Những điểm mới được bổ sung, sửa đổi trong Luật Đấu thầu năm 2023 

TS. Nguyễn Thị Thu Hương
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Sau 10 năm sửa đổi, tại kỳ họp lần thứ 5, ngày 23/6/2023, Quốc hội (khóa XV) đã chính thức thông qua Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước. Luật Đấu thầu năm 2023 gồm 10 chương, 96 điều, bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Luật Đấu thầu năm 2005 và Luật Đấu thầu năm 2013 đã được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thông lệ chung và điều kiện thực tế của đất nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, cải cách thủ tục hành chính, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Qua nhiều năm thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo pháp luật về đấu thầu, năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu được nâng lên, chuyên nghiệp hơn, phân cấp mạnh hơn, cùng với sự phát triển của công nghệ, đấu thầu qua mạng được đẩy mạnh… Thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc và thích ứng nhanh hơn các đòi hỏi từ thực tiễn. Vì vậy, Luật Đấu thầu năm 2023 tiếp tục kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập đó trong quá trình thực hiện luật, đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí trong hoạt động đấu thầu. 

Tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu

So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2023 có một số điểm mới sau:                                                                                                                                             

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, Luật Đấu thầu năm 2023 bổ sung vào điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước. Luật quản lý chặt chẽ hơn hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, trao quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp này trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. 

Thứ hai, về đối tượng tham gia hoạt động đấu thầu, đã bổ sung thêm tại Điều 5: hộ kinh doanh được đưa vào là đối tượng tham gia hoạt động đấu thầu (Luật Đấu thầu năm 2013 không nói đến vấn đề này).  

Thứ ba, mức bảo đảm dự thầu đối với lựa chọn nhà thầu đã có sự thay đổi linh hoạt hơn theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023. Tùy theo quy mô và tính chất của từng dự án, dự án đầu tư kinh doanh, cụ thể: đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu ≤20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu ≤10 tỷ đồng mức bảo đảm dự thầu từ 1% đến 1,5% và một số gói thầu khác từ 1,5% đến 3%; đối với dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư mức bảo đảm dự thầu từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư. Thời gian hoàn trả bảo đảm dự thầu theo khoản 8 Điều 14 Luật 2023 so với khoản 7 Điều 11 Luật Đấu thầu năm 2013 được rút ngắn chỉ còn 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt. Các trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu được bổ sung tại khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023 đối với: nhà thầu không tiến hành/từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Thứ tư, về trường hợp hủy thầu, quy định cụ thể tại Điều 17 Luật Đấu thầu năm 2023 được thay đổi, bổ sung phân chia rõ ràng cho đối tượng nhà thầu và lựa chọn đầu tư:

(1) Đối với lựa chọn nhà thầu, bao gồm: tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023; quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu; nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm; tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm, dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023).                                                                                                                                                                                                    

(2) Đối với lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm: tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành; hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm; tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm, dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư (quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023).

Thứ năm, về chuyển nhượng thầu đã có sự thay đổi, thay vì quy định theo khung cứng tại khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 thì tại khoản 8 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 giao trách nhiệm cho chủ đầu tư và tư vấn giám sát trong vấn đề này.  

Thứ sáu, về các hành vi bị nghiêm cấm. Trên cơ sở tổng kết các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế, tăng cường chế tài và trách nhiệm của người có thẩm quyền. Trong 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023, bổ sung điểm c khoản 3 nhằm mục đích cấm hành vi thông thầu: “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu“. Đồng thời, tại điểm d khoản 5, bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

Thứ sáu, với các hình thức lựa chọn nhà thầu không cạnh tranh như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tự thực hiện, Luật Đấu thầu năm 2023 quy định rõ các trường hợp áp dụng, trách nhiệm khi thực hiện, để bảo đảm minh bạch, hiệu quả, tránh lạm dụng, lách luật để không phải đấu thầu rộng rãi; đã luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg đối với các gói thầu: (1) Gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay; (2) Gói thầu thuê kho lưu giữ hàng tạm giữ, gói thầu thuê vận chuyển, bốc xếp hàng tạm giữ tại các cảng biển, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong trường hợp chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ trong cảng; (3) Gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao phục vụ các câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tập luyện, thi đấu hằng năm.

So với khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2013, Điều 24 Luật Đấu thầu năm 2023 đã bổ sung thêm gói thầu được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp: (1) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; (2) gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng; (3) gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt; (4) Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng đúng quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Đấu thầu năm 2023.

Thứ bảy, về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu, khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023 bổ sung thêm nội dung tùy chọn mua thêm đến 30% khối lượng tương ứng trong hợp đồng khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu (mà Luật Đấu thầu năm 2013 chưa có quy định này). Cụ thể: tùy chọn mua thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng; trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm; tùy chọn mua thêm được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá; khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng; có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm; đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng; chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng.

Thứ tám, về việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, tại Điều 6 Luật Đấu thầu năm 2023 đã bổ sung thêm quy định về việc: nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế. Đồng thời, Luật hóa tiêu chí đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính của nhà thầu (hiện nay được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP). Đây là một trong những điều kiện làm tăng tính minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.

Thứ chín, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế là nội dung quan trọng trong luật sửa đổi lần này. Ngoài một số quy định chung, Luật Đấu thầu năm 2023 đã dành một chương riêng (chương V, từ Điều 53 – 57) quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Có thể tóm lại trong các điểm chính sau:

(1) Tăng cường tính tự chủ, tư chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Đặc biệt, tại Điều 55 Luật Đấu thầu năm 2023 bổ sung một số quy định mới đáng chú ý nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ…

(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù phù hợp đặc thù của ngành Y tế, như: cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu, hoặc duy trì hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở y tế trong điều kiện cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân…

(3) Bổ sung quy định nhằm giải quyết vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (gọi chung là “mô hình máy đặt, máy mượn” theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ để giải quyết vấn đề này).

(4) Chỉnh lý quy định về trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 đối với mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế theo đúng giá mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo đơn giá đã trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn.

(5) Chỉnh lý quy định về ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy, dây chuyền, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến.

Những nội dung quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nêu trên về cơ bản giải quyết được các bất cập hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, thống nhát và đồng bộ của hệ thống pháp luật thì ngoài quy định của Luật 2023cần xem xét sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan về tài sản công, bảo hiểm y tế và dược… cho phù hợp với đặc thù của ngành Y tế.

Để ngăn chặn tình trạng dàn xếp, thông đồng nâng giá khống, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Tại Điều 7 Luật Đấu thầu năm 2023 bổ sung quy định cập nhật thông tin về lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời, bổ sung thêm các thông tin phải đăng tải khi lựa chọn nhà thầu: thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, bổ sung các thông tin phải đăng tải khi lựa chọn nhà thầu về thông tin dự án, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, các nội dung sửa đổi, làm rõ hồ sơ (nếu có), thông tin chủ yếu về hợp đồng, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu.

Thứ mười, về việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu cũng được bổ sung tại Điều 86 Luật Đấu thầu năm 2023 so với Điều 87 Luật Đấu thầu năm 2013 một số quy định mới về việc kiểm tra hoạt động đấu thầu và giám sát hoạt động đấu thầu, nhằm bảo đảm công tác đấu thầu được minh bạch, công bằng. Cụ thể:

(1) Thanh tra hoạt động đấu thầu: thanh tra hoạt động đấu thầu được tiến hành đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 và tổ chức và hoạt động của thanh tra về đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

(2) Kiểm tra hoạt động đấu thầu: kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các hoạt động sau: việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu; việc trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; việc quản lý và thực hiện hợp đồng; các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đấu thầu; kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo phương thức kiểm tra trực tiếp hoặc qua báo cáo bằng văn bản và trình tự, thủ tục kiểm tra: chuẩn bị kiểm tra; tổ chức kiểm tra; kết luận kiểm tra; theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra.

(3) Giám sát hoạt động đấu thầu: người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và pháp luật có liên quan; hoạt động đấu thầu được giám sát bởi cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng; cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý; giám sát hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các nội dung sau: hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và trình tự, thủ tục giám sát hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền: chuẩn bị giám sát; thực hiện giám sát; báo cáo kết quả giám sát.

Thứ mười một, tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Theo điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Đấu thầu năm 2023: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 50. Đồng thời, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu, chất lượng sử dụng hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không có chất lượng. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được kết nối với các cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin khác để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, thông tin phục vụ đấu thầu qua mạng và quản lý nhà nước về đấu thầu, tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.

Kết luận

Công tác đấu thầu là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, nếu các bên tham gia đấu thầu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí. Vì vậy, tổ chức thực hiện tốt sẽ là yếu tố quan trọng để những quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 nhanh chóng đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, nhất là khi công tác quản lý đầu thầu được phân cấp rất mạnh trong giai đoạn hiện nay. 

Các cơ quan có thẩm quyền, các chủ đầu tư, bên mời thầu và các cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu cần nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực chuyên môn, đẩy mạnh hoạt động giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tăng cường hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu lực thực thi quy định pháp luật về đấu thầu tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đấu thầu năm 2013.
2. Luật Đấu thầu năm 2023.
3. Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.