(QLNN) – Đánh giá thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, có thể nói rằng, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, trong đó tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, đó là năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của nền hành chính hiện đại, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Để hiểu rõ hơn về điều này, Tạp chí Quản lý nhà nước đã có cuộc phỏng vấn đối với TS. Nguyễn Tiến Dĩnh – Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
PV: Thưa ông, cải cách hành chính (CCHC) đang hướng tới kết quả của đầu ra là đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về nền hành chính nhà nước trong cung ứng dịch vụ công. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Vậy ông có thể cho biết mục tiêu và vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCC được Chính phủ xác định như thế nào?
Thứ trưởng TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Đánh giá thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, có thể nói rằng, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, trong đó tập trung vào công tác ĐTBD nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC nhà nước, từ việc tuyển dụng, ĐTBD cho đến quá trình sử dụng,…
Tuy nhiên, CCHC trong những năm qua vẫn còn những hạn chế, đó là năng lực thực thi công vụ của CBCC chưa đáp ứng được yêu cầu của nền hành chính hiện đại, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH HĐH) của hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Đảng ta đã xác định xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá và trong chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết 30C của Chính phủ cũng xác định ĐTBD là một trong sáu nội dung để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC.
Để thực hiện, Chính phủ đã có Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 phê duyệt Kế hoạch ĐTBD CBCC giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, xác định rõ đối tượng ĐTBD là CBCC đang công tác trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị – xã hội, Nhà nước từ trung ương đến địa phương; đội ngũ CBCC chính quyền xã, phường, thị trấn và đại biểu HĐND các cấp.
Mục tiêu ĐTBD được xác định rất rõ, đó là: góp phần xây dựng đội ngũ CBCC có trình độ chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ năng lực xây dựng hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền XHCN tiên tiến, hiện đại, đáp ứng công cuộc CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, đến năm 2015 phấn đấu: 100% CBCC từ trung ương đến địa phương được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 80 – 90% CBCC phải được ĐTBD theo chương trình bắt buộc (quy định tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 về ĐTBD CBCC của Chính phủ – sau đây gọi tắt là Nghị định 18).
Đối với CBCC cấp xã, phấn đấu đạt 90% cán bộ đạt chuẩn theo quy định nhưng thấp hơn so với CBCC nhà nước; 70 – 80% công chức cấp xã đảm bảo thực hiện bồi dưỡng theo chế độ bắt buộc hàng năm; 100% cán bộ hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; 100% đại biểu HĐND các cấp được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012. Như vậy, đối tượng và mục tiêu của công tác ĐTBD được Chính phủ xác định rất rõ.
PV: Vậy, để đạt được các mục tiêu trên, công tác ĐTBD cần chuyển hướng như thế nào để đáp ứng việc nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ CBCC hiện nay?
Thứ trưởng TS. Nguyễn Tiến Dĩnh:
Trước hết là, xác định mục tiêu, hình thức, phương pháp ĐTBD, vấn đề phân cấp và đổi mới chương trình ĐTBD. Vừa qua, Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính đã xây dựng các chương trình, tài liệu ĐTBD chung, thống nhất cho các đối tượng là cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và cán bộ quản lý các cấp.
Sau khi Bộ Nội vụ ban hành được chương trình chung, các địa phương, bộ, ngành sẽ căn cứ vào đó để xây dựng bộ tài liệu cho địa phương mình, ngành mình. Chương trình chung phải đảm bảo các yếu tố như: phản ánh được trình độ của các cấp, ngạch, bậc cũng như của các cấp lãnh đạo, quản lý và yêu cầu nhiệm vụ; nội dung các chương trình, tài liệu phải đảm bảo kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực hành, tính liên thông và không được trùng chéo; chương trình phải có hướng mở để được bổ sung, đảm bảo tính cập nhật phù hợp với thực tế.
Từ những hướng trên, Bộ Nội vụ quản lý chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chương trình ĐTBD theo tiêu chuẩn chức vụ, lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo chuyên ngành.
Thứ hai là, xác định chế độ ĐTBD, gồm 4 chế độ: hướng dẫn tập sự đối với công chức trong thời gian tập sự; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức (từ cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp); ĐTBD theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm (hay theo nhu cầu công việc, theo vị trí việc làm). Thời gian tham gia các khoá bồi dưỡng được cộng dồn và yêu cầu CBCC phải được bồi dưỡng tối thiểu 40 tiết trong một năm. Như vậy, Chính phủ đã có đổi mới về chế độ bồi dưỡng.
Thứ ba là, phân cấp và tăng quyền chủ động trong thực hiện ĐTBD cho cơ sở. Tăng quyền chủ động cho cấp dưới, phân cấp ĐTBD ngạch từ cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính giao cho các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành tổ chức thực hiện (trước kia bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính do Học viện Hành chính chịu trách nhiệm). Đối với cán bộ quản lý cấp phòng cũng giao cho bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là bồi dưỡng theo kiến thức bắt buộc, theo vị trí việc làm hay theo chuyên ngành cũng hoàn toàn giao cho các đơn vị, địa phương, bộ, ngành có nhu cầu tự tổ chức ĐTBD.
Gắn với việc tổ chức ĐTBD là quyền được cấp chứng chỉ và chứng chỉ đó có giá trị như nhau. Các trường chính trị, trường đào tạo cán bộ của các bộ, ngành, địa phương được ĐTBD theo sự phân cấp và có quyền được cấp chứng chỉ. Giá trị chứng chỉ bồi dưỡng ngạch giúp cho CBCC có điều kiện để tham gia thi nâng ngạch.
Chứng chỉ ĐTBD cán bộ quản lý có tác dụng để xem xét trước khi đề bạt CBCC. Chứng chỉ về bồi dưỡng bắt buộc để xem xét mức độ hoàn thành công việc của CBCC. Việc khuyến khích các cơ sở nâng cao chất lượng ĐTBD cũng như tạo cho người học có quyền lựa chọn chương trình học và trường học cũng là hướng đổi mới. Hướng tới có modul để chọn và triển khai chương trình ĐTBD theo chế độ bắt buộc, theo vị trí việc làm hoặc theo nhu cầu công việc. Đây là điểm mới cần tập trung thực hiện tốt.
Như vậy, việc thực hiện khép kín từ xây dựng chương trình, tài liệu cho đến chế độ quản lý, phân cấp và ra quyền tự chủ để nâng cao chất lượng ĐTBD CBCC đã được Luật Cán bộ, công chức, Nghị định 18 và chủ trương trong Chương trình CCHC nhà nước cho đến Kế hoạch ĐTBD của Chính phủ đã được thể hiện rất rõ. Nếu chúng ta thực hiện được tốt thì chắc chắn kết quả ĐTBD CBCC sẽ hiệu quả hơn.
Cuối cùng, để năng lực, trình độ CBCC được nâng cao, đòi hỏi khâu tuyển dụng CBCC cũng phải tiến hành chặt chẽ. Quy trình tuyển dụng CBCC sẽ góp phần thực hiện tốt việc quy hoạch, kế hoạch ĐTBD cũng như Chương trình CCHC nhà nước trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, công tác ĐTBD CBCC cũng là khâu hết sức quan trọng, giúp cho CBCC có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.
PV: Theo ông, chương trình, tài liệu bồi dưỡng CBCC hiện nay nên tập trung vào những nội dung gì? Đối với từng vị trí ra sao? Có bao nhiêu vị trí việc làm trong nền hành chính nước ta hiện nay?
Thứ trưởng TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng bắt buộc cần được xây dựng trên cơ sở xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan. Chẳng hạn, ở Bộ Nội vụ có bao nhiêu việc làm? có bao nhiêu vị trí?
Vấn đề này vừa qua, Bộ Nội vụ đã thống kê sơ bộ có 172 vị trí, tuy nhiên, trong xây dựng chương trình, tài liệu ĐTBD không thể xây dựng cho hết 172 vị trí đó được. Bộ đang yêu cầu phải xác định rõ từng vị trí việc làm. Từ vị trí việc làm xác định nhu cầu ĐTBD theo chuyên ngành. Trong vị trí chuyên ngành, cần được cập nhật xem bao gồm những nội dung gì, xuất phát từ nhu cầu công việc và những đề xuất của thủ trưởng cơ quan xác định các nội dung ĐTBD cho từng vị trí việc làm đó.
Không có một chương trình bắt buộc, cứng nhắc. Nó khác với chế độ bồi dưỡng ngạch, nâng ngạch, khác với chế đội ĐTBD cán bộ quản lý phải có chương trình, lượng kiến thức chung, kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế hoặc một số kỹ năng mang tính bắt buộc, còn ở đây là bồi dưỡng theo chế độ bắt buộc theo nhu cầu công việc thì thủ trưởng cơ quan có quyền quyết định chuyên đề cần bồi dưỡng theo nhu cầu công việc.
Về điều này cũng đã được quy định rõ trong Nghị định 18 và Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ. Tóm lại, đây là một chế độ bắt buộc, nó gắn chặt và rất cụ thể đối với từng vị trí việc làm để trả lời rõ cho câu hỏi: Người CBCC đó đang làm gì? Cần được ĐTBD ra sao? Cập nhật nội dung gì?
Điểm mới hiện nay là chương trình bồi dưỡng theo chế độ bắt buộc cho từng vị trí việc làm, để qua đó, CBCC được cập nhật thông tin, trang bị mới và nâng cao kiến thức, kỹ năng thường xuyên, hàng năm theo chế độ bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc đang làm. Đây là chương trình riêng, không có chương trình cứng.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới về phương pháp ĐTBD, phương pháp giảng dạy, xây dựng các modul, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực,… nhằm tránh việc học tập và nghiên cứu một cách thụ động. Còn nội dung ĐTBD theo chương trình chung đối với CBCC các ngạch, bậc vẫn chủ yếu là khối kiến thức lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ.
Như vậy, chúng ta phải thực hiện đồng bộ và phải có chương trình, nội dung đào tạo chuẩn, trước hết, chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải đáp ứng trình độ của ngạch đó; có nội dung mở, nâng cao kiến thức, kỹ năng theo chuyên ngành và đảm bảo yêu cầu cập nhật thông tin.
PV: Về tiêu chí đánh giá chất lượng công tác ĐTBD CBCC hiện nay như thế nào thưa ông?
Thứ trưởng TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Trong Nghị định 18 đã đưa ra những chỉ số để đánh giá kết quả quá trình ĐTBD nhưng chưa chi tiết, cụ thể.
Tất cả các khâu từ tuyển dụng, quy hoạch, ĐTBD,… đều có liên quan đến chất lượng công tác ĐTBD. Điều quan trọng cần phải làm ngay, làm sớm hiện nay là, chúng ta phải xác định được hết từng vị trí việc làm để xây dựng kế hoạch và nội dung cập nhật cho từng vị trí đó. Phải xác định vị trí và nhu cầu của công việc để có những chuyên đề ĐTBD.
Về tiêu chí xác định kết quả công tác ĐTBD, trong Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số chỉ tiêu rất rõ. Bộ Nội vụ có chức năng giúp cho Chính phủ quản lý chương trình, triển khai, đôn đốc thực hiện hàng năm.
Trên cơ sở đó, hàng năm, Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch về kinh phí. Ngoài chương trình này còn nhiều chương trình khác như: chương trình đối với cấp xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg ngày 11/7/2003 về Kế hoạch ĐTBD nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003 -2010,…
Chúng ta cần tiến hành điều tra thực trạng ĐTBD trên cơ sở tiêu chí, tiêu chuẩn CBCC ở Việt Nam để phấn đấu đạt mục tiêu 100% CBCC nhà nước đạt chuẩn vào năm 2015. Tuy nhiên, chuẩn ở các vùng, địa phương lại được xem xét, đánh giá khác nhau trên cơ sở trình độ CBCC thực tế ở nơi đó. Ví dụ, ở khu vực đồng bằng, chuẩn phải đạt từ trung cấp hay đại học trở lên.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng 25 bộ tài liệu cho 7 chức danh cấp xã từ công an, quân đội, tài nguyên môi trường, thống kê, tài chính, văn phòng… đến chức danh bí thư, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cũng được xây dựng để chuẩn hoá. Hiện nay, đã có 10 bộ, ngành tham gia xây dựng chương trình này.
Trong thời gian tới, chúng ta phải quyết tâm có được bộ chỉ số đánh giá hiệu quả, chất lượng ĐTBD. Trong Nghị định 18 cũng có một Chương quy định việc đánh giá về kết quả ĐTBD, nhưng đánh giá thế nào thì còn mang tính chung chung, do vậy, cần sớm xây dựng được bộ chỉ số để có thể đánh giá chính xác. Bộ Giáo dục và Đào tạo có Cục Khảo thí để đánh giá nhưng ở Bộ Nội vụ chưa có. Cục Đào tạo trước kia nay đã chuyển thành Vụ Đào tạo (Cục có chức năng, nhiệm vụ rộng hơn, còn vụ chỉ có chức năng tham mưu).
Rõ ràng công cụ và lực lượng để đánh giá phải đủ lớn. Bộ Nội vụ chỉ có thể đánh giá trên kết quả như: tổng số bao nhiêu công chức đạt được trình độ sơ cấp, trung cấp trở lên, bao nhiêu lớp bồi dưỡng lý luận chính trị… thì rất dễ, còn tác động của nó đem lại hiệu quả như thế nào để người công chức đó sau khi được đào tạo quay trở về làm việc và đạt ở mức độ nào thì chưa thể đánh giá được.
Mặt khác, chất lượng ĐTBD như thế nào thì phải qua sản phẩm công tác. Điều này cho thấy rất khó để đánh giá về chất lượng và thật sự không đơn giản nên nhất thiết phải xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá.
Ngay cả CCHC, để đánh giá kết quả và lượng hoá thì dễ, nhưng để đánh giá tác động của nó là rất khó. Chẳng hạn, qua CCHC, có thể biết kết quả giảm được bao nhiêu thủ tục hành chính, giảm được bao nhiêu bộ máy, giảm bao nhiêu con người…, nhưng tác động của CCHC đã tác động đến phát triển kinh tế – xã hội như thế nào mới khó. Chỉ có được tiêu chí bằng sự hài lòng của người dân trong CCHC về thủ tục hành chính, còn mức độ hài lòng của người dân như thế nào? Đến mức nào? Đã hài lòng chưa hay còn rườm rà? Thái độ của công chức như thế nào?
Quá trình hiện đại hoá mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” đã thuận tiện hơn không? Tóm lại, đánh giá được kết quả là không khó, chúng ta có thể đếm ra được sản phẩm có bao nhiêu nghị định, luật, quyết định, làm được bao nhiêu văn bản nhưng tác động của nó đối với phát triển kinh tế – xã hội như thế nào mới là khó để đánh giá.
Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố để chi phối như là, việc xây dựng một chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ rất công phu nhưng để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng là một quá trình. Việc chậm trễ ban hành các quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành cũng là nguyên nhân gây nên những hạn chế (nếu có). Bộ Nội vụ chỉ có thẩm quyền tham mưu với Chính phủ chứ Bộ không quyết định được và độ trễ đó cứ phải chờ đợi nền hành chính giải quyết?
PV: Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo hiện nay ra sao? Cần tập trung nâng cao chất lượng theo hướng nào để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thưa ông?
Thứ trưởng TS. Nguyễn Tiến Dĩnh: Phải chú trọng và thực hiện tốt việc xây dựng tài liệu, chương trình, giáo trình rồi đến xây dựng đội ngũ giảng viên thì mới nói đến nâng cao chất lượng ĐTBD được. Trong Nghị định 18 của Chính phủ giao cho Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có nhiệm vụ nâng cao chất lượng ĐTBD đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo của các bộ, ngành và địa phương.
Bộ Nội vụ đã có tổng kết và đánh giá về cơ sở vật chất phục vụ ĐTBD của các tỉnh, thành phố hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng băn khoăn chính vẫn là đội ngũ giảng viên và tài liệu, chương trình. Hiện nay, các trường chính trị tỉnh, giảng viên chủ yếu giảng dạy nặng về lý luận chính trị, mặc dù đã có chương trình bồi dưỡng chính trị – hành chính nhưng lại nảy sinh về sự trùng lặp nội dung trong các chương trình.
Mặc dù Nghị định 18 ra đời đã phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, bộ, ngành nhưng trong Thông tư 03/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ lại có hướng dẫn: “Trường hợp cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa đủ điều kiện tổ chức thực hiện có hiệu quả các khoá đào tạo, bồi dưỡng được giao thì có thể ký hợp đồng với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện Hành chính), các học viện khu vực hoặc các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các công ty tư vấn – đào tạo có năng lực và uy tín để tổ chức thực hiện” và không nhất thiết phải là một cơ sở ĐTBD mà thấy nơi nào có thể liên kết ĐTBD đạt chất lượng thì tổ chức mở lớp.
Có thể nói, Luật Cán bộ, công chức và Nghị định 18 ra đời đã có hướng mở, tạo điều kiện để các cơ sở ĐTBD có tính cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD CBCC. Ở cấp huyện có các trung tâm bồi dưỡng, ở cấp tỉnh có trường chính trị tỉnh, các bộ, ngành đều có trường đào tạo cán bộ và thực tế, không có bộ, ngành nào mà không có trường đào tạo cả. Các bộ, ngành và địa phương đều có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của người học, trong trường hợp chưa có đủ điều kiện thì có quyền liên kết với các trường khác. Nhưng quan trọng là chương trình, tài liệu phải chung, đội ngũ giảng viên phải đồng bộ, đạt chuẩn. Và về điều này, Học viện Hành chính cần phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ là ĐTBD đội ngũ giảng viên cho cơ sở.
Về vai trò, vị trí của Học viện Hành chính là một cơ sở theo hệ thống giáo dục quốc dân và Học viện rất khác với các cơ sở đào tạo khác, vì có thực hiện chế độ ĐTBD CBCC. Chức năng, nhiệm vụ của Học viện có bồi dưỡng chứ không riêng chỉ là đào tạo. Rõ ràng, Học viện Hành chính là cơ sở ĐTBD hết sức quan trọng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực cho cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan khác về chuyên ngành hành chính học. Trong thời gian tới, Học viện Hành chính cần tiếp tục mở thêm chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học, góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD CBCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Quan trọng nhất là, Học viện Hành chính cần giúp cho Chính phủ và tham gia vào việc bồi dưỡng CBCC từ trung ương đến địa phương, đặc biệt đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đây vừa là trách nhiệm, nhưng đồng thời là sự phát huy năng lực, lợi thế của Học viện.
Bởi lẽ, Học viện có truyền thống và bề dày trong công tác ĐTBD CBCC, có các giáo sư, giảng viên nhiều kinh nghiệm tham gia vào công tác giảng dạy, bồi dưỡng CBCC và bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hành chính cho đội ngũ giảng viên làm công tác ĐTBD CBCC ở các địa phương, trường đào tạo quản lý cán bộ của các bộ, ngành. Học viện cũng đã và đang tham gia vào xây dựng các chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy phục vụ nâng cao chất lượng ĐTBD. Bên cạnh việc phát huy những thế mạnh đó, Học viện còn rất nhiều việc cần làm và triển khai tích cực hơn cho những năm tiếp theo.
Như vậy có thể nói, Chính phủ đã phân cấp mạnh trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng đối với công tác ĐTBD nhưng đi kèm với phân cấp là công tác quản lý phải tốt và chặt chẽ. Đối với công tác ĐTBD, Chính phủ đã không ngại đổi mới, phân cấp rất mạnh, tạo sự cạnh tranh và giao quyền chủ động cho các trường, các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao năng lực góp phần vào thực hiện công tác ĐTBD CBCC đạt hiệu quả thực sự và thực hiện thắng lợi công cuộc CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Vân – Minh Huệ thực hiện