Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ vùng trung du và miền núi phía Bắc – nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Nguyên

TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Học viện Chính trị Khu vực I

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, Thái Nguyên đã thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ tham gia các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thông chính trị toàn tỉnh còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Dựa vào số liệu thứ cấp và thực tiễn triển khai, bài viết khái quát thực trạng các chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ ở Thái Nguyên và có thể trở thành gợi ý cho những địa phương khác trong vùng.

Từ khóa: Phát triển đội ngũ; cán bộ, công chức nữ; trung du và miền núi phía Bắc; tỉnh Thái Nguyên.

1. Đặt vấn đề

Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ tham gia các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị tại tỉnh Thái Nguyên còn thấp so với chỉ tiêu đề ra và mục tiêu của chính sách bình đẳng giới. Do đó, việc xác định thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải giáp nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ thực chất là giải quyết vấn đề bình đẳng giới và thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới quốc gia.

2. Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ tỉnh Thái Nguyên

a. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức nữ 

Số lượng, chất lượng cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổng số công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện tỉnh Thái Nguyên đạt mức khá cao so với mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, càng lên vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn trong cơ quan hành chính nhà nước số lượng và tỷ lệ nữ càng thấp (xem Bảng 1)1.

Bảng 1. Số lượng cán bộ, công chức nữ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên cuối nhiệm kỳ 2016 – 2021

Chức danhTổng sốNữTỷ lệ nữ (%)
1. Cấp tỉnh2978327,9
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND)100
Phó Chủ tịch UBND300
Giám đốc Sở và tương đương20315
Phó Giám đốc Sở và tương đương47510,6
Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở và tương đương1023130,3
Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở và tương đương1254435,2
2. Cấp huyện3089631,2
Chủ tịch UBND9222,2
Phó Chủ tịch UBND20525
Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND1162723,3
Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND1636338,7
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu do Sở Nội vụ Thái Nguyên cung cấp tính đến tháng 9/2021

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ cán bộ, công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số ở cấp tỉnh là 19,3%, cấp huyện 18,8%. Trong đó, vị trí trưởng phòng, phó phòng chuyên môn chiếm tỷ lệ cao hơn các vị trí khác, riêng vị trí Giám đốc sở có 1 trên tổng số 3 công chức nữ, chiếm 33,3% (xem Bảng 2)2.

Bảng 2. Số lượng cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số cuối nhiệm kỳ 2016 – 2021

Chức danhTổng số cán bộ lãnh đạo, quản lýNữ
Tổng sốDân tộc 
KinhKhác
Số lượng%Số lượng%Số lượng%
I. Cấp tỉnh2978327,96780,71619,3
Chủ tịch UBND100    
Phó Chủ tịch UBND300    
Giám đốc Sở và tương đương19315,8266,6133,3
Phó Giám đốc Sở và tương đương47510,6480120
Trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở và tương đương 1023130,32270,1 29,9
Phó Trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở và tương đương0000000
II. Cấp huyện3089631,27871,21818,8
Chủ tịch UBND9111,11000
Phó Chủ tịch UBND205255000
Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND1162723,32177,8622,2
Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND1636338,751811219
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ số liệu do Sở Nội vụ Thái Nguyên cung cấp tính đến tháng 9/2021

Trong các cơ quan, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thiếu và ít so với số lượng cán bộ, công chức. Lý giải cho điều này, đội ngũ công chức nữ cho biết họ gặp phải những khó khăn khi tham gia đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý (xem Bảng 3)3.

Bảng 3. Những khó khăn công chức gặp phải trong quá trình tham gia lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên

 Khó khănGiới tính
TổngNamNữ
Số lượng%Số lượng%Số lượng%
1. (Làm quen với môi trường mới)5120,22119,43020,7
2. (Sự ủng hộ của người đứng đầu tổ chức)2911,51110,21812,4
3. (Chăm sóc con cái, bố mẹ già…)2811,198,31913,1
4. (Ủng hộ của đồng nghiệp)166,365,6106,9
5. (Ủng hộ của trưởng phòng/ phó trưởng phòng phụ trách)155,954,6106,9
6. (Ủng hộ của chồng/vợ)135,121,9117,6
7. (Ủng hộ của bố mẹ chồng/vợ)10421,985,5
8.(Ủng hộ của bố mẹ đẻ/nuôi)93,632,864,1
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ khảo sát thực tế năm 2023

Như vậy có thể thấy, nữ giới bị chi phối nhiều hơn bởi các yếu tố về gia đình, chăm sóc con cái, ngại làm quen với môi trường mới hơn so với nam giới, sự ủng hộ của mọi người xung quanh từ cấp trên, đồng nghiệp đến người thân đều là những lý do chi phối công chức nữ. 

b. Thực hiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ

Một là, Tỉnh ủy, UBND, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất quan điểm chỉ đạo, xác định thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

Căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, như: Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 22/10/2021 về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 21/4/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 – 2030″… Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ và phân công cho từng cơ quan, đơn vị tương ứng với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn để triển khai thực hiện. Cụ thể: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách bình đẳng giới; Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoạt động triển khai kế hoạch và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện4

Hai là, lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách cán bộCụ thể:

(1) Công tác đào tạo – bồi dưỡngTỉnh Thái Nguyên áp dụng các quy định của cấp trên về chỉ tiêu tối thiểu 30% nữ tham gia các lớp cao cấp lý luận chính trị. Độ tuổi tham gia các lớp theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và các quy định khác.

(2) Công tác quy hoạch. Quy định về cơ cấu tỷ lệ cán bộ nữ từ không dưới 15% – 25% trở lêntrong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ban lãnh đạo chính quyền là cơ sở để tỉnh thực hiện quy hoạch đạt và vượt mức chỉ tiêu quy hoạch đội ngũ công chức nữ hằng năm và qua các nhiệm kỳ đại hội.

(3) Công tác luân chuyển. Ưu tiên luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ được đào tạo chính quy có triển vọng phát triển; luân chuyển cán bộ hiện đang giữ các chức vụ trưởng, phó trưởng phòng và tương đương, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ chuyên môn cao công tác ở cơ quan cấp tỉnh có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển.6

(4) Công tác bổ nhiệm. Thực hiện quy định về các nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền bổ nhiệm, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử… Trong đó, có đề cập đến việc khuyến khích, bảo đảm tỷ lệ nữ được bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh trong cấp ủy, lãnh đạo, quản lý các cấp. 

Tuy vậy, quá trình thực hiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ ở cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, thực hiện phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các chính sách thành phần (đào tạo – bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm) đều chưa đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch hành động của tỉnh về thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2015 – 2020 và kế hoạch của 3 năm từ 2021 – 2023. 

3. Giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ tỉnh Thái Nguyên

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ đối với công tác cán bộ nói chung. Tăng cường nhận thức về của đội ngũ cán bộ, công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu trong việc ban hành và thực hiện chính sách của địa phương.

Thay đổi nhận thức, giảm dần tiến tới loại bỏ những định kiến giới, như tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” để có sự chuyển biến trong hành động ở khâu tổ chức cán bộ. Bản thân nữ giới cũng cần tự vượt qua những định kiến xã hội và định kiến của chính bản thân, như: tự nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của bảnthân đối với xã hội; chủ động trong nắm bắt cơ hội; chia sẻ để nhận được sự thấu hiểu của gia đình, đồng nghiệp; sắp xếp hợp lý công việc gia đình. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng thông qua truyền thông chính sách về vị trí, vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý là cách thức hiệu quả để thay đổi quan niệm của người dân, cộng đồng trong chính gia đình của họ đối với vợ/chồng, con cái tham gia công vụ. 

Thứ hai, hoàn thiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Trong đó: 

(1) Bảo đảm tính đồng bộ giữa quy định về công tác cán bộ với chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý và đồng bộ giữa các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý giữa các quy định.

(2) Bảo đảm tính kịp thời đối với chính sách ban hành và văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, như: quy định về hỗ trợ cho nữ cán bộ, công chức viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi; quy định về việc điều chỉnh độ tuổi tham gia đào tạo – bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức...

(3) Đối với chính sách cán bộ. Lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở các kế hoạch hành động. Thống nhất từ mục đích, đối tượng, nội dung đến các hoạt động tổ chức thực hiện đều cần đề cập tới nội dung bảo đảm tỷ lệ bình đẳng giới.  

Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, đồng bộ ở các cấp, ngành. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về giới, lồng ghép giới đối với đội ngũ cán bộ, công chức để thực sự thấu hiểu về quan điểm bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý theo tinh thần của Luật Bình đẳnggiới. Cùng với đó, thống nhất giữa mong muốn và hành động của các chủ thể thực hiện và đối tượng thụ hưởng trong thực hiện chính sách. Sự thống nhất giữa mong muốn và hành động khi thực hiện chính sách đối với từng cá nhân cán bộ, công chức sẽ giúp cho họ quyết tâm thực hiện chính sách tốt hơn.

Thứ tư, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở địa phương nhằmtăng cường sự gắn bó chặt chẽ, tập trung thống nhất trong tổ chức thực hiện. Trong đó, cần hoàn thiện các vị trí việc làm và cơ cấu tổ chức thực hiện chính sách bình đẳng giới, phân định rõ vai trò, chức năng tham mưu và quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Phát huy hơn nữa vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên: thể hiện vị thế, vai trò và trách nhiệm trong giới thiệu, đề cử và tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức nữ tham gia hoạt động đào tạo – bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm, nhất là trong công tác tham mưu giới thiệu, tạo nguồn nhân sự tại chỗ.

4. Kết luận

Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu về tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng;nhận thức đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; vai trò của nữ giới ngày càng được khẳng định. Tuy vậy, việc thực hiện các mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ tương ứng với số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nữ trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh còn tồn tại những hạn chế: tỷ lệ quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nữ cao nhưng số lượng được bầu, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý còn thấp so với yêu cầu, mục tiêu; 3/3 chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đều chưa đạt được, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chủ yếu ở các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp phòng và càng lên các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao càng chưa đủ thành phần, cơ cấu theo quy định.

Các giải pháp đưa ra nhằm thực hiện hiện tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ của tỉnh Thái Nguyên và có giá trị tham khảo cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Thực hiện các mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ chính là thực hiện bình đẳng giới theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.  

Chú thích:
1, 2. Tác giả tổng hợp từ số liệu do Sở Nội vụ Thái Nguyên cung cấp tính đến tháng 9/2021.
3. Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát thực tế, năm 2023.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2022). Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 21/4/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 – 2030”.
5. Tỉnh ủy Thái Nguyên (2019). Quy định số 2457-QĐ/TU ngày 01/4/2019 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
6. Tỉnh ủy Thái Nguyên (2021). Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 25/10/2021 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030
2. Tỉnh uỷ Thái Nguyên (2021). Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 22/10/2021 về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025.
3. Thực hiện bình đẳng giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/05/thuc-hien-binh-dang-gioi-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.
4. Tăng cường bình đẳng giới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/12/tang-cuong-binh-dang-gioi-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-cong-nghe-so.