tương thân, tương ái… góp phần nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ giáo viên trong trường.

(3) Phong trào: “Nuôi heo đất”, “thùng quyên góp” giúp bạn đến trường là những hoạt động nằm trong mô hình “Giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi” được thầy và trò trường THPT Ngô quyền, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước thực hiện suốt nhiều năm qua. Bằng việc phát động nhiều nguồn quỹ, như: Quỹ tiếp bước đến trường; Quỹ chắp cánh ước mơ; Nuôi heo đất; Tổ chức các đêm văn nghệ gây quỹ; Vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài tỉnh; kêu gọi các suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi… Qua đó, mỗi năm Đoàn trường đã quyên góp được trên 100 triệu đồng tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi3.

Phát huy VHQT trong môi trường giáo dục chính là sự kết nối từ truyền thống đến hiện đại, kế thừa nền tảng nhân văn của dân tộc để kiến tạo một nền giáo dục tiên tiến mà đậm đà bản sắc dân tộc. Trong mỗi nhà trường, khơi dậy và phát huy VHQT trước hết là ở vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, tương thân tương ái, quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe, tinh thần, việc giảng dạy của đồng nghiệp, việc học hành của học sinh… sẽ tạo nên nét văn hóa và lan tỏa tích cực trong tập thể, cộng đồng. Cùng với đó, để phát huy VHQT trong cơ quan, tổ chức, người lãnh đạo, quản lý cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nhà trường, từ tổ chức cơ sở đảng đến công đoàn, nữ công, đoàn thanh niên, các tổ nhóm chuyên môn để thực hiện thống nhất, toàn diện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ hỗ trợ học sinh, sinh viên, đồng nghiệp về mọi phương diện của đời sống công vụ. Cụ thể:

Tăng cường sự chỉ đạo quyết liệt, triệt để của tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng VHQT trong môi trường sư phạm

Tổ chức cơ sở đảng là trung tâm đoàn kết, quy tụ, tập hợp mọi lực lượng ở cơ sở thành một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, bất kỳ ở đâu, khi nào, công việc gì mà nội bộ đoàn kết, thống nhất thì sẽ tạo ra sức mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong quá trình xây dựng VHQT, chi bộ đảng tại các cơ sở giữ vai trò là hạt nhân: chỉ đạo các tổ chức công đoàn, nữ công, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh cơ sở… xây dựng và thực hiện VHQT trong nhà trường. Chi bộ cần quán triệt viên chức đơn vị cần giữ vững truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, thương yêu, tin cậy lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, hỗ trợ giúp đỡ đồng nghiệp trong chuyên môn nghiệp vụ, tạo bầu không khí ấm áp tình đồng chí. Có như vậy, tổ chức cơ sở đảng mới trở thành trung tâm gắn kết từng viên chức trong đơn vị, để vừa góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài vừa để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong sự phát triển của cơ quan, tổ chức.

Khai thác hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Để phát huy được VHQT trong môi trường giáo dục cần khai thác hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Bởi, công đoàn là tổ ấm của mỗi công đoàn viên – nơi họ có thể tâm sự, giãi bày hoàn cảnh riêng, tâm tư, nguyện vọng… để có thể nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời từ phía tổ chức chính quyền. Động viên, chia sẻ và hỗ trợ các cán bộ, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là việc cần làm thường xuyên của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Việt Nam.

Phát huy VHQT qua hoạt động của các tổ, khối chuyên môn

Trong mỗi nhà trường, tổ chuyên môn, khối chuyên môn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc chuẩn bị điều kiện thực hiện các hoạt động dạy và học trong nhà trường. Phát huy VHQT trong tổ, khối chuyên môn bằng các hoạt động cụ thể, như: dự giờ để góp ý, rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, về kiến thức, về phong cách lên lớp, về tổ chức lớp học và rút ra bài học cho mỗi giáo viên; sinh hoạt chuyên môn để giúp đỡ, chia sẻ các nội dung về nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng bộ môn, dạy các bài khó, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng thiết bị dạy học, làm mới đồ dùng dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu…

Chú trọng công tác Đoàn, Đội

Trước hết, các Đoàn trường cần xác định rõ đặc điểm, đối tượng của đơn vị mình (như: phổ thông, dạy nghề trung cấp, cao đẳng, đại học) để có nội dung, biện pháp giáo dục cho sát thực, hiệu quả. Ngay từ đầu năm học, Đoàn trường cần bám sát chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học của Đoàn cấp trên; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, rõ ràng đối với học sinh hay sinh viên trong nhà trường. Kế hoạch xây dựng cần bảo đảm tính cụ thể, chi tiết, có dự tính thời gian thực hiện để vừa thuận lợi khi dự trù kinh phí cho Đoàn trường hoạt động, vừa có công tác chuẩn bị chu đáo, vừa tạo tâm trạng háo hức, chờ đón của học sinh, sinh viên. Các hoạt động dự kiến tổ chức cần mang màu sắc thanh niên, phù hợp bản tính sôi nổi, thích khám phá của lứa tuổi mới trưởng thành.

Chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều phương tiện, như: sử dụng hệ thống phát thanh, hệ thống bảng tin của trường; bản tin viết của giới trẻ; nêu gương người tốt, việc tốt; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ… Tăng cường triển khai các hoạt động có ý nghĩa giáo dục đoàn viên, thanh niên, như: thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng… qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên. Để có thể làm được những điều này, Đoàn trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh, Đoàn thanh niên địa phương… Các cán bộ Đoàn trường dù là chuyên trách hay kiêm nhiệm phải là những thầy giáo, cô giáo trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm, là những học sinh, sinh viên gương mẫu, học giỏi, năng nổ, sẵn sàng cống hiến cho tổ chức Đoàn.

Hoạt động Đội cũng cần được phát huy để giáo dục, định hướng cho học sinh các cấp tiểu học, trung học biết yêu thương, đoàn kết, chia sẻ với nhau thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Phát động và triển khai hiệu quả các hoạt động phong trào, như: Nuôi heo đất, Áo ấm tình thương, quỹ Chắp cánh ước mơ… để mỗi học sinh sớm có ý thức về sự quan tâm, sẻ chia, sống có nghĩa tình, tương thân tương ái. Thành lập đường dây nóng để học sinh có thể tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời, tránh cho việc bị bạo lực học đường; có tổ giám thị luôn sát sao theo dõi học trò, phát hiện và tìm gặp những học sinh cá biệt để có biện pháp uốn nắn, giáo dục phù hợp. Sự quan tâm kịp thời sẽ tạo ra một môi trường giáo dục nhân ái, hướng thiện và hiệu quả.

Cùng với việc đào tạo về kiến thức, trường học còn là môi trường văn hóa, giáo dục rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Để VHQT thực sự trở thành nội dung được thực hiện hiệu quả hơn trong nhà trường, thiết nghĩ,  các trường học cần phải đưa những nội dung của VHQT vào trong nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị (như: tinh thần hỗ trợ lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh trong chuyên môn nghiệp vụ; tham gia các hoạt động thăm hỏi, thiện nguyện trong nhà trường; khả năng nắm bắt được hoàn cảnh, thấu hiểu tâm tư, cá tính của học sinh đặc biệt để có hình thức giáo dục phù hợp… ) trở thành tiêu chí đánh giá viên chức, người lao động trong nhà trường bên cạnh các tiêu chí về chuyên môn, nghiệp vụ. Có như vậy, bên cạnh sự tự giác, tự nguyện của mỗi người thì nội quy, quy chế về VHQT mới thành nề nếp, hiện diện trong mọi hoạt động từ chuyên môn, nghiệp vụ đến cuộc sống thường nhật, kế thừa nền tảng nhân văn của dân tộc để kiến tạo một nền giáo dục tiên tiến mà đậm đà bản sắc dân tộc.

Chú thích:
1. Thanh Hóa: Bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 2 giáo viên khó khăn. https://giaoducthoidai.vn, ngày 03/12/2021.
2. Phong trào “Mỗi giáo viên giúp đỡ một đồng nghiệp” tại trường Mầm non Phì Điền, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. https://lucngan.edu.vn, ngày 11/01/2022.
3. Trường THPT Ngô Quyền: Đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó học giỏi. https://phurieng.binhphuoc.gov.vn, ngày 10/5/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục năm 2019.
2. Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
3. Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 2025”.
4. Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Quy tc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
ThS. Vương Thị Liên
 Học viện Hành chính Quốc gia