Nam Định khơi dậy tiềm năng kinh tế ven biển để phát triển kinh tế – xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, kinh tế biển đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch biển Nam Định với bạn bè quốc tế. Bài viết nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển và đề xuất một số giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế của kinh tế ven biển ở tỉnh Nam Định hiện nay.
Ảnh: Tuoitre.vn
Đặt vấn đề

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm  hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển”1. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển”2. Vì thế, khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế ven biển (KTVB) ở nước ta nói chung, ở tỉnh Nam Định nói riêng có vị trí, vai trò rất quan trọng không những đem lại giá trị về mặt kinh tế mà còn củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kinh tế ven biển tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định

Nam Định là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, gần tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Nam Định có đường bờ biển kéo dài 72km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy, đã hình thành, phát triển nhiều khu du lịch nổi tiếng như Quất Lâm (Giao Thủy), Thịnh Long (Hải Hậu), hằng năm, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho việc khai thác, vận chuyển hàng hoá thuận tiện, dễ dàng với các địa phương trên phạm vi cả nước; nhiều tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng giúp cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản được dễ dàng.

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh uỷ Nam Định về xây dựng, phát triển vùng KTVB tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo đánh giá: Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp, trong đó một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang triển khai như: tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nam Định, khu công nghiệp may Rạng Đồng3.

Hằng năm, đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh; thu nhập của người dân bằng mức bình quân chung của cả tỉnh; các địa phương vùng ven biển luôn đi dầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới4.

Với những tiềm năng, lợi thế như vậy, thời gian qua, KTVB của Nam Định thu hút được nhiều nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển như: Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 nhà máy với tổng số vốn đăng ký 98.900 tỷ đồng tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng); Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu quy mô 79 nghìn m3 (Hải Hậu)… Trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022, Nam Định đã thu hút được 111 dự án với tổng số vốn đầu tư gấp 8,5 lần vốn đầu tư của cả giai đoạn 2016 – 20205. Hiện nay, ở Nam Định có 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn, trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển; các bãi biển ở tỉnh Nam Định với vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, khí hậu mát mẻ, trong lành, sạch đã thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần, đặc biệt vào giai đoạn mùa hè, với số lượng người rất đông; hầu hết các khu lưu trú, nhà nghỉ dọc bờ biển đều kín chỗ.

Để phát triển KTVB, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Nam Định, các sở, ban ngành và Nhân dân các xã ven biển đã triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều biện pháp để khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có đem lại thu nhập cao từ biển, như: ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 về xây dựng, phát triển vùng KTVB tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 16/7/2021 về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng KTVB tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ quảng canh cải tiến sang thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao theo tiêu chuẩn Việt GAP với các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao như tôm, ngao; công nghiệp chế biến phát triển theo chiều sâu, chú trọng về mặt chất lượng để xây dựng thương hiệu, uy tín của sản phẩm, đến nay, Nam Định đã có một số sản phẩm nổi tiếng trên thị trường, như: cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu, tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal, ngao sạch Lenger; du lịch biển được quan tâm chú trọng đưa vào khai thác sử dụng.

Tỉnh có thêm hai khu du lịch sinh thái: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) và khu vực bãi bồi ven biển (Nghĩa Hưng); ở các khu du lịch biển của tỉnh có gần 200 khách sạn, 666 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với 387 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, 30 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, 249 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, trong đó có 220 cơ sở dịch vụ ăn uống với các trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách6.

 Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, chú trọng, tổ chức triển lãm giới thiệu hình ảnh, con người Nam Định; hội thảo khoa học tìm ra những giải pháp phát triển du lịch tỉnh; liên kết vùng với các địa phương; tổ chức hội chợ du lịch thương mại Nam Định; tổ chức cuộc thi thiết kế logo du lịch Nam Định; tổ chức chương trình văn hoá, văn nghệ…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tận dụng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vị trí địa lý, xã hội phát triển KTVB còn có một số hạn chế như: việc chuyển đổi cơ cấu cây trông vật nuôi còn chậm, chưa được áp dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào quá trình khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao; chất lượng sản phẩm còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; phát triển KTVB chưa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đời sống của một bộ phận nhân dân vùng ven biển vẫn còn thấp, khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo gia tăng; thu hút đầu tư nước ngoài còn ít, vẫn chủ yếu các tập đoàn, DN lớn trong nước; phát triển vùng KTVB chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn, DN lớn…7.

Nguyên nhân của những hạn chế trên bao gồm cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản, chủ yếu, đó là: (1) Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vùng ven biển chưa sâu sắc đầy đủ về tầm quan trọng phát triển kinh tế biển. (2) Sự phối kết hợp giữa địa phương vùng ven biển với sở, ban, ngành, lực lượng liên quan trong phát triển kinh tế biển chưa nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp, còn trông chờ, dựa vào nguồn ngân sách của trung ương, của Tỉnh ủy. (3) Nhân dân ven biển chưa phát huy tính năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, chạy theo nhu cầu, lợi nhuận trước mắt, chưa có kế hoạch, phương án đầu tư xây dựng hệ thống công trình phục vụ cho đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản ở những vùng có lợi thế từ biển. (4) Hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ các sở, ban, ngành đối với Nhân dân các xã ven biển trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định: “Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; sớm hình thành đô thị Rạng Đông – Thịnh Long và khu KTVB Nghĩa Hưng thành Trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của Miền Bắc nước ta”8. Mục tiêu đến năm 2025: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển chiếm tỷ trọng từ 30-35% so với toàn tỉnh; tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng9.

Một số biện pháp phát huy tiềm năng, lợi thế của KTVB ở tỉnh Nam Định hiện nay

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nhân dân các xã ven biển về tầm quan trọng phát triển KTVB.

Đây là biện pháp có vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng những lợi thế từ biển trong phát triển kinh tế – xã hội ở các xã ven biển. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển; trên cơ sở đó tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân các xã ven biển về tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển; khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăm sóc, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương đối với việc phát triển, mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản ở các hộ gia đình; gắn việc nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển ổn định, bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động ngay tại địa phương; cấp ủy, chính quyền các cấp xã ven biển cần xây dựng kế hoạch quy hoạch tổng thể, hướng dẫn các hộ gia đình tuôn thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định địa phương, không lấn chiếm, mở rộng diện tích nuôi trồng ảnh hưởng đến quy hoạch chung của địa phương; định hướng việc nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của Nhân dân10, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân khi tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; cấp ủy, chính quyền địa phương đóng vai trò nòng cốt trong điều tiết, phân phối các mối quan hệ giữa nhân dân với DN, giữa DN với DN trong khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển.

Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ ở khu vực ven biển, qua đó, xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của du khách đối với con người Nam Định, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, đặc biệt tạo ra được những ưu thế nổi bật, mũi nhọn của ngành Du lịch “không khói”.

Hai là, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện và hiệu quả trong phát triển KTVB.

Đây là biện pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng để đánh thức, khơi dậy những tiềm năng, lợi thế của biển, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông vừa là cơ sở, tiền đề, vừa là động lực khai thác, sử dụng phát triển kinh tế biển, đem lại lợi nhuận cao, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu đô thị ven biển tạo điểm nhấn của vùng ven biển11.

Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền, Nhân dân vùng ven biển cùng phối kết hợp nghiên cứu đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong phát triển KTVB, quy hoạch tổng thể các khu vực, địa bàn có lợi thế về kết cấu hạ tầng giao thông triển khai dự án khai thác, sử dụng tiềm năng lợi thế từ biển; đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông bảo đảm cho quá trình khai thác được thuận tiện; mở rộng liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cho nhân dân ngay tại địa phương; xây dựng những khu vực, vùng chuyên nuôi trồng, sản xuất sản phẩm về thủy sản được thị trường ưa chuộm, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại cho cho những hộ gia đình chuyên canh nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn; việc nghiên cứu xây dựng những vùng chuyên canh cần phải tính đến phương án ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển, úng ngập, lũ lụt có thể xảy ra; xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vực du lịch sinh thái ven biển bảo đảm tính thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến quy hoạch chung của tỉnh.

Từng bước hiện đại hoá hệ thống nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí ven biển theo hướng thân thiện với môi trường tự nhiên, để lại dấu án tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Nam Định; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia xây dựng hạ tầng giao thông để khai thác có hiệu quả những lợi thế, tiềm năng của biển phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các xã ven biển.

Ba là, tiếp tục thu hút đầu tư các DN, các doanh nhân trên địa bàn tỉnh và phụ cận để phát triển kinh tế biển.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh xác định: Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội12. Theo đó, lãnh đạo tỉnh ủy và các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế biển, như: cùng với Nhân dân xã ven biển xây dựng, mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất con giống, xây dựng nhà máy, xí nghiệp ngay tại địa phương, thu mua hàng nông sản cho Nhân dân các xã ven biển, đầu tư nguồn vốn mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại… giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà cho DN, doanh nhân khi tham gia vào phát triển kinh tế biển; có cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn giữa DN, doanh nhân với cơ quan, ban, ngành có liên quan và Nhân dân các xã ven biển; luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, không vì lợi ích trước mắt mà cho phép DN, doanh nhân khai thác, sử dụng một cách cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống của các tầng lớp nhân dân ven biển.

Giai đoạn 2018 – 2021, khu vực ven biển của tỉnh thu hút được 75 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài); riêng ngành chế biến thủy, hải sản có 10 DN đầu tư; các DN chủ động liên kết với các đội thuyền địa phương bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến. Hàng năm, sản xuất được từ 20 đến 22 tấn cá mai khô, chế biến trên 1.000 tấn sứa13… Đồng thời, các DN, doanh nhân khi tham gia vào phát triển kinh tế biển tuân thủ pháp luật, quy định địa phương, nêu cao đạo đức, văn hoá kinh doanh; bảo đảm  hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – DN và Nhân dân; phục vụ hữu ích cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh.

Bốn là, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ hiện đại vào khai thác, sử dụng phát triển kinh tế biển.

Đây là biện pháp có vai trò quan trọng tác động đến khai thác, sử dụng các lợi thế của biển. Khoa học công nghệ hiện đại là điều kiện cần và đủ cho DN, doanh nhân, Nhân dân các tỉnh ven biển phát triển kinh tế biển hiệu quả hơn. Nếu khoa học – công nghệ hiện đại, khai thác, sử dụng các lợi thế của biển được nâng lên, ngược lại khoa học – công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, thống nhất khai thác, sử dụng các lợi thế của biển sẽ thấp. Theo đó, công nghệ tiên tiên tiến hiện đại cần được áp dụng vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, sửa chữa tàu thuyền phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ của ngư dân ven biển.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ hiện đại, nhất là quá trình vận hành, khắc phục sự cố khi xảy ra lỗi kỹ thuật; tăng cường phối kết hợp kỹ sư công nghệ có trình độ tay nghề cao với DN, doanh nhân, Nhân dân các xã ven biển trong đồng hành khai thác, sử dụng các lợi thế, tiềm năng của biển để phát triển kinh tế biển; đầu tư xây dựng các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học – công nghệ hiện đại, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc, nghiên cứu, tìm ra giải phá căn cơ giúp các xã ven biển khai thác, sử dụng hiệu quả hơn việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tiết kiệm thời gian, sức lao động của người nông dân, chống chọi được với những biến đổi của khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường14.

Năm là, thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững KTVB.

Đây là biện pháp quan trọng để phát triển bền vững KTVB hiện nay. Nếu không quan tâm chú trọng đến bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để lại hậu quả nặng nề cho ngành khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy, hải sản và kinh doanh, phát triển du lịch sinh thái ven biển.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát, biến đối khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và dự báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu15. Nâng cao năng lực ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến16. Với tinh thần đó, cấp ủy chính quyền địa phương các xã ven biển cần phối hợp chặt chẽ với lực lương liên quan, quân đội, công an, dân quân tự vệ biển, nhân dân xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về phương tiện, diện tích nuôi trồng thủy, hải sản do thiên tai gây ra; xây dựng công trình trọng điểm trong ứng phó biến đổi khi hậu, nước biển dâng; làm tốt công tác dự báo, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt sẵn sàng ứng phó với biến đổi khi hậu, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi lực lượng trong phối kết hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hâu, bảo đảm cho quá trình khai thác các lợi thế từ biển không bị ảnh hưởng nhiều bởi những tác động tiêu cực do nước biển dâng, biến đổi khí hậu gây ra.

Kết luận

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển để phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Nam Định, kinh tế biển đã, đang và sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi mỗi chủ thể, lực lượng cần phát huy mạnh mẽ ý chí, khát vọng, có quyết tâm thật cao, nỗ lực thật lớn trong thực hiện những chủ trương, biện pháp của hệ thống chính trị các cấp, biến mục tiêu của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương thành của cải vật chất, nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2,12,15. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.44, 168, 154.
3,4,7,9,10,11,14,16. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng KTVB tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025. Https://baonamdinh.vn, ngày 29/6/2021.
5. Nam Định đưa kinh tế biển thành động lực thu hút đầu tư. Https://mekongasean.vn, ngày 05/9/2022.
6. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch bền vững. Https://vietnamtourism.gov.vn, ngày 09/6/2021.
8. Đảng Bộ tỉnh Nam Định. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX nhiệm kỳ (2020 – 2025), Nam Định, tháng 10/2020.
12. Phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng kinh tế biền vững. Https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 08/10/2022.

TS. Hoàng Đình Trung
Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định