(Quanlynhanuoc.vn) – Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, ngày 12/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Hội thảo là dịp gặp gỡ, kết nối giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã sản xuất – chế biến – tiêu thụ, các nhà đầu tư, chuỗi phân phối, cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại trên thế giới để cùng nhau đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển xanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đến năm 2022, cả nước có 20 tỉnh trồng cà phê, diện tích đạt 710,59 ngàn ha, tăng bình quân gần 2,5% năm. Năng suất đạt 28,2 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1,84 triệu tấn. Giá trị sản xuất cà phê đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt giai đoạn 2010 – 2021 là trên 9%. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích, trong đó, tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng là 2 tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất và cho sản lượng nhiều nhất.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: những năm gần đây, cà phê Việt Nam đã có bước tiến lớn về chất lượng, đặc biệt cà phê Robussta của Việt Nam được công nhận là ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu nên giá trị gia tăng chưa cao. Chính vì vậy, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất cà phê là một trong những hướng đi nhằm phát triển cà phê ổn định và bền vững.
Góp ý kiến vào định hướng phát triển liên kết chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: việc liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa DN với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nông dân đã khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất; tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học – công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cà phê, giúp tạo ra số lượng sản phẩm nhiều hơn, chất lượng đồng đều hơn; DN thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân nhiều hơn; đồng thời, nông dân cũng nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng DN cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác phù hợp.
Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết sản xuất còn một số hạn chế: phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê hình thành tự phát, trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các thành phần khi tham gia liên kết chưa thực sự chặt chẽ cả trên phương diện kinh tế lẫn phương diện pháp lý nên chưa thực sự bền vững; năng lực thực sự của các thành phần khi tham gia, nhất là năng lực của các hộ nông dân, các chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế thị trường; cơ sở vật chất, vốn hoạt động và năng lực quản lý của cán bộ HTX nhìn chung còn hạn chế. Cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các HTX ban hành nhiều, tuy nhiên, quá trình triển khai chưa phát huy được hiệu quả, nguồn lực ít, chưa đáp ứng nhu cầu của HTX nông nghiệp hiện tại.
Hoạt động của các HTX, DN trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể; giá cả cà phê trong những năm qua biến động liên tục nên các DN chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bảo hiểm giá.
Các chuỗi liên kết sản xuất mới được hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng liên kết. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, do đó, các bên dễ vi phạm hợp đồng. Đây là những khó khăn trong quá trình liên kết. Mặt khác, các hoạt động liên kết chỉ dừng lại ở mức độ mô hình, chưa được nhân rộng. Việc kết nối với thị trường ở các mô hình còn kém bền vững, chưa xây dựng được chuỗi giá trị cà phê hoàn thiện trên quy mô lớn, chưa có sự tham gia đông đảo của DN trong nước.
Cũng theo đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để phát triển chuỗi liên kết sản xuất cà phê cần một số giải pháp: (1) củng cố tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị của các HTX sản xuất cà phê. Thành lập các HTX ngay tại vùng nguyên liệu, tạo nên chuỗi liên kết bền vững từ người nông dân đến nhà xuất khẩu. HTX là cầu nối và là nơi tập hợp, quản lý các thành viên trong vùng canh tác tập trung, là nơi cung cấp đầu vào, nơi sơ chế sản phẩm và kết nối đầu ra. Thành lập các đội dịch vụ để cung cấp nhân lực, vật lực, trí lực cho nông dân trong vùng nguyên liệu tập trung; (2) đẩy mạnh tổ chức sản xuất cà phê, liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn, được chứng nhận, thu hút các DN có uy tín đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê; (3) kết nối, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách nhằm thúc đẩy việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê theo chuỗi giá trị, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ quả cà phê.