Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra nhằm đập tan luận điệu xuyên tạc chiến lược cải cách tư pháp của các thế lực thù địch

TS. Thái Chí Hiến
Phó Trưởng khoa An ninh điều tra, Trường Đại học An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuyên tạc quan điểm, đường lối cải cách tư pháp là một trong những hoạt động nguy hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thời gian qua. Bài viết nhận diện âm mưu và đề xuất một số giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra góp phần khẳng định tính đúng đắn, khách quan của chiến lược cải cách tư pháp theo quan điểm của Đảng.

Âm mưu, hoạt động xuyên tạc chiến lược cải cách tư pháp của thế lực thù địch

Xuyên tạc quan điểm, đường lối cải cách tư pháp là một trong những hoạt động nguy hiểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thời gian qua. Âm mưu, ý đồ của chúng là hướng đến tách biệt tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp (trong đó có Cơ quan điều tra) ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với âm mưu thâm độc đó, các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, phá hoại tư tưởng về cải cách hệ thống tư pháp. Đặc biệt, trước, trong và sau Đại hội XIII của Đảng, khi toàn bộ hệ thống tổ chức cơ sở Đảng tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 49) để chuẩn bị ban hành các nghị quyết quan trọng về vấn đề này.

Hoạt động tuyên truyền phá hoại, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm vào tất cả các bộ phận của cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án; hệ thống các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp…), trong đó chúng “khoét sâu” vào những hạn chế, bất cập của hệ thống tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra. Luận điệu phổ biến là đả phá vào cấu trúc cơ quan điều tra và cho rằng, cấu trúc tổ chức cơ quan điều tra hiện tại là “lạc hậu”, là “biến dạng”, thiếu tính “độc lập”; một số đối tượng còn cho rằng “cơ quan điều tra Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng, dùng để đàn áp người chống đối”.

Nguy hiểm hơn, chúng còn sử dụng một số vụ án phức tạp, oan sai, kéo dài để “thổi phồng”, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi năng lực của hệ thống cơ quan điều tra, từ đó làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với cơ quan điều tra các cấp…

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần khẳng định tính đúng đắn, khách quan của yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra hiện nay. Việc làm này, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn là vũ khí sắc bén, đập tan luận liệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra, góp phần khẳng định tính đúng đắn, khách quan của chiến lược cải cách tư pháp theo quan điểm của Đảng

Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định: “nghiên cứu và chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại các cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối”. Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát quân sự Trung ương như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan”.

Như vậy, thực tiễn đã khẳng định, quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong tiến trình cải cách tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 84-KL/TW (sau đây viết tắt là Kết luận số 84) và chỉ đạo: đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy toà án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định của Hiến pháp năm 2013”. Quán triệt chỉ đạo trên, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã xây dựng Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021, trong đó giao Bộ Công an xây dựng chuyên đề “Cải cách tư pháp trong cơ quan điều tra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Để có thêm luận cứ, luận điểm tham mưu các cấp lãnh đạo trong đổi mới hệ thống tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra, cần thống nhất một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, quá trình tổ chức nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống cơ quan điều tra của Công an nhân dân theo Đề án số 247 về nâng cao năng lực cơ quan điều tra giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 cần lồng ghép, tích hợp các nội dung với chuyên đề “Cải cách tư pháp trong cơ quan điều tra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

(1) Làm rõ hướng “đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy toà án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra… tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” như Kết luận số 84 đã nêu ra trên các khía cạnh sau: thống nhất về cách tiếp cận và tên gọi của “bộ máy giúp việc” trong cơ quan an ninh điều tra; thống nhất cách tiếp cận phân chia các đơn vị đầu mối trong cùng cơ quan điều tra, giữa các cơ quan điều tra.

(2) Đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn nữa để thiết kế hướng xây dựng mô hình từng cơ quan điều tra thống nhất trong toàn hệ thống; cơ quan điều tra tách bạch giữa nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và điều tra tố tụng, kết hợp chặt chẽ công tác trinh sát với hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự; đồng thời, xác định rõ cơ chế điều chỉnh, kiểm soát phù hợp khi chuyển vai trò giữa điều tra/trinh sát hoặc khi thiết kế trong cùng một ngành vừa thực hiện chức năng điều tra, vừa thực hiện quyền công tố, chức năng kiểm soát hoạt động điều tra theo đúng tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49 đã đề ra, vẫn còn giá trị cho đến nay.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của luật pháp có liên quan đến tổ chức và hoạt động điều tra nói chung, của cơ quan điều tra nói riêng, với các nội dung sau:

(1) Những thay đổi về tổ chức bộ máy cơ quan điều tra trên thực tế cần được điều chỉnh, cập nhật ngay trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự;

(2) Xây dựng tiêu chí xác định vụ án có liên quan đến an ninh quốc gia hoặc như thế nào là để khách quan, bảo đảm sự phân công hợp lý cơ quan điều tra trong trường hợp trái với thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sựLuật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự;

(3) Tiếp tục duy trì thẩm quyền điều tra cho cơ quan điều tra ở cấp trung ương (cơ quan an ninh điều tra/cảnh sát điều tra Bộ Công an và cơ quan an ninh điều tra/điều tra hình sự Bộ Quốc phòng theo hướng chỉ điều tra những vụ án lớn, phạm vi địa bàn liên quan đến nhiều địa phương, có liên quan đến yếu tố nước ngoài, từ đó, duy trì khả năng, năng lực thực tiễn và kinh nghiệm điều tra của đội ngũ điều tra viên, từ đó mới có thể hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra cho cơ quan điều tra cấp dưới;

(4) Giám đốc Công an các địa phương, nhất là những địa phương thụ lý ít án (năm 2020 có 12 địa phương chỉ có từ 1 đến 5 vụ án, vụ việc), cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đề xuất Bộ trưởng giao nhiệm vụ về điều tra án cho cơ quan an ninh điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nhằm phát huy, nâng cao vai trò, năng lực của lực lượng an ninh điều tra, giúp giảm bớt áp lực cho cơ quan cảnh sát điều tra, không gây lãng phí nguồn lực;

(5) Tính toán phù hợp giữa thiết chế tổ chức hành chính với thiết chế tổ chức Đảng trong hệ thống cơ quan điều tra, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, trực tiếp và toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền và theo ngành dọc.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ quan điều tra. Đây là nội dung cơ bản, quyết định trực tiếp đến hiệu quả đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra. Theo đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan điều tra, bảo đảm “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ điều tra, có khả năng giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra”. Vì vậy, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp hiện nay.

Để bảo đảm nguồn nhân lực cho cơ quan điều tra, trước mắt cần rà soát, điều động và bổ nhiệm ngay đối với những cán bộ đã bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; căn cứ thực tiễn và dự báo công tác điều tra trong những năm tiếp theo để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ (tổ chức thi tuyển; điều động cán bộ đủ thời gian làm công tác pháp luật ở các đơn vị trong ngành về công tác tại các đơn vị điều tra; phân bổ hợp lý chỉ tiêu tuyển sinh; phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều tra), trong đó chú ý kết hợp tuyển sinh với tuyển dụng đối với những người đã tốt nghiệp đại học các ngành, chuyên ngành gần với ngành điều tra hình sự và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về điều tra các loại tội phạm.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
2. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2001.