(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã được các cơ quan báo chí xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, được thể hiện rất rõ trên tất cả các loại hình báo chí. Trong chương trình, kế hoạch, đề cương tuyên truyền, các cơ quan báo chí đều dành thời lượng, số lượng đáng kể với việc không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, từ đó đã góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tuyên truyền về bình đẳng giới vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn, vẫn còn có những bất bình đẳng ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, rất cần có những giải pháp tích cực để việc tuyên truyền bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông hiệu quả hơn.
Những quan điểm, nguyên tắc về bình đẳng giới trên thế giới và ở Việt Nam
Thế giới luôn coi trọng vấn đề giới và bình đẳng giới (BĐG). Hiến chương Liên hiệp quốc (LHQ) năm 1945, khẳng định: “…bình đẳng về quyền giữa phụ nữ và đàn ông”; Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (năm 1948) đã xác lập nguyên tắc nền tảng bảo vệ cho quyền bình đẳng nam – nữ: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”.
Đến nay, LHQ đã thông qua được các công cụ quốc tế nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa nam và nữ trên quy mô toàn cầu, như: Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (CEDAW) với 3 nguyên tắc cơ bản: bình đẳng thực tế; không phân biệt đối xử; nghĩa vụ quốc gia; Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984; Tuyên bố Viên và Chương trình hành động năm 1992 (VDPA); Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995…
Hiến chương ASEAN – khu vực Đông Nam Á, Tuyên bố về sự tiến bộ của phụ nữ trong khu vực ASEAN năm 1988 và Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong khu vực ASEAN năm 2004 là những văn bản pháp lý cơ bản liên quan đến quyền của phụ nữ. Từ năm 1975, Tiểu ban ASEAN về phụ nữ được thành lập và năm 1981 được đổi tên thành Chương trình phụ nữ ASEAN. Năm 2002 cơ quan chuyên ngành đã được tái cơ cấu lại thành Ủy ban phụ nữ ASEAN (ASEAN Committee on Woman – viết tắt là ACW).
Ở Việt Nam, BĐG là nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Hiến pháp năm 1946 đã đề cập: “…Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam” và, “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Những bản Hiến pháp tiếp theo (Hiến pháp năm 1959; Hiến pháp năm 1980; Hiến pháp năm 1992; Hiến pháp năm 2013), đều có các Điều, khoản quy định chi tiết, cụ thể về quyền của phụ nữ; về “quyền ngang nhau” giữa nam và nữ ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội BĐG.
Ngày 29/11/2006, Quốc hội thông qua Luật BĐG và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007. Việc có một đạo luật chuyên ngành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề BĐG, ngăn ngừa phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Mặt khác, Luật BĐG cũng quy định khá rõ, chi tiết về việc bảo đảm lồng ghép vấn đề BĐG trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ đây, các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chương trình, đề án, dự án… của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương được lồng ghép nội dung BĐG phù hợp, hiệu quả. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã ban hành các nghị định, thông tư, Chiến lược quốc gia để thực hiện công tác BĐG. Trong đó, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020; và Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 – 2030 rất quan trọng trong xu thế Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện hiện nay.
Mục tiêu chính của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 – 2030 là tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ, nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chiến lược đã đưa ra 20 chỉ tiêu của 6 mục tiêu trong tất cả các lĩnh vực. Để thực hiện chiến lược này, Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp chung, những giải pháp cụ thể và công tác tổ chức thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành.
Đối với quan hệ hợp tác quốc tế về BĐG, Việt Nam cũng đã và đang tham gia rất tích cực, hiệu quả với nhiều tổ chức quốc tế, như: Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Chúng ta cũng đã nghiêm túc thực hiện các cam kết và điều ước quốc tế và khu vực ASEAN về thúc đẩy BĐG và tăng quyền cho phụ nữ. Nội luật hóa các điều ước quốc tế trong xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách lên quan đến phụ nữ.
Thực trạng công tác tuyên truyền về bình đẳng giới của báo chí
Mục tiêu tuyên truyền về BĐG đã được các cơ quan báo chí thể hiện rất rõ, hầu hết các báo, tạp chí đều chú trọng tuyên truyền, tăng cường số lượng các bài viết về BĐG trên các ấn phẩm. Để minh chứng cho nội dung này, tác giả bài viết đã tra google: “Tuyên truyền về bình đẳng giới”, ngay lập tức đã cho kết quả hơn 9 triệu về nội dung này; hay “Vai trò của báo chí với bình đẳng giới” cho hơn 25 triệu kết quả về nội dung này.
Công tác tuyên truyền về BĐG trên báo chí và các phương tiện truyền thông đã phát huy được hiệu quả góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện BĐG của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của toàn xã hội và đất nước.
Các báo, tạp chí đã dành chuyên trang, chuyên mục với lượng bài, tin về nội dung BĐG rất lớn, đa dạng, phong phú hấp dẫn trên tất cả các ấn phẩm. Đơn cử như Báo Lao động thường xuyên đưa thông tin về BĐG: “Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Nữ đại biểu Quốc hội – minh chứng sinh động về bình đẳng giới” (ngày 8/3/2022), trong bài nêu: “Trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%”, báo cũng khẳng định: “Số lượng đại biểu Quốc hội phụ nữ ở Việt Nam đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội”. Trong bài:“Việt Nam đặc biệt coi trọng bảo đảm bình đẳng giới” (ngày 23/6/2022) đưa tin Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu cấp cao tại Thái Lan: “Việt Nam đặc biệt coi trọng bảo đảm BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ”, bà kêu gọi quốc tế cần phát huy hơn nữa vai trò và sự tham gia đầy đủ và thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống”.
Báo Nhân Dân số ra ngày 29/6/2022 có bài: “Tiếp tục nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới”, nêu phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa 50 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc Đỗ Hùng Việt (tổ chức tại Thụy Sĩ), khẳng định: “Việt Nam tiếp tục ưu tiên các cam kết thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ”.
Các báo ngành, như Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh… đều dành thời lượng lớn cho chuyên mục, chuyên đề BĐG. Đơn cử như bài: “5 đề xuất của Hội LHPN Việt Nam nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình” (ngày 16/8/2022); “Đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG, phòng chống bạo lực gia đình gắn với xây dựng gia đình văn hóa” (ngày 07/7/2022).
Các báo cũng đã có nhiều bài về phối hợp ngành, liên ngành, lực lượng trong việc triển khai thực hiện BĐG, như: “Cần bổ sung nguyên tắc về bảo đảm BĐG, lồng ghép giới trong hoạt động thanh tra”; “Cần triển khai hiệu quả công tác phụ nữ và BĐG trong lực lượng công an”; “Cần chủ động hơn nữa tham mưu thực hiện BĐG”; “Nam giới chung tay kiến tạo hòa bình”… đã tạo nên một phong trào rộng khắp trong toàn xã hội chung tay thực hiện BĐG.
Các báo, tạp chí cũng đã dành thời lượng đáng kể tuyên truyền mỗi khi có chính sách mới, luật, quy định… về giới, BĐG đối với phụ nữ; BĐG trong giáo dục, y tế, văn hóa, cộng đồng. Đặc biệt, trong phòng chống đại dịch Covid-19 phụ nữ và trẻ em luôn được các báo đề cập, khẳng định “Phụ nữ, trẻ em luôn là đối tượng ưu tiên và có hỗ trợ cao hơn” (Báo Nhân Dân ngày 20/10/2021); “Hỗ trợ kinh tế để khuyến khích sinh con gái” (Báo Phú Thọ, ngày 30/01/2013), bài báo đề cập tình trạng chênh lệch giới tính tại Việt Nam đang ở mức cao, 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái và nguy cơ của mất cân bằng giới tính khi sinh. Hay như bài: “Đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em gái vùng sâu, vùng xa trong giáo dục” (báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20/11/2015), nêu rõ: bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái nhất là vùng sâu, vùng xa trong giáo dục, đào tạo là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện BĐG.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về BĐG trên báo chí và các phương tiện truyền thông cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đề ra, như nhiều nơi, nhiều lúc còn có tình trạng ngược đãi phụ nữ, trẻ em gái, phân biệt nam – nữ, bạo hành gia đình, bóc lột sức lao động, trong phân chia tài sản thừa kế… Tất cả các hạn chế, tồn tại này đòi hỏi huy động sự chung tay, vào cuộc của mọi lực lượng trong xã hội, nhất là phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông để tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng vấn đề về giới và BĐG, tác động đến nhận thức, hành động và trách nhiệm thực hiện BĐG trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, Nhân dân và toàn xã hội.
Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại là do nhận thức về giới và BĐG chưa đầy đủ và sâu sắc của chính các cơ quan báo chí và nhà báo. Luật Báo chí năm 2016 chưa quy định cụ thể trách nhiệm của báo chí đối với việc tăng cường nhận thức của cộng đồng về BĐG. Sự gắn kết vai trò, trách nhiệm của báo chí với sự nghiệp thúc đẩy BĐG và sự giám sát của các cơ quan quản lý báo chí về vấn đề này chưa chặt chẽ, hiện vẫn còn trong tình trạng hô hào chung chung, tùy sự hưởng ứng “tự giác” của các cơ quan báo chí và nhà báo.
Quá trình nghiên cứu cho thấy, định kiến giới vẫn tồn tại trong sách giáo khoa, trên các phương tiện truyền thông và ngay trên mặt báo chí. Chúng tôi đã khảo sát một số báo, tạp chí trong một khoảng thời gian nhất định. Có kết quả như sau: nam giới chiếm đa số những người được phỏng vấn, đưa tin hay trích dẫn (với khoảng gần 85%); nữ giới được phỏng vấn, đưa tin hay trích dẫn ít hơn rất nhiều (khoảng hơn 15%). Trả lời những câu hỏi về các vấn đề như: y tế, giáo dục, trẻ em, gia đình,dịch vụ xã hội, nhân đạo phần đa là nữ giới. Những vấn đề như: kinh tế vĩ mô, quan hệ đối ngoại, an ninh, quốc phòng, khoa học – kỹ thuật… chủ yếu trả lời là nam giới.
Từ kết quả trên, có thể thấy có hai giả thiết: (1) Nếu báo chí phản ánh đúng thực tế xã hội thì “bất bình đẳng” về vai trò lãnh đạo giữa hai giới là rất rõ ràng. Trong đó, khu vực nhà nước có nhiều “vùng tối” nhất, với tỷ lệ lãnh đạo nữ thấp nhất. (2) Nếu truyền thông không phản ánh đúng thực tế xã hội, thì bức tranh về lãnh đạo nữ được giới thiệu đến công chúng là một bức tranh rất ảm đạm nhìn từ phương diện BĐG.
Phần lớn nhà báo (53,7%) đều cho rằng, phụ nữ vẫn phải chịu sự phân biệt ở “mức độ tương đối”. Đồng thời, có 72% các nhà báo tham gia khảo sát cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tạo ra những thay đổi để phụ nữ có thể có được các cơ hội tương đương như nam giới trong công việc.
Vô tình (hoặc hữu ý) các báo đã gián tiếp công nhận nam giới có những phẩm chất vốn được coi là gắn liền với vai trò lãnh đạo hơn nữ. Nhìn chung, các nhà báo đánh giá cao lãnh đạo nam với đặc tính vốn được coi là gắn liền với vai trò lãnh đạo, như: sự tự tin, có năng lực, quyết đoán, cạnh tranh và mạnh mẽ. Lãnh đạo nữ được đánh giá cao hơn ở những đặc tính được coi là ít gắn với khả năng lãnh đạo, như: thân thiện, khéo léo, nhẹ nhàng, thông cảm và chu đáo.
Khi đưa tin về lãnh đạo nữ, thông tin về vai trò chăm sóc gia đình, con cái, hình thức bên ngoài quan trọng hơn đối với lãnh đạo nam giới. Hầu như các báo khi đưa thông tin về giáo dục, khả năng lãnh đạo, hay kinh nghiệm công việc đều quan trọng đối với cả lãnh đạo nữ giới và lãnh đạo nam giới. Tuy nhiên, những thông tin về gia đình, con cái hay hình thức bên ngoài quan trọng hơn đối với những nhân vật là lãnh đạo nữ giới so với lãnh đạo nam giới.
Định kiến giới thể hiện trong thái độ của các nhà báo đối với nguồn tin. Nhìn chung, các nhà báo cho rằng nguồn tin là lãnh đạo nam được đánh giá là thông minh hơn, quyết đoán hơn, có kiến thức hơn, tổ chức công việc hiệu quả hơn và có quyền lực hơn nguồn tin nữ giới. Nguồn tin nữ được cho là trung thực hơn và dễ tiếp cận hơn.
Còn một thực tế có ảnh hưởng trực tiếp đến “phong cách” tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí của nhà báo, phóng viên nữ, đó là môi trường sinh sống của nhà báo. Ví dụ, nếu nhà báo sinh ra và lớn lên trong gia đình có sự “phân công”: việc nấu cơm, chăm sóc con cái, giặt giũ, đi chợ, dọn nhà… là của phụ nữ; việc lo kiếm tiền, ngoại giao bên ngoài, học hành, phấn đấu sự nghiệp, thăng chức, làm lãnh đạo… là của nam giới thì khi tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí phần lớn nhà báo “thiên” về định kiến giới.
Một số giải pháp để báo chí thực hiện tốt tuyên truyền về bình đẳng giới
Để việc tuyên truyền về BĐG trên các phương tiện báo chí được hiệu quả hơn, thiết nghĩ các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với cơ quan báo chí.
Tiếp tục coi trọng việc tuyên truyền về BĐG trên các phương tiện, ấn phẩm báo chí; cần có đề cương, kịch bản tuyên truyền cụ thể từng số, tháng, năm để việc tuyên truyền theo mạch liên tục, thông suốt cả quá trình; các cơ quan báo chí nên thay đổi, sáng tạo phương thức, cách thức truyền tải tác phẩm báo chí đến với bạn đọc, công chúng và toàn xã hội một cách hấp dẫn nhất theo phương châm: ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo.
Tăng cường truyên truyền, phổ biến rộng khắp về BĐG trên tất cả các ấn phẩm báo chí. Tuyên truyền sâu đậm về vì sự tiến bộ của phụ nữ; về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội, học đường. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, cụ thể tuyên truyền về Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 – 2030; thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, nắm bắt “hơi thở” cuộc sống để có nội dung tuyên truyền sát đúng, phù hợp với thực tiễn đang diễn ra.
Nhà báo và các cơ quan báo chí cần “BĐG” ngay trên mặt báo, trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng internet. Theo đó, cần lưu ý tỷ lệ tương đương về nội dung, chủ đề, hình ảnh… của nam giới và nữ giới có trong tất cả thời lượng đăng tải của số báo, của chương trình phát sóng. Tránh tình trạng phụ nữ góp mặt rất ít trên các phương tiện truyền thông, điều đó ngụ ý rằng, nam giới mới là tiêu chuẩn, còn vai trò phụ nữ là không quan trọng hoặc không có. Mặt khác, đối với tin bài có yếu tố nhạy cảm giới, cần tránh không sử dụng những chi tiết mô tả về phụ nữ, về nhân quyền, như: tình trạng thể chất, hôn nhân, gia đình… Các nhà báo, cơ quan báo chí nên xóa bỏ định kiến về giới ngay trong bản thân; trong cách thức đưa tin, bài trên các ấn phẩm báo chí.
Nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải là những tấm gương, làm gương và luôn phải tự ý thức, trang bị, cập nhật một cách thường xuyên, liên tục về kiến thức, nhận thức và năng lực về giới và BĐG. Đồng thời, cũng cần phải tự cập nhật để có sự hiểu biết sâu sắc về các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến khung pháp lý về quyền con người, quyền phụ nữ, cũng như bối cảnh BĐG của thế giới. Có như vậy, sản phẩm báo chí mới tạo được niềm tin củng cố định kiến về giới và góp phần đấu tranh loại bỏ tình trạng bất BĐG.
Thứ hai, đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội các địa phương cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên truyền về BĐG, về sự tiến bộ và công bằng xã hội. Trong đó tập trung đổi mới hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong các hoạt động truyền thông, trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG. Đồng thời, thường xuyên phải thanh tra, kiểm tra hoạt động tuyên truyền, phổ biến về BĐG để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh khi không phù hợp, có biểu hiện lệch lạc.
Đối với các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn cần có hình thức vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách linh hoạt, phù hợp. Hết sức chú ý tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, về phòng chống bạo lực gia đình, về hôn nhân và hạnh phúc gia đình.
Thứ ba, đối với các bộ, ngành.
Tăng cường phối hợp liên ngành cho công tác BĐG. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG. Ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ nói chung và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, các cơ quan dân cử nói riêng; đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
Thứ tư, đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.
Tuyên truyền, giáo dục về giới, BĐG trong môi trường giáo dục là cực kỳ quan trọng. Do đó, các cấp học, từ tiểu học đến đại học phải thường xuyên đưa nội dung BĐG vào chương trình, giáo trình giảng dạy. Bộ Giáo dục và đào tạo cần nhanh chóng đưa nội dung về giới, BĐG vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; trong đó, cần được lồng ghép vào việc biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông và giảng dạy ở các cấp học, nhất là trong các trường khối sư phạm.
Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cũng cần đưa nội dung về giới, BĐG trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, như về dân số và phát triển; về sự tiến bộ và công bằng xã hội…
Kết luận
Để công tác BĐG đạt hiệu quả tốt nhất, việc chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội là hết sức cần thiết, trong đó có vai trò của báo chí trong tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện về giới và BĐG là cực kỳ quan trọng. Tất cả hướng đến mục tiêu BĐG vì sự phát triển và công bằng xã hội như tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.