Một số vấn đề về hoạt động lập pháp của Quốc hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Lập pháp là hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Lập hiến, lập pháp có vị trí đặc biệt quan trọng, là chức năng đặc trưng nhất của Quốc hội, thể hiện xuyên suốt tại các bản Hiến pháp của nước ta, qua đó, chức năng lập pháp của Quốc hội được kế thừa, phát triển và ngày càng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Bài viết đánh giá thực trạng và đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Nguồn: baochinhphu.vn.

Điều 69, Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Chức năng lập hiến, lập  pháp có vị trí đặc biệt quan trọng, là chức năng đặc trưng nhất của Quốc hội. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến pháp của nước ta.

Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý quy định rõ ràng, đầy đủ và bảo đảm cho hoạt động lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường…”1.

Kết quả trên thể hiện cụ thể là: Quốc hội khóa XIV đã tiến hành sửa đổi, bổ sung một số đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức… Việc Quốc hội thông qua các đạo luật trên nhằm thể chế hóa những tư tưởng và nội dung mới của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc “tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng và thi hành luật thời gian qua.

Quốc hội khóa XIV chú trọng xây dựng và hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các quan hệ kinh tế, văn hóa xã hội ở trong nước phát triển, như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), Bộ luật Lao động, Luật Chứng khoán, Luật  Xây dựng… với nhiều nội dung mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, mở rộng các quan hệ kinh tế quốc tế.

Để thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu, rộng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội to lớn cho đất nước, Quốc hội đã phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế, như: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA)… Quốc hội cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung một số luật để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý vững chắc, phục vụ cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, phù hợp với lợi ích quốc gia trong điều kiện mới, như: Luật Điều ước quốc tế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thỏa thuận quốc tế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XIV cũng còn một số hạn chế:

Một là, việc tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; tình trạng xin lùi thời gian trình, rút dự án khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bổ sung dự án gần sát kỳ họp còn nhiều; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá được tác động một cách sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá, nhiều đạo luật Quốc hội thông qua có chất lượng chưa cao, tuổi thọ ngắn.

Nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi hoặc không hoàn thành Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh hàng năm và cả nhiệm kỳ do Quốc hội chưa thực sự quyết liệt, kiên quyết trong thực hiện chương trình; chưa xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo, thẩm định và thẩm tra các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chương trình đã thông qua. Mặt khác, bản thân các cơ quan được giao soạn thảo, thẩm định và thẩm tra các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chưa đề cao trách nhiệm đúng mực, còn dựa dẫm, ỷ lại nhau. Vì thế, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thường thay đổi với lý do không thỏa đáng, chất lượng chuẩn bị một số dự án luật trước khi đưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét chưa cao.

Hai là, thực hiện dân chủ hóa trong hoạt động lập pháp đã được coi trọng, nhưng việc thực hiện thực tế vẫn còn những biểu hiện hình thức. Hoạt động soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự án dự thảo luật chưa thu hút được đông đảo các chuyên gia, các nhà quản lý, đặc biệt các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật tham gia. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào các dự thảo luật còn biểu hiện hình thức, chưa phù hợp với đa số các tầng lớp Nhân dân. Hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với các dự án, dự thảo luật còn hạn chế.

Ba là, việc kiểm soát tính thống nhất của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong hoạt động lập pháp chưa được coi trọng, dẫn đến tình trạng sau khi thông qua luật, pháp lệnh vẫn còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo với các VBQPPL khác, làm cho hệ thống các VBQPPL thiếu thống nhất, gây khó khăn cho việc thực hiện luật. Tình trạng này chủ yếu do cơ quan được giao lập đề án và soạn thảo tiến hành tổ chức rà soát, lập báo cáo rà soát các VBQPPL liên quan đến dự án, dự thảo chưa thận trọng, toàn diện; các cơ quan được giao trách nhiệm thẩm định, thẩm tra bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của dự thảo luật còn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn; trong quá trình thảo luận, xem xét thông qua luật, pháp lệnh, các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chưa quan tâm đúng mực đến việc phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Một số đề xuất      

Để phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục triệt để các khuyết điểm bất cập thời gian qua đòi hỏi phải “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước”, “Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…” Tác giả đề xuất một số ý kiến đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới:

Thứ nhất, cần xác định “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật” là một nguyên tắc trong xây dựng đề án, dự thảo luật, pháp lệnh. Hiện nay, tại Điều 5, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 chưa quy định cụ thể, trực tiếp nguyên tắc và các nội dung về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật, do đó, trong thời gian tới cần sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL và bổ sung nguyên tắc này. Theo đó, các chủ thể tham gia quá trình lập pháp, đặc biệt là Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội phải nghiêm túc và gương mẫu thực hiện.

Thứ hai, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quộc hội. Theo đó, đề cao trách nhiệm, dân chủ, thận trọng và gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL khi thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thực hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua; không đề nghị bổ sung dự án ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những dự án không có trong Chương trình hoặc dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm về hồ sơ theo quy định.

Thứ ba, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm định và ban hành luật, pháp lệnh. Trong đó, thay đổi hình thức từ Quốc hội góp ý, nêu vấn đề, đến Quốc hội phản biện, tranh luận, phân tích, quy trách nhiệm trong hoạt động lập pháp và giám sát tối cao. Giảm ủy quyền lập pháp thông qua việc giao Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Nâng cao trách nhiệm và chất lượng hiệu quả của các cơ quan thẩm tra các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh. Các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh phải liêm chính, quyết liệt và khách quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thủ tướng Chính phủ là người chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Chính phủ phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi Chính phủ lấy ý kiến, thảo luận thông qua các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần mở rộng thành phần tham gia, trong đó nhất thiết phải có người đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Các Bộ, cơ quang ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh nhất thiết phải thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2, Điều 12, Luật Ban hành VBQPPL; rà soát kỹ các VBQPPL đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của VBQPPL hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo. Thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động ngay từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện dân chủ hóa một cách thực chất việc tham gia của các tầng lớp Nhân dân vào việc xây dựng các luật, pháp lệnh. Để luật, pháp lệnh thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân trong xã hội, đồng thời phát huy quyền dân chủ của người dân trong xây dựng luật, pháp lệnh, xây dựng cơ chế giám sát độc lập của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đối với hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh. Cần xác định việc thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ các quy định về xây dựng pháp luật là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan và cán bộ, công chức. Thiết lập các phần mềm kết nối để các cơ quan, tổ chức và người dân có thể theo dõi toàn bộ tiến trình xây dựng, ban hành một đạo luật, pháp lệnh, qua đó bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xây dựng luật, pháp lệnh. Bên cạnh trình độ, hiểu biết chuyên môn chuyên ngành thì trình độ, hiểu biết chuyên ngành luật cần được chú trọng, mặt khác, phải nâng cao năng lực tiếp nhận, xử lý, phân tích thông tin từ phía xã hội để vận dụng sáng tạo thực thi nhiệm vụ tham gia xây dựng luật, pháp lệnh.

Chú thích:
1. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
3. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020
4. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
5. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
6. Quốc hội khóa XIV. Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24/11/2017.
TS. Nguyễn Hữu Luận
Học viện Hành chính Quốc gia