Nhận diện chủ nghĩa giáo điều – Yếu tố cốt lõi của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc nhận diện những biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam hiện nay là việc rất hệ trọng. Nhận diện đúng, tìm ra đúng nguyên nhân của chủ nghĩa giáo điều thì mới có các giải pháp khắc phục. Có thể khẳng định rằng, khắc phục chủ nghĩa giáo điều là một trong những giải pháp quan trọng nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt  Nam – bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn.
Đôi điều về cội nguồn của chủ nghĩa giáo điều

Thuật ngữ chủ nghĩa giáo điều (CNGĐ) (dogmatism, xuất phát từ tiếng Hy Lạp              – dogma, nghĩa là kiến giải, học thuyết, lời dạy, phán quyết…) dùng để chỉ một kiểu tư duy phản lịch sử, phản biện chứng, sơ đồ hoá một cách cứng nhắc, mà ở đó sự phân tích và đánh giá các vấn đề lý luận và thực tiễn đã không tính đến những diễn biến hiện thực cụ thể, bối cảnh không gian và thời gian, do đó rơi vào phương pháp luận siêu hình, chủ nghĩa duy tâm, duy ý chí và tín ngưỡng luận. Ở phương diện triết học thuật ngữ “Chủ nghĩa giáo điều” do các nhà sáng lập chủ nghĩa hoài nghi tại Hy Lạp cổ đại là Pirôn (Pyrrhon) và Dênông (Zenon) đưa ra. Họ chủ trương “treo lửng phán quyết”, phủ nhận khả năng của tri thức chân lý, đặt tất cả các vấn đề đã được thừa nhận phổ biến vào sự hoài nghi, kết án tất cả những nhà triết học thiết lập các mệnh đề và các kết luận khái quát về bản chất sự vật.

Cơ sở nhận thức luận của CNGĐ là thái độ một chiều đối với chân lý, biến tất cả các yếu tố hàm chứa trong nó thành cái tuyệt đối, siêu việt, không chịu sự quy định của những điều kiện không gian, thời gian lịch sử, xem nhẹ tính tương đối. Vì thế CNGĐ không tránh khỏi căn bệnh chủ quan, võ đoán và sự áp đặt trong đánh giá sự vật.

Cội nguồn xã hội của CNGĐ gắn liền với nhu cầu của một giai cấp, tầng lớp, cá nhân duy trì và củng cố lập trường, quan điểm, cũng như vị thế của mình. CNGĐ xuất hiện khi một lực lượng xã hội vì mục đích “bảo vệ các nguyên lý” đã không chấp nhận sự phản biện của xã hội, triệt tiêu tinh thần tranh luận, cắt đứt mối liên hệ với các học thuyết, trào lưu tư tưởng khác và kết quả là lý luận tách rời thực tiễn.

Chủ nghĩa giáo điều trái với bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin

Trong sự nghiệp đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập đang đặt ra hàng loạt vấn đề về nhận thức, trong đó có cả việc đánh giá các sai lầm lý luận trong quá khứ, rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Trách nhiệm của khoa học, đặc biệt là khoa học lý luận chính trị là phải nghiên cứu khách quan, đúc kết thực tiễn, định hướng các giải pháp cho tương lai. Trên tinh thần đó, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, phải vượt qua “vòng kim cô tư duy”, thoát khỏi những khuôn mẫu định sẵn, dám tiếp thu và đón nhận những “luồng sinh khí mới”. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng – tức bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong “Những bóng ma của Mác” nhà tương lai học người Pháp G. Đềriđa (Jacques Derida) đã phê phán hiện tượng “đóng vai Mác” chống lại Mác, vô hiệu hóa một “sức mạnh tiềm tàng”, qua đó chỉ rõ, chủ nghĩa cực quyền đã làm cho “tinh thần mácxít trải qua những cơn đau lịch sử”1. Đềriđa cho rằng, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Liên Xô là sự giã từ một mô hình, chứ không phải sự đoạn tuyệt đối với một di sản, mà giá trị của nó thể hiện ở tinh thần phê phán và sự “cứu thế mới”, “sự khai sáng như một bảo đảm cho tương lai”. Nhà tương lai học kêu gọi: “Trở lại Mác, chúng ta hãy đọc ông như đọc một nhà triết học vĩ đại”2, và cần đọc phần sinh động nhất, cách mạng nhất, phần mở hướng cho cuộc sống. Đềriđa đã nhận diện một trong những đặc tính cơ bản của chủ nghĩa Mác là tính mở và tính sáng tạo không ngừng, do đó, ông đem đối lập “chủ nghĩa Mác của Mác” và “chủ nghĩa Mác bị xuyên tạc”, hay chủ nghĩa Mác giáo điều, đồng thời, khẳng định sự khác nhau giữa chủ nghĩa Mác “nguyên bản” và chủ nghĩa Mác bị xuyên tạc là ở chỗ cái thứ nhất lấy thực tiễn làm tiền đề xuất phát, còn cái thứ hai thì ngược lại (cái này nhằm mục đích “hạ bệ” tư tưởng của C.Mác – nền tảng tư tưởng của các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay).

Phê phán đồ thức luận lôgíc của Hêghen, C.Mác và Ăngghen nhấn mạnh rằng: không phải cuộc sống diễn ra theo những đồ thức luận sẵn có của tư duy, mà ngược lại những đồ luận ấy cần thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn luôn biến đổi. Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” C.Mác và Ăngghen đề cập đến sự vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản vào điều kiện cụ thể của mỗi nước với những chiến lược và sách lược thích hợp3. Như vậy, ở bình diện nhận thức và hoạt động thực tiễn, những người sáng lập chủ nghĩa Mác luôn nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới thường xuyên phương thức tiến hành cách mạng vô sản, không chấp nhận sự khuôn mẫu, giáo điều, cũng như tư tưởng phiêu lưu chính trị dưới những biến tướng tinh vi của nó như chủ nghĩa tự do cấp tiến và chủ nghĩa vô chính phủ trong một số tổ chức công nhân.

Phép biện chứng duy vật, được vận dụng vào việc phân tích tiến trình lịch sử  xã hội và hiện thực hóa các lý tưởng dân chủ, nhân văn đã là minh chứng sống động cho tính mở và tính sáng tạo của chủ nghĩa Mác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà triết học Đanien Benxaiđơ nhấn mạnh tính “vượt trước thời đại” của Mác là đã phát minh ra “cách viết mới về lịch sử”. Cách viết mới ấy không xem xét lịch sử như những “lát cắt” tách rời nhau, dứt đoạn, thiếu những mối liên hệ và tác động lẫn nhau giữa các  thời đại, hay “thi vị hóa” lịch sử, biến lịch sử thành bản trường ca của tinh thần phổ biến, siêu việt, “hoàn toàn lý tưởng chủ nghĩa”. Quá trình “tư duy lại tư duy” đồng nghĩa với việc công phá những tàn tích bảo thủ cuối cùng của hệ thống Hêghen, được cải biến trong phái Hêghen trẻ. Cách viết mới về lịch sử, một mặt, xuất phát từ phương thức sản xuất xã hội, căn cứ vào đó mà nhận thức được quy luật xã hội phổ biến, chi phối sự vận động và phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội, mặt khác, vượt qua lối mòn của cách tiếp cận máy móc – siêu hình và quan niệm duy tâm về lịch sử, vốn thống trị trong lịch sử tư tưởng cận đại.

V.I. Lênin và Hồ Chí Minh là mẫu mực của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Đối với V.I.Lênin, bảo vệ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác và biến nó thành thứ đức tin không tuyên bố là hai sự việc hoàn toàn đối lập nhau. Bảo vệ chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin phê phán “phương án Nga” của chủ nghĩa xã hội do phái Dân túy thực hiện, vì theo ông, phương án đó đã không xem xét một cách khách quan, khoa học sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội, không nhận thức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa cái phổ biến và cái đặc thù, giữa tính thống nhất và tính đa dạng trong sự vận động xã hội ở bình diện toàn cầu và dân tộc, quốc gia. Chống lại những toan tính tầm thường hóa chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin chỉ ra hiểm họa của việc biến chủ nghĩa Mác thành thứ tôn giáo đặc biệt, mà ở đó những người cộng sản đóng vai những linh mục đỏ, còn học thuyết mácxít thì được soạn lại thành những mệnh đề mang tính giáo huấn, như những lời thiêng trong Kinh Thánh.

Như vậy, xét quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác, từ khi C.Mác và Ăngghen thực hiện bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đến khi chủ nghĩa Mác được kế thừa và vận dụng vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, rằng chủ nghĩa Mác là một hệ thống mở. Tính mở này được chứng minh không chỉ bằng những suy luận thuần túy lý thuyết, mà thông qua hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không chỉ bằng những lời biện minh theo quan điểm “chính thống” mà được chính những nhà Mác học phương Tây, những người không đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác, thừa nhận và đánh giá cao. Chủ nghĩa Mác mà phép biện chứng là linh hồn sống động của nó, về thực chất không chấp nhận CNGĐ dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhận diện chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam

Trong nghiên cứu và vận dụng khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay, CNGĐ biểu hiện như sau:

Thứ nhất, giáo điều do hạn chế về nhận thức, không đủ khả năng tiếp thu, nắm bắt cái mới về lĩnh vực khoa học lý luận và vận dụng nó vào cuộc sống. Sự hạn chế trình độ nhận thức có thể dẫn đến những ngộ nhận về giá trị, về các chuẩn mực, chấp nhận cái sẵn có của nền chính trị một cách máy móc, thiếu tinh thần phê phán. Đây là điều giải thích tại sao, các nghiên cứu lý luận ở Việt Nam, về cơ bản vẫn nằm trong “vùng an toàn”, “vắng bóng” những nghiên cứu mang tính đột phá.

Thứ hai, đứng về phía giáo điều vì ngại đụng chạm, sợ bị quy chụp là thiếu lập trường, thiếu quan điểm giai cấp, buộc phải chấp nhận những luận điểm về lý luận chính trị mà mình cho là không còn phù hợp, nói khác đi, không dám đấu tranh chống lại cái lỗi thời, mà tuân theo “chân lý của số đông”. Nên gọi đây là “giáo điều thụ động”, ngoài ý muốn. Đó cũng là hậu quả của cơ chế cũ, mà sự loại trừ nó đòi hỏi quá trình liên tục, bền bỉ, lâu dài.

Thứ ba, chủ nghĩa cơ hội được ngụy trang một cách tinh vi bằng khẩu hiệu “trung thành tuyệt đối với những nguyên lý đã có sẵn”, nhưng lại vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng quy chụp người khác để đạt được mục đích chính trị. Đó là CNGĐ “tự giác”; chủ thể ý thức được thế nào là giáo điều, nhưng lại duy trì nó, sử dụng nó như phương tiện cần thiết cho việc đạt được mục đích. Chủ nghĩa cơ hội trong vỏ bọc “trung thành tuyệt đối” là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị và động cơ cá nhân. Biểu hiện này tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, bởi lẽ nó nuôi dưỡng thói đạo đức giả, bè phái, tạo nên sự mục ruỗng của hệ thống chính trị, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cần phê phán không khoan nhượng những kẻ đóng vai trung thành với các nguyên lý mácxít đến mức máy móc nhưng trên thực tế mưu lợi cho mình, tìm mọi cách loại bỏ những nhân tố mới.

Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô cho các giá phải trả của quá trình từ CNGĐ sang chủ nghĩa phiêu lưu chính trị, xa rời các nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác trong đời sống chính trị nói chung và nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lý luận nói riêng. Chúng ta đã rút ra được nhiều bài học quý giá từ quá khứ, vượt qua “cơn chấn động chính trị”, vững bước đi lên, đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp đổi mới, từ lĩnh vực kinh tế đến chính trị, xã hội, văn hóa, từ đối nội đến đối ngoại. Những thành công đó chứng tỏ sự nhận thức và vận dụng đúng đắn biện chứng cái phổ biến – cái đặc thù, vừa chủ động và tích cực hội nhập với thế giới, phù hợp với xu thế vận động chung của lịch sử, vừa kiên định sự lựa chọn con đường phát triển căn cứ trên những nét đặc thù lịch sử và điều kiện cụ thể của đất nước. Tuy nhiên, về mặt nhận thức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả sức ỳ của thói quen truyền thống và hậu quả của thời kỳ trì trệ, những yếu tố giáo điều, bảo thủ vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.

Trao đổi về giải pháp khắc phục chủ nghĩa giáo điều

Để thoát khỏi “sự ám ảnh” của CNGĐ thì cần quán triệt và thực hiện nhất quán mấy vấn đề cốt lõi sau đây:

Một là, cần có những đột phá trong lĩnh vực tư duy lý luận, trong nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học lý luận nói riêng; khuyến khích tinh thần hoài nghi, phê phán, xác lập cơ chế phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước; xóa dần những vùng cấm không đáng có, chấm dứt tình trạng “bao sân” về lý luận như hiện nay; ngăn chặn những biểu hiện giáo điều lẫn không tưởng chính trị, căn bệnh cố chấp, áp đặt, lẫn chủ nghĩa phiêu lưu chính trị, không chỉ chống “diễn biến hòa bình”, mà cần cảnh giác đối với “tự diễn biến hòa bình” dưới những biến thái tinh vi.

Hai là, nghiên cứu khoa học lý luận phải bắt đầu từ những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; quá trình nghiên cứu phải bám sát thực tiễn cuộc sống và kết quả của nghiên cứu phải có giá trị cho thực tiễn cuộc sống. Khi lựa chọn vấn đề, đề tài nghiên cứu thì người nghiên cứu phải bám sát thực tiễn; mạnh dạn áp dụng những tri thức khoa học vào thực tiễn cuộc sống; lý luận và thực tiễn phải thống nhất với nhau như một nguyên tắc cơ bản trong nghiên cứu khoa học nói riêng và trong mọi hoạt động của con người nói chung. Người nghiên cứu phải tránh hai thái cực: chủ nghĩa kinh nghiệm và CNGĐ. Điều này có nghĩa, bản thân người nghiên cứu không nên tuyệt đối hóa thực tiễn, cũng không nên tuyệt đối hóa lý luận, mà phải biết kết hợp giữa lý luận với thực tiễn trong quá trình nghiên cứu thì mới có kết quả tốt.

Ba là, cải tạo môi trường, điều kiện làm phát sinh CNGĐ. Muốn khắc phục CNGĐ thì phải cải tạo môi trường xã hội bằng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa để rèn luyện cho cán bộ, đảng viên phải thích ứng, thoát ly tác phong tiểu nông; bằng dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, trước hết tự do về mặt ngôn luận, bảo đảm cho mỗi quyết sách chính trị luôn được phản biện để tránh những sai lầm. Môi trường dân chủ, công khai, minh bạch sẽ là cách làm tốt nhất để loại bỏ tệ nạn quan liêu, xa dân, không quan tâm đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của Nhân dân, thoát ly thực tiễn.

Cùng với đó, phản biện xã hội là cách thức góp phần giúp cho các sai lầm khi mới “thai nghén” có thể được phát hiện và phòng ngừa. Kiểm soát quyền lực có hiệu quả nhằm làm cho quyền lực không bị tha hóa, bảo đảm mỗi văn bản pháp luật được ban hành đều thể hiện được ý chí của Nhân dân, mỗi quyết định chính trị không rơi vào chủ quan duy ý chí. Kiểm soát quyền lực được thực hiện bao gồm cả kiểm soát bên trong hệ thống chính trị và kiểm soát từ ngoài xã hội đối với Nhà nước. Mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp nhằm bảo đảm cho giám sát xã hội và kiểm soát xã hội, nhờ đó hạn chế các nhận thức và hành vi sai lầm của cán bộ, công chức…

Chú thích:
1, 2. Đanien Benxaiđơ. Mác người vượt trước thời đại (Bản dịch của Phạm Thành, Nguyễn Văn Hiến, Lê Xuân Tiềm). H. NXB Chính trị Quốc gia, 1998, tr. 207 – 208, 78.
3. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 627.
Tài liệu tham khảo:
1. G. Đềriđa. Những bóng ma của Mác. H. NXB Chính trị Quốc gia và Tổng cục II Bộ Quốc phòng, năm 1994.
2, 4. I. Lênin. Toàn tập. Tập 42. H. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, năm 1977.
3. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 45. H. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, năm 1978.
TS. Nguyễn Hoàng Anh
Lê Văn Phúc
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh