Tháo gỡ những vướng mắc trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khắc phục những hạn chế, những quy định không còn phù hợp với thực tế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Bài viết phân tích các điểm mới và kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc nhằm triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP như một cơ hội để đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng năng động, hiệu quả.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (DVSNC). Quá trình triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ DVSNC của Nhân dân, Chính phủ luôn nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công, đặc biệt hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp, tăng tính chủ động cho các ĐVSNCL.

Tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập

Ở Việt Nam, số lượng đơn vị và nhân lực trong các ĐVSNCL rất lớn. Năm 2016, có 57.995 đơn vị, với 2.441.791 người (chưa tính tổ chức và biên chế sự nghiệp trong lực lượng công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước), trong đó: trung ương có 1.206 đơn vị; địa phương có 56.789 đơn vị. Khối các cơ quan Đảng, đoàn thể quản lý có 811 đơn vị, với 15.529 người; khối Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Kiểm toán Nhà nước quản lý có 14 đơn vị, với 597 người; khối Chính phủ quản lý có 57.170 đơn vị, với 2.425.665 người. Trong các ĐVSNCL, số lượng đơn vị sự nghiệp giáo dục – đào tạo và y tế chiếm tỷ lệ lớn nhất: sự nghiệp giáo dục – đào tạo có 41.801 đơn vị (chiếm 72,08%), với 1.527.049 người (chiếm 62,54%); sự nghiệp y tế có 6.160 đơn vị (chiếm 10,62%), với 402.553 người (chiếm 16,49%). Biên chế của các ĐVSNCL chủ yếu do cấp có thẩm quyền giao (1.978.810 người, chiếm 81,04%); số còn lại do ĐVSNCL tự quyết định và số hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp1. Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, có 57.171 ĐVSNCL thực hiện giao cơ chế tự chủ về tài chính theo các mức độ khác nhau, cụ thể như sau: tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có 123 đơn vị, chiếm tỷ lệ 3,33%; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên có 12.968 đơn vị, chiếm tỷ lệ 22,36%; ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động có 42.146 đơn vị, chiếm tỷ lệ 72,67%; còn 824 ĐNSNCL chưa được giao quyền tự chủ về tài chính2.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đề ra: Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là cả nước tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021. Chấm dứt số lao động không đúng quy định trong các ĐVSNCL (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính); phấn đấu có tổi thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 – 20203. Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra cả nước tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các DVSNC cơ bản, thiết yếu, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 – 20254.

Chủ trương về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của ĐVSNCL, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính đã được Đảng, Nhà nước đặt ra tại nhiều văn bản. Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong ĐVSNCL; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL; Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần.

Theo số liệu công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kê, số lượng đơn vị và nhân lực trong các ĐVSNCL ở nước ta tính đến năm 2020 vẫn còn rất lớn: Có 52.541 đơn vị, với 2.395.147 người, trong đó, số lượng đơn vị sự nghiệp giáo dục – đào tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất (sự nghiệp giáo dục – đào tạo có 42.224 đơn vị (chiếm 80%), với 1.680.841 người (chiếm 70%); sự nghiệp y tế có 1.820 đơn vị, với 436.303 người; văn hóa – thể thao có 1.150 đơn vị, với 35.367 người; thông tin – truyền thông có 826 đơn vị, với 38.036 người; cơ sở sự nghiệp khác: 6.521 đơn vị, với 204.330 người5.

Một số điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trước đây, như: về quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của ĐVSNCL, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP chỉ gọi tên, không có tiêu chí xác định thế nào là ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư… Về nguồn tài chính, Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của ĐVSNCL theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ; về hoạt động liên doanh, liên kết, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh, liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của ĐVSNCL… Trong đó, một số điểm mới nổi bật của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định:

Một là, về giá, phí DVSNC và lộ trình tính giá dịch vụ công sử dụng NSNN. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; theo đó, sửa đổi về cơ chế tính toán, chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích ĐVSNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính.

Chi phí tiền lương trong giá DVSNC được tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với ĐVSNC hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền6.

Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá DVSNC (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập. Trường hợp không thực hiện được lộ trình quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Đối với DVSNC đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí7.

Hai là, cách phân loại mức tự chủ tài chính của ĐVSNCL đã được chi tiết, cụ thể hơn, tiêu chí để xác định mức tự chủ về đầu tư cũng rõ ràng hơn, mỗi đơn vị sẽ được thực hiện những cơ chế khác nhau, thể hiện rõ hướng tăng tự chủ và cơ chế để các đơn vị thực hiện mức độ tự chủ.

Các đơn vị tự chủ tài chính được chia thành 4 nhóm, gồm: nhóm 1, là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; nhóm 2, là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3, là các đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, được chia thành 3 loại: đơn vị tự bảo đảm từ 70 đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên; nhóm 4, là các đơn vị do Nhà nước bảo đảm kinh phí. Việc phân định được mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sẽ quy định những cơ chế khác nhau của mỗi đơn vị. Mức độ tự chủ khác nhau sẽ có những quyền năng thực hiện các quyết định trong các hoạt động tài chính khác nhau, những đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, cho phép đơn vị xây dựng cơ chế đề xuất với cơ quan quản lý giao toàn bộ tài sản và thực hiện cơ chế quản lý, cơ chế hạch toán, cơ chế phân phối như đối với các doanh nghiệp.

Ba là, bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của ĐVSNCL theo hướng tách nguồn thu từ hoạt động cung cấp DVSNC thuộc danh mục DVSNC sử dụng NSNN và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (gồm thu từ hoạt động DVSNC; thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản công). Việc tách các nguồn thu để các ĐVSNCL không chỉ trông chờ vào một nguồn thu từ trước đến nay mà khi được giao tự chủ sẽ có đa dạng nhiều nguồn thu khác nhau. Nếu đơn vị tự chủ hoàn toàn có thể tạo ra được các nguồn thu, không chỉ đơn thuần dựa vào các khoản thu, lệ phí để lại của đơn vị như trước đây. Tuy nhiên, khi các đơn vị tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư ngân sách, trong Nghị định đã quy định có nguồn NSNN, nguồn đầu tư ngân sách được thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công. Nếu đơn vị có năng lực tốt, NSNN đầu tư để đơn vị thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các đơn vị được tự chủ sử dụng, toàn quyền quyết định sử dụng nguồn tài chính đó, không phải tuân thủ những quy định về định mức hay đơn giá trong việc sử dụng tiền ngân sách như các đơn vị không tự chủ.

NSNN hỗ trợ ĐVSNCL theo nguyên tắc: đối với ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, NSNN hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng DVSNC thuộc danh mục DVSNC sử dụng NSNN. Đối với ĐVSNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, việc giao dự toán chi NSNN trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao và thực hiện theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng của nguồn tài chính, ĐVSNCL được tự chủ quyết định 5 khoản chi, bao gồm: (1) Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương: trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo hướng cải cách thì áp dụng chế độ tiền lương theo mức lương cơ sở, hệ số ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và phụ cấp, tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Kể từ ngày áp dụng chế độ tiền lương mới, đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, căn cứ vào tình hình tài chính, được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II), quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; cho tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có); đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp tiền lương theo quy định đối với ĐVSNCL, chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có); (2) Chi tiền thưởng: thực hiện chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; (3) Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (4) Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý: tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; (5) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bốn là, có nhiều quy định tạo điều kiện cho đơn vị về giao dịch tài chính, đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị do NSNN bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật Giá, đồng thời, để phù hợp với mức độ tự chủ của từng loại đơn vị và bảo đảm không ảnh hưởng đến quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước.

Năm là, đã bổ sung quy định về hoạt động liên doanh, liên kết của ĐVSNCL và việc phân phối kết quả chênh lệch thu, chi từ hoạt động liên doanh liên kết. ĐVSNCL được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật này và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh, liên kết và quy định cụ thể đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới.

Sáu là, ngoài những quy định áp dụng chung, Nghị định đã quy định một chương riêng về tự chủ tài chính của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế – dân số; giáo dục – đào tạo; giáo dục nghề nghiệp, 2 ngành, lĩnh vực DVSNC chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các DVSNC, trong đó quy định một số nội dung đặc thù việc sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của 2 lĩnh vực này.

Một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ nhất, để Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thực sự đi vào thực tiễn, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn, đó là: để phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị ĐVSNCL và cung ứng DVSNC, Nhà nước cần tập trung xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật đối với từng loại hình DVSNC, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc ban hành đầy đủ danh mục DVSNC sử dụng NSNN, việc hỗ trợ từ NSNN sẽ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm DVSNC được cung cấp, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng để bảo đảm hiệu quả đầu tư từ NSNN. Đồng thời, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp DVSNC sử dụng NSNN để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp, giảm dần các sản phẩm DVSNC sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.

Trách nhiệm của các cơ quan chủ quản các ĐVSNCL trong việc triển khai đánh giá, phân loại, xây dựng phương án chuyển đổi của các ĐVSNCL sang thực hiện cơ chế tự chủ, hướng dẫn sao cho phù hợp với thực tế hoạt động của từng ĐVSNCL.

Thứ ba, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã có nhiều điểm tích cực và cụ thể hóa bằng các quy định giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của các ĐVSNCL, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ để các ĐVSNCL có thể tự thực hiện được, một số quy định không thể thực hiện ngay mà phải chờ các hướng dẫn của các cơ quan khác, một số quy định chưa thực sự đồng bộ với những quy định trong các luật khác cần phải tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ, cụ thể:

– Giá, phí DVSNC sử dụng NSNN được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá DVSNC sử dụng NSNN theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá DVSNC (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luât). Tuy nhiên đến nay, việc xây dựng cơ chế tiền lương chưa có thông tư hướng dẫn của cơ quan chủ quản, hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, giao quyền tự chủ tài chính cho cơ sở giáo dục đại học do cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt trên cơ sở thẩm định phương án tự chủ tài chính của ĐVSNCL xây dựng, đề xuất, báo cáo. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học quy định quyền tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục do Hội đồng trường quyết định. Hội đồng trường được gọi như là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu, gần như thay mặt cho Nhà nước. Do vậy, cần có hướng dẫn hay phân định cơ quan có thẩm quyền hay cơ quan quản lý cấp trên.

Kết luận

Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL là một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế của xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ mà các ĐVSNCL cung cấp cho xã hội.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành về NSNN, đầu tư công, quản lý tài sản công, đặc biệt gắn việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí từ NSNN với cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng DVSNC để thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới.

Chú thích:
1, 2. Bộ Nội vụ. Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trình Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), năm 2017.
3, 4. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Tổng cục Thống kê. Số liệu công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
6, 7. Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đầu tư công năm 2019.
2. Luật Giá năm 2012.
3. Luật Giáo dục đại học năm 2012.
4. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
5. Luật Phí và lệ phí năm 2015.
6. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
7. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
TS. Nguyễn Thu Thủy
Học viện Hành chính Quốc gia