Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp hiện nay

(QLNN) – Khi nhắc đến cơ hội hay thách thức đối với doanh nghiệp, hầu hết đều chỉ ra các yếu tố như cơ chế quản lý, chính sách thuế, đất đai, điều kiện tiếp cận vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động,… Đây là những yếu tố then chốt, cơ bản và bắt buộc cần có để một doanh nghiệp bất kỳ có cơ hội định hình và thành công. 

 

Báo cáo PCI 2018 của VCCI cho thấy có đến 60% DN cho rằng khó khăn lớn nhất của DN nói chung hiện nay là tìm kiếm khách hàng. – Ảnh minh họa
Cơ hội

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2018 còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp… Với đà tăng trưởng trên, tính cả năm 2018 số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ tiếp tục phá kỷ lục được thiết lập trong năm 20171.

Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng đang chịu tác động, ảnh hưởng đa chiều của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Một là, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến tất cả các khâu của nền kinh tế, bao gồm sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức – thông minh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ tiên tiến giúp tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo và phát triển nền công nghiệp trong dài hạn; giảm chi phí vận chuyển, liên lạc và thương mại, tăng hiệu quả dây chuyền cung cấp. Khâu sản xuất dần được ứng dụng máy móc một cách triệt để, giảm vai trò của người lao động trực tiếp. Những nước có nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào là những nước kém phát triển sẽ càng khó cạnh tranh được với các nước phát triển trong khâu sản xuất.

Hai là, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động khi máy móc dần thay thế con người. Các nghề như luật sư, phân tích tài chính, bác sĩ, kế toán, bảo hiểm hay thủ thư sẽ được tự động hóa một phần hoặc toàn bộ. Sẽ tăng nhu cầu việc làm đối với các loại công việc tập trung trí tuệ, đòi hỏi tính sáng tạo với mức lương cao và loại công việc lao động phổ thông có thu nhập thấp, nhưng sẽ giảm đáng kể nhu cầu với các loại công việc đều đặn, lặp đi lặp lại với thu nhập trung bình.

Ba là, đối với doanh nghiệp, mô hình vận hành được chuyển sang các mô hình số mới, đòi hỏi khâu quy hoạch chiến lược phải đáp ứng nhu cầu vận hành nhanh hơn và linh hoạt, nhạy bén hơn, được ra đời dựa trên nền tảng hiệu ứng mạng lưới của xu thế số hóa. Các chiến lược nền tảng, kết hợp với nhu cầu coi khách hàng là trung tâm và cải tiến sản phẩm bằng dữ liệu, đang chuyển đổi các ngành công nghiệp từ chỗ tập trung bán sản phẩm sang cung cấp dịch vụ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng không còn mua và sở hữu sản phẩm hữu hình mà trả tiền cho dịch vụ họ sử dụng thông qua một nền tảng kỹ thuật số.

Bốn là, nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là “cơ hội vàng” để đi tắt đón đầu về khoa học và công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là quản lý của nền kinh tế.

Năm là, Chính phủ và chính quyền các địa phương đang thực hiện xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Sáu là, việc tăng cường hợp tác chính là yếu tố then chốt và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động, đón đầu trong thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo một cách mạnh mẽ, chuyển nhanh các kiến thức, kết quả nghiên cứu thành sản phẩm. Trong đó, với các lợi thế về nguồn lực, chính sách và tầm ảnh hưởng, các tập đoàn kinh tế nhà nước cần phải chủ động đi đầu, đi trước trong việc nắm bắt thời cơ để xây dựng chiến lược phát triển theo hướng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chủ chốt vào sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác tiếp cận sâu hơn nữa vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta và xu thế chung của thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội trong xu thế thương mại toàn cầu
Thách thức

Nền kinh tế Việt Nam “rất mở”, do đó sẽ chịu nhiều tác động của nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng gặp những thách thức riêng trong việc tạo dựng nền tảng cho phát triển. Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam như “bức tranh pha trộn những sắc màu” với những điểm đáng chú ý:

Nền kinh tế thế giới được dự báo chững lại và thậm chí là giảm đôi chút. Cùng với đó, thương mại thế giới cũng có nguy cơ giảm sút. Các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam có “sự đình trệ” trong bộ máy như các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt chỉ tiêu; hoạt động đầu tư công gần như không có dự án lớn được triển khai. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do Chính phủ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa…

Về môi trường kinh doanh trong nước, số liệu thống kê ghi nhận có tới 131.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng cùng với đó, có tới 91.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo nhiều lý do khác nhau2. Điều này thể hiện điều kiện gia nhập thị trường ở Việt Nam đã “tốt lên rất nhiều” nhưng chất lượng quản lý, vấn đề cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực trong nước còn nhiều vấn đề.

Có 3 thách thức chính là đất đai, tiếp cận vốn, tài chính, thuế và thủ tục hành chính. Các thách thức này, thời gian qua đã có nhiều cải thiện nhưng còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến đất đai.

Năm 2018 đã có nhiều quyết liệt, nhiều cải thiện, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, tuy nhiên, phải tiếp tục và cần thực chất hơn, cái gì không cần thiết thì phải cắt bỏ. Năm 2019, kinh tế Việt Nam gặp thách thức hơn, khó khăn hơn nên Chính phủ cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp, từ 6,6 đến 6,8%3. Áp lực về lạm phát, tỉ giá, lãi suất tăng vẫn còn nhiều. Còn về nội tại, tiến trình tái cơ cấu của chúng ta vẫn còn chưa chuẩn, cải thiện môi trường kinh doanh phải tiếp tục và cùng đó việc phối hợp chính sách cần phát huy tốt.

Riêng đối với doanh nghiệp trong nước, một vấn đề cố hữu từ xưa đến nay đó là sự mất “lòng tin” đối với khối doanh nghiệp trong nước. Trong một buổi họp về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam gần đây, một lãnh đạo đã khẳng định: “Doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực để tham gia vào các dự án BOT của đường sắt cao tốc Bắc – Nam”. Quan điểm nàythể hiện rõ nhất về sự không tin tưởng đối với doanh nghiệp trong nước của Việt Nam.

Thực tế minh chứng cho sự thiếu “lòng tin” vào khối doanh nghiệp trong nước còn rất rõ ràng khi các công trình lớn của quốc gia, đặc biệt là hạ tầng giao thông luôn phải nhờ đến các doanh nghiệp nước ngoài. Và kết quả là, đường sắt trên cao Hà Nội đội vốn nghìn tỷ, Metro TP. HCM cũng đội vốn nghìn tỷ,… Đó là chưa nói đến chất lượng của các công trình? Vậy, câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp nước ngoài hơn doanh nghiệp trong nước ở năng lực gì?

Trong khi đó, năng lực của khối doanh nghiệp nước ta hiện nay không hề yếu và tiềm lực cũng không phải kém. Chẳng hạn như, sân bay Vân Đồn được xây dựng bởi doanh nghiệp trong nước với thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam; ô tô Vinfast với thời gian ra đời nhanh nhất thế giới; Landmark 81 là cao ốc cao top 10 thế giới… Ngoài ra, còn nhiều công trình, sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước tạo ra, vừa chất lượng, vừa hiệu quả, hợp với túi tiền của người dân Việt Nam. Trích lời ông Trương Gia Bình – Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân khi cho rằng, nếu được giao xây sân bay Long Thành, doanh nghiệp Việt làm chỉ dưới 10 năm. “Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân, tôi tin chắc rằng thực thi các dự án không phải 30 năm, mà sẽ dưới 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối doanh nghiệp Việt sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ”.

Dù Chính phủ có nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh” thì doanh nghiệp nước ta không bao giờ hết khó khăn, vướng mắc nhất là trong các việc liên quan đến thủ tục hành chính. Và cho dù chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nhưng để chính sách đi vào cuộc sống thì cần các công chức, những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp có sự chia sẻ, thấu hiểu doanh nghiệp hơn nữa, các nhà “cầm cân nảy mực” cần có thêm lòng tin và trao cơ hội hơn nữa cho khối kinh tế tư nhân, cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Từ năm 2014, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2014 chúng ta xếp hạng thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68 và 2018 là 69. Trong đó, hiệu quả logistics được cải thiện nhiều nhất trong thập niên vừa qua, từ xếp hạng 53 năm 2007 lên 39 năm 20184. Thời gian qua đã có 15 nghị định được ban hành, tuy vậy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm.

Năm 2018, cải cách điều kiện kinh doanh đã đạt được một phần nhưng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh cần phải rà soát, cần có những kiến nghị và quan trọng hơn là làm sao để hiện thực hóa nó bởi vẫn còn có những doanh nghiệp phải chạy ngược chạy xuôi để lo các thủ tục giấy tờ liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa…

Trên thực tế, tại một số bộ phận hành chính, thủ tục còn khá rườm rà, gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp… Điều này cho thấy những nỗ lực chưa đủ mạnh, chưa có chiều sâu và chưa đủ hiệu quả để cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, cần có sự vào cuộc rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương.

Nghị Quyết 02 của Chính phủ ban hành 01/01/2019 thay thế Nghị quyết 19  tập trung vào 5 nội dung chính: điều kiện kinh doanh; quản lý chuyên ngành; thương mại điện tử; dịch vụ công trực tuyến; đổi mới sáng tạo, trong đó môi trường kinh doanh là nội dung trọng tâm mà Chính phủ đầu tư và có những chỉ đạo trực tiếp. Có thể nói đó là sự bứt phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết đã có, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp triển khai chặt chẽ, kịp thời và linh hoạt để Nghị quyết thực sự đi vào thực tế.

Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, Việt Nam – EU đang giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động… Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc theo đuổi mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển cũng được đánh giá sẽ đem lại nhiều chuyển biến tích cực.Việt Nam có những cơ hội (trong ngắn hạn) từ việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chính sách chiến lược của một số nước trong khu vực, như Hàn Quốc với “Chính sách hướng Nam mới” mà trong đó Việt Nam là một trong những nước dành được nhiều sự quan tâm.

Một số đề xuất

Trong Nghị quyết 02, Chính phủ nêu rất rõ công việc của từng cơ quan và giao cho Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giám sát, theo dõi việc thực hiện. Theo đó phải cải cách bộ máy, chọn lựa được người tài vào làm việc. Đặc biệt, phải thực hiện mạnh mẽ công nghệ thông tin, phải thực hiện các nghị quyết về công nghệ thông tin, quan trọng nhất là phải đào tạo, bồi dưỡng cho mọi người có kỹ năng, xóa mù về công nghệ thông tin, Internet. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tổ chức hướng dẫn và đào tạo việc này.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có quỹ để khuyến khích, giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn các doanh nghiệp kết nối. Để các doanh nghiệp phát triển có chiều sâu trước sự cạnh tranh trên trường quốc tế, nhà nước cần có cơ chế bồi dưỡng, thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là giới trẻ, những người nắm giữ công nghệ và nhiệt huyết của sức trẻ. Đây chính là lực lượng nòng cốt quyết định sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua và thực tế cũng cho thấy việc “chảy máu” nhân tài đang là bài toán đau đầu của các nhà quản lý chính sách và doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ khi chủ động được nguồn nhân lực chất xám có chất lượng cao thì mới chủ động được việc nắm giữ được các bí quyết công nghệ, máy móc…

Hiệp hội Doanh nghiệp cần nghiên cứu tình hình, thông báo cho doanh nghiệp kịp thời và dự báo trước những cơ hội và thách thức. Đồng thời, chỉ ra cho doanh nghiệp biết cần phải cải thiện cái gì, tranh thủ tối đa các nguồn lực và cơ hội hợp tác quốc tế để giao thương. Phát huy vai trò kinh tế tư nhân…

Trong thời đại số, đồng nghĩa với sự sáng tạo và đổi mới là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp, là yêu cầu cấp thiết, cần hành động ngay. Theo đó, bên cạnh việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì các công việc khác cũng được chú trọng đầu tư như đổi mới quy trình quản lý, cập nhật công nghệ và khuyến khích sự sáng tạo, tham gia các khóa đào tạo nâng cao thường xuyên của toàn bộ nhân sự trong hệ thống.

Luật Khoa học và Công nghệ tại Điều 3, khoản 16 nêu rõ: Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Đổi mới sáng tạo không chỉ dành riêng cho khởi nghiệp hay doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà ngay cả các doanh nghiệp khác cũng rất cần thiết.

Chính vì vậy, “đổi mới hay là chết” là khẩu hiệu đang khẳng định với các doanh nghiệp rằng, không cần 4.0 thì doanh nghiệp cũng phải đổi mới. Vì vậy, không chỉ đến thời điểm này các doanh nghiệp mới phải đổi mới sáng tạo. Thực tiễn chứng minh rằng, những doanh nghiệp có một thương hiệu nhất định đều đã vật lộn với đổi mới và sáng tạo trong nhiều năm qua. Trong đổi mới sáng tạo thì đổi mới tư duy của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp lại là yếu tố then chốt.

Sáng tạo đổi mới cần phải thiết thực và tạo ra được hiệu quả thực sự, phải tạo ra động lực để thúc để sự phát triển của doanh nghiệp, thúc đẩy sự đóng góp tích cực của cán bộ nhân viên. Vì vậy, cần chú trọng hai yếu tố đó là phát triển nguồn nhân lực và luôn đổi mới, sáng tạo trong việc tạo cơ chế chính sách quản lý tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ vào máy móc, thiết bị.

Hiện nay năng lực và khả năng của con người, của xã hội ở đất nước ta rất lớn. Nếu giải phóng những nút thắt, tháo gỡ những vòng kim cô (nhân danh quản lý) để tận dụng, khai thác hết những tiềm lực này thì sức sản xuất, mức độ sáng tạo và đổi mới của xã hội, của doanh nghiệp, của từng người dân sẽ có cơ hội bung ra, từ đó sẽ có kết quả tốt để đưa đất nước phát triển rất mạnh mẽ.

Việc đổi mói, sáng tạo của doanh nghiệp cần cẩn thận, kỹ càng để việc đổi mới sáng tạo tạo ra kết quả tốt hơn mà không tạo ra hệ lụy xấu, đồng thời nhà nước cần có chính sách, hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích sự đổi mới sáng tạo. Làm thế nào để doanh nghiệp nào cũng chú trọng đầu tư, dổi mới, sáng tạo.

Khó khăn chung của các doanh nghiệp khi mới hoạt động là vốn, nhân lực và mối quan hệ nhưng khác nhau ở ý chí và nghị lực, đồng thời là sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong quá trình hoạt động.

Để các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng hơn, nhà nước nên nới lỏng về chính sách thuế và bớt thanh tra các doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho các chủ doanh nghiệp về cơ hội hội nhập, những chính sách đầu tư và các cơ hội kinh doanh mới, đồng thời có những chính sách khuyến khích kịp thời cho các doanh nghiệp trẻ hoạt động.

Chú thích:
1. Kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2019. Tapchitaichinh.vn. Cập nhật 25/3/2019
2,3. Thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2019. Doanhnghiephoinhap.vn. Cập nhật ngày 01/02/2019
4. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại.tapchicongsan.org.vn. Cập nhật ngày 02/5/2019

Tài liệu tham khảo:
1. Cơ hội và thách thức đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước trong hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tapchicongsan.org.vn. Cập nhật ngày 06/02/2019
2. Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN.

Nguyễn Trung Thành
Giám đốc Công ty Cổ phần Contechs Vina