Kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch cộng đồng

(Quanlynhanuoc.vn) – Du lịch cộng đồng hiện đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế bền vững; phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và ngày càng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bài viết phân tích bản chất, nhận diện hạn chế trong phát triển du lịch cộng đồng trong kinh tế tuần hoàn, từ đó đề xuất kiến nghị phát triển du lịch cộng đồng theo kinh tế tuần hoàn ở nước ta hiện nay. 
Ảnh minh họa (internet)
Kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu hướng chung của thế giới ngày nay, đã được chứng minh ở nhiều quốc gia. Phát triển KTTH có thể áp dụng cho mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. KTTH cung cấp các cơ hội mới và tạo ra sự thay đổi trong mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng. KTTH đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu do các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. KTTH là cách gọi tắt của mô hình kinh tế sản xuất khép kín do nhà kinh tế học người Anh đề xuất vào năm 1990 trong cuốn Kinh tế Tài nguyên và Môi trường. Đây là mô hình phát triển kinh tế dựa trên nguyên lý “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”1.

Bằng cách áp dụng các biện pháp như tái chế, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang… những gì thường bị coi là rác thải có thể trở thành nguồn tài nguyên giá trị. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trái ngược với nền kinh tế tuyến tính, KTTH là một mô hình kinh tế, trong đó giá trị của hàng hóa, tài nguyên và nhiên vật liệu được duy trì càng lâu càng tốt để tạo ra nhiều giá trị mới khác. Việc này giúp ngăn ngừa nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và giá cả thị trường bất ổn định, giảm thiểu việc phát sinh rác thải và gia tăng việc sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo bền vững. Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho rằng, nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người2.

KTTH gắn với phát triển bền vững đang ngày càng được sự quan tâm của các chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Phát triển bền vững là sự kết hợp cân bằng giữa hoạt động kinh tế, hòa nhập xã hội và khả năng chống chịu với môi trường, mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai3. Các hoạt động của con người và việc sử dụng tài nguyên đã làm giảm vốn tự nhiên với tốc độ nhanh hơn mức có thể được bổ sung, dẫn đến suy thoái những nguồn lực mà xã hội con người đang phụ thuộc vào4. Từ khi khởi xướng đến nay, mô hình KTTH đã được thừa nhận rộng rãi và dần trở thành phương thức hiệu quả nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế tốc độ cao và suy thoái môi trường sinh thái nghiêm trọng. Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc – UNEP5 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế6 đều cho rằng, KTTH là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Hiện nay, tùy thuộc lĩnh vực nghiên cứu và phương thức tiếp cận mà có nhiều cách định nghĩa khác nhau về KTTH. Nhìn chung, có thể hiểu, KTTH là một mô hình kinh tế (gần như) khép kín dựa trên cơ sở của việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng, chia sẻ, cho thuê hay sửa chữa nhằm kéo dài tuổi thọ của hàng hóa, tận dụng tối đa giá trị của các nguồn nguyên nhiên vật liệu được khai thác thu thập, từ đó loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng hệ sinh thái, kinh tế và xã hội về lâu dài7.

Như vậy, KTTH là mô hình kinh tế mà trong đó toàn bộ quá trình từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới xử lý chất thải đều dựa vào nguyên tắc giảm thiểu khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và tăng cường việc tái chế, tái sử dụng. KTTH giúp thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì hệ sinh thái nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một hình thái kinh tế thỏa mãn đồng thời lợi ích kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, từ đó trực tiếp mang lại nguồn lợi cho người thực hiện và cho cả cộng đồng.

Ở Việt Nam để triển khai các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã đưa ra nhiệm vụ về “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH”. Đồng thời, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đề cập đến KTTH như là một giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, “lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội”. Ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Theo đó, Đề án xác định: “Phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác kinh tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế”.

Phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã và đang là một trong những xu hướng du lịch quan trọng. DLCĐ nhận được nhiều sự đồng thuận trong chiến lược phát triển du lịch, không ở các quốc gia phát triển mà còn ở nhiều quốc gia đang phát triển, do tập trung vào nhu cầu và kỳ vọng của cộng đồng địa phương. Việc phát triển DLCĐ tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các địa bàn, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc, cho các làng nghề, làng quê,… Phát triển DLCĐ góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa tại các địa phương.

Hiện nay, liên quan khái niệm DLCĐ, cũng có khá nhiều nghiên cứu đã đề cập đến các thuật ngữ, như: du lịch dựa vào cộng đồng; phát triển cộng đồng dựa vào du lịch; du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; du lịch có sự tham gia của cộng đồng; du lịch núi dựa vào cộng đồng… Tuy tiếp cận theo các thuật ngữ khác nhau nhưng các nghiên cứu đều đề cập đến các vấn đề cơ bản và tương đồng của DLCĐ.

DLCĐ là hoạt động du lịch được sở hữu, khởi xướng bằng một hay vài cộng đồng địa phương, có sự liên kết với khối tư nhân nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên cũng như văn hóa một cách bền vững để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế8. Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên thì du lịch dựa vào cộng đồng là một hình thức du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương có vai trò quan trọng trong kiểm soát và liên quan đến hoạt động du lịch9. Sự phát triển, quản lý du lịch và tỷ lệ của những lợi ích còn lại thuộc về cộng đồng.

Các cộng đồng có thể sở hữu tài sản như nhà nghỉ nhưng thuê công ty quản lý du lịch bên ngoài để quản lý hoặc cộng đồng có thể không sở hữu trực tiếp tài nguyên phục vụ du lịch, như: đất đai, địa điểm cắm trại bên trong các công viên hay các công trình quốc gia, nhưng có trách nhiệm quản lý nhằm mục tiêu mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng10. DLCĐ là mô hình phát triển du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ “đọng lại” nền kinh tế địa phương.

Bộ Tiêu chuẩn ASEAN về DLCĐ11 đã khái niệm: “DLCĐ là một loại hình du lịch trao quyền cho cộng đồng quản lý sự tăng trưởng của hoạt động du lịch, đạt được những khát vọng về sự thịnh vượng của cộng đồng, bảo đảm được sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội và môi trường. Du lịch cộng đồng là những hoạt động du lịch mà cộng đồng sở hữu, vận hành và quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng. Các hoạt động này đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng thông qua hỗ trợ các sinh kế bền vững và bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa – xã hội và bảo tồn các tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên”.

Các nghiên cứu trong nước cũng đã làm rõ nội hàm của thuật ngữ DLCĐ, du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bên cạnh đó, cộng đồng cũng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên12. Luật Du lịch năm 2017 quy định rõ DLCĐ “là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”.

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn được xây dựng gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, phát triển DLCĐ theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng nhằm đạt được mục tiêu này. Mục tiêu tổng thể của DLCĐ theo hướng kinh tế tuần hoàn là đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa con người, môi trường và tăng trưởng kinh tế trong suốt quá trình tổ chức hoạt động DLCĐ. Phát triển DLCĐ theo hướng KTTH nhằm hạn chế một số vấn đề liên quan đến tiêu thụ quá mức, tăng trưởng liên tục và cạn kiệt tài nguyên mà ngành Du lịch sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp. Khác với nền kinh tế du lịch tuyến tính truyền thống, theo đó, DLCĐ theo hướng KTTH mọi thứ trong quá trình hoạt động được sử dụng, hao mòn và loại bỏ. Đồng thời, khuyến khích việc tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm được tái chế hoặc tái sử dụng phục vụ cho các hoạt động du lịch một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giảm chất thải ra môi trường và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Như vậy, phát triển DLCĐ muốn bền vững phải theo hướng bền vững của việc phát triển KTTH.

Việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng KTTH là một trong những hướng đi phù hợp, được ưu tiên lựa chọn để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng ưu điểm của mô hình KTTH. Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng KTTH là việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch do người dân phát triển và quản lý trên cơ sở sử dụng các nguồn lực tự nhiên thân thiện môi trường, ít tạo ra phát thải, rác thải, tái tạo và tái sử dụng tối đa các yếu tố đầu vào nhằm mang lại lợi ích phân phối lại cho người dân và kinh tế địa phương. Phát triển DLCĐ theo hướng KTTH là cách thức tổ chức một chuỗi hoạt động liên quan đến du lịch như cung ứng, tổ chức hoạt động, trải nghiệm du lịch mang khép kín, có tính liên hoàn, bổ sung cho nhau nhằm giảm thiểu rác thải, phục dựng tài nguyên; chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên DLCĐ đã sử dụng… hướng đến du lịch xanh và bền vững.

Phát triển DLCĐ theo hướng KTTH tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế; đồng thời,khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.

Việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng KTTH có thể thúc đẩy hoạt động du lịch xanh – sinh thái nông nghiệp bền vững, giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, khuyến khích việc cung ứng sản phẩm địa phương, giảm thiểu chất thải, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu thuộc các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và vùng, khu vực. Do đó, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng KTTH sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ toàn xã hội.

Vấn đề đặt ra

Việc phát triển DLCĐ tác động mạnh mẽ tới việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, từ hoạt động đón khách, cung cấp thực phẩm, bán đồ lưu niệm hay biểu diễn nghệ thuật…, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ở địa phương. Hơn nữa, nhờ phát triển DLCĐ, cơ sở hạ tầng tại địa phương đã được tu bổ, xây mới, giúp cho cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn. Trong bối cảnh hiện nay, để tiếp tục phát triển DLCĐ theo hướng KTTH, cần quan tâm một số vấn đề sau đây:

Một, phải quan tâm việc hoàn thiện quy hoạch liên quan phát triển DLCĐ theo hướng KTTH. Hiện nay, các hoạt động thực hiện phát triển du lịch cộng đồng tại một số điểm đến vẫn chỉ là tự phát do các chương trình phi chính phủ phối hợp thực hiện hoặc do các đơn vị lữ hành triển khai cùng với cộng đồng sở tại và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường nên không liên tục, chưa thật sự rõ ràng và bền vững. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH theo ngành, lĩnh vực đặc biệt trong lĩnh vực du lịch hoặc theo từng địa phương, cho mỗi khu du lịch là rất cần thiết nhưng hiện chưa được xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả.

Hai, vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng văn hoá của cộng đồng, địa phương là vấn đề mấu chốt để bảo đảm tính bền vững của DLCĐ. Bởi lẽ trong DLCĐ, khách du lịch thường rất quan tâm và mong muốn có những trải nghiệm về môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng văn hoá của cộng đồng, địa phương. Do đó, việc giáo dục và truyền thông đến cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, văn hoá khi phát triển du lịch là điều cần thiết.

Ba là, phải quan tâm đến việc truyền thông và quảng bá cho DLCĐ. Mặc dù DLCĐ là hình thức du lịch dựa vào cộng đồng là chính nhưng để DLCĐ đến được với đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế thì phải có sự kết nối, xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch của các cơ quan nhà nước, các công ty du lịch và hợp tác với cộng đồng địa phương. Vì vậy, ngoài việc xây dựng chính sách phát triển du lịch hợp lý, cần tăng cường vai trò của trung tâm xúc tiến và kết nối du lịch, tạo thành cầu nối giữa du lịch cồng đồng của địa phương – công ty du lịch – du khách, từ đó giúp khai thác và mở rộng thị trường khách du lịch.

Bốn, quan tâm phát triển nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện DLCĐ ở địa phương. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ DLCĐ bằng cách tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng phục vụ và dạy tiếng ngoại ngữ cho các hộ gia đình tham gia phát triển DLCĐ. Đồng thời, cần liên kết với các trường đại học và cao đẳng chuyên ngành du lịch để họ cung cấp các khóa học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hướng dẫn người dân thực hiện các kỹ năng dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, cần truyền thông và chia sẻ kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng mô hình KTTH trong phát triển DLCĐ ở địa phương.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, tiếp tục định vị việc phát triển DLCĐ theo hướng KTTH trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia, địa phương. Để DLCĐ phát triển bền vững, yếu tố quan trọng nhất vẫn phát huy được sức mạnh, ý chí của cộng đồng dân cư bản địa trong việc đồng thuận cùng làm du lịch. Để làm được điều này, cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng những khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển DLCĐ, từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho địa phương phát triển DLCĐ. Do đó, cần có các quy hoạch từ quy hoạch mang tính tổng thể phạm vi quốc gia, khu vực, đến quy hoạch cụ thể của địa phương về phát triển DLCĐ dựa trên thế mạnh của địa phương là điều cần thiết. Đồng thời, trên cơ sở quy hoạch đó các địa phương cần có chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị liên quan truyền thống, văn hóa của địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển DLCĐ. Đặc biệt, phát triển DLCĐ theo hướng KTTH cần phải đặt lợi ích cộng đồng lên trước hết, sao cho hoạt động du lịch mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Bản chất phát triển DLCĐ theo hướng KTTH vẫn là DLCĐ do đó phải định vị và khẳng định giá trị cốt lõi mà DLCĐ mang lại cho cộng đồng địa phương.

Thứ hai, có chính sách, quy định cụ thể cho việc phát triển KTTH trong du lịch và DLCĐ. Nhà nước có vai trò kiến tạo thể hiện trong việc tạo ra một môi trường pháp lý để KTTH phát triển, trong đó việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đúng đắn để DLCĐ phát triển là yêu cầu tất yếu đặt ra. Hiệnnay, Luật Du lịch năm 2017 cũng đã quy định các cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển DLCĐ được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, điều cần thiết là chính quyền địa phương nên phát triển DLCĐ phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể để thúc đẩy sự phát triển DLCĐ địa phương.

Cần có chính sách, cơ chế liên kết giữa các bên liên quan để gắn bó trách nhiệm và lợi ích một cách khoa học, phù hợp, minh bạch và hài hòa trong phát triển DLCĐ. Hoạt động du lịch là một chuỗi của sự liên kết giữa các yếu tố khác nhau từ điểm du lịch đến các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để tạo thành sản phẩm du lịch hoàn thiện. Do đó, để hệ thống các điểm DLCĐ được khai thác và phát triển hiệu quả, việc tổ chức liên kết với các hình thức và mức độ khác nhau là vô cùng quan trọng. Hoạt động liên kết cần có sự tham gia của các thành phần như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ, người dân và cơ quan truyền thông,… Mục đích của liên kết là hướng tới phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất.

Phát triển DLCĐ cần có liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, bởi đây là nguồn cung cấp khách chính. Mặt khác, cũng cần có liên kết với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để phân phối khách khi các khách sạn, khu nghỉ dưỡng này quá tải vào dịp cao điểm, hoặc phân phối những khách mà các cơ sở này không phục vụ (khách chi tiêu thấp, khách nội địa, khách bình dân).

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình phát triển DLCĐ. Chính sách cần tập trung hỗtrợ đầu tư xây dựng thương hiệu vùng, địa phương. Các chính sách cần gắn với phát triển các giá trị nổi bật khác biệt của địa phương hoặc các đặc sản, sản phẩm thủ công hoặc nghề truyền thống của địa phương. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cho nhân sự làm công tác DLCĐ ở địa phương. Cần tổ chức huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch trực tiếp cho người dân với sự giúp đỡ của các nhân viên, chuyên gia có kinh nghiệm.

Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông về phát triển DLCĐ theo hướng KTTH. Việc truyền thông phải góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương và cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch về du lịch cộng đồng theo hướng tuần hoàn thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn. Nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nội dung này, cần quy định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường… Do đó, chínhquyền địa phương nơi phát triển DLCĐ phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng; chủ trì xây dựng cam kết của cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh đối với khách du lịch.

Chú thích:
1. Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990). Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.
2, 7. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ. Kinh tế tuần hoàn: xu hướng phát triển kinh tế bền vững trong thế kỷ 21. Tổng luận Khoa học – Công nghệ – Kinh tế (số 12/2022).
3. Geissdoerfer, M., Savaget, P., Bocken, N.M.P., Hultink, E.J., (2017), The Circular Economy – A new sustainability paradigm? J. Clean. Prod. 143, pp. 757 – 768.
4. WWF (2016), Living Planet Report 2016: Summary, World Wildlife Foundation (WWF).
5. UNEP (2011), “Decoupling natural resource use and environmental impacts from economic growth, “A Report ofthe Working Group on Decoupling to the International Resource Panel. Fischer-Kowalski, M. Swilling, M.von. Weizsacker, E.U, Ren, Y. Moriguchi, Y. Crane, W. Krausmann, F.Eisenmenger, N. Giljum, S. Hennicke, P. Romero.
6. OECD (2019), “Resource Productivity in the G8 and the OECD. A Report in the Framework of the Kobe 3R Action Plan”. Accessed: 12/02/2019. Available: org/env/waste/47944428. Pdf.
7. Rozemeijer. N (2001), Communitybased tourism in Botswana: the SNV experience in three community based tourism projects, SNV/IUCN CBNRM support programme, Botswana.
8. WWF International (2001), Guidelines for community-based ecotourism development(online), at https://wwfint.awsassets.panda.org/downloads/guidelinesen.pdf.
9. Goodwin H. & Santilli R. (2009). Community-based tourism: A success. ICRT Occasional paper. 11(1): 37.
10. ASEAN  (2016),  ASEANcommunity  based tourism, Secretariat, Jakarta.
11. Võ Quế. Du lịch cộng đồng lý thuyết và vận dụng. Tập 1. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2016.
TS. Nguyễn Thế Kiên
Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội