Tinh giản biên chế trong bộ máy công vụ Việt Nam

(QLNN) – Tinh giản biên chế không đơn thuần là cắt giảm số lượng một cách cơ học và làm theo “phong trào”, “mùa vụ” nhất thời, mà tinh giản biên chế là một việc làm thuận lý theo quy luật vận động tự nhiên của sự đào thải, thanh lọc, làm trong sạch, “làm khỏe” và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự một cách thường xuyên trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động của bộ máy công vụ, để duy trì bộ máy có biên chế hợp lý nhất, có chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt nhất. Đồng thời, tinh giản biên chế cũng là sự phản ánh của vận dụng các quy luật của nền kinh tế thị trường, nhất là quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá trị vào xây dựng bộ máy công vụ.

 

Ảnh: https://laodong.vn
Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, trách nhiệm, hành động về tinh giản biên chế trong bộ máy công vụ

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách về tinh giản biên chế (TGBC) cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nhưng chưa đạt hiệu quả trên thực tế. Việc “Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỷ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều”1.

Do đó, cần kết hợp nhiều nội dung, biện pháp, lực lượng, phương tiện, điều kiện để tiếp tục đổi mới, làm chuyển biến căn bản, có tính đột phá về tư duy, tạo sự đồng thuận, thống nhất nhận thức và việc làm ở từng cá nhân, tổ chức, nhất là trong các cấp ủy đảng, đội ngũ những người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bộ máy công vụ.

Để làm được điều này, trước hết, cần “làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội”2.

Từ đặc điểm lịch sử, văn hóa, truyền thống, tâm lý và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho thấy, giữa tư duy, nhận thức đến trách nhiệm, hành động, việc làm còn khoảng cách lớn, còn nhiều vấn đề lạc hậu, hạn chế, yếu kém cần được khắc phục nghiêm túc và cấp thiết.

Muốn làm chuyển biến căn bản về cách nghĩ, cách tư duy để có nhận thức đúng, quan niệm đúng; kết hợp giữa nhận thức, tư tưởng với giải pháp hành động thì cần có nhận thức đúng về tính tất yếu khách quan, bản chất, nội dung, cách thức, biện pháp TGBC của nền công vụ.

Chúng ta đều hiểu rõ, TGBC liên quan trực tiếp đến chất lượng hoạt động của bộ máy công vụ, đến năng lực và vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đến sự phát triển kinh tế – xã hội, đến sự tồn vong của chế độ xã hội và vận mệnh dân tộc. Chính vì vậy, cần phải “hạch toán kinh tế”, sao cho hiệu quả hoạt động công vụ xứng đáng với ngân sách nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân để “nuôi” và duy trì bộ máy công vụ.

Thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ thể hiện ở trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và tiến bộ xã hội, ở chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của nhân dân, của xã hội.

Việc TGBC của bộ máy công vụ rất cần tập trung vào các đối tượng thoái hóa biến chất, ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm pháp luật, không đáp ứng yêu cầu phẩm chất, trình độ, năng lực, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác; những bộ phận trung gian, phục vụ, cấp phó theo quan điểm “tinh gọn, tinh túy, trong sạch hóa” bộ máy; nói không với “vùng cấm”, với chủ nghĩa “duy tình tùy tiện” và các tiêu cực xã hội trong nền công vụ. Những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, những người đảm nhiệm trọng trách trong bộ máy công vụ phải đề cao vai trò, trách nhiệm, công tâm trong việc TGBC.

Nền công vụ muốn tồn tại, phát triển phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trước tiên và suy đến cùng sẽ phụ thuộc vào số lượng nguồn nhân lực hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực tốt.

TGBC được thực hiện trên cơ sở thống nhất nhận thức, quan điểm và hành động, có căn cứ pháp lý, văn hóa và khoa học; được làm đồng bộ, tổng thể trong toàn hệ thống chính trị nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung và phương thức, cách thức, lộ trình phù hợp; giữ vững ổn định chính trị tư tưởng; tạo được sự đồng thuận nhận thức, phối hợp thực hiện trong hệ thống công vụ và toàn xã hội; xung kích đột phá vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan trung ương đến địa phương, cơ sở.

Tinh giản biên chế trên cơ sở văn hóa pháp lý chặt chẽ

TGBC là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan trực tiếp đến các quan hệ lợi ích, quyền lợi, cuộc sống của con người và các lực lượng không chỉ trong bộ máy công vụ mà cả các giai tầng và trên nhiều lĩnh vực xã hội; là việc làm rất khó thực hiện nhưng bắt buộc phải làm, dù ảnh hưởng trực tiếp đến “lợi ích” của bản thân người tổ chức thực hiện, đến người nhà, người thân quen, đến đồng nghiệp. Do đó, việc bảo đảm cơ sở pháp lý là rất cần thiết.

Bộ máy công vụ với đội ngũ cán bộ, công chức, mà trước tiên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đứng đầu tổ chức đổi mới tư duy và hành động từ “văn hóa duy tình” sang “văn hóa duy lý”, kết hợp giữa tình và lý nhưng coi trọng yếu tố pháp lý, trong đó yêu cầu thực tế phải cải cách, tinh gọn bộ máy, TGBC để nâng cao chất lượng hoạt động của nền công vụ vì nhân dân, vì đất nước.

Coi trọng căn cứ pháp lý là để tạo sự công bằng, bình đẳng, văn minh, khách quan trong việc TGBC đúng việc, đúng người, đúng tổ chức, để được việc, được người, được tổ chức.

Văn hóa pháp lý là sản phẩm của văn minh và trí tuệ nhân loại, với tư cách là “công cụ”, là “chìa khóa” rất hữu hiệu để mở các “ổ khóa” của bộ máy phình biên chế, cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả do hệ quả của những khuyết tật, tiêu cực, văn hóa duy tình trong bộ máy công vụ, kìm hãm sự phát triển đất nước với nhiều hệ lụy từ thời thực hiện cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp đến nay.

TGBC của nền công vụ Việt Nam theo văn hóa pháp lý không phải là việc làm sơ cứng, “cơ học pháp lý”, hoặc “dập khuôn”, “sao chép” mô hình, kinh nghiệm của nước ngoài mà cần bảo đảm tính khoa học và khả thi theo hệ thống thể chế, luật pháp được bổ sung, đổi mới, hoàn thiện, vừa phản ánh được các giá trị văn minh pháp lý của nhân loại, vừa phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc.

Vấn đề đặc biệt quan trọng cùng với việc hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật là tăng cường các giải pháp xây dựng cho được ý thức tôn trọng và năng lực thực hiện nghiêm túc pháp luật, gắn với các biện pháp chế tài nghiêm minh trong toàn hệ thống công vụ, từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Đồng thời, coi trọng sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt về tư duy, lời nói và việc làm trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về TGBC, nhất là tinh giản đối với người nhà, người thân thuộc đối tượng phải tinh giản, trong chính cơ quan, đơn vị do mình lãnh đạo, quản lý.

Cần phải hiểu rõ, TGBC không phải là việc làm tăng – giảm số lượng đơn thuần mà luôn liên quan đến bản chất của tổ hợp các vấn đề cơ cấu bộ máy, chất lượng nhân sự, yêu cầu nhiệm vụ, chính sách nhân sự, hợp đồng lao động, chính sách xã hội, phương thức hoạt động, văn hóa, nhân văn, tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức, vận hành bộ máy…, do đó, để TGBC được hiệu quả thì hệ thống thể chế, chính sách cần được xây dựng, hoàn thiện rất căn bản, đồng bộ, thống nhất, khả thi về các vấn đề có liên quan.

Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách liên quan, có tính quy phạm, điều chỉnh trực tiếp đến công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng gắn với TGBC; đổi mới, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ gắn với sắp xếp, tinh gọn và hiện đại hóa bộ máy.

Tinh giản biên chế gắn với việc tối ưu hóa tổ chức và hoạt động của bộ máy công vụ

Đảng ta chủ trương: “Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đã đề ra. Quy định và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế. Quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương”3.

Thực chất của TGBC, tối ưu hóa là nghiên cứu, khảo sát, cải cách, sắp xếp, điều chỉnh, chuẩn hóa biên chế tổ chức và hoạt động của bộ máy công vụ; bảo đảm tính hợp lý của chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu biên chế, tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, làm cho bộ máy được tổ chức và hoạt động tối ưu, có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và trong tổng thể hệ thống công vụ từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, phục vụ của nền công vụ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, làm cho xã hội phồn vinh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện các năng lực cá nhân.

Trên cơ sở cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy, sẽ sàng lọc, lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực công tác tốt để biên chế cho bộ máy, đồng thời tinh giản được những người, những lực lượng không còn phù hợp, hoặc hạn chế hơn trong cơ chế cạnh tranh khách quan của quy luật thị trường lao động. Do vậy, TGBC được thực hiện theo các quy mô và phương thức khác nhau, kết hợp giữa tinh giản theo từng cơ quan, đơn vị, ở từng lĩnh vực hoạt động công vụ với tinh giản trong tổng thể hệ thống.

Việc sát nhập, giải thể tổ chức không chỉ đánh giá ở việc tăng hay giảm số lượng đầu mối cơ quan, đơn vị mà quan trọng là nghiên cứu hợp lý hóa, hiệu quả hóa giữa nguồn nhân lực và chức năng, nhiệm vụ, chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động công vụ của cá nhân, tổ chức và làm tinh giản tổng biên chế bộ máy theo hướng số lượng biên chế thấp nhất nhưng đảm đương được khối lượng và chất lượng công việc tốt nhất.

Thực tiễn những năm qua, chúng ta đã “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả”4. Bên cạnh đó, bám sát việc nghiên cứu ở từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy nhà nước cùng với các lĩnh vực trong bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và mối quan hệ tương tác, tương đồng giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận thực hiện chức năng lãnh đạo chính trị, quản lý hành chính nhà nước, hoạt động chuyên môn, nghiên cứu, hoạt động sự nghiệp trong tổng thể hệ thống chính trị; nhất thể hóa, kiêm nhiệm hóa các vị trí công tác và tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Chỉ thành lập tổ chức mới khi thật cần thiết trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát cẩn thận về khoa học và thực tế yêu cầu nhiệm vụ nhưng sử dụng được biên chế hiện có theo hình thức kiêm nhiệm để không làm tăng biên chế trong tổng thể bộ máy.

Việc nhất thể hóa, kiêm nhiệm hóa các chức vụ được thực hiện theo lĩnh vực và liên lĩnh vực, theo hệ thống dọc và hệ thống ngang, trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Mặt trận và giữa các bộ máy này với nhau trong mối quan hệ công tác biện chứng của sự tương tác công vụ, chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, vận hành thuận quy luật hoạt động công vụ.

Phương thức nhất thể, kiêm nhiệm chức trách, nhiệm vụ sẽ trực tiếp TGBC, tối ưu hóa tổ chức và hoạt động của bộ máy; triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhanh, tăng tốc độ, năng suất và hiệu quả vận hành của bộ máy, giảm sức ỳ và chi phí hành chính.

Tuy nhiên, vấn đề này sẽ xuất hiện việc tập trung quyền lực nên muốn đạt chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ tốt thì phải lựa chọn, quy hoạch, sử dụng được nhân sự đủ đức đủ tài, đủ tầm đủ tâm, đồng thời gắn với cơ chế kiểm soát và kiềm chế lạm quyền, bảo đảm thực thi công vụ đúng chức trách, quyền hạn của cá nhân, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, “an toàn” và hiệu quả của nền công vụ.

Ảnh: https://giaoduc.net.vn
Tinh giản biên chế trên cơ sở đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ nhân sự; xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng tốt theo yêu cầu nhiệm vụ

Việc TGBC chỉ được hoàn thành theo mục tiêu yêu cầu khi việc cải cách, tối ưu hóa bộ máy và ưu tú hóa nguồn nhân lực theo tôn chỉ, mục đích của nền công vụ là năng suất, chất lượng, hiệu quả phục vụ. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ để “cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài”5.

Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực là việc làm quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở, điều kiện để cải cách, TGBC nhân sự, tinh gọn tổ chức bộ máy. Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện đồng bộ về tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ, “nuôi dưỡng” theo phương châm trọng dụng người có đức có tài, có tâm có tầm.

Kết hợp giáo dục, thuyết phục, tôn trọng sự tự giác, tự trọng của cán bộ lãnh đạo, quản lý, sử dụng nhân sự với sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách, có chế tài nghiêm minh, chặt chẽ, pháp lý để phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong công tác tổ chức, cán bộ, sử dụng nhân lực.

Giữ vững nguyên tắc, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm chính trị của người đứng đầu tổ chức trong thực hiện công tác tổ chức, cán bộ. Luôn coi TGBC là phương thức chọn lọc, không phải đơn thuần là cắt giảm số lượng một chiều mà gắn với tuyển dụng; đào thải những người không đủ tiêu chuẩn, tuyển dụng được người đủ tiêu chuẩn. Trong đó, cần xây dựng, công khai hóa tiêu chí, quy trình, thủ tục, phương thức, kết quả tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm và các chính sách về nghĩa vụ, quyền lợi của nhân sự, nhất là quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt, quan trọng.

Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ nhân sự, xây dựng được môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng để người đủ đức, đủ tài có cơ hội được tuyển dụng, quy hoạch, sử dụng trong bộ máy công vụ, không phân biệt giới tính, thành phần, quan hệ, tôn giáo, dân tộc; đồng thời, TGBC đối với những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cấp trên tài giỏi, đức độ thì sẽ sử dụng được cấp dưới tài giỏi, đức độ; người lãnh đạo, quản lý tài giỏi, đức độ thì sẽ xây dựng, quản lý, sử dụng được những người thuộc quyền và phối hợp công tác có chất lượng tốt.

Việc quy hoạch nhân lực rất linh hoạt, uyển chuyển, tích cực, bất động, có tính cạnh tranh dân chủ, lành mạnh, công khai, văn minh công vụ của thị trường nhân tài, để nhân sự có vào có ra, có lên có xuống, có sử dụng và đào thải, tạo cơ hội cho mọi người được bình đẳng trong phấn đấu, cống hiến, hưởng thụ và tham gia vào kiểm tra, giám sát, xây dựng bộ máy công vụ.

Công tác quản lý, sử dụng nguồn nhân lực cần được đổi mới theo hướng kết hợp quản lý con người với quản lý kết quả và quá trình thực thi để hoàn thành kết quả công việc, từ đó có cơ sở sử dụng và TGBC đúng đối tượng. Cần chú ý chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ cho việc TGBC để bảo đảm sự ổn định chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động của bộ máy, đặc biệt, cần “Bố trí đủ nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức”6./.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 38, 45, 49, 48, 44, 52.
PGS.TS Trần Đình Thắng
Học viện Kỹ thuật Quân sự