Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Hoài Vy
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương vĩ đại về việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Và, chính Người đã khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Điều đó khẳng địnhvai trò quan trọng của đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người phục vụ vì Nhân dân và lấy dân làm gốc.
Ảnh minh hoạ: http://bqlkcn.phutho.gov.vn.
Quan niệm về đạo đức và chuẩn mực đạo đức

Đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, chuẩn mực của xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người, vì sự tiến bộ của xã hội trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân và xã hội.

Chức năng của đạo đức điều chỉnh hành vi thông qua dư luận xã hội, ca ngợi, khuyến khích cái thiện, cái tốt, lên án, phê phán cái ác, cái xấu. Chủ thể đạo đức tự giác điều chỉnh hành vi của mình theo những chuẩn mực đạo đức xã hội và phụ thuộc vào việc giáo dục, giác ngộ của chủ thể đạo đức. Thông qua sự giáo dục của xã hội và sự tự giáo dục của mỗi cá nhân. Tự giáo dục đạo đức của cá nhân là tự phán xét của lương tâm về hành vi của mình. Vì thế, cần phải củng cố các chuẩn mực đạo đức cá nhân, đạt tới hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Bên cạnh đó, dựa vào dư luận xã hội, tự điều chỉnh hành vi và chuẩn mực đạo đức cá nhân khi nhận thấy nó sai lệch với chuẩn mực xã hội. Những tư tưởng đạo đức và chuẩn mực đạo đức xã hội trở thành các quan hệ đạo đức trong đời sống xã hội còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp nhận và chuyển hóa nó trong hoạt động nhận thức và trong hành vi của mỗi chủ thể đạo đức.

Đạo đức và chính trị có quan hệ biện chứng tác động qua lại giữa các học thuyết chính trị và quan niệm về ý nghĩa cuộc sống, lý tưởng cao nhất của con người. Quan hệ giữa đạo đức và thực tiễn chính trị của một giai cấp, một xã hội nhất định. Sự thống nhất giữa đánh giá chính trị và đánh giá đạo đức kết quả chính trị thực tiễn có lợi cho xã hội, giai cấp đều có thể được xem như những giá trị đạo đức.

Đạo đức không trừng phạt hành vi vi phạm bằng sự cưỡng chế từ bên ngoài mà trừng phạt bằng sự tự vấn lương tâm bên trong chủ thể. Đạo đức là pháp luật tối đa. Pháp luật là một trong những biện pháp khẳng định một chuẩn mực nhất định, biến thành thói quen, yêu cầu bên trong con người, biến thành chuẩn mực đạo đức.

Quá trình tuyên truyền tư tưởng, chuẩn mực đạo đức xã hội biến nó thành thước đo đánh giá, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân nhằm đạt tới một sự phù hợp giữa hành vi cá nhân với lợi ích xã hội.

Tôn giáo có năng lực giải thích và hướng dẫn hành vi con người, tức là có một phần vai trò đạo đức. Vấn đề cơ bản của mọi đạo đức tôn giáo và mọi học thuyết đạo đức là hướng đến ý nghĩa cuộc sống con người. Tôn giáo có chức năng đền bù hư ảo, đưa đến cho con người những cứu cánh, sự giải thoát về mặt tinh thần. Tôn giáo chứa đựng một số chuẩn mực đạo đức phù hợp với con người, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận quần chúng nhân dân.

Đạo đức nghề nghiệp là đạo đức xã hội, thể hiện một cách đặc thù, cụ thể trong các hoạt động nghề nghiệp, có quan hệ chặt chẽ với đạo đức cá nhân, thông qua đạo đức cá nhân để thể hiện. Nghĩa vụ nghề nghiệp là trách nhiệm của người làm nghề trước xã hội và trước người khác, còn lương tâm là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đó. Ý thức về nghĩa vụ nghề nghiệp là nền tảng, là cơ sở để hình thành lương tâm nghề nghiệp của con người.

Đạo đức công vụ chính là một dạng của đạo đức nghề nghiệp, đó là những giá trị, chuẩn mực và chỉ dẫn những quyết định đúng đắn trong quá trình thực hiện công việc.

Chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo quan niệm đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là nền tảng, là gốc, là nguồn lực của người cách mạng, là cơ sở để cán bộ, công chức, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, mỗi con người nói chung, cán bộ, công chức nói riêng phải luôn tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức.

Trung với nước, hiếu với dân: tận trung với nước, tận hiếu với dân. Dân là gốc của nước, do đó phải gắn bó, kính trọng và lắng nghe ý kiến của dân, hòa mình với Nhân dân. Luôn hết lòng với Nhân dân, kiên quyết chống lại những việc có hại đến Đảng, đến Nhân dân. Chính vì vậy, các cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Nhân: thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào; kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến Nhân dân; sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ; không ham giàu sang, không ngại gian khổ không sợ oai quyền.

Nghĩa: ngay thẳng, không có tư tâm, không là việc xấu, không giấu Đảng việc gì; không mưu cầu lợi ích riêng ngoài lợi ích của Đảng; ra sức hoàn thành công việc được Đảng giao phó; nói thẳng, nói thật, không sợ phê bình.

Trí: đầu óc trong sạch, sáng suốt, hiểu lý luận; có phương pháp làm việc; biết xem người, xem việc, biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng kẻ gian.

Dũng: dũng cảm, gan dạ.

Cần: cần cù, siêng năng.

Kiệm: sử dụng một cách tiết kiệm, tìm những giải pháp tiết kiệm nhất tiền của hay vật chất của Nhân dân, của đất nước.

Liêm: trong sạch, không tham lam. Không tham địa vị, tham tiền tài, danh vọng…

Chính: làm việc phải đúng và công tâm.

Chí công vô tư: làm hết khả năng của mình, luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết và không nghĩ tới lợi ích bản thân.

Thực trạng đạo đức công vụ nước ta hiện nay

Qua quá trình thực hiện đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa về kinh tế – xã hội, văn hóa… đa số cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, rèn luyện phẩm chất, năng lực, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được biểu hiện: bệnh quan liêu, thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân, gây phiền hà, nhũng nhiễu; lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức như chạy chức, chạy quyền; bố trí cán bộ theo kiểu quen biết, dùng đệ tử, người nhà, chịu tác động của đồng tiền; bệnh thành tích chạy theo danh hiệu; lợi ích nhóm thao túng và hưởng lợi trên tài sản công; cán bộ, công chức thụ động, mang lại tâm lý trông chờ, ỷ lại, thoái thác trách nhiệm, sao lãng công việc, coi thường kỷ luật, kỷ cương công vụ, trù dập vô hiệu hóa và kìm hãm người không cùng phe cánh.

Nguyên nhân của những biểu hiện nói trên là do chúng ta còn thiếu nền tảng pháp quyền hoàn thiện. Mặc dù ban hành nhiều luật, nhiều quy định nhưng vẫn tồn tại nhiều “lỗ hỗng” về mặt pháp lý. Sự thiếu vắng những quy định về hoạt động công vụ dẫn đến tình trạng khi công chức mắc khuyết điểm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, không hoàn thành công việc, nhưng lại không có cơ quan công quyền, không có cá nhân nào chịu trách nhiệm. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức trong chương trình đào tạo. Sự tác động của nền kinh tế thị trường đối với đạo đức của người cán bộ, công chức làm nảy sinh và phát triển chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ trước lợi ích vật chất và chủ nghĩa vị kỷ cực đoan. Chính sách tiền lương và chế độ của cán bộ, công chức còn thấp, tạo áp lực lớn khi họ phải lo cuộc sống cho gia đình. Việc đấu tranh chống tiêu cực còn thiếu đồng bộ; các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở Việt Nam còn chung chung. Một số chế độ, chính sách mang tính chất đặc quyền, đặc lợi và tình trạng xin – cho chưa bị xóa bỏ, sự can thiệp của Nhà nước quá sâu vào kinh tế thị trường…

Một số ngành, địa phương còn buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ, dẫn đến chậm phát hiện, xử lý kịp thời những biểu hiện thoái hóa, biến chất của cán bộ, công chức. Nhất là trong việc đánh giá cán bộ trong một số trường hợp còn thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức làm lãnh đạo, quản lý, trong đánh giá cán bộ còn có tình trạng né tránh, nể nang, từ đó dẫn đến việc bố trí, phân công cán bộ chưa đúng với sở trường công tác của họ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực. Sự thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức công vụ của chính đội ngũ cán bộ, công chức. “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời” chính là một trong những nguyên tắc cơ bản Hồ Chí Minh đã nêu ra.

Giải pháp nâng cao đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, xây dựng một nền công vụ với tiêu chí đặt người dân là trung tâm. Các cơ quan phải đặt mình vào vị trí của người dân trong xem xét giải quyết vấn đề. Nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch về tuyển dụng, đánh giá cán bộ, thủ tục hành chính… Tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân và các tổ chức xã hội, từ đó tăng cường tiếng nói của xã hội về vấn đề đạo đức công vụ. Tăng cường sự tham gia của người dân trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Công tác đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên đánh giá sự hài lòng của người dân.

Hai là, phát huy tính tích cực, chủ động, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức trong việc nâng cao đạo đức công vụ. Cần gắn việc phòng, chống suy thoái đạo đức công vụ với lợi ích của mỗi cán bộ, công chức; đồng thời, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức phát huy quyền dân chủ của mình. Bên cạnh đó, bản thân đội ngũ cán bộ, công chức phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực; rèn luyện bản lĩnh, kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu, nhất là sự lười biếng và lối sống buông thả.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Công tác kiểm tra, giám sát nhằm mục đích phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức xảy ra trong hoạt động công vụ.

Bốn là, phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho những người dám tố cáo và chống lại những tiêu cực, tham nhũng cụ thể hơn.

Năm là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức, đơn vị.

Sáu là, trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức phải có những tiêu chí cụ thể cho từng cấp bậc.

Tài liệu tham khảo:
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh với vấn đề giáo dục, nâng cao đạo đức cán bộ, công chức. https://moha.gov.vn, truy cập ngày 18/10/2023.
2. Văn hóa công v và đo đc công v ca cán b, công chc, viên chc b máy hành chính nhà nưc trong tiến trình hưng đến tính chuyên nghip phc v nhân dân. Tapchicongsan.gov.vn, truy cập 20/10/2023.
3. Văn hóa chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ”. https://xaydungdang.org.vn, ngày 24/4/2021.
4. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.