Một số yêu cầu cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức nữ ở Học viện Quân y

(Quanlynhanuoc.vn) – Chất lượng đội ngũ trí thức nữ ở Học viện Quân y có ý nghĩa to lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện. Nhận thức sâu sắc vai trò của đội ngũ trí thức nữ, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định các yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ này, góp phần hình thành đội ngũ tri thức nữ có phẩm chất, năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ảnh minh họa (tienphong.vn)
Chất lượng đội ngũ trí thức nữ ở Học viện Quân y

Trí thức nữ ở Học viện Quân y là những giảng viên, nhà khoa học, cán bộ quản lý, bác sĩ, điều dưỡng… đang đảm nhiệm các chức trách, nhiệm vụ khác nhau ở các cơ quan, khoa, đơn vị thuộc Học viện Quân y. Đây là bộ phận tiêu biểu của phụ nữ Học viện Quân y, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe bộ đội và Nhân dân, góp phần xây dựng Học viện Quân y vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.

Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, tạo cơ hội để đội ngũ trí thức nữ (ĐNTTN) học tập, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chất lượng ĐNTTN vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Hiện nay, ĐNTTN ở Học viện Quân y cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu tương đối hợp lý, kiến thức và năng lực chuyên môn bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm cao và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mục tiêu quan trọng của Học viện đề ra là xây dựng Học viện thành trường trọng điểm quốc gia, cơ sở nghiên cứu khoa học mạnh, uy tín hàng đầu của Quân đội và ngành Y tế, theo đó, Học viện yêu cầu 100% giảng viên phải tham gia nghiên cứu khoa học; lấy kết quả nghiên cứu khoa học là tiêu chí đánh giá, xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên.

ĐNTTN ở Học viện đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (trong đó có 6 phó giáo sư). Nhiều trí thức nữ đã được Thường vụ Đảng ủy Học viện tin tưởng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý (đảng viên nữ tham gia cấp ủy đạt 26,89%, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 21,17%)1.

Tuy nhiên, chất lượng ĐNTTN hiện nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, như:

(1) Trình độ, năng lực của một số cán bộ phụ nữ còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ2.

(2) Tỷ lệ trí thức nữ có trình độ cao, có học hàm với vai trò là chuyên gia còn thấp, chỉ đạt 5,5%, trong tổng số 109 phó giáo sư và giáo sư của Học viện Quân y hiện có.

(3) Số tri thức nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy còn ở mức tương đối, trong khi mục tiêu do Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội xác định đến năm 2026, có từ 30% các cơ quan đơn vị có lãnh đạo chỉ huy là nữ3.

(4) Việc nâng cao chất lượng ĐNTTN, cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho phụ nữ và phong trào phụ nữ hoạt động.

(5) Nhận thức về nhiệm vụ của một số trí thức nữ còn hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao…

Một số giải pháp

Để nâng cao chất lượng ĐNTTN, trong thời gian tới, Học viện Quân y cần thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện và quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng.

Đây là yêu cầu mang tính định hướng cơ bản, xuyên suốt, bảo đảm quá trình nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y được tiến hành toàn diện, đồng bộ, thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y cần phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; sự hướng dẫn, tổ chức thực hiện của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Quân đội, trực tiếp là Ban Phụ nữ Quân đội.

Như vậy, việc nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y cần quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 – 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới… và kế hoạch, hướng dẫn của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Quân đội (trực tiếp là Ban Phụ nữ Quân đội). Đây là những văn bản chính trị pháp lý làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các cơ quan chức năng ở Học viện Quân y xác định chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng ĐNTTN.

Thứ hai, nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y phải đáp ứng nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám, chữa bệnh trong tình hình mới.

Để thực hiện được yêu cầu này, các chủ thể ở Học viện Quân y quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”4. Việc nâng cao chất lượng đối với ĐNTTN cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, luôn bám sát sự vận động của thực tiễn, yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Quân đội, sát với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Quân y. Từ đó, xây dựng ĐNTTN có chất lượng cao, toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, kĩ năng y khoa, tinh thần trách nhiệm, trong sáng về đạo đức, lối sống lành mạnh, có ý chí quyết tâm cao, khả năng sáng tạo trong công tác, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”.

Nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y phải bảo đảm toàn diện và sự kết hợp chặt chẽ giữa phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn…, trong đó phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn là quan trọng hàng đầu. Cần phát huy vai trò của ĐNTTN trên tất cả mọi lĩnh vực, trong mọi nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng ĐNTTN có chất lượng ngày càng cao, đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Phát triển ĐNTTN ở Học viện Quân y vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đột phá trong từng giai đoạn cụ thể, tránh dàn trải, chất lượng không cao.

Thứ ba, nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y cần phải thực hiện toàn diện, trên tất cả mọi mặt, đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước và linh hoạt trong sử dụng các hình thức, biện pháp; tuyệt đối không nên xem nhẹ bất cứ một khâu nào, một nội dung nào. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ khắc phục được tình trạng thiếu hụt những mảng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết làm cơ sở, điều kiện để nâng cao chất lượng toàn diện ĐNTTN ở Học viện Quân y. Bảo đảm quá trình nâng cao chất lượng ĐNTTN được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Yêu cầu đặt ra trong quá trình nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y phải xuất phát từ tình hình thực tiễn và nhằm giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Công tác nâng cao chất lượng ĐNTTN cần được tiến hành thường xuyên, liên tục mới. Đây là một quá trình trải qua nhiều khâu, nhiều bước và rất công phu. Mỗi khâu, mỗi bước ở các giai đoạn đều có vị trí, vai trò, nội dung, hình thức và biện pháp khác nhau, nhưng giữa các khâu, các bước lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại trong một chỉnh thể thống nhất, tạo nên chất lượng ĐNTTN, hiệu quả của toàn bộ quá trình nâng cao chất lượng ĐNTTN. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc, cấp ủy đảng các cấp trong Học viện cần xác định nội dung, giải pháp phù hợp và phải vận dụng linh hoạt nhiều hình thức phong phú, đa dạng, không nên tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất cứ một nội dung, giải pháp nào trong quá trình nâng cao chất lượng ĐNTTN.

Thứ tư, nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng.

Thực hiện các giải pháp trong quá trình nâng cao chất lượng ĐNTTN ở Học viện Quân y hiện nay là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong Học viện. Đó là sức mạnh của tất cả các lực lượng, cần huy động vào hoạt động nâng cao chất lượng ĐNTTN. Các lực lượng có vai trò, vị trí, trách nhiệm khác nhau nhưng đều hướng tới nâng cao chất lượng ĐNTTN. Sức mạnh tổng hợp của lực lượng này phụ thuộc vào sức mạnh của lực lượng cụ thể, do đó, cần phải phát huy sự nỗ lực chủ quan của từng lực lượng, với vai trò của công tác tổ chức chặt chẽ để tạo nên sự thống nhất nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng ĐNTTN.

Tổng cục Chính trị, trực tiếp là Ban Phụ nữ Quân đội là cơ quan giữ vai trò định hướng, hướng dẫn chỉ đạo hoạt động thực hiện bình đẳng giới. Do vậy, sự định hướng, hướng dẫn chỉ đạo này phải bảo đảm tính thường xuyên, liên tục mang tính hệ thống, thống nhất, nhất quán trong các học viện, nhà trường. Học viện Quân y trên cơ sở định hướng của cơ quan cấp trên sẽ vận dụng định hướng cho các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị một cách đúng đắn phù hợp, xây dựng kế hoạch trong thực hiện các giải pháp nhằm hướng đến nâng cao chất lượng ĐNTTN đạt hiệu quả cao.

Đối với cấp ủy, chỉ huy của các cơ quan, khoa, đơn vị cần có nhận thức đúng tầm quan trọng của việc phát huy vai trò và nâng cao chất lượng của ĐNTTN theo các tiêu chí về chất lượng của nữ trí thức ở Học viện Quân y. Trên tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-TW: “đồng thời, với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nhân sự; đề bạt, bổ nhiệm cần bảo đảm tiêu chuẩn của từng chức danh, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ”5. Các chủ thể dựa trên cơ sở nắm vững nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các cơ quan chức năng và bám sát thực tiễn tình hình nhân sự ở đơn vị, đánh giá cụ thể trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ nguồn để chủ động lựa chọn nhân lực, đưa ra phương pháp và định hướng bồi dưỡng kịp thời.

Đối với bản thân nữ trí thức là chủ thể trực tiếp quyết định đến hiệu quả nâng cao chất lượng của bản thân cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của quá trình nâng cao chất lượng tổng hợp và toàn diện đối với ĐNTTN. Do vậy, từ việc nhận thức đúng giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng ĐNTTN, cần có thái độ, động cơ đúng đắn và ý chí quyết tâm trong quá trình học tập và rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện các tiêu chí cấu thành chất lượng trí thức nữ. Từ việc nhận thức đúng, mỗi nữ trí thức sẽ tự chuyển hóa nội dung, kế hoạch, biện pháp học tập và rèn luyện để vận dụng đạt hiệu quả cho riêng mình.

Yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các chủ thể đóng vai trò tác động đến việc nâng cao chất lượng ĐNTTN là cần nêu cao tính chủ động, nhạy bén trong tổ chức thực hiện, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, có giải pháp hữu hiệu thực hiện ngày càng tốt hơn sự kết hợp giữa các tổ chức, các lực lượng và nữ trí thức trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng ĐNTTN.

Chú thích:
1. Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Học viện Quân y. Báo cáo kết quả công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2022. Hà Nội, 2022.
2. Học viện Quân y. Báo cáo của Phòng Chính trị tại Đại hội đại biểu Phụ nữ Học viện Quân y lần thứ VI (2021 – 2026). Hà Nội, 2021, tr. 12.
3. Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ quân đội lần thứ VII. H. NXB Quân đội nhân dân, 2022, tr. 71.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2008, tr. 34.
5. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021.
2. Đảng ủy Học viện Quân y. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện Quân y (khóa XXI) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hà Nội, 2020.
3. Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới. H. NXB Quân đội nhân dân, 2013.
Nguyễn Trung Kiên
Nguyễn Tiến Công
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng