Phát triển nguồn nhân lực giám định ADN trong Công an nhân dân phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, nguồn nhân lực giám định ADN đóng vai trò quyết định trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ. Trong phạm vi bài viết, tác giả trao đổi một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực giám định ADN trong Công an nhân dân hiện nay nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ảnh minh họa. Nguồn: mps.gov.vn.
Đặt vấn đề

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao, việc phát triển NNL luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã chủ trương thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển NNL.

Quan điểm này tiếp tục được Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh và điều chỉnh phù hợp với tình hình đất nước. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã đề cập thẳng vào vấn đề phát triển NNL chất lượng cao: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục – đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”1.

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, NNL Công an nhân dân (CAND) có vai trò nòng cốt, là lực lượng xung kích, trực tiếp, đi đầu. Những năm qua trong quá trình hội nhập quốc tế, việc phát triển NNL CAND Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm cho CAND hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự nói chung và giám định ADN nói riêng đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm, phát triển NNL để kịp thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, việc phát triển NNL giám định ADN còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, cả về phương diện số lượng, cơ cấu và chất lượng của NNL.

Thực trạng nguồn nhân lực giám định ADN trong Công an nhân dân hiện nay

Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự của CAND, kể từ khi Luật Giám định tư pháp năm 2012 có hiệu lực đến nay, lực lượng kỹ thuật hình sự đã tiến hành giám định hơn 800.000 vụ, trong đó hơn 13.000 vụ giám định ADN theo yêu cầu, trưng cầu của các cá nhân, tổ chức2. Giám định ADN là một lĩnh vực trong giám định kỹ thuật hình sự.

Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kết luận giám định là nguồn chứng cứ. Theo đó, khi quá trình thu thập dấu vết, mẫu vật và giám định ADN được thực hiện bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định thì kết luận giám định ADN được xác định là nguồn chứng cứ vật chất quan trọng để chứng minh tội phạm và người phạm tội. Giám định ADN tuy còn khá non trẻ so với các lĩnh vực giám định khác của giám định kỹ thuật hình sự, song nhờ sự phát triển của khoa học – công nghệ, giám định ADN đã có bước phát triển nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Khảo sát công tác giám định ADN do lực lượng kỹ thuật hình sự (KTHS) tiến hành cho thấy, trong thời gian từ năm 2012 – 2021 đã có tổng số 13.894 vụ, chiếm 48,7% trong tổng số vụ giám định sinh học nói chung. Tính trung bình hằng năm có khoảng 1.500 vụ giám định ADN theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định3. Các vụ việc giám định ADN có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Có thể thấy, sự phát triển về số lượng vụ việc giám định ADN đã chứng minh vai trò quan trọng của công tác giám định nói chung cũng như giám định ADN nói riêng trong công tác điều tra hiện nay.

Về thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác giám định ADN trong CAND hiện nay, căn cứ vào quy trình giám định ADN kèm theo Thông tư số 46/2013/TT-BCA ngày 05/11/2013 của Bộ Công an, quy trình này phù hợp với hệ thống giám định ADN tự động và chỉ có 3 cơ sở giám định là Viện Khoa học hình sự Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa là có đủ lực lượng, phương tiện triển khai các nội dung có liên quan đến giám định ADN. Các địa phương Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Khánh Hòa được trang bị hệ thống giám định ADN với công nghệ điện di nhuộm bạc. Công nghệ này vẫn được sử dụng trên thế giới với mức đầu tư chi phí thấp.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp cổ điển này thì kết quả giám định phụ thuộc vào trình độ giám định viên, cũng như mất nhiều thời gian giám định  không phù hợp với quy trình giám định đã được ban hành, do đó, ở các địa phương đã dừng không tiến hành các nội dung liên quan đến giám định ADN.

Hiện nay, tổng số cán bộ làm công tác giám định ADN là 42 cán bộ thuộc Viện Khoa học hình sự (gồm cơ sở chính tại Hà Nội và 2 phân viện tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng); Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa), Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Quảng Ninh). Trong đó, 35 cán bộ được bổ nhiệm giám định viên sinh học, 7 cán bộ đang là trợ lý giám định4. Qua khảo sát tại 3 đơn vị cho thấy, cán bộ giám định có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm giám định có thể giải quyết nhiều nội dung liên quan đến công tác.

Tuy nhiên, với số lượng vụ việc ngày càng lớn, áp lực về thời gian giám định, biên chế như vậy là rất mỏng, chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công tác điều tra. Phần lớn giám định viên còn chưa có nhiều kinh nghiệm, các đồng chí có kinh nghiệm đã nghỉ hưu nên còn tình trạng một số giám định viên làm theo một quy trình đã có sẵn, là “thợ” xét nghiệm mà chưa hiểu hết những vấn đề có liên quan, như: lý thuyết cơ bản, tính năng của từng loại thiết bị, bản chất phản ứng của các loại hóa chất trong quy trình giám định, khả năng biện luận được kết quả còn hạn chế, nếu gặp trường hợp khó hoặc khác thường sẽ gặp khó khăn trong giải quyết cũng như giải thích kết quả giám định trước tòa.

Đặc biệt, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong thời gian tới cần phải phát triển NNL giám định ADN trong CAND để kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn cũng như hội nhập được với thế giới.

Tuy nhiên, để có định hướng xây dựng, phát triển NNL giám định ADN trong CAND phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác Công an và yêu cầu xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII cần phải đánh giá một cách toàn diện những vấn đề còn tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến NNL của lực lượng này, như: việc xây dựng lực lượng giám định ADN (nhất là ở cấp tỉnh) còn chưa được chú trọng; vấn đề hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong đào tạo NNL giám định ADN chưa được thường xuyên dẫn tới việc tiếp cận các công nghệ mới còn chậm; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo trong giám định ADN bước đầu được quan tâm, đầu tư, tuy nhiên chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; hệ thống lý luận về giám định ADN trong CAND còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo NNL trong lĩnh vực này.

Một số đề xuất để phát triển nguồn nhân lực giám định ADN

Thứ nhất, cần quy hoạch, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng NNL giám định ADN trong CAND cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, với mục đích tạo chuyển biến mang tính đột phá trong công cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Những năm gần đây, công tác kỹ thuật hình sự nói chung và hoạt động giám định ADN nói riêng luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an ghi nhận và đánh giá cao về vị trí, vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Từ lý luận và thực tiễn của hoạt động giám định ADN đã chứng minh đây là một công cụ điều tra rất mạnh, làm sáng tỏ nhiều vụ án, trong đó có vụ án lớn, phức tạp. Do đó các cơ quan chức năng cần tham mưu cho các cấp lãnh đạo có thẩm quyền ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch trước mắt và lâu dài để phát triển NNL giám định ADN trong CAND phù hợp với lộ trình, định hướng phát triển của lực lượng CAND mà Đại hội Đảng XIII đã xác định.

Thứ hai, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác giám định ADN trong toàn lực lượng CAND. Trong các hội nghị, báo cáo sơ kết, tổng kết công tác giám định ADN hằng năm cần có số liệu cụ thể kết quả về công tác giám định ADN, trong đó làm nổi bật kết quả đạt được của công tác giám định ADN, khẳng định vai trò của hoạt động giám định ADN trong điều tra các vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, các cuộc sơ kết, tổng kết cần đánh giá được thuận lợi, khó khăn trong hoạt động giám định ADN để có những đề xuất, giải pháp kịp thời nâng cao hiệu hoạt động này trong điều tra các vụ án hình sự trong thời gian tới.

Thứ ba, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ giám định ADN.

Hiện nay, các phương pháp trong giám định ADN có những tiến bộ vượt bậc với những phương tiện hiện đại cho phép cán bộ giám định tiến hành nhanh, hiệu quả và chính xác hơn. Do đó, Viện Khoa học Hình sự với vai trò là đầu tàu trong lĩnh vực khoa học hình sự cần thiết chủ động nắm bắt sự thay đổi của các công nghệ mới, để kịp thời bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện tốt nhất đáp ứng hoạt động điều tra các vụ án hình sự.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư trang cấp phương tiện hiện đại cần quan tâm công tác đào tạo, tập huấn việc sử dụng phương tiện máy móc nhằm giúp cán bộ sử dụng có hiệu quả, nắm bắt được cơ bản về cơ chế vận hành, hiểu được hết tính năng tác dụng để từ đó có thể chủ động trong sử dụng cũng như biết cách khắc phục sự cố, thời gian bảo trì hoặc đề xuất sửa chữa. Cần quan tâm đến công tác bảo trì, bảo dưỡng để khai thác tối đa công năng sử dụng của phương tiện trong giám định ADN trong điều tra các vụ án hình sự.

Thứ tư, cần nghiên cứu, quy hoạch có lộ trình xây dựng lực lượng giám định ADN cấp cơ sở (cấp tỉnh) có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn. Giám định ADN là một lĩnh vực giám định mới, đòi hỏi NNL chất lượng cao cũng như được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại tiên tiến, do đó, cần phải có định hướng, quy hoạch để đầu tư, phát triển lực lượng giám định ADN, tránh đầu tư dàn trải, không tập trung được nguồn lực, gây lãng phí và không đem lại hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong đó, Viện Khoa học Hình sự là cơ quan chủ trì cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an trong việc phân cấp, phân quyền, xây dựng lực lượng giám định ADN ở cấp cơ sở phù hợp với chiến lược xây dựng lực lượng CAND.

Thứ năm, bổ sung, hoàn thiện lý luận về giám định ADN trong CAND phục vụ phát triển NNL.

Khi mà công nghệ ADN ngày càng phát triển và hiện đại hơn, đặc biệt là khi kỹ thuật nhân bội ADN (PCR) ra đời khiến việc nghiên cứu về loại dấu vết này lại càng trở lên dễ dàng và phổ biến. Hiện nay, trên thế giới, hệ thống lý luận về dấu vết ADN và phương pháp phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản và giám định dấu vết ADN liên tục phát triển và hoàn thiện với nhiều ứng dụng cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, tội phạm trong xu thế hiện nay luôn biết tận dụng các thành tựu từ chính sự phát triển của khoa học – công nghệ nhằm mục đích tiến hành phạm tội, đối phó với cơ quan điều tra cũng như che giấu hành vi của mình. Do đó, công tác nghiên cứu lý luận phải bắt kịp được xu thế của thời đại, liên tục cập nhật thực tiễn chiến đấu sinh động, từ đó, xây dựng, hoàn chỉnh thành hệ thống lý luận phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian tới.

Để bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận giám định dấu vết ADN, cần tập trung vào một số hướng sau:

(1) Hoàn thiện lý luận chung về dấu vết ADN, cơ chế hình thành của nó, giải thích rõ sự hình thành và tồn tại của dấu vết tại hiện trường, đặc biệt là dấu vết, vật mang khác chứa dấu vết ADN; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và tồn tại của dấu vết ADN tại hiện trường.

(2) Nghiên cứu, hoàn thiện các kỹ thuật thu thập dấu vết, mẫu vật chứa dấu vết ADN để bảo đảm chất lượng mẫu vật phục vụ giám định. Ứng dụng các trang thiết bị, phương tiện phù hợp với mẫu vật cụ thể.

(3) Kỹ thuật giám định mới. Cần ứng dụng những tiến bộ trong lĩnh vực sinh học phân tử, như: ứng dụng đa hình về trình tự của các đơn nucleotide (SNPs), là tương lai của giám định ADN; phương pháp tiến hành phản ứng PCR trực tiếp đối với mẫu vật gửi giám định mà đặc biệt là dấu vết, vật mang khác chứa dấu vết ADN; xây dựng quy trình giám định cho các vi vết tại hiện trường, dấu vết đã qua xử lý, như: dấu vân tay đã qua quét bột, qua xông keo, vi vết trên vỏ đạn; kỹ thuật phân lập các tế bào trong các mẫu lẫn của nhiều đối tượng…

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển NNL giám định ADN.

Hợp tác quốc tế là một nhân tố quan trọng để xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ nhanh và bền vững. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm trở thành một yêu cầu tất yếu khách quan được Nhà nước, Bộ Công an đặc biệt coi trọng.

Đối với lĩnh vực giám định ADN là một lĩnh vực giám định mới, rất cần nhiều phương tiện, công nghệ hiện đại nên việc tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp cho lĩnh vực này không bị lạc hậu, tạo điều kiện cho việc mở rộng khả năng giám định các yêu cầu có liên quan và nâng cao hiệu quả công tác giám định ADN. Do đó, trong thời gian tới, Viện Khoa học Hình sự cần sớm thành lập Phòng Quan hệ quốc tế; lực lượng giám định ADN nói riêng cần chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để đạt được mục đích phát triển nhanh, bền vững; hằng năm, cần tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện hợp tác quốc tế.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 115.
2, 3, 4. Viện Khoa Học hình sự (Bộ Công an). Báo cáo Tổng kết công tác giai đoạn từ 2012 – 2021. Tháng 02/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
TS. Trần Thư Anh
Học viện An ninh nhân dân