Hoàn thiện chính sách thương mại biên giới

(QLNN) – Sự đổi mới của chính sách thương mại biên giới thời gian qua đã tạo ra động lực to lớn, tạo được môi trường pháp lý ngày một thông thoáng, thị trường hàng hóa phong phú, các quy luật của kinh tế thị trường được tôn trọng, phát huy được tiềm năng của mọi thành phần kinh tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo ra thế và lực cho nền kinh tế – thương mại của nước ta chủ động hội nhập vào kinh tế khu vực và quốc tế.

Một số kết quả thực thi chính sách thương mại biên giới thời gian qua

Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng được cơ chế, chính sách về thương mại biên giới, bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa biên giới của thương nhân, cư dân biên giới tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, lối mở biên giới. Những quy định về mặt hàng, thương nhân và cư dân biên giới, cửa khẩu và chợ biên giới cũng như chính sách thuế, phí, lệ phí, dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ và các dịch vụ hỗ trợ TMBG khác như kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển, hạ tầng kỹ thuật và thủ tục hành chính tại cửa khẩu ngày càng hoàn thiện.

Thứ hai, Việt Nam đã thiết lập được cơ chế hợp tác song phương từ trung ương đến địa phương với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia về TMBG, xây dựng và thực thi chính sách TMBG. Các hội nghị hợp tác phát triển TMBG Việt – Trung đang ngày càng phát huy hiệu quả trong việc xây dựng và thực thi chính sách phát triển TMBG. Đặc biệt, Hiệp định TMBG Việt – Lào 2015, Hiệp định TMBG Việt – Trung năm 2016 và Hiệp định TMBG Việt Nam – Cam-pu-chia đang đàm phán, ký kết sẽ hoàn thiện thêm các quy định về phát triển TMBG của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Việt Nam – Lào ký kết Hiệp định thương mại biên giới (nguồn: internet).

Thứ ba, Việt Nam bước đầu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa, góp phần tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Đặc biệt, các cơ chế hỗ trợ tổ chức hệ thống phân phối hàng hóa đã thúc đẩy việc mua bán, trao đổi trong TMBG thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa của các nước có chung biên giới.

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt Nam với các nước có chung biên giới ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú, đặc biệt là hàng hóa từ các nước hoặc vùng lãnh thổ thứ ba cũng đang phát triển mạnh mẽ. Hàng hóa trong TMBG không những chỉ được mở rộng về chủng loại, chất lượng mà còn linh hoạt về quy cách, bao bì, nhãn mác.

Thứ tư, chính sách khuyến khích thương nhân và cư dân biên giới đang ngày càng phát huy hiệu quả, đã thu hút được các thương nhân tham gia hoạt động TMBG không chỉ ở vùng biên giới, tỉnh biên giới mà còn từ các địa phương khác của các nước hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thương nhân hoạt động TMBG bao gồm từ các tập đoàn, tổng công ty, công ty lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia đình kinh doanh biên giới. Năng lực cạnh tranh và nguồn lực của các thương nhân hoạt động TMBG ngày càng được củng cố và tăng cường.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích như miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa đã thu hút cư dân biên giới ổn định cuộc sống và phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh tại khu vực biên giới. Lực lượng cư dân biên giới ngày càng đông đảo, tham gia hoạt động trực tiếp mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới và làm tốt các dịch vụ hỗ trợ TMBG, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới.

Thứ năm, hệ thống cửa khẩu và chợ biên giới đã được mở và nâng cấp. Trong giai đoạn 2013 đến nay, hàng chục cửa khẩu và chợ biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia được mở rộng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMBG. Hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và cửa khẩu phụ, lối mở biên giới kết nối với hệ thống giao thông quan trọng của Việt Nam, các nước có chung biên giới cũng như toàn khu vực đã thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất – nhập cảnh người và phương tiện một cách thuận lợi, dễ dàng.

 

Thứ sáu, chính sách thuế, phí, lệ phí đang từng bước được hoàn thiện, nhất là về thủ tục hải quan. Những chính sách miễn giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của thương nhân và cư dân biên giới trong hoạt động TMBG đã được xây dựng và thực thi. Bên cạnh đó, thủ tục về thuế, trong đó có hoàn thuế xuất khẩu đang được thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân. Chính sách phí, lệ phí tại cửa khẩu từng bước được triển khai tích cực theo hướng một đầu mối thu, thống nhất mức thu và giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho thương nhân và cư dân biên giới.

Thứ bảy, dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ ngày càng đa dạng đã khuyến khích các ngân hàng thương mại hợp tác, liên kết với các ngân hàng đối tác bên Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia phát triển dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ trong hoạt động TMBG. Một hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng đã được thiết lập tại các khu vực cửa khẩu biên giới đáp ứng nhu cầu của thương nhân và cư dân biên giới. Đồng thời, dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ ngày càng đa dạng và chi phí ngày càng hợp lý.

Thứ tám, dịch vụ kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển đã thu hút được các nguồn lực đầu tư tư nhân từ Việt Nam, các nước có chung biên giới, cũng như các nước trong khu vực và thế giới.

Thứ chín, hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu biên giới được đầu tư phát triển, các cơ chế, chính sách ưu đãi đã huy động được các nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương, từ các doanh nghiệp và từ các đối tác phát triển quốc tế đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu. Các hạ tầng kỹ thuật cơ bản như nhà điều hành, thiết bị kiểm tra, giám sát được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới…

Một số hạn chế

Công tác hoạch định và thực thi chính sách phát triển TMBG còn nhiều bất cập. Việt Nam còn bị động và lúng túng trong việc điều chỉnh và thực thi chính sách, cũng như các cơ chế quản lý và điều hành hoạt động TMBG giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Điều này là do Việt Nam chưa xây dựng được một chiến lược tổng thể, rõ ràng đối với hoạt động TMBG.

Việt Nam đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động TMBG với các nước có chung biên giới. Tuy nhiên, công tác quản lý và điều hành hoạt động TMBG vẫn trong tình trạng phân tán, chia cắt, chưa có sự phân cấp điều hành linh hoạt từ trung ương đến địa phương. Các tỉnh biên giới đôi khi còn lúng túng và bị động khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động TMBG.

Chưa có chính sách cụ thể để phát triển mặt hàng trong TMBG, điều này đã làm cho: (1) Kim ngạch hàng hóa trong TMBG giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia trong giai đoạn 2013 đến nay tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chưa ổn định, thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế với vai trò cửa ngõ và là cầu nối của các cửa khẩu biên giới đất liền. (2) Cơ cấu hàng hóa trong TMBG giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia còn nhiều bất cập, không bền vững. Hàng hóa trong TMBG có tỷ trọng lớn là nguyên, nhiên liệu và các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, hạn chế về thương hiệu, bao bì, đóng gói, nhãn mác nên có giá trị gia tăng không cao.

Cơ chế, chính sách về thương nhân và cư dân biên giới mới chỉ dừng lại ở mức khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Thương nhân tham gia hoạt động TMBG đa dạng và phong phú, tuy nhiên chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô lô hàng nhỏ, mang tính thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, thương nhân mạnh ai người đó làm, tự cạnh tranh lẫn nhau. Các doanh nghiệp thuộc các loại hình khác nhau và các hộ kinh doanh cá thể chưa hậu thuẫn được cho nhau để tạo thành kênh lưu thông thông suốt.

Hiện nay, hoạt động hỗ trợ xúc tiến TMBG còn nhiều yếu kém, tổ chức các hội chợ chưa đa dạng, chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc khảo sát thị trường. Chưa cung cấp được nhanh và đầy đủ thông tin về cơ hội thương mại và đầu tư cũng như các dịch vụ tư vấn kinh doanh và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa được hỗ trợ về dự báo thị trường, tổ chức thu thập và xử lý thông tin về cơ chế, chính sách cũng như công tác quản lý và điều hành có liên quan.

Tại hầu hết các khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới, cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại nhìn chung còn thấp kém lạc hậu. Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống thanh toán còn thấp kém, tình trạng chung của các chợ biên giới còn rất sơ sài, tạm bợ. Nguyên nhân là vẫn còn tình trạng trông chờ vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều từ các nguồn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác công – tư chưa thực sự khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu biên giới. Vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm khi xây dựng và thực hiện chính sách phát triển TMBG.

Giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại biên giới trong thời gian tới

Một là, cần phải xây dựng cơ chế quản lý theo hướng phân định hàng hóa khu vực ASEAN với hàng hóa ngoài khu vực đi qua các cửa khẩu biên giới trong hoạt động TMBG. Hàng hóa có xuất xứ ngoài khu vực ASEAN đi qua các cửa khẩu biên giới theo đúng thông lệ thương mại quốc tế và các điều ước quốc tế có liên quan. Hàng hóa có xuất xứ ngoài khu vực ASEAN chỉ được đi qua các cửa khẩu quốc tế. Hàng hóa thuộc khu vực ASEAN được đi qua nhiều loại hình cửa khẩu biên giới đất liền.

Hai là, thương nhân và cư dân biên giới là lực lượng nòng cốt cần được khuyến khích và hỗ trợ thích đáng bằng những chính sách cụ thể để hỗ trợ thương nhân và cư dân biên giới trong hoạt động TMBG.

Cần khuyến khích thành lập Hiệp hội kinh doanh TMBG khu vực ASEAN. Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin riêng cho thương nhân và cư dân biên giới khu vực ASEAN.

Ba là, phát triển cửa khẩu và chợ biên giới. Cần phân định rõ các loại hình cửa khẩu được mở cho người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua biên giới để từ đó phân cấp quản lý và điều hành. Nên quy định chỉ có 3 loại hình cửa khẩu, bao gồm: (i) cửa khẩu quốc tế, (ii) cửa khẩu song phương và (iii) cửa khẩu địa phương (bao gồm toàn bộ các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, đường mòn, đường qua lại, điểm thông quan).

Bốn là, bên cạnh các cam kết quốc tế song phương và đa phương, cần có chính sách tương đồng giữa các nước trong khu vực về thuế, phí và lệ phí. Thống nhất phân cấp cho các tỉnh biên giới chủ động rà soát, xem xét và quy định mức phí, lệ phí và thuế kho bãi tại các cửa khẩu biên giới để từ đó có mức thu và đối tượng thu phí tương đồng trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, các Chính phủ khu vực ASEAN cần có cơ chế hỗ trợ các tỉnh để giảm giá phí, lệ phí đối với một số hàng hóa xuất, nhập khẩu như các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu để phát huy lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới.

Năm là, hoàn thiện chính sách thanh toán, tiền tệ. Trước hết, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại đầu tư đặt chi nhánh tại từng cửa khẩu biên giới đất liền trong khu vực ASEAN để tạo sự cạnh tranh và giảm giá thành dịch vụ thanh toán. Tại các cửa khẩu nơi chưa có chi nhánh ngân hàng thương mại, nhất là tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thì cần có quy định lập các quầy giao dịch hoặc bàn đổi tiền để phục vụ nhu cầu của thương nhân và cư dân biên giới.

Xây dựng các khung hợp tác giữa các ngân hàng thương mại của Việt Nam với các ngân hàng thương mại của các nước có chung biên giới như Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia cũng như các nước trong khu vực ASEAN. Qua đó, xây dựng cơ chế hoán đổi tỷ giá công khai và minh bạch giữa VNĐ với đồng tiền bản tệ của các nước khu vực ASEAN và ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đồng thời, thống nhất về thủ tục thanh toán giữa các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới.

Sáu là, hoàn thiện chính sách kho bãi, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển. Dịch vụ kho bãi, gia công, đóng gói, giao nhận, vận chuyển khu vực biên giới giữa Việt Nam với các nước khu vực ASEAN còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển TMBG. Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách, cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện phương thức xã hội hóa để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động TMBG giữa Việt Nam với các nước khu vực ASEAN.

Cần phải hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, các kho thương mại chuyên kinh doanh đối với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản, rau quả tươi và các mặt hàng khác tại các cửa khẩu biên giới. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho lạnh, bến bãi đủ điều kiện để bảo quản và trữ hàng hóa cũng như dịch vụ giao nhận, vận chuyển, gia công, đóng gói, bốc dỡ hàng hóa để bảo đảm điều tiết chủ động theo biến động của thị trường các nước khu vực ASEAN.

Bảy là, hoàn thiện chính sách hạ tầng kỹ thuật và thủ tục hành chính. Cần thống nhất cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý cửa khẩu giữa các nước khu vực ASEAN để hài hòa thủ tục, bảo đảm các hoạt động tại cửa khẩu được thực hiện thống nhất, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, có trật tự, nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa, xuất,- nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải qua các cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính qua các cửa khẩu biên giới khu vực ASEAN.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới (2003 – 2016). Báo cáo tại các Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Hà Nội, 2017.
2. Sở Công thương các tỉnh biên giới Việt Nam (2010 – 2018). Báo cáo tình hình hoạt động thương mại biên giới.
3. Trần Đình Thiên. Liên kết kinh tế ASEAN vấn đề và triển vọng. H. NXB Thế giới, 2005.
4. Trịnh Thị Thanh Thủy. Phương hướng điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu khi Việt Nam là thành viên của WTO. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2008, Bộ Công Thương.
Bùi Bá Nghiêm
Bộ Công thương