(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 25/01/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia và Cơ quan Giáo dục quốc tế Ca-na-đa (CBIE)* phối hợp tổ chức Tọa đàm quốc tế với chủ đề: “Xây dựng năng lực công chức lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương”. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và bà Larissa Bezo, Chủ tịch, Giám đốc điều hành CBIE đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm, về phía Đại sứ quán Canada tại Việt Nam có: ông Brian Allemekinders, Tham tán, Trưởng Ban Hợp tác phát triển; bà Lê Thị Mai Hương, cán bộ Ban Hợp tác phát triển. Đại diện CBIE: bà Karen Dalkie, Phó Chủ tịch; bà Tatiana Wojtan, cán bộ Quản lý Phát triển và Quan hệ đối tác; đại diện lãnh đạo một số Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan các tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; viên chức, giảng viên Học viện.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho biết Tọa đàm quốc tế là hoạt động thiết thực tạo cơ sở đề xuất, xây dựng dự án hợp tác quốc tế giữa Học viện Hành chính Quốc gia và CBIE với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada nhằm triển khai tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý địa phương tại Việt Nam.
Nhiệm vụ trọng tâm của Tọa đàm là xác định nhu cầu nâng cao năng lực của lãnh đạo, quản lý các địa phương nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương. Tọa đàm mong muốn được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ, các sở, ngành địa phương về những nội dung cụ thể:
(1) Bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương hiện nay; cơ hội thách thức và yêu cầu đặt ra đối với lãnh đạo, quản lý trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương;
(2) Những ưu tiên chính, chương trình đột phá của địa phương; vai trò của lãnh đạo địa phương các cấp trong tổ chức, triển khai các ưu tiên, chương trình đột phá đó;
(3) Xác định các nhóm lãnh đạo, quản lý chủ yếu cần được ưu tiên nâng cao năng lực;
(4) Xây dựng khung năng lực sơ bộ của từng nhóm lãnh đạo, quản lý cần ưu tiên phát triển năng lực;
(5) Trao đổi tình hình thực trạng của lãnh đạo nữ ở địa phương, tỉ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, những khó khăn phụ nữ gặp phải trong quá trình tiếp cận các vị trí lãnh đạo quản lý;
(6) Chia sẻ kinh nghiệm của Canada và Việt Nam trong nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý địa phương và khả năng hợp tác giữa các đối tác Canada với Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia và các địa phương trong triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý địa phương.
Bà Larissa Bezo, Chủ tịch, Giám đốc điều hành CBIE bày tỏ niềm vui và vinh dự được phối hợp đồng tổ chức Toạ đàm quốc tế. Trong chương trình công tác tại Việt Nam, đoàn CBIE đã có những buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ngành tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực miền Trung; lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, bước đầu có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao năng lực công chức lãnh đạo ở địa phương hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Bà hy vọng buổi Toạ đàm sẽ tiếp thu thêm những ý kiến chia sẻ thực tiễn tới từ đại diện lãnh đạo các Sở Nội vụ, sở, ngành khu vực phía Bắc, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn giúp sớm hiện thực hóa triển vọng hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý địa phương giữa CBIE, Học viện Hành chính Quốc gia và các địa phương của Việt Nam trong tương lai.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Brian Allemekinders, Tham tán, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đánh giá cao và kỳ vọng khả năng hợp tác trong xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý giữa CBIE và Học viện Hành chính Quốc gia, đồng thời, nhấn mạnh Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách, chiến lược phát triển Châu Á – Thái Bình Dương đã được Chính phủ Canada xác định nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của khu vực và quốc tế. Ông cũng khẳng định sự cam kết đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ Canada đối với Việt Nam trong các chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững trước thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Các đại biểu dự Toạ đàm đã tích cực trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung liên quan về đặc thù kinh tế – xã hội các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ và những cơ hội, thách thức, vấn đề khó khăn, bất cập trong quản trị địa phương, như: sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; chênh lệch khoảng cách về kinh tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển; khó khăn trong triển khai các chính sách thu hút đầu tư; tầm nhìn tư duy của đội ngũ lãnh đạo, quản lý… Theo đó, đặt ra yêu cầu cấp bách, cần thiết và lâu dài phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý địa phương nhằm thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả quản trị, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương. Trong đó, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý ưu tiên cần nâng cao năng lực, gồm: lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh; cán bộ lãnh đạo cấp huyện; lãnh đạo các sở, ban, ngành; cán bộ cấp phòng, cấp xã, phường.
Các ý kiến thống nhất triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng phải trên tinh thần công khai, công bằng, phát huy tính cạnh tranh, phát hiện đúng đối tượng và bám sát nhu cầu thực tiễn của địa phương. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chú trọng phát triển tư duy, tầm nhìn hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, chính sách; các vấn đề quản trị, quản lý địa phương; những điểm mới trong xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; bổ sung, trang bị và phát triển các kỹ năng mềm; ứng dụng khoa học công nghệ mới trong quản trị, giải quyết các tồn tại, vướng mắc thực tiễn; đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ những vấn đề chuyên môn sâu nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hướng tới phát triển bền vững của từng địa phương và cả khu vực.
Kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đánh giá cao và trân trọng cảm ơn nỗ lực, sự phối hợp của CBIE, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, đặc biệt trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ, sở, ngành các tỉnh phía Bắc và các chuyên gia, đại biểu đã tích cực tham gia và đóng góp ý kiến trong buổi Tọa đàm. Những nội dung trao đổi trên tinh thần chia sẻ thực tiễn từ các địa phương tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế đã mang lại nhiều thông tin đặc biệt có ý nghĩa, giúp định hướng cơ bản nhu cầu, đối tượng, nội dung, yêu cầu về chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở đó có những đề xuất tiếp cận, xác định và đổi mới nội dung, xây dựng và triển khai dự án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương ở Việt Nam sát thực tế, đạt hiệu quả cao thời gian tới.
* Cơ quan Giáo dục Quốc tế Canada (Canadian Bureau for International Education, viết tắt là CBIE) là tổ chức phi lợi nhuận, tham gia xây dựng chính sách, thực hiện, phát triển và quảng bá giáo dục Canada với quốc tế. Sứ mệnh của CBIE là huy động tri thức, năng lực chuyên môn cơ hội và lãnh đạo nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục quốc tế của Canada. CBIE hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung ở 4 lĩnh vực hoạt động chủ yếu: quản lý các trường, các cơ sở giáo dục, đào tạo; tổ chức triển khai các chương trình giáo dục, đào tạo phát triển kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp; triển khai các dự án do Chính phủ Canada tài trợ; quản lý các chương trình học bổng.
CBIE có các tổ chức thành viên trên toàn lãnh thổ Canada, bao gồm hơn 150 trường đại học, học viện, hội đồng giáo dục và trường dạy ngôn ngữ. Trong 50 năm qua, CBIE triển khai trên 100 dự án toàn cầu ở hơn 60 quốc gia với tổng số vốn trên 2,5 tỷ USD với 17 ngôn ngữ khác nhau.