Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định 3 khâu đột phá: đẩy mạnh đối thoại, tập trung phát triển đoàn viên và xây dựng đội ngũ lãnh đạo Công đoàn

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 01/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), diễn ra phiên thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Đại hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1/12 đến ngày 3/12, là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước. 
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cùng toàn thể đại biểu Đại hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 1/12 – Ảnh: VGP/TC.
Đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước khi diễn ra phiên thứ Nhất của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam 2023, các đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dẫn đầu đoàn là ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch: Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu, Thái Thu Xương, Huỳnh Thanh Xuân. Cùng với đó là 1.100 đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Phiên thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Tại Đại hội sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá: đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đại hội cũng tăng cường thảo luận các vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn thông qua 10 diễn đàn.

Tại phiên thứ nhất, Đại hội bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; thông qua chương trình làm việc và quy chế của Đại hội; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; trình bày tổng quát Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đại hội thông qua 3 khâu đột phá.

Buổi chiều cùng ngày, đại hội thảo luận 10 chủ đề, trọng tâm:

(1) Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở.

(2) Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động.

(3) Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc.

Quang cảnh tại trung tâm thảo luận số 3.

(4) Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn bảo đảm quyền lợi của người lao động.

(5) Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn.

(6) Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động công đoàn.

(7) Nâng cao chất lượng công tác nữ công; bảo vệ quyền lợi của lao động nữ và trẻ em; xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

(8) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

(9) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại công đoàn, phát huy vai trò công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế.

(10) Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, bảo đảm an ninh trong công nhân.

Quang cảnh tại trung tâm thảo luận số 5.
Phiên trọng thể của đại hội diễn ra vào ngày 2/12

Đại hội mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Báo cáo tóm tắt về những kết quả của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII), ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh Covid – 19 đối với đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn, song hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng thực chất, tập trung vào các vấn đề tiền lương, điều kiện và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động và con của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid – 19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng với 10 triệu lượt người lao động được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chương trình, mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động mang đậm dấu ấn Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phiên chợ Công nhân”… tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ  khó khăn về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, hạ tầng xã hội dành cho công nhân…

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo tóm tắt về những kết quả của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII).

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023 – 2028, tổ chức công đoàn sẽ tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh…

Cũng tại Đại hội, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Trong đó, về việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, người lao động kiến nghị các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động.

Người lao động cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy có việc làm bền vững, lương đủ sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động. Trong đó, cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các doanh nghiệp thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao. Đặc biệt tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động.

Người lao động cũng mong muốn Nhà nước có chính sách huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ thống bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động không chỉ lúc đang làm việc mà cả lúc họ nghỉ hưu.

Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, người lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. Từ đó, hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Đồng thời, nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ mùng 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.

Ngoài ra, người lao động cũng đề nghị tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động. Theo đó, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động. Đặc biệt, khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương. Mặt khác, kiến nghị Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.

Đại hội có 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước. Đại biểu khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 55,48%; đại biểu khu vực sản xuất, kinh doanh chiếm 44,52%; đại biểu là cán bộ công đoàn chuyên trách chiếm 54,38%; đại biểu là cán bộ công đoàn không chuyên trách và lao động sản xuất trực tiếp chiếm 45,62%; đại biểu là nữ chiếm 37,05%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 6,27%; đại biểu là đảng viên chiếm 78,43%; đại biểu dự đại hội cao tuổi nhất là 71; ít tuổi nhất là 26. Về trình độ chuyên môn: Đại biểu có trình độ sau đại học (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ) chiếm 35,39%; đại biểu có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 51,06%; đại biểu có trình độ trung cấp trở xuống chiếm 13,55%.

Thuý Vân tổng hợp