(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện đạo lý, truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
75 năm đã trôi qua, chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ (TBLS) và người có công với cách mạng (NCCVCM) luôn là một trong những chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình NCCVCM. Vì thế, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và NCCVCM là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, tri ân đối với NCCVCM và từng bước được hoàn thiện. Đảng ta chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng…”1. Nghị quyết Đại hội VII của Đảng khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”2. Đến Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta chỉ rõ: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ…”3. Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công; Pháp lệnh Ưu đãi người có công số 02/2020/UBTVQH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 09/12/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 với một số điểm mới nổi bật hướng tới nâng cao chế độ và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho NCCVCM.
Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Pháp lệnh của Quốc hội, chính sách của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu đề xuất, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, Tổng cục Chính trị hướng dẫn thực hiện chính sách đối với NCCVCM, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn quán triệt, triển khai nghiêm túc, tổ chức xác nhận khối lượng lớn hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và ngoài nước; thực hiện chu đáo, đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với NCCVCM và tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chủ trương, chính sách và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chính sách ưu đãi NCCVCM. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời khắc phục sai sót, tiêu cực, góp phần ổn định tình hình chính trị – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cơ quan, đơn vị chức năng giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với TBLS và NCCVCM; đóng góp quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của họ. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, cả nước, toàn xã hội đã triển khai nhiều hoạt động rộng khắp, mang ý nghĩa thiết thực, đã phát triển thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCCVCM với những chương trình tri ân, như: tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… đạt hiệu quả thiết thực, to lớn.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, các địa phương, đơn vị trong cả nước khắc phục những khó khăn, bất cập, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa; đồng thời, chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và NCCVCM, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên. Theo đó, để giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách đối với TBLS và người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”4. Cùng với đó, “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”5.
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 18/6/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba; ngày 15/11/2007, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi NCCVCM. Tiếp đó, để đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng chương trình phối hợp, triển khai rà soát đối với 7 đối tượng, bao gồm: Anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong.
Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, hơn 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Thể hiện trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chung sức, đồng lòng chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của NCCVCM ngày càng đầy đủ hơn; xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi NCCVCM là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc NCCVCM. Phấn đấu đến hết năm 2025 và những năm tiếp theo, bảo đảm 100% gia đình NCCVCM có mức sống cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận NCCVCM, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận NCCVCM.
Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về ưu đãi NCCVCM đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp, như các chương trình, chuyên mục “Đi tìm đồng đội”, “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam; “Giải đáp chính sách”, “Thông tin liệt sĩ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng; “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thông tin về mộ liệt sĩ” của Báo Quân đội nhân dân và nhiều chuyên mục về NCCVCM trên các phương tiện truyền thông khác. Qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn trong xã hội để chăm lo tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCCVCM.
Việc “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”6 ngày càng được thực hiện tốt, trong đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội… Theo đó, “cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”7.
Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh còn nhiều và đa dạng, phức tạp, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ, bị thất lạc. Một số địa phương, đơn vị quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách đối với NCCVCM chưa được quan tâm đúng mức. Một số nội dung chính sách chưa được giải quyết kịp thời, tiến độ còn chậm, có trường hợp để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc. Việc quản lý chính sách và cán bộ làm công tác chính sách có đơn vị còn thiếu chặt chẽ, cá biệt có nơi còn để xảy ra tiêu cực.
Hiện cả nước vẫn còn nhiều thương binh, bệnh binh bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi; nhiều gia đình NCCVCM, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh của Quốc hội, Nghị định Chính phủ về chính sách TBLS và NCCVCM, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, chính sách và pháp luật của Nhà nước về thực hiện chính sách TBLS, NCCVCM. Các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cần nhận thức rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về thực hiện chủ trương, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và NCCVCM. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng, cơ quan, đơn vị và địa phương; phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong thực hiện chính sách đối với TBLS và người có công.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tích cực giải quyết hoàn thành bộ cơ sở giữ liệu quốc gia, tiến tới công bố giữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đồng thời, hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ba cấp (xã, huyện, tỉnh) trong phạm vi toàn quốc và quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước; mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, hoàn thành cơ bản việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Cam-pu-chia và nước ngoài.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với NCCVCM, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCCVCM. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, địa bàn vùng sâu, vùng xa để các chế độ, chính sách được chuyển tải đến tận cơ sở, đến từng người dân và đối tượng chính sách. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn xã hội trong việc tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc đối với NCCVCM.
Thứ tư, tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận TBLS, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tu bổ, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Đây là công việc lớn, phức tạp và rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với sự cố gắng của Nhà nước, phải có sự chung tay của các ngành, các cấp và của toàn dân. Trước hết, từng ngành, từng địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai kế hoạch cụ thể, rà soát, xem xét, kết luận từng trường hợp theo đúng quy định, tránh để nhầm, sót những người thực sự có cống hiến mà không được hưởng chính sách. Đồng thời, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về người có công.
Thứ năm, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công; người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với các trường hợp hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCCVCM.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, NCCVCM hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất – kinh doanh… Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu hộ NCCVCM được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở theo quy định và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống của dân tộc “đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạng hơn nữa công tác chăm sóc, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, NCCVCM ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực, làm cho các đồng chí, đồng bào yêu quý đó “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần” như Bác Hồ hằng mong muốn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền có trách nhiệm đi sát cuộc sống thực tế của Nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và NCCVCM, kịp thời bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm giảm bớt những vết thương chiến tranh còn để lại.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 47. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 558.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 51, 102.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 115.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr. 31, 36.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 148, 149.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời ngày thương binh – liệt sĩ. https://noichinh.vn
Thượng tướng Võ Minh Lương
Ủy viên Trung ương Đảng,
Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng