Ảnh hưởng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên đến hình ảnh thương hiệu trường đại học

PGS.TS. Nguyễn Duy Thục
Trường Đại học Văn Lang
Bùi Quang Huy
Học viên Cao học Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong lĩnh vực giáo dục đại học, hình ảnh thương hiệu trường đại học luôn là một trong những yếu tố quan trọng để sinh viên lựa chọn trường học. Nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên đến hình ảnh thương hiệu nhà trường qua khảo sát các giảng viên ở Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số hàm ý nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, từ đó, nâng cao hình ảnh thương hiệu trường đại học.

Từ khóa: Hoạt động; nghiên cứu khoa học; hình ảnh thương hiệu trường đại học; giảng viên; sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, các trường đại học Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ đối thủ trong nước và quốc tế. Nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tăng, vì vậy, lĩnh vực này được xếp trong số các ngành công nghiệp dịch vụ phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới (Alwi và cộng sự, 2019). Để cạnh tranh thu hút người học đã khiến các trường đại học ngày càng phải quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình.

Với vai trò quan trọng của giá trị hình ảnh trường đại học, trên thế giới có rất nhiều học giả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của trường đại học. Nhiều nghiên cứu cho rằng, hình ảnh của trường đại học có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố, như: chất lượng đào tạo, các công trình nghiên cứu, danh tiếng, cơ sở vật chất (Treadwell D. F và  cộng sự, 1994); thành tích học tập, cơ sở vật chất và môi trường thể chất cũng như hiệu suất của chương trình thể thao… (Kazoleas D. và cộng sự, 2001)… 

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế (đặc biệt là các tạp chí ISI và Scopus), năm học 2020 – 2021 là 172 bài; năm học 2021 – 2022: 304 bài; năm học 2022 – 2023: 304 bài1. Góp phần quan trọng tăng thứ tự xếp hạng của trường từ vị trí thứ 20 lên vị trí thứ 18 trong tổng số 186 trường đại học, cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam2. Đây cũng chính là bằng chứng về nghiên cứu khoa học của giảng viên đã góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh thương hiệu của Trường Đại học Thủ Dầu Một.

2. Giả thuyết nghiên cứu

Động cơ nghiên cứu được hiểu là việc tự nguyện, cố gắng làm việc của giảng viên mà công việc đó giúp đạt mục tiêu cá nhân, từ đó, góp phần đạt mục tiêu của tổ chức. Động cơ thực hiện nghiên cứu khoa học có thể đến từ bên ngoài hoặc từ bên trong bản thân của người nghiên cứu (Shkoler & Kimura, 2020). Động cơ từ bên ngoài có thể là những quy định bắt buộc hoặc theo yêu cầu từ bên ngoài để nâng cao uy tín, được công nhận bởi đồng nghiệp (Chen và cộng sự, 2006).

Theo kết quả nghiên cứu của Horodnic & Zait (2015), một số động cơ nghiên cứu, như: thỏa mãn đam mê hay khám phá điều mà nhà nghiên cứu quan tâm; nâng cao uy tín của cá nhân có mối liên hệ tích cực đến hiệu quả của nghiên cứu (Horodnic & Zait, 2015). Mặt khác, kết quả nghiên cứu của Huỳnh Thanh Nhã (2016) chỉ ra động cơ thực hiện nghiên cứu khoa học được xác nhận là nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên. Vì vậy, giả thuyết đưa ra là:

H1: Động cơ nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Năng lực cá nhân nghiên cứu khoa học được xác định là một trong những nhân tố chủ yếu cho thực hiện những hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm: xác định đề tài, thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, kết luận và viết báo cáo cũng như khả năng của cá nhân tự tin thực hiện thành công những công việc của quy trình nghiên cứu khoa học (Nazari và cộng sự, 2020). Năng lực cá nhân hay khả năng nghiên cứu khoa học của cá nhân được xác định là nhân tố tác động mạnh đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên trong nghiên cứu của Huỳnh Thanh Nhã (2016), Cao Thị Thanh và Phạm Thị Ngọc Minh (2018). Từ đó, giả thuyết đưa ra là:

H2: Năng lực cá nhân nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Môi trường nghiên cứu khoa học. Theo kết quả nghiên cứu của Huỳnh Quang Minh (2022), môi trường nghiên cứu khoa học được xác định là nhân tố có ảnh hưởng tích cực đến ý định tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên. Giả thuyết đưa ra là:

H3: Môi trường nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thủ tục nghiên cứu khoa học, bao gồm: đăng ký, xét duyệt, nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học cho đến thủ tục tài chính có liên quan. Huỳnh Quang Minh (2022) cũng đã chứng minh thủ tục nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng đến ý định tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên. Giả thuyết đưa ra là:

H4: Thủ tục nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Lợi ích nghiên cứu khoa học là cấp độ mà cá nhân tin rằng, nghiên cứu khoa học sẽ nâng cao kết quả công tác của họ (Deutsch, 1985). Nghiên cứu khoa học giúp giảng viên đạt những lợi ích như có điều kiện hòa nhập tốt hơn với môi trường, với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực, chủ động hơn trong công việc của mình; góp phần khẳng định uy tín của nhà trường. Nhận thức lợi ích việc nghiên cứu khoa học càng cao càng làm tăng động lực nghiên cứu khoa học của giảng viên (Cao Thị Thanh và Phạm Thị Ngọc Minh, 2018). Mặt khác, Huỳnh Quang Minh (2022) cũng đã chứng minh, lợi ích nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng đến ý định tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên. Giả thuyết đưa ra là:

H5: Lợi ích nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học đến chất lượng giảng viên. Nghiên cứu có tầm quan trọng đối với giảng viên đại học trên ba bình diện. Thứ nhất, nâng cao chất lượng giảng dạy. Thứ hai, khả năng và mức độ thường xuyên nghiên cứu khoa học bảo đảm giảng viên có khả năng hướng dẫn việc nghiên cứu của sinh viên có hiệu quả hơn. Thứ ba, các giảng viên cần phải làm để khẳng định tên tuổi và bảo đảm khả năng thăng tiến trong sự nghiệp. 

Việc giữ được vị trí hiện tại hay đề bạt lên một vị trí cao hơn trong xếp hạng trường đại học dựa vào sự đóng góp kiến thức thông qua nghiên cứu và các công trình công bố qua các bài báo, tạp chí và các tài liệu học thuật khác (Nguyễn Thị Thu Hiền, 2011). Hoạt động nghiên cứu có kết quả tốt nếu trường đại học có những nghiên cứu học thuật nổi tiếng toàn quốc và đóng góp cho xã hội bằng các dự án khoa học của mình. Chất lượng nghiên cứu là một trong những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn trường đại học phù hợp để làm việc. Các học giả thành công ít khi gia nhập vào các trường đại học có chất lượng nghiên cứu thấp. Do đó, giả thuyết đưa ra là:

H6: Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với chất lượng giảng viên.

Chất lượng giảng viên có tác động tích cực đến hình ảnh trường đại học (Kazoleas D. và cộng sự, 2001. Theo (Carrell S.E. và cộng sự, 2011), đội ngũ giảng viên chất lượng cao sẽ thúc đẩy kết quả giáo dục của trường đại học. Thành công về mặt học thuật cũng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của trường đại học. Hơn nữa, nếu giới học thuật đặc biệt coi trọng việc giao tiếp với sinh viên, sinh viên có thể bị ảnh hưởng tích cực bởi điều này và những phản ánh của họ về hình ảnh trường đại học có thể chuyển sang tích cực. Do đó, chất lượng giảng dạy có thể nâng cao hình ảnh của trường đại học theo hướng tích cực. Nghiên cứu Alessandri và cộng sự (2006) đã xem xét tác động của giới học thuật đến hình ảnh và danh tiếng của trường đại học và cho rằng kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những khía cạnh quan trọng ảnh hưởng tới của hình ảnh trường đại học. Chính vì vậy, giả thuyết đưa ra là:

H7: Đội ngũ giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hình ảnh thương hiệu trường đại học.

Hoạt động nghiên cứu khoa học ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trường đại học. Theo Ismail và cộng sự (2021), chất lượng nghiên cứu có tác động tích cực đến hình ảnh trường đại học. Chất lượng nghiên cứu đề cập đến hiệu quả nghiên cứu của trường đại học. Chất lượng nghiên cứu được chấp nhận ở mức cao nếu một trường đại học có những nghiên cứu học thuật nổi tiếng toàn quốc và đóng góp cho xã hội bằng các dự án khoa học. Xã hội coi trọng các hoạt động nghiên cứu vì nghiên cứu chất lượng cao là dấu hiệu cho thấy chất lượng hoạt động tốt của giảng viên và trường đại học, do đó, có tiềm năng phát triển góp phần nâng cao hình ảnh của trường đại học. Nếu trường đại học có ít hoạt động nghiên cứu, sinh viên có thể có cảm xúc tiêu cực đối với trường đại học (Numprasetchai S., Igel B., 2005; Shafaei A. và cộng sự, 2019). 

H8: Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên có mối quan hệ cùng chiều với hình ảnh thương hiệu trường đại học.

Theo kết quả tổng quan nghiên cứu các công trình trong và ngoài nước, với mục đích xây dựng mô hình thực nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên đến hình ảnh thương hiệu của trường đại học, từ đó mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

3. Phương pháp nghiên cứu

Để thu thập dữ liệu nghiên cứu, đã tiến hành khảo sát 134 giảng viên trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Bảng khảo sát gồm hai phần. Phần đầu đại diện cho các câu hỏi nhân khẩu học: giới tính, trình độ học vấn, thâm niên giảng dạy. Phần thứ hai chứa các mục gồm 4 biến quan sát: động cơ nghiên cứu khoa học; môi trường nghiên cứu khoa học; thủ tục nghiên cứu khoa học; lợi ích nghiên cứu khoa học; năng lực nghiên cứu khoa học; hoạt động nghiên cứu khoa học; hình ảnh thương hiệu trường đại học; riêng mục giảng viên (gồm 5 biến quan sát). Bảng câu hỏi sử dụng thang đo Likert 5 mức độ từ 1- Rất không đồng ý đến 5- Rất đồng ý.

Nghiên cứu sử dụng phần mềm Smart PLS 3.3 để đánh giá mô hình. Phần phân tích định lượng được sử dụng trong nghiên cứu, gồm: kiểm tra tính hợp lệ và độ tin cậy của các thang đo trong mô hình đo lường và kiểm tra hệ số đường dẫn của mô hình cấu trúc, đánh giá mô hình cấu trúc và kiểm tra giả thuyết. 

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả mẫu

4.2. Kết quả đánh giá mô hình đo lường

Việc đánh giá mô hình đo lường nhằm xác nhận độ tin cậy và hiệu lực của các cấu trúc và kích thước của chúng. Theo Hair và cộng sự (2017), các giá trị hệ số Cronbach’salpha trên 0,60 và tốt hơn là trên 0,70 được coi là phù hợp trong nghiên cứu khám phá và các giá trị từ 0,70 đối với độ tin cậy tổng hợp (CR) được coi là thỏa đáng. Các chỉ số có hệ số tải trên 0,60 được coi là phù hợp. Phương sai trung bình được trích xuất (AVE) cho các cấu trúc lớn hơn 0,5, cho thấy giá trị hội tụ tốt.

Công cụ được đánh giá về tính hợp lệ của cấu trúc và tính nhất quán bên trong. Tính nhất quán bên trong mô tả mức độ chặt chẽ của các biến quan sát trong đo lường cùng một cấu trúc. Sau khi bỏ bớt các biến quan sát không phù hợp: thang đo các nhân tố (4 biến quan sát, như: động lực nghiên cứu khoa học (DL): (Cronbach’salpha- CA = 0,865); môi trường nghiên cứu khoa học (MT): (CA = 0,860); thủ tục nghiên cứu khoa học (TTUC): (CA = 0,829); lợi ích nghiên cứu khoa học (LOI): (CA = 0,829); năng lực nghiên cứu khoa học (NL): (CA = 0,863); hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên (NCKH): (CA = 0,888); hình ảnh thương hiệu trường đại học (HATH): (CA = 0,891) và thang đo giảng viên (GV) gồm 5 biến quan sát (CA= 0,900). Kết quả đã thể hiện tính nhất quán bên trong được bảo đảm. Bảng 2 cho thấy, hệ số tải, hệ số Cronbach’salpha, độ tin cậy tổng hợp (CR) và phương sai trung bình được trích xuất (AVE).

Phương sai trung bình được trích xuất (AVE) và độ tin cậy tổng hợp (CR) của các cấu trúc đều cao hơn các giá trị được đề xuất lần lượt là lớn hơn 0,50 và lớn hơn 0,70. Do đó, giá trị hội tụ và độ tin cậy được khẳng định. 

Tương tự, giá trị phân biệt cũng được tính toán theo tiêu chí của Fornell và Larcker (1981). Nếu căn bậc hai AVE của các biến tiềm ẩn lớn hơn trị tuyệt đối hệ số tương quan của biến đó với các biến khác thì tính phân biệt thang đo được bảo đảm. Dữ liệu trên đường chéo (in đậm) là căn bậc hai của AVE, các giá trị khác là tương quan với các cấu trúc khác. Từ bảng 3, các biến đều bảo đảm tính phân biệt.

Một tiêu chuẩn đánh giá tính phân biệt khác là chỉ số giá trị phân biệt để đánh giá tính phân biệt của các nhân tố (Hair và cộng sự, 2019). Từ bảng 4 cho thấy, các giá trị phân biệt bằng giá trị phân biệt theo từng cặp thang đo đều nhỏ hơn 0,90. Nên mô hình đo lường đáp ứng yêu cầu về tính phân biệt.

Với các số liệu được đánh giá ở trên, mô hình đề xuất bảo đảm các yêu cầu của một mô hình đo lường trong nghiên cứu này.  

4.3. Kết quả mô hình ước lượng

Đánh giá đa cộng tuyến sử dụng hệ số (VIF), điểm số của các cấu trúc yếu tố dự báo phù hợp với tiêu chí VIF dưới 5 (Hair et al. 2019), có thể được quan sát trong bảng 5. Kết luận mô hình không có đa cộng tuyến.

Kết quả ở bảng 4 cho thấy, năng lực nghiên cứu khoa học ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học ở mức ý nghĩa 5%, môi trường nghiên cứu khoa học ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu khoa học ở mức ý nghĩa 10%. Do đó, các giả thuyết nghiên cứu H2 và H3 được ủng hộ. Kết quả mô hình ước lượng cũng cho thấy, động cơ nghiên cứu khoa học, thủ tục nghiên cứu khoa học, lợi ích nghiên cứu khoa học không ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học, các giả thuyết H1, H4, H5 bị bác bỏ. Tương tự, hoạt động nghiên cứu khoa học ảnh hưởng thuận chiều đến giảng viên và hình ảnh thương hiệu trường đại học, giả thuyết H6 và H8 được ủng hộ. Nhân tố giảng viên cũng ảnh hưởng thuận chiều đến hình ảnh thương hiệu trường đại học, giả thuyết H7 được ủng hộ.

R² đánh giá phần phương sai của các biến nội sinh mà cấu trúc giải thích được. Kết quả thể hiện trong bảng 5: các biến nội sinh trong mô hình ước lượng hoạt động nghiên cứu khoa học giải thích được 68,8% sự biến động của nghiên cứu khoa học, tương tự nhân tố giảng viên và hoạt động nghiên cứu khoa học giải thích được 58,2% cho hình ảnh thương hiệu trường đại học trong mẫu điều tra.

5. Một số hàm ý đề xuất

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, để nâng cao hình ảnh thương hiệu của nhà trường thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Giảng viên đại học có hai nhiệm vụ quan trọng là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên bị ảnh hưởng mạnh từ năng lực nghiên cứu khoa học. Nhà trường cần đưa ra hệ thống giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, như tổ chức các hội thảo kết nối với các nhà khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực chuyên sâu cùng với các phương pháp nghiên cứu khoa học cho giảng viên. Bên cạnh đó, nên tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học theo các nhóm nghiên cứu để giảng viên có khả năng học hỏi lẫn nhau và ngày càng nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học.

Hai là, xây dựng môi trường nghiên cứu khoa họcMôi trường nghiên cứu khoa học cũng ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhà trường nên xem xét và có kế hoạch để xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học tốt, cụ thể nên dành kinh phí để kết nối các nguồn tài liệu cho giảng viên (thư viện trực tuyến với các thư viện lớn trên thế giới), trang bị thiết bị tốt cho các nghiên cứu thực nghiệm, ủng hộ tối đa về vật chất và tinh thần cho các nhà nghiên cứu.

Ba là, tăng cường quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học. Việc tăng cường quảng bá hoạt động nghiên cứu khoa học, một mặt làm tăng hình ảnh thương hiệu nhà trường, mặt khác, cũng là yếu tố động viên khích lệ những nhà nghiên cứu khoa học. Nhà trường nên tổ chức tốt và ngày càng nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của trường, đồng thời, tạo điều kiện quảng bá khích lệ các bài nghiên cứu tốt của giảng viên đăng trên các tạp chí uy tín.

Chú thích:
1. Trường Đại học Thủ Dầu Một (2023). Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm học 2022 – 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.
2. Đại học Thủ Dầu Một tăng 2 bậc, xếp thứ 18 theo Webometrics. https://tdmu.edu.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/dh-thu-dau-mot-tang-2-bac-xep-thu-18-theo-webometrics.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Thu Hiền (2011). Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đề tài cấp cơ sở, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
2. Huỳnh Thanh Nhã (2016). Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường cao đẳng công lập ở thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần thơ, 46 (D), 20 – 29.
3. Huỳnh Quang Minh (2022). Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến ý định tham gia nghiên cứu khoa họccủa giảng viên: Nghiên cứu tình huống Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 56, 16 – 31.
4. Cao Thị Thanh, Phạm Thị Ngọc Minh (2018). Động lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tạp chí Khoa học & Công nghệ, 44, 126 – 131.
5. Alessandri.S.W, Yang S. U., Kinsey D. F., 2006. An integrative approach to university visual identity and reputation. Corporate Reputation Review, 9(4), 258 – 270. https://doi.org/10.1057/palgrave.crr.1550033. 
6. Alwi, S., Che-Ha, N., Nguyen, B., Ghazali, E. M., Mutum, D. M., & Kitchen, P. J. (2019). Projecting university brand image via satisfaction and behavioral response: Perspectives from UK-based Malaysian students. Qualitative Market Research, 23(1), 4768.
7. Carrell S. E., Maghakian T., West J. E., 2011. A’s from Zzzz’s? The causal effect of school start time on the academic achievement of adolescents. American Economic Journal: Economic Policy, 3(3), 62–81. https://doi.org/10.1257/pol.3.3.62.
8. Chen, Yining, Gupta, Ashok, & Hoshower, Leon (2006). Factors that motivate business faculty to conduct research: An expectancy theory analysis. Journal of Education for Business, 81(4), 179-189 
9. Deutsch, T. (1985). Interest in Reading: A Test of Kintsch’s Model. City University of New York. 
10.  Horodnic, I.A. & Zait, Adriana. (2015). Motivation and research productivity in a university system undergoing transition. Research Evaluation, 24(3), 282-292. 
11. Kazoleas D., Kim Y., Moffitt M., 2001. Institutional image: A case study. Corporate Communications: An International Journal. 6(4), 205 – 216. https://doi.org/10.1108/EUM0000000006148.
12. Lafuente-Ruiz-de-Sabando A., Zorrilla P., Forcada J., 2018. A review of higher education image and reputation literature: Knowledge gaps and a research agenda. European Research on Management and Business Economics, 24(1), 8.
13. Lai F., Griffin M., Babin B. J., 2009. How quality, value, image, and satisfaction create loyalty at a Chinese telecom. Journal of Business Research, 62(10), 980 – 986. https://doi.org/10.1016/j.jbusres.2008.10.015
14. Lertputtarak, S. (2008). An investigation of factors related to research productivity in a public university in Thailand: A case study. Victoria University. 
15. Nazari, Naser, Salahshoor, Mohammad Reza, Ozdenk, Gulcan Demir, Zangeneh, Alireza, Lebni, Javad Yoosefi, Foroughinia, Sahar,… Ziapour, Arash (2020).  A study of the components of research self-efficacy in postgraduate students at Kermanshah University of Medical Sciences in 2018. Journal of Public Health, 1-8. 
16. Shkoler, O. & Kimura, T. (2020). How does work motivation impact employees’ investment at work and their job engagement? A moderated-moderation perspective through an international lens, Frontiers in psychology, 11, 38. 
17. Sultan P., Wong H. Y., 2019. How service quality affects university brand performance, university brand image and behavioural intention: The mediating effects of satisfaction and trust and moderating roles of gender and study mode. Journal of Brand Management, 26(3), 332 – 347. https://doi.org/10.1057/s41262-018-0131-3  
18. Treadwell D. F., Harrison T. M., 1994. Conceptualizing and assessing organizational image: Model images, commitment, and communication. Communications Monographs, 61(1), 63 – 85. https://doi.org/10.1080/03637759409376323