Nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 06/5/2024, tại Hà Nội, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa và TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa chủ trì Tọa đàm.

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Khoa Hành chính học giới thiệu đại biểu, chương trình Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; lãnh đạo một số khoa, đơn vị; các nhà khoa học, giảng viên, học viên, sinh viên ngành Quản lý nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng Khoa Hành chính học phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cho biết, ngành Quản lý nhà nước mang tính chất liên ngành, đồng thời, cũng là ngành đặc thù, thế mạnh của Học viện trong đào tạo đại học. Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, qua đó đúc rút kinh nghiệm, giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước của Học viện Hành chính quốc gia. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải mong muốn các đại biểu dự Tọa đàm tập trung làm rõ những vấn đề liên quan, đưa ra giải pháp, kiến nghị cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo, như: (1) Chương trình, giáo trình; (2) Chất lượng giảng dạy của giảng viên; (3) Quá trình học tập của sinh viên; (4) Công tác quản lý, hỗ trợ đào tạo. (5) Sự phối hợp của các đơn vị, khoa chuyên môn.

TS. Phùng Thị Phong Lan, Khoa Hành chính học tham luận.

Tham luận với vai trò là giảng viên Khoa Hành chính học, TS. Phùng Thị Phong Lan chia sẻ những góc nhìn tiếp cận chất lượng đào tạo, đồng thời, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước tại Học viện, như: chương trình đào tạo; đội ngũ giảng viên và viên chức quản lý đào tạo; tài liệu học tập; cơ sở vật chất và trang thiết bị… trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố nguồn sinh viên và ý thức học tập. Theo TS. Phùng Thị Phong Lan, nguồn sinh viên chất lượng là những “hạt giống tốt”, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Qua đó cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, ham học hỏi của sinh viên nhằm xây dựng ý thức học tập, nghiên cứu, nâng cao hiệu quả học tập.

TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Khoa Hành chính học tham luận.

TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Khoa Hành chính học nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời, đánh giá những hạn chế của công tác đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước tại Học viện, như: chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành và vận dụng kiến thức; sinh viên thiếu kiến thức, kỹ năng, thụ động trong suy nghĩ và việc làm; phương pháp và hình thức dạy học chưa đổi mới, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… Qua đó, TS. Anh Thư đề xuất hai nhóm giải pháp: (1) Đổi mới chương trình, đào tạo chuyên sâu cho sinh viên; (2) Nghiên cứu, xây dựng những mô hình đào tạo hiện đại, hiệu quả.

TS. Trần Thu Trang, Khoa Hành chính học tham luận.

TS. Trần Thu Trang, Khoa Hành chính học tiếp cận vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực ngành Quản lý nhà nước trong khu vực công. Qua đánh giá kết quả khảo sát tuyển dụng vào khu vực công của sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý nhà nước, TS. Trang đưa ra một số giải pháp, như: xây dựng lộ trình học tập tổng thể cụ thể, rõ ràng, trực quan; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các học phần…

Quang cảnh Tọa đàm.

Phát biểu tham luận từ góc độ người học, ý kiến của các sinh viên: Nguyễn Tiến Ngọc, lớp Quản lý nhà nước 21C; Lê Minh Nguyệt, lớp Quản lý nhà nước 22A; Nguyễn Thị Quỳnh Nga, lớp Quản lý nhà nước 22D đề cập một số hạn chế trong quá trình học tập chuyên ngành, như: kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; công tác đánh giá, chấm điểm; giáo trình học tập; hoạt động kiến tập, thực tập; định hướng việc làm… Qua đó, đặt ra những yêu cầu đối với công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quản lý nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, giảng viên cao cấp, Khoa Khoa học liên ngành tham luận.

PGS.TS. Nguyễn Minh Phương, giảng viên cao cấp, Khoa Khoa học liên ngành chia sẻ quan điểm đào tạo đại học là giảng dạy khoa học cơ bản, trên cơ sở đó truyền thụ kỹ năng. Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước ở Học viện, cần thay đổi tư duy dạy học gắn với nhu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển xã hội hiện đại. Ông đề xuất một số nội dung cụ thể trong đổi mới công tác biên soạn tập bài giảng, giáo trình; nâng cao hiệu quả cố vấn học tập; thí điểm đăng ký học phần tự chọn; đăng ký học phần đào tạo thạc sĩ đối với sinh viên năm 3, năm 4…

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học là giảng viên các khoa chuyên môn tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, như: đổi mới thiết kế, tái cấu trúc chương trình đào tạo; điều chỉnh, tích hợp kiến thức các học phần đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, chú trọng kỹ năng công dân toàn cầu; tăng cường thực hành, trải nghiệm nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; kết nối, chia sẻ kiến thức liên ngành; xây dựng hệ thống trải nghiệm, tạo động lực giảng dạy, học tập; tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học…

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện bày tỏ sự quan tâm đặc biệt, đánh giá cao chủ đề, các nội dung trao đổi tại Tọa đàm, đề nghị Khoa tổng hợp các ý kiến thành báo cáo cụ thể, chủ động tham mưu, đề xuất với với Ban Giám đốc. PGS.TS. Lương Thanh Cường chia sẻ thêm một số nội dung, như: khuyến khích đăng ký tham khảo dự thính, học tập tín chỉ; tạo điều kiện tổ chức các buổi ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề… một cách linh hoạt, đa dạng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện giáo trình, tài liệu; thiết kế chương trình theo hướng tối ưu kiến thức, cân đối số lượng, kết cấu các tín chỉ, bám sát và đáp ứng chuẩn đầu ra; đổi mới trong kiểm tra, đánh giá… Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước tại Học viện, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt; bên cạnh vấn đề tạo động lực học tập, giảng dạy, cần đặc biệt quan tâm, chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả công tác đánh giá.

Đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trân trọng cảm ơn những ý kiến tham luận trao đổi, gợi mở giải pháp của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham dự tọa đàm. Khoa Hành chính học sẽ ghi nhận và tiếp thu, tổng hợp những ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn, đồng thời, tham mưu Lãnh đạo Học viện nhằm liên tục thay đổi, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “Chất lượng” – 1 trong 3 giá trị cốt lõi của Học viện Hành chính Quốc gia.

Quản Anh