Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến công tác tôn giáo và có các chính sách phù hợp đối với công tác tôn giáo trong từng thời kỳ, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo sẽ phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tuy nhiên, hiện nay, một số chính sách còn có sự chồng chéo gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức thực hiện. Do vậy, trong thời gian tới, cần cụ thể hóa một số văn bản để thực thi chính sách đạt hiệu quả cao hơn.
Hội nghị tổng kết công tác 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/01/2019. Ảnh: TTXVN.
Một số kết quả thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, xác định tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, phát huy giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo; đồng thời, tiếp tục chủ trương đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, đoàn kết tôn giáo là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tôn trọng quyền tự do TNTG, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế, đây là một trong những quyền cơ bản của công dân, được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định (Hiến pháp năm 2013). Luật TNTG năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG. Tự do TNTG không chỉ đối với người Việt Nam có đầy đủ quyền công dân, mà đó còn là quyền của những người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp giáo dưỡng, cai nghiện, là quyền của người mang quốc tịch khác, đang cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam.

Cùng với đó, những quy định về mở trường lớp, đào tạo chức sắc, nhà tu hành cũng được ban hành và thể chế hóa, số lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành không ngừng tăng lên. Đến nay, Giáo hội phật giáo Việt Nam đã mở thêm 4 học viện Phật giáo, Công giáo có 10 Đại chủng viện là nơi đào tạo linh mục1. Theo Thống kê của Ban Dân vận Trung ương, hiện cả nước có 56 cơ sở đào tạo chức sắc, nhà tu hành, hằng năm đã đào tạo hàng nghìn chức sắc, nhà tu hành cho các tôn giáo trong phạm vi cả nước2.

Theo số liệu thống kê, năm 2002 số lượng chức sắc, nhà tu hành của 6 tôn giáo lớn là 32.461 người, trong đó Phật giáo là 23.243 người, Công giáo 2.152 người, Tin lành 132 người, Cao Đài 6.822 người, Hòa Hảo 17 người, Hồi giáo 95 người. Đến năm 2019, số lượng chức sắc nhà tu hành của 6 tôn giáo này đã tăng lên là 54.007 người: Phật giáo 30.556 người, Công giáo 7.485 người, Tin lành 2.066 người, Cao Đài 13.441 người, Hòa Hảo 24 người, Hồi giáo 435 người3.

Chính sách, pháp luật về TNTG góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên, khuyến khích chức sắc, tín đồ, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng đất nước. Đây chính là sự gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung của dân tộc – đất nước. Thực hiện mục tiêu đó, các tổ chức tôn giáo ở nước ta đều xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc – đất nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực nhập thế, hiện diện trên nhiều lĩnh vực xã hội; tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo.

Dưới sự vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động giáo dục đạo đức, xây dựng phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam;  hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ, cứu tế và bảo trợ xã hội; xây dựng các quỹ khuyến học; xây dựng và trao tặng nhà tình thương; khám, chữa bệnh; cứu trợ xã hội, bảo trợ xã hội,… Hằng năm, các tổ chức Công giáo, Phật giáo và đạo Tin lành đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo.

Năm 2003, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước giao hơn 51 nghìn m2 đất sử dụng cho xây dựng cơ sở thờ tự, nhưng đến tháng 12/2017 đã tăng lên hơn 125,5 nghìn m2. Về các cơ sở thờ tự, đến tháng 12/2017, cả nước có 2.742/29.977 cơ sở thờ tự được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 9,14%4. Cùng với đó, một số chính sách quy định việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự quy định trong Luật Xây dựng năm 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã được tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc cải tạo các công trình kiến trúc tôn giáo.

Từ năm 2003 đến tháng 12/2017, các địa phương đã cấp phép xây mới 9.343 cơ sở thờ tự cho các tôn giáo, hằng năm, chính quyền các địa phương đã cấp hàng nghìn giấy phép sửa chữa, nâng cấp cơ sở thờ tự cho các tôn giáo5. Thực hiện chính sách, pháp luật về TNTG đã cho đồng bào tôn giáo nhận thức sâu sắc hơn về quyền, trách nhiệm của mình, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng với công cuộc đổi mới đất nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và về quyền tự do TNTG.

Những tồn tại, hạn chế

Hệ thống chính sách, pháp luật về TNTG trong thời gian qua đã được xây dựng và ban hành nhưng còn thiếu tính hệ thống, quy định còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu và tổ chức thực hiện.

Một số chính sách quy định trong luật nhưng chưa giải thích rõ ràng hoặc chậm thể chế hóa, đây cũng là những rào cản cho việc tổ chức thực hiện chính sách.

Cho đến nay, hệ thống các quy định chính sách, pháp luật cũng chưa phân định cụ thể cho cơ quan nào quản lý các cơ sở TNTG là danh lam thắng cảnh được các cơ quan chức năng xếp hạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý lễ hội, trong đó có lễ hội tín ngưỡng, còn quản lý hoạt động của các cơ sở TNTG thì chưa được quy định. Luật TNTG cũng chỉ đề cập cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đăng ký tổ chức lễ hội TNTG, chưa nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm quản lý các hoạt động lễ hội. Do chưa có các quy định rõ nên những năm gần đây, việc tổ chức các hoạt động lễ hội TNTG diễn ra còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều hoạt động tín ngưỡng có sự lệch chuẩn.

Cùng với đó, một số cá nhân lợi dụng hoạt động TNTG để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và an ninh trật tự xã hội.

Chính sách, pháp luật về TNTG cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục và đào tạo; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân và từ thiện nhân đạo. Tuy nhiên, trong các quy định của hệ thống pháp luật ngành hiện nay chưa có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên việc thực thi chính sách còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi chủ trương của Đảng là khuyến khích đồng bào, chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội.

Chính sách, pháp luật về đất đai quy định quyền có đất đai xây dựng cơ sở thờ tự, thẩm quyền giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những nghĩa vụ trong sử dụng đất đai mà Nhà nước giao cho các cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, điều kiện, tiêu chuẩn để có đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự còn chưa rõ ràng; trình tự, thủ tục để các cơ sở tôn giáo được Nhà nước giao đất cũng chưa được quy định cụ thể, đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến việc mua bán đất đai trái pháp luật, phát sinh những vấn đề mua bán đất núp bóng dưới các hình thức “hiến, tặng” cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo.

Bên cạnh đó, Nhà nước giao đất cho các cơ sở tôn giáo không thu phí cũng là những vấn đề cần xem xét, vì thực tế trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để sở hữu hàng nghìn ha đất, phục vụ cho nhu cầu, mục đích khác. Thực tế, trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều tổ chức tôn giáo thiếu thiện chí, không hợp tác với chính quyền, có cả những trường hợp “tranh chấp đất đai” kéo dài thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể cơi nới diện tích cơ sở thờ tự.

Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về TNTG, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu và thể chế hóa quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, trước tiên là rà soát hệ thống các quy định được quy định trong Luật TNTG và hệ thống các quy định có liên quan đến các quy định về bảo trợ xã hội, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giáo dục, y tế,… bảo đảm đồng bộ.

Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới và nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG, trước mắt, cần tập trung vào công tác quản lý sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam; quản lý truyền đạo qua nền tảng internet; quản lý hoạt động xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự và những hoạt động giáo dục, văn hóa, từ thiện, nhân đạo,… của các tổ chức, pháp nhân tôn giáo.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với những cơ sở TNTG là danh lam thắng cảnh, khắc phục sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng quản lý giữa cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan quản lý TNTG.

Bốn là, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định về đất đai theo hướng quy định rõ về thẩm quyền giao đất, quy trình, thủ tục giao đất cho các cơ sở tôn giáo, về điều kiện được giao đất và quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo cho phù hợp hơn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Các cơ quan chức năng cần tập trung thanh tra, kiểm tra các hoạt động dễ phát sinh những vấn đề phức tạp, mất ổn định trật tự, như: lễ hội TNTG; hoạt động sinh hoạt tôn giáo tập trung, truyền đạo (đặc biệt trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong thời gian gần đây); hoạt động của các nhóm “đạo lạ”…

Năm là, để có những cơ sở pháp lý và bảo đảm sự thống nhất trong quản lý hoạt động của những hiện tượng tôn giáo mới trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, xem xét và ban hành các văn bản hướng dẫn để hoạt động của những hiện tượng tôn giáo này ổn định hơn. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cần tham mưu cho Bộ Nội vụ ban hành văn bản về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực này.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác TNTG đã khá đầy đủ, có tính hệ thống, góp phần bảo đảm quyền tự do TNTG của Nhân dân, khuyến khích động viên chức sắc, tín đồ tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, đất nước. Bước vào thời kỳ mới, trước sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, những chính sách này cần tiếp tục hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.

Chú thích:
1, 2. Ban Tôn giáo Chính phủ. Báo cáo số 192/BC-TGCP ngày 29/12/2020 về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020.
3. Ban Tôn giáo Chính phủ. Báo cáo số 73/TGCP-TH ngày 22/12/2019 về việc báo cáo số liệu thống kê các tôn giáo năm 2019.
4, 5. Ban Dân vận Trung ương. Báo cáo kết quả thực hiện đề án quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Thế Duy. Biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Tin lành ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Học viện Hành chính Quốc gia, 2018.
2. Nguyễn Đức Lữ. Tôn giáo, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị – Hành chính, 2012.
3. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
4. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
5. Nghị quyết số 25-NQ/TW 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
TS. Vũ Thế Duy
Học viện Hành chính Quốc gia