Chuyển hướng công tác dân số từ dân số – kế hoạch hoá gia đình sang định hướng dân số và phát triển là nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi. Tuy nhiên, từ việc chỉ tập trung làm công tác dân số – kế hoạch hóa gia đìnhthì đến nay, Việt Nam cần có giải pháp mang tính toàn diện trong giải quyết cả quy mô, cơ cấu, phân bố dân số trong tình mới là tập trung vào dân số và phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo.

Sáng ngày 24/12, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về Dân số và phát triển, hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam (26/12). Đến dự Hội thảo, có PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Bạch Dương – Trợ lý trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, UBMTTQ Việt Nam; Đại tá Nguyễn Thị Việt Hoa – Chánh Văn phòng Uỷ ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, Bộ Quốc phòng; TS. Bùi Phương Đình – Viện trưởng Viện Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bà Đỗ Thị Hồng Vân – Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về phía lãnh đạo Tổng cục DS – KHHGĐ, có: ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng; ông Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng Cục trưởng; ông Mai Trung Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và KHHGĐ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2020, Tháng hành động quốc gia về dân số được tổ chức với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Nghị quyết số 21/NQ-TƯ năm 2017 của Hội nghị Trung ương Sáu (khoá XII) về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân số cũng như sự đóng góp trong chuyển trọng tâm công tác dân số – KHHGĐ sang dân số và phát triển. Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TƯ và 10 năm thực hiện chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cho thấy, quy mô dân số của nước ta hiện nay đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã được khống chế thành công, tỷ lệ bình quân tăng dân số giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua.

Từ năm 2007, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển biến tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68% tổng dân số vào năm 2019. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bước đầu đã được khống chế và giảm còn 111,5 bé trai/110 bé gái. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước cùng mức thu nhập. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc và thể lực của người Việt Nam có cải thiện, dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Mỗi gia đình có 2 con đã thấm sâu và đã trở thành chuẩn mực của toàn xã hội. Kết quả về công tác dân số đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước.

Ông Mai Trung Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số và KHHGĐ.

Ông Mai Trung Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số và KHHGĐ, Tổng cục DS – KHHGĐ nêu ra sự cần thiết của KHHGĐ không chỉ để điều chỉnh mức sinh mà còn giúp người dân thực hiện biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn, dự phòng vô sinh, giảm phá thai, cải thiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó tập trung vào 3 nội dung chính: bối cảnh xây dựng chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030; nội dung chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg) và các hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch hành động.

ông Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục DS – KHHGĐ nêu xu hướng già hoá dân số tại Việt Nam.

Về vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi đến năm 2030, ông Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục DS – KHHGĐ nêu xu hướng già hoá dân số tại Việt Nam trong những năm tới và khẳng định đó là vấn đề quan trọng cần được Đảng, Nhà nước quan tâm ngay về chính sách, hệ thống an sinh xã hội nhằm thích ứng với tình trạng già hoá nhanh. Từ đó, đưa ra mục tiêu cụ thể chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, UBMTTQ Việt Nam cung cấp các nội dung trọng tâm về công tác dân số đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn: cung cấp cho các đại biểu trọng tâm chuyển hướng của công tác dân số; các hoạt động chính theo định hướng dân số và phát triển và xác định được các chủ đề về dân số và phát triển cần truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, hướng dẫn MTTQ các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông dân số đến năm 2030 và hướng dẫn thực hiện Chương trình “Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030”.

Đại tá Nguyễn Thị Việt Hoa – Chánh Văn phòng Uỷ ban Dân số, gia đình, trẻ em, Bộ Quốc phòng.

Đại tá Nguyễn Thị Việt Hoa – Chánh Văn phòng Uỷ ban Dân số, gia đình, trẻ em, Bộ Quốc phòng cho rằng, lực lượng quân đội luôn tích cực triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp, xây dựng các mô hình truyền thông dân số lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ cho bộ đội và nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, các đơn vị đóng quân ở những vùng nói trên thường xuyên khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn đóng quân, nhất là những nơi cơ sở y tế địa phương còn thiếu, yếu. Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em của Bộ Quốc phòng cũng đưa ra một số đề xuất với Tổng cục DS – KHHGĐ, cụ thể: tiếp tục quan tâm xây dựng chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân số trong quân đội cũng như có sự phối hợp thực hiện tốt công tác dân số tại địa phương nơi đóng quân; tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác dân số đối với các địa phương và các bộ, ngành những nội dung cập nhật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình hiện nay; đồng thời, đề nghị Tổng cục DS – KHHGĐ xây dựng bộ tài liệu chuẩn về nội dung, chương trình truyền thông dân số ở cấp cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân nói chung và cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong quân đội nói riêng về thực hiện nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình hiện nay.

TS. Bùi Phương Đình – Viện trưởng Viện Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

TS. Bùi Phương Đình – Viện trưởng Viện Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong việc hợp tác giữa Học viện và Tổng cục Dân số, còn thiếu chương trình tổng thể theo giai đoạn và theo năm, thiếu nguồn lực để nghiên cứu vấn đề dân số và phát triển phục vụ xây dựng chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nguồn kinh phí dành cho biên soạn bài giảng cho các hệ lớp, đa dạng hoá chương trình đào tạo cho các đối tượng học viên… TS. Bùi Đình Phương có đưa ra một số kiến nghị nhằm xác định rõ hơn định hướng xây dựng chương trình giảng dạy dân số và phát triển vào các hệ đào tạo tại Học viện, cụ thể: cần xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Tổng cục Dân số và Học viện, trong đó có kế hoạch theo năm, theo giai đoạn; cần chú trọng đầu tư cho việc biên soạn, cập nhật bài giảng đối với chương trình đào tạo tại Học viện; mở rộng các lớp tập huấn cho đội ngũ giảng viên hệ thống 63 Trường Chính trị tỉnh và 11 trường bộ, ngành đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Bà Đỗ Thị Hồng Vân – Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Hồng Vân – Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định việc thực hiện mục tiêu của công tác dân số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, Tổng Liên đoàn có bộ phận chuyên trách về công tác dân số. Trong giai đoạn hiện nay, với trọng tâm công tác dân số chuyển sang dân số và phát triển, các hoạt động của tổ chức công đoàn tập trung vào lực lượng công nhân, lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Để góp phần thực hiện mục tiêu của công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá XII), Tổng Liên đoàn lao động đã xây dựng kế hoạch hành động và triển khai nhiều hoạt động, cụ thể: sự chỉ đạo, hoạt động của Ban Chấp hành công đoàn các cấp về công tác dân số; công tác tuyên truyền, vận động; tích cực tham gia nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về công tác dân số; tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn và phối hợp với các cơ quan liên quan về công tác dân số.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo với mục đích tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đối với công tác dân số của Việt Nam. Đồng thời, cung cấp những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cho các cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nướcđã  diễn ra thành công tốt đẹpvà ý nghĩa nhân Tháng hành động quốc gia về dân số.

Tin, ảnh: Thu Hương