Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Đảng

(QLNN) – Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với nhiều điểm mới, mang tính đột phá, được đánh giá là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực cũng như tiệm cận tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tuy nhiên, để việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 28-NQ/TW thực sự mang lại hiệu quả trên thực tế, cần phải xây dựng hệ thống các giải pháp cụ thể và đồng bộ.

Ảnh minh hoạ: thaibinh.gov.vn

1. Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ các mức đóng góp của người tham gia, thường là sự chia sẻ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, với một phần tham gia của Nhà nước và các nguồn khác. Như vậy, chính sách BHXH là một trong những thước đo quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Những năm qua, BHXH với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong suốt thời kỳ đổi mới, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1995 đến nay, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính.

Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng đã được thực hiện thông qua sự ra đời của nhiều các đạo luật quan trọng, như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật Việc làm năm 2013; Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015… Theo đó, hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phát huy được vai trò, tính hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách cũng như quản lý quỹ BHXH. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH được nâng lên; việc giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ có nhiều tiến bộ.

Hiện nay, các chính sách BHXH đã chuyển dần từ tính chất tự nguyện sang bắt buộc và đang trong lộ trình tiến tới BHXH toàn dân do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức với sự tham gia rộng rãi của người dân. Quỹ BHXH đang trở thành quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất, có sự bảo hộ của Nhà nước với sự tham gia của hàng chục triệu người để bảo đảm an sinh cho người dân trong hiện tại cũng như tương lai khi đến tuổi già.

Cụ thể, hệ thống chính sách BHXH đã bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế. BHXH đang thực hiện 8/9 chế độ BHXH theo thông lệ của các nước và Công ước số 102 (năm 1952) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về những quy phạm ASXH tối thiểu. Số người tham gia BHXH tăng hơn 2,3 lần kể từ ngày 01/01/2007 (thời điểm Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực), đến ngày 31/12/2017 là gần 13,9 triệu người tham gia (trong đó, tham gia BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người). Cùng với việc tăng số người tham gia thì số lượng người hưởng chế độ BHXH cũng không ngừng tăng lên.

Năm 2017, BHXH thực hiện chế độ, chính sách cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hằng tháng; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; hơn 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Tổng số thu – chi BHXH tăng nhanh qua các năm, số thu BHXH năm 2017 là 198.658 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với thời điểm ngày 01/01/2007 và số chi BHXH,  bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2017 là trên 180.000 tỷ đồng1.

Năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch được giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.

Quyền lợi của người tham gia BHXH được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật với 122.843 người hưởng BHXH hằng tháng (trong đó, hưởng lương hưu là 99.290 người); 810.033 người hưởng trợ cấp một lần; 9.750.393 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 768.739 người hưởng chế độ BHTN; 37.743 người hưởng hỗ trợ học nghề… Đặc biệt, chính sách BHXH đã bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng2.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BHXH vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém nhất định: hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế – xã hội; chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới; việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần chưa có xu hướng giảm… Chế độ hưu trí của BHXH còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Các nguyên tắc công bằng, đóng – hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được thực hiện hài hòa, chưa chú ý thỏa đáng nguyên tắc chia sẻ, cách tính lương hưu giữa NLĐ trong khu vực nhà nước và NLĐ trong khu vực tư nhân chưa thật sự công bằng, hợp lý. Quy định điều kiện hưởng lương hưu chặt chẽ trong khi điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng. Số người hưởng chế độ hưu trí tăng nhanh nhưng số người mới tham gia BHXH lại tăng chậm, cùng với tuổi thọ của người dân tăng lên tạo áp lực cho khả năng cân đối của quỹ BHXH.

Đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH chậm được khắc phục; cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn bất cập; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành hoạt động BHXH còn hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa tạo được niềm tin vững chắc để thu hút NLĐ chủ động, tích cực tham gia hệ thống BHXH…

2. Trước thực trạng đó, để khắc phục những hạn chế của chính sách BHXH, đồng thời phát huy tối đa tác dụng tích cực trong đời sống xã hội, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, gồm 11 nội dung cải cách với mục tiêu tổng quát là: “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”3.

Nghị quyết cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể, theo đó, giai đoạn đến năm 2021: phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.

Giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.

Giai đoạn đến năm 2030: phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%4.

Có thể nói, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã kịp thời “tháo gỡ” những hạn chế và có thể được coi như “luồng gió mới” bởi dấu ấn này đã khẳng định một bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu ASXH, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.

Việc thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách, như xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ; cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách sẽ giúp củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu phải đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức; sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của NLĐ; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.

Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Việc ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với chính sách BHXH. Với mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân, có thể khẳng định đây vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức cho các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH cũng như cơ chế tổ chức thực hiện BHXH phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những thách thức trong dịch chuyển lao động, thay đổi cơ cấu ngành – nghề, mối quan hệ lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

3. Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, để BHXH thực sự trở thành trụ cột của hệ thống ASXH với độ bao phủ rộng nhất, hướng tới mục tiêu tất cả người dân đều tham gia và được thụ hưởng chế độ BHXH, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội, đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TW trên các phương tiện thông tin, báo chí nhằm nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHTN, tạo sự đồng thuận trong thực hiện cải cách chính sách BHXH, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm ASXH, an ninh chính trị, trật tự, xây dựng Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền về nội dung này để  làm thay đổi nhận thức của NLĐ và toàn xã hội về chính sách BHXH, coi đây vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của NLĐ để bảo đảm ASXH trước những rủi ro trong cuộc sống.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến cải cách chính sách BHXH. Quốc hội sớm nghiên cứu thể chế hóa quan điểm, mục tiêu và các nội dung cải cách về BHXH trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; rà soát các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Trong giai đoạn 2019 – 2025, chú trọng hoàn thiện chính sách BHXH có liên quan trong quá trình xem xét, sửa đổi các văn bản: Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ; Luật Người cao tuổi năm 2009; Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Luật Việc làm năm 2013, Luật BHXH năm 2014.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan theo hướng kịp thời khắc phục các bất hợp lý của chế độ BHXH hiện hành; thiết lập cơ sở pháp lý để mở rộng diện bao phủ hướng tới BHXH toàn dân. Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; cải cách hệ thống chính sách theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của NLĐ; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW trong từng giai đoạn theo lộ trình đề ra.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHTN. Theo đó, đề xuất các biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; tăng cường phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN; tăng cường cải cách thủ tục hành chính.

BHXH Việt Nam cần thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của ngành, trong đó trọng tâm là rà soát các thủ tục hành chính đã ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản để đánh giá toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ.

Bốn là, xây dựng kế hoạch kiện toàn cơ cấu nhân sự, bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành BHXH. BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quá trình cải cách chính sách BHXH phải gắn chặt với cải cách chính sách tiền lương, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, xây dựng Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN. Bảo đảm cân đối tài chính quỹ BHXH, đầu tư tăng trưởng có hiệu quả theo nguyên tắc bảo tồn quỹ, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch. Bảo đảm sự liên kết, chia sẻ giữa quỹ ngắn hạn và quỹ hưu trí dài hạn.

Sáu là, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH. Cụ thể là: xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH, xây dựng kế hoạch phê chuẩn các cam kết quốc tế, bao gồm các công ước và khuyến nghị của ILO về BHXH.

Chú thích:
1. Nguyễn Mậu Quyết. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 03/8/2018.
2. Báo cáo tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về tình hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 14/01/2019.
3, 4. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Vũ Thị Lan Hương
Trường Đại học Lao động – Xã hội