Phẩm cách phụ nữ

Cuốn sách “Phẩm cách phụ nữ” của bà Bando Mariko là một tác phẩm đầy cảm hứng về việc tìm kiếm sự bình đẳng và giải phóng cho phụ nữ. Bà Mariko đưa ra những quan điểm đáng suy ngẫm về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại và cách mà họ có thể tìm kiếm, truyền bá những giá trị tốt đẹp, trong khi vẫn giữ được đức tính nữ tính và tính nhân văn của mình. 

Bà Bando Mariko là nhà bình luận và chủ tịch hội đồng đời thứ 5 Đại học nữ sinh Showa, trải qua các chức vụ như tổng lãnh sự tại lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Brisbane nước Úc (tổng lãnh sự nữ đầu tiên), trưởng phòng bình đẳng nam nữ trong phủ thủ tướng, cục trưởng bình đẳng năm nữ phủ nội các. Các công việc của bà chủ yếu liên quan đến phụ nữ và giải phóng phụ nữ. 

Theo bà đấu tranh cho sự bình đẳng của phụ nữ không có nghĩa là người phụ nữ cũng sẽ được làm tất cả những việc như đàn ông, đỉnh cao nhất của bình đẳng giới là cần tạo dựng môi trường để người phụ nữ phát huy hết được các “thuộc tính nữ” của giới mình.

Trong phần mở đầu cuốn Phẩm cách Phụ nữ bà đã đưa ra 3 lý do khiến bà “cả gan” viết cuốn sách về Phẩm cách phụ nữ như sau:

Thứ nhất, vì trong xã hội hiện đại lẽ sống và vai trò của phụ nữ đã thay đổi, đạo đức truyền thống đã không còn trở nên thông dụng, nhưng những tiêu chuẩn mới lại chưa được xác lập làm nảy sinh sự hỗn loạn. Hoàn toàn không cần thiết phải đòi hỏi người phụ nữ có nữ tính theo mô hình trọng nam khinh nữ, tuy nhiên họ cũng không được phép có những hành động cục cằn, sử dụng những từ ngữ thô lỗ và bắt nạt kẻ yếu. Nhu cầu tìm kiếm những đức tính tốt đẹp mới là vấn đề đang được đặt ra.

Thứ hai, việc tôi nghĩ rằng trong bối cảnh đàn ông chìm đắm trong cái khung con người của tổ chức, con người của xã hội và không thể thoát ra khỏi ma lực của tiền tài, quyền lực thì phụ nữ không được phép dẫm chân vào vết xe đổ của đàn ông để rồi chạy theo quyền lực và sùng bái đồng tiền. Tôi tin rằng phụ nữ cần phải tham gia hoạt động xã hội nhưng đồng thời lại cũng mong ước rằng họ sẽ mang được những gì thuộc về nữ tính được coi trọng, của chính con người họ vào trong các quan hệ xã hội và nơi làm việc. Phụ nữ khi tham gia công tác xã hội mà họ vẫn chỉ nhắm tới việc trở thành “người phụ nữ được việc” và người quản lý có năng lực không thôi thì thật đáng buồn.

Thứ ba, trong bối cảnh tồn tại các vấn đề như vấn đề môi trường toàn cầu, vấn đề mà người dân ở các nước đang phát triển phải đối mặt, già hóa dân số, những vấn đề mới do sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật tạo ra, vấn đề xã hội của chúng ta nên như thế nào, hay chúng ta nên sống như thế nào lại được đặt ra. 

Ngày nay không còn là thời đại mà chỉ cần nghĩ đến hạnh phúc của gia đình mình là đủ. Nó đang cần đến phẩm cách của phụ nữ ở cấp độ toàn cầu.

Cuốn sách là một tài liệu giá trị cho những ai muốn hiểu rõ hơn về vai trò của phụ nữ trong xã hội và tìm kiếm giải pháp để nâng cao phẩm cách và giá trị của chính mình. Đọc sách, ta cũng hiểu rõ hơn về cuộc sống đầy thử thách và cơ hội mà phụ nữ đang đối mặt trên toàn thế giới.

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thuý Vân