Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ

(QLNN) – Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Kết quả nghiên cứu khoa học vì thế còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vị thế, chức năng của Phân viện. Thực trạng đó đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ nói riêng và viên chức, người lao động nói chung tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.

 

Hội thảo khoa học: “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của viên chức, người lao động Học viện Hành chính Quốc gia”, ngày 28/9/2019 (Ảnh: Kim Huy).

Thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên

Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên (sau đây gọi tắt Phân viện) được thành lập vào ngày 16/12/2005 theo Quyết định số 335/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học (NCKH) hành chính.

Hiện tại, số lượng giảng viên trẻ cơ hữu của Phân viện gồm có 05 giảng viên và đều là thạc sĩ. Khi các giảng viên được tuyển dụng về công tác tại Phân viện đều vừa tốt nghiệp đại học (trong đó có 04 giảng viên tốt nghiệp loại giỏi tại Học viện Hành chính Quốc gia). Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2019), họ đã có thâm niên công tác từ 3 – 8 năm.

Hầu hết các giảng viên trẻ cơ hữu tại Phân viện đều ham học hỏi, tìm tòi, khám phá cái mới. Với sự năng động, linh hoạt cũng như nhạy bén của tuổi trẻ, các giảng viên trẻ nắm bắt rất nhanh các nhu cầu của xã hội để từ đó đưa ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu đó. Vì vậy, sự say mê NCKH là một trong những điểm đặc trưng dễ nhận thấy ở các giảng viên trẻ tại Phân viện.

Bên cạnh đó, các giảng viên trẻ cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, động viên, khuyến khích từ phía lãnh đạo Phân viện. Đây là một trong những thuận lợi rất lớn giúp họ phát huy được niềm đam mê NCKH của mình.

Hơn nữa, hiện nay, cùng với các nguồn tài liệu từ sách, báo, internet, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu từ các máy tính ngày càng trở nên dễ dàng hơn với số lượng tài liệu ngày càng phong phú hơn. Điều này cũng là thuận lợi rất lớn để các giảng viên trẻ tiếp cận và khai thác có hiệu quả các nguồn tư liệu phục vụ cho công tác NCKH.

Trong 2 năm trở lại đây (từ năm 2017), nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động NCKH đối với việc nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy nên các giảng viên trẻ đều đã chú trọng và đầu tư hơn cho hoạt động NCKH.

Nếu như trước đây, các giảng viên trẻ chủ yếu tham gia NCKH với tư cách là thành viên của các đề tài cấp cơ sở do các giảng viên có thâm niên làm chủ nhiệm đề tài, đến nay, một số giảng viên trẻ đã tham gia NCKH một cách độc lập với tư cách là chủ nhiệm các đề tài NCKH cấp cơ sở.

Nhiều đề tài có ý nghĩa thiết thực xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác và thực tiễn của Phân viện, của địa phương và xã hội, tiêu biểu là đề án: “Xây dựng đội ngũ giảng viên tại Phân viện khu vực Tây Nguyên”, và các đề tài:“Tạo động lực làm việc cho viên chức, người lao động tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên”;“Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo nhu cầu xã hội tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên”… Hiện cũng có 2 giảng viên là thành viên tham gia viết Lịch sử đảng bộ xã cho thị trấn Ea Súp và xã Ea Lê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Dự kiến công trình sẽ được nghiệm thu vào cuối năm 20191.

Bên cạnh việc tham gia các đề tài khoa học, các giảng viên trẻ tại Phân viện còn viết bài cho các tạp chí chuyên ngành có uy tín (như: Tạp chí Quản lý nhà nước; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Tạp chí Nhân lực khoa học, xã hội; Tạp chí Khoa học Nội vụ; Tạp chí Giáo dục; Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam….); viết bài tham luận cho các hội thảo cấp bộ, cấp nhà nước, quốc tế không chỉ trong Học viện mà còn cả các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khác….

Ngoài ra, nhiều giảng viên trẻ còn là tác giả của các bài viết đăng tải trên website của Học viện, Nội san cho Phân viện cũng như các khoa chuyên môn ngoài Học viện. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có khoảng 15 bài tham luận của giảng viên trẻ được đăng trên kỷ yếu của các hội thảo quốc gia, quốc tế; 3 bài được đăng trên các Tạp chí khoa học trong nước có chỉ số ISSN như: Tạp chí Quản lý nhà nước, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Tạp chí Khoa học Nội vụ…2.

Từ những kết quả nói trên cho thấy, mặc dù số lượng giảng viên trẻ tại Phân viện rất “mỏng” (chỉ có 05 giảng viên) nhưng với những thành tích đạt được bước đầu trong 02 năm trở lại đây là rất đáng ghi nhận. Theo quy định, hằng năm, mỗi giảng viên tại Phân viện phải có tối thiểu 01 điểm NCKH và đủ 270 giờ giảng thì mới được coi là “hoàn thành nhiệm vụ”, song trên thực tế 02 năm vừa qua con số này vượt hơn so với quy định rất nhiều lần.

Trong năm 2018, có giảng viên đạt hơn 5 điểm khoa học, thậm chí có giảng viên còn đạt hơn 8 điểm khoa học3. Hiện tại, đã có giảng viên đã đạt trên 10 điểm NCKH. Đây là một thành tích cao nhất từ trước đến nay tại Phân viện trong hoạt động NCKH.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó, công tác NCKH đối với đội ngũ giảng viên trẻ cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định. Trước hết, do đội ngũ mỏng, trẻ, lại nằm trong cơ sở mới thành lập (gần 15 năm) hoạt động NCKH diễn ra còn “yếu” và “mỏng” nên chưa tương xứng với vị thế và yêu cầu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, các giảng viên trẻ tại Phân viện vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện một công trình NCKH. Phần lớn các giảng viên trẻ đã một hoặc vài lần thực hiện đề tài NCKH với tư cách là thành viên của các đề tài NCKH trước đây. Vì là thành viên, nên mỗi giảng viên đều được chia viết mỗi người một chương, mục, tiểu mục của đề tài mà chưa được thực hiện một công trình NCKH từ đầu đến cuối. Chỉ đến năm 2016, mới manh nha có một đề án được 01 giảng viên thực hiện tất cả mọi công đoạn4.

Một hạn chế nữa là, phần lớn các giảng viên trẻ ngay sau khi về Phân viện phải nhanh chóng học tập để nâng cao trình độ, phù hợp với yêu cầu mà Phân viện đề ra. Việc ôn luyện, thi cử và học tập đã làm mất nhiều thời gian của giảng viên trẻ. Ngoài ra, họ còn phải thực hiện các công tác của Phân viện như: bảo đảm việc giảng dạy đủ giờ chuẩn, soạn bài giảng, coi thi và các hoạt động khác nên chưa có thời gian cho việc tìm tòi, NCKH.

Một bộ phận giảng viên do còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, nên trong quá trình tham khảo tài liệu còn quá lệ thuộc vào Internet. Các tài liệu giảng viên sử dụng đều bằng tiếng Việt, do các nhà nghiên cứu trong nước biên soạn, hoặc dịch lại từ nguyên bản tiếng Anh, Pháp… Vì vậy, tính thiết thực của tài liệu sử dụng giảm đi rất nhiều và nội dung của các công trình nghiên cứu còn chưa phong phú.

Mặt khác, chính sách khuyến khích NCKH còn thiếu tính đồng bộ và chưa tạo được động lực NCKH viên chức, người lao động tại Phân viện. Nguồn kinh phí dành cho các giảng viên trẻ để thực hiện các đề tài NCKH còn khá eo hẹp. Các đề tài nghiên cứu đa phần chỉ dừng lại ở kinh phí vài chục triệu đồng cho một đề tài, đề án. Thậm chí, một số các giảng viên trẻ phải tự trang trải kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu (vì chi phí cho hoạt động nghiên cứu là rất lớn). Đây cũng là điểm bất cập, gây khó khăn cho công tác phát triển NCKH trong giảng viên.

Một trong những khó khăn nữa đối với đội ngũ giảng viên trẻ là hạn chế trong tìm kiếm tài liệu, số liệu phục vụ cho việc NCKH. Mặc dù tại Phân viện đã có phòng thư viện phục vụ học viên và các cán bộ, giảng viên của Phân viện song vì quy mô nhỏ, các tài liệu nghiên cứu chưa thực sự phong phú, đặc biệt là các tài liệu nghiên cứu liên quan và thực sự cần thiết với đề tài hay các hoạt động NCKH lại khó có thể tìm được.

Giải pháp, kiến nghị nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên hiện nay

– Đối với Học viện Hành chính Quốc gia:

NCKH là sự tìm tòi, khám phá tri thức khoa học, mất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc và đòi hỏi chủ thể tiến hành cần có kỹ năng, phương pháp nghiên cứu, niềm đam mê và ý chí, nghị lực. Vì vậy, đội ngũ giảng viên trẻ phải được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm trong NCKH, từ đó giúp họ hiểu và vận dụng thành thạo, tự tin và mạnh dạn tham gia các hình thức và nhiệm vụ NCKH.

Do đó, hằng năm Học viện cần quan tâm mở lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực NCKH cho đội ngũ viên chức, người lao động mà đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ, làm cơ sở để họ nâng cao năng lực NCKH và tạo nhóm nghiên cứu.

Học viện cũng như Phân viện cần có chính sách động viên, khuyến khích, phát triển tài năng trẻ phù hợp nhằm tạo động lực và tính tích cực, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trẻ trong NCKH. Xây dựng cơ chế khen thưởng bằng giá trị vật chất và tinh thần đối với những giảng viên nhiều năm liên tục vượt định mức giờ NCKH. Các chính sách đó có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức cả vật chất và tinh thần.

Tăng kinh phí cho các đề tài NCKH. Hằng năm, các chủ nhiệm đề tài phải huy động nguồn xã hội hóa nhưng việc huy động không đơn giản. Vì kinh phí thấp nên hiệu quả thực hiện không cao, gây áp lực cho hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tế để tăng tính hiệu quả của đề tài. Đặc biệt, cần đơn giản hóa hóa hơn nữa thủ tục thanh quyết toán các đề tài khoa học.

Thực hiện nghiêm túc khâu đánh giá, nghiệm thu các sản phẩm nghiên cứu khoa học của đơn vị, cá nhân, tránh hiện tượng nể nang, dễ dãi trong đánh giá, nghiệm thu. Cần mở rộng số lượng thành viên hội đồng nghiệm thu các đề tài khoa học là người ngoài Học viện hoặc vận dụng hình thức phản biện kín, nhận xét kín. Đối với những đề tài chưa đạt yêu cầu, hội đồng khoa học góp ý và cho bảo vệ lại, khi đạt yêu cầu mới tiến hành nghiệm thu.

Đối với Phân viện khu vực Tây Nguyên:

Cần chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực NCKH cho đội ngũ giảng viên. NCKH là công việc khó, đòi hỏi khả năng tư duy và sáng tạo nên phải có quá trình rèn luyện và nâng cấp dần. Do vậy, việc kèm cặp, định hướng, giúp đỡ, động viên viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ trong NCKH là một công việc rất cần thiết.

Phân viện cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống” NCKH để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của đơn vị. Để xây dựng được đội ngũ có đủ lực và tâm huyết trong NCKH cần có chính sách tuyển dụng không chỉ dựa vào tiêu chí học vị, chức danh khoa học mà cần dựa vào kết quả nghiên cứu đã đạt được và những triển vọng trong tương lai của những đối tượng được tuyển dụng.

Hội đồng khoa học của Phân viện cần xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học hằng năm và mạnh dạn hơn trong tham gia đấu thầu các hoạt động khoa học của địa phương và các cấp.

– Đối với đội ngũ giảng viên: 

Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng, trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với hoạt động NCKH. Khắc phục tình trạng thiếu gắn kết giữa giảng dạy và NCKH hoặc chưa thấy được NCKH là hoạt động rất quan trọng và cần thiết để bổ sung cho hoạt động giảng dạy. Kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện thiếu nhiệt tình, say mê nghiên cứu hoặc thực hiện nhiệm vụ NCKH mang tính đối phó, chỉ nghiên cứu cho đủ chỉ tiêu quy định, ít quan tâm đến chất lượng công trình do mình công bố cũng như uy tín khoa học của bản thân trước đồng nghiệp, trước học viên.

Mỗi giảng viên trẻ phải tích cực nghiên cứu sách báo, tài liệu, tìm đọc các sản phẩm, công trình khoa học có giá trị; chủ động thâm nhập thực tế, điều tra khảo sát, phỏng vấn… để không những mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao trình độ nghiên cứu, mà còn dần nắm vững phương pháp, cách thức tổ chức nghiên cứu, nâng cao khả năng giao tiếp, niềm tin khoa học, từng bước hình thành những tố chất, bản lĩnh, kinh nghiệm, kỹ năng cần có của người NCKH và giảng dạy.

Đồng thời, phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để hình thành niềm đam mê và ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, thậm chí là những thất bại trong quá trình nghiên cứu. Cùng với đó, không ngừng học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, bởi đây là điểm yếu đối với một số giảng viên trẻ tại Phân viện nói riêng, viên chức, người lao động tại Phân viện nói chung./.

Chú thích:
1. Báo cáo quý I, II, III năm 2019 của Bộ môn Pháp luật, Hành chính và Tổ chức và Bộ môn Quản lý nhà nước, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
2.3.4. Tổng hợp từ bảng kê kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học hằng năm của các giảng viên tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
 Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy chế về nghiên cứu khoa học của giảng viên trong các trường đại học và cao đẳng, Hà Nội, 2000.
2. Đào Thị Oanh, Lê Mỹ Dung. Năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục của giảng viên đại học sư phạm, ngày 31/8/2015, http://vncsp.hnue.edu.vn/ban-tron-giao-duc/article/201.aspx

  ThS. Phạm Thị Hằng
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia
khu vực Tây Nguyên