(Quanlynhanuoc.vn) – Hợp tác khai thác tài nguyên biển Đông của Việt Nam góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới để từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, giúp phát huy nguồn lực kinh tế biển để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặt vấn đề
Biển có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và an ninh của các nước nói riêng và thế giới nói chung. Một số nước và vùng lãnh thổ đã tận dụng tài nguyên biển làm thế mạnh để phát triển kinh tế đất nước rất hiệu quả. Các nước có biển đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và bảo vệ biển.
Vùng biển Việt Nam chiếm phần lớn diện tích biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với diện tích khoảng 1 triệu km2. Đảng và Nhà nước ta khẳng định, biển có ý nghĩa to lớn để đất nước phát triển, mở cửa giao thương với quốc tế và ngày càng có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh trong tương lai.
Tài nguyên biển Đông gồm có:
– Dầu khí: đến nay đánh giá tiềm năng dầu khí ở biển Đông hầu như chưa có kết quả chính xác nhưng hiện nay, phần lớn dầu khí ở biển Đông vẫn chưa được khai thác, trữ lượng còn rất lớn và được các nước trên thế giới đánh giá cao.
– Thủy sản: trữ lượng hải sản trên lãnh hải Việt Nam năm 2020 khoảng 8,4 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng trên 2,5 – 3 triệu tấn/năm1.
– Năng lượng: tiềm năng khai thác tài nguyên (KTTN) năng lượng trên biển Đông là rất lớn, như: điện sóng, điện gió, điện mặt trời…
Hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế về khai thác tài nguyên trên biển Đông
Với vai trò là một tuyến đường giao thông thương mại quan trọng, các quốc gia có lãnh hải thuộc hoặc tiếp giáp biển Đông có thể khiến khu vực này trở thành một điểm nóng phát sinh các căng thẳng không thể kiềm chế, xuất phát từ việc các bên có lợi ích trong khu vực cương quyết khẳng định chủ quyền và cố hiện thực hóa tuyên bố của mình bằng mọi giá. Thúc đẩy hợp tác KTTN biển Đông của Việt Nam chính là một biện pháp giúp giảm bớt căng thẳng đang gia tăng một cách đáng chú ý với các quốc gia có yêu sách chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ những lợi ích của mình ở biển Đông, với các quốc gia có lợi ích gián tiếp từ biển Đông.
Hợp tác KTTN là sự hợp tác giữa các quốc gia về việc thăm dò hoặc khai thác các nguồn tài nguyên trong các vùng, khu vực chứa tài nguyên thiên nhiên hoặc phi thiên nhiên mà một trong hai hoặc cả hai quốc gia có đặc quyền khai thác do nằm trong đường biên giới biển hoặc vùng chồng lấn giữa quốc gia đó với quốc gia khác; do mỗi bên không thể tự mình khai thác hiệu quả và công bằng nguồn tài nguyên đó được mà cần sự hợp tác đa bên để tăng cường hiệu quả hợp tác trên nhiều phương diện (công nghệ, đầu ra, nguồn lực…) như sau:
Thứ nhất, hợp tác với các nước về khai thác thủy sản.
(1) Trung Quốc: Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký kết ngày 25/12/2000, có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004 – 30/6/2019. Hiệp định được gia hạn hiệu lực thêm 1 năm đến ngày 30/6/2020, sau đó hoàn toàn hết hiệu lực. Theo đó, vùng đánh cá chung và vùng đệm cho tàu cá nhỏ được thiết lập theo quy định của Hiệp định cũng hết hiệu lực. Cơ quan chức năng hai nước sẽ quản lý hoạt động của tàu cá trong vịnh Bắc Bộ theo đường phân định vịnh Bắc Bộ được quy định tại Điều 2 Hiệp định giữa hai nước về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc Bộ.
Ngoài Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ và Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá, hai nước còn ký kết quy định về bảo tồn và quản lý nguồn thủy sản trong vùng đánh cá chung; tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, quản lý, khai thác bền vững nguồn thủy sản và giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đánh cá chung.
(2) Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a và Thái Lan: việc phân định biển đối với khu vực vịnh Thái Lan vô cùng phức tạp và rất khó để đàm phán, thương lượng. Việt Nam đã cùng Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Cam-pu-chia lần lượt ký kết các thỏa thuận nhằm hợp tác khai thác chung, đặc biệt là đối với tài nguyên cá trong vùng vịnh Thái Lan thuộc biển Đông để bảo đảm lợi ích tạm thời cho đến khi một quyết định phân định chính thức.
Ngày 09/8/1997, Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan. Tháng 6/1992, Việt Nam và Ma-lai-xi-a ký văn bản thỏa thuận hợp tác khai thác chung vùng chồng lấn (MOU). Từ năm 1982 đến năm 2005, Việt Nam và Cam-pu-chia đã lần lượt ký các hiệp định, hiệp ước về vùng nước lịch sủ (năm 1982); Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới và Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia (năm 1983); Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia (ngày 27/12/1985); Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 (năm 2005).
Do đó, tại khu vực vịnh Thái Lan, chỉ có Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Cam-pu-chia năm 1982 quy định về hoạt động đánh bắt cá chung. Cụ thể, Điều 3 Hiệp định quy định: “Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay”.
Trên thực tế, việc thiếu cơ chế quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong khi cuộc chạy đua đánh bắt cá vẫn diễn ra giữa các quốc gia tất yếu sẽ dẫn đến việc cạn kiệt nguồn cá và ảnh hưởng đến môi trường lẫn kinh tế của các quốc gia ven biển về lâu dài. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 123 UNCLOS năm 1982, hợp tác trong việc quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật biển còn là nghĩa vụ đặt ra đối với các quốc gia ven biển thuộc vịnh Thái Lan. Do đó, hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia cần nhanh chóng đàm phán để giải quyết hiệu quả vấn đề lãnh thổ trên biển cũng như thiết lập cơ chế quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên biển tốt nhất trong vùng biển chung của hai nước chưa được phân định.
(3) In-đô-nê-xi-a: Việt Nam có sự hợp tác bền vững và toàn diện với phía In-đô-nê-xi-a trong lĩnh vực biển và nghề cá; quản lý khai thác hải sản có trách nhiệm và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (quy định về chống đánh bắt hải sản IUU được EC ban hành tại Quy định số 1005/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010). Ngày 27/02/2021, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và tiếp tục hợp tác với In-đô-nê-xi-a trong lĩnh vực thủy sản.
(4) Na Uy: Việt Nam và Na Uy ký kết Ý định thư về tăng cường và phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển vào ngày 21/5/2021. Hai bên trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp nuôi biển, trong đó có quy hoạch và xây dựng chính sách bao gồm cả chính sách tín dụng, quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề, các giải pháp công nghệ xanh và thông minh để giúp doanh nghiệp đầu tư và đóng góp vào sự phát triển của ngành theo hướng hiệu quả, bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển. Đặc biệt là những kinh nghiệm thành công và công nghệ của Na Uy trong phát triển lĩnh vực nuôi biển, là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy phát triển lĩnh vực nuôi biển đầy tiềm năng, giảm bớt cường độ khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển và tăng cường nuôi biển ở những khu vực phù hợp, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời, gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.
(5) Pháp: Hợp tác giữa Việt Nam với Pháp đã có lịch sử lâu đời. Đến ngày 24/3/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã gửi thư đến Đại sứ quán Cộng hòa Pháp. Qua đó, thể hiện việc Việt Nam đồng ý ký tiếp nhận khoản viện trợ xây dựng nghiên cứu khả thi Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý nuôi trồng thủy sản quốc gia – NAGIS” thông qua Tập đoàn CLS của Pháp.
(6) Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác: tháng 02/2020, Công ty công nghệ NLA International của Anh mong muốn hợp tác, hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam thông qua hỗ trợ công nghệ thủy sản, giám sát an ninh trên biển nhằm từng bước tháo gỡ “thẻ vàng thủy sản của EC”.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trước đó ngày 08/3/2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết bởi 11 nước thành viên và có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 với Việt Nam. Hiệp định mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh bằng các mức thuế quan được cắt giảm so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà không phải là thành viên trong Hiệp định, tăng khả năng tiếp nhận công nghệ và vốn từ các nước thành viên trong hiệp định để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng khả năng quản trị… tạo ra các cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thủy sản Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này.
Thứ hai, hợp tác với các nước về khai thác dầu khí.
(1) Tập đoàn SOCO International Ed Story của Anh đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trong vòng 20 năm qua (thăm dò, khai thác và nâng cao sản lượng dầu khí). Tập đoàn đã đóng góp vào ngân sách 3,3 tỷ USD; tuyển dụng lao động hơn 1.000 người; đóng góp về phúc lợi xã hội 2,5 triệu USD2.
(2) Hợp tác với Hoa Kỳ thông qua Tập đoàn Exxon Mobil khai thác dầu khí với dự án Cá Voi Xanh, nằm trong lô 118 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam3.
(3) Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã thống nhất phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực dầu khí thông qua Petronas của Ma-lai-xi-a và PetroVietnam (mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác, cung cấp dịch vụ dầu khí…, góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương) trên cơ sở bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế UNCLOS năm 1982 cùng Hiệp hội các nước khối ASEAN.
(4) Đối với Liên bang Nga, Việt Nam đã phát triển mối quan hệ hợp tác khai thác dầu khí từ thời Liên Xô cũ với Liên doanh Dầu khí Việt – Xô sau đó là Liên doanh Việt – Nga (VietsovPetro) ra đời năm 1981 với hoạt động hợp tác ban đầu là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Đến nay, qua quá trình hợp tác, Việt Nam đã xây dựng và tự vận hành nhà máy lọc hóa dầu, tạo nên ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và đồng bộ, đồng thời tăng cường mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực phụ trợ khác, như: điện, đạm, xây lắp, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh xăng, dầu… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đất nước4.
(5) Ngày 14/3/2005, tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) đã diễn ra lễ ký “Thỏa thuận 3 bên về khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận tại biển Đông” giữa Petro Việt Nam, Công ty Dầu khí quốc gia Phi-líp-pin (PNOC) và Tổng Công ty Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC). Theo thỏa thuận, các bên cam kết thực hiện nghiệm chỉnh Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, bày tỏ quyết tâm biến biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển5.
Thứ ba, khai thác tài nguyên biển khác.
(1) Điện gió ngoài khơi La Gàn Asia Petro, Novasia Energy và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) có công suất 3,5 GW, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD.
(2) HBRE Group và EDF (Pháp) tại dự án điện gió HBRE Vũng Tàu ngoài khơi với mức đầu tư 1 tỷ USD, công suất 500MW…
(3) Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind tại mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận sản xuất Hydro xanh và Amonia xanh. Đây là dự án được đầu tư bởi tổ hợp các công ty về năng lượng, đứng đầu là Tập đoàn Enterprize Energy cùng các đối tác nước ngoài là Société Générale (SOC GEN), MHI Vestas Offshore Wind (MVOW), ODE; các đối tác trong nước là Vietsovpetro, PVC-MS, EVN PECC3, Haduco và Hemera Media. Tổng công suất của dự án là 3.400MW được chia ra làm nhiều phân kỳ đầu tư. Vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia6.
(4) Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam (USAID) nghiên cứu tiềm năng điện sóng biển (dự án INVEST tại Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tạo động lực phát triển năng lượng sóng biển tại Việt Nam và giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và tự chủ về năng lượng.
Giải pháp nhằm tăng cường hợp tác khai thác tài nguyên biển Đông của Việt Nam và các nước
Một là, học hỏi kinh nghiệm hợp tác về đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn, đang tranh chấp giữa các quốc gia trên biển Đông từ kinh nghiệm “vùng trắng” giữa Liên Xô và Thụy Điển tại vùng biển Baltic; thỏa thuận “vùng xám” giữa Liên Xô và Na Uy tại vùng biển Barents và thỏa thuận “vùng xám nhạt” về hợp tác nghề cá giữa Ca-na-đa và Hoa Kỳ tại vịnh Maine. Việc thiết lập “vùng xám” trên vùng biển còn tranh chấp, chưa được phân định giữa hai nước là một cách giải quyết khả quan cho các nước có cùng lợi ích KTTN và tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, hướng tới khai thác hiệu quả và bảo tồn, quản lý nguồn tài nguyên trên biển Đông bền vững.
Hai là, hợp tác KTTN trên vùng biển chồng lấn tùy thuộc vào sự cân bằng giữa yêu cầu về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo pháp luật quốc tế và nhiệm vụ quản lý nguồn tài nguyên biển. Xem xét việc phân định trên biển thông qua phán quyết của một bên thứ ba trung lập (Tòa Công lý quốc tế – ICJ), lấy đó làm cơ sở cho hoạt động hợp tác sẽ đương nhiên trở nên dễ dàng hơn.
Ba là, trong hợp tác KTTN trên biển Đông, cần thực hiện nhận thức chung của các quốc gia với tinh thần duy trì có hiệu quả hòa bình, ổn định biển Đông, nỗ lực nâng cao ý nguyện hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ môi trường biển của biển Đông; đối với các lĩnh vực ít nhạy cảm thì tiếp tục xây dựng cơ sở hợp tác, gia tăng sự tin cậy chính trị.
Bốn là, ngoài hợp tác KTTN còn cần song hành với nhiệm vụ hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên, như: phòng chống ô nhiễm rác thải, bảo hộ môi trường sinh thái. Xây dựng phương án cụ thể cho các vấn đề ô nhiễm môi trường cụ thể, tiêu chuẩn và trình tự; tăng cường tính hiệu quả của việc quản lý và cuối cùng là hình thành một quan hệ đối tác hợp tác cùng gánh rủi ro và cùng hưởng lợi ích. Xâu chuỗi liên thông vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường trên đất liền và trên biển.
Năm là, xây dựng một cơ chế hợp tác có tính ràng buộc cộng đồng chung lợi ích đối với môi trường biển Đông (Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN…). Xây dựng cơ chế bảo hộ hợp tác KTTN trên biển Đông; các bên cùng thiết lập một tổ chức quản lý đối với tài nguyên biển, bảo vệ san hô, chống ô nhiễm rác thải nhựa…
Sáu là, sử dụng có hiệu quả các kênh vốn, xây dựng các quỹ bảo đảm hoạt động của nguồn vốn hợp tác lâu dài với các đối tác.
Bảy là, tăng cường giao lưu, mở rộng các kênh hợp tác giữa các nước ASEAN. Khai thác think tank, giao lưu học thuật và hợp tác nghiên cứu, thông qua các tổ chức phi chính phủ có thể triển khai đối thoại, tìm kiếm con đường giải quyết hợp tác chung.
Tám là, đánh giá đúng giá trị, sản lượng các loại tài nguyên biển Đông, từ đó, có chiến lược hợp tác đúng đắn, phù hợp với yêu cầu chính trị, kinh tế, hạn chế những xung đột giữa các bên có cùng mối quan tâm lợi ích trên biển Đông.
Chín là, thực hiện tốt các chương trình hợp tác quốc tế. Chương trình hành động khu vực chống ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động có liên quan tới đất liền và kế hoạch hành động khu vực về rác thải trên biển (thuộc khuôn khổ COBSEA – Cơ quan điều phối biển Đông Á), Tuyên bố Ma-ni-la về đẩy mạnh thực hiện quản lý tổng hợp đới bờ cho phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu trong các vùng biển Đông.