Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Nguồn nhân lực là năng lực nội sinh, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Những năm gần đây, nguồn nhân lực ở nước ta có những bước đột phá cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, so với các nước phát triển trong cùng khu vực thì năng suất lao động ở nước ta vẫn còn chênh lệch. Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (nguonluc.com.vn).

Nguồn nhân lực (NNL) nói chung, NNL chất lượng cao nói riêng đóng vai trò quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội, giúp nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), tăng hiệu quả làm việc và sự phát triển bền vững đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt là nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức.

Một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh, bền vững phải có 3 trụ cột: NNL chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới và kết cấu hạ tầng hiện đại. Trong đó, NNL chất lượng cao đóng vai trò tiên phong, bởi họ là người có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những biến động, cạnh tranh quyết liệt, phần thắng sẽ thuộc về đất nước có NNL chất lượng cao nên NNL chất lượng cao càng trở nên quan trọng.

Những năm gần đây, NNL ở nước ta có những bước đột phá về chất lượng và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, so với các nước phát triển trong cùng khu vực thì NSLĐ ở nước ta vẫn còn chênh lệch. Vì vậy, cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng NNL trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay

NNL của Việt Nam ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Dân số trung bình năm 2022 của cả nước ước tính 99,46 triệu người, tăng 955,5 nghìn người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, cao hơn 1,1 triệu người so với năm trước. Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6% 1 .

Có thể thấy, trình độ và kỹ năng của lao động Việt Nam được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp 2, đồng nghĩa với thiếu đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia, quản lý giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn.

Khi trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao để tăng NSLĐ và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới 3. Điều đó đang gây áp lực lớn đến việc tạo việc làm bền vững, tăng NSLĐ và hội nhập quốc tế .

Mặt khác, tỷ lệ lao động  có việc làm phi chính thức còn cao, nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào việc làm có NSLĐ thấp, tạo ra thu nhập thấp. Ví dụ:

(1) NSLĐ và hiệu quả việc làm của ngành dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác. NSLĐ ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) là 5.000 USD (USD không đổi) trên mỗi lao động vào năm 2019, vẫn thấp hơn nhiều so với các nước so sánh, bao gồm Ma-lai-xi-a (20.900 USD), Phi-lip-pin (9.300 USD) và In-do-ne-xi-a (7.300 USD) 4.

(2) NSLĐ Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực: chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Singapore, 23,1% của Ma-lai-xi-a, 41,5% của Thái Lan, 55,5% của In-do-ne-xi-a và 62,8% của Phi-lip-pin; chỉ cao hơn NSLĐ của Căm-pu-chia (gấp 1,8 lần) 5; Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2021, lao động Xinh-ga-po đóng góp vào GDP cả nước 73,7 USD trong 1 giờ lao động, trong khi lao động Việt Nam đóng góp khoảng 7,3 USD/giờ vào GDP 6.

Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi NNL phải có năng lực, trình độ chuyên môn để đáp ứng với nhu cầu của xã hội cũng như theo kịp trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ của thế giới. Tuy nhiên, chất lượng NNL vẫn là một thách thức đối với Việt Nam. Tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với tương quan chung trong khu vực cũng như trên thế giới.

Mặt khác, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã kéo theo sự thay đổi về chuyển dịch cơ cấu việc làm, như: việc làm thủ công sẽ được thay thế bằng robot; bằng tự động hóa. Điều đó đặt ra những vấn đề mới trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn hạn chế (26,2%) 7 thì đây là một thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam

Thứ nhất, phát triển NNL gắn liền với công tác giáo dục – đào tạo. Đây là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng NNL. Trong đó, đào tạo ngoại ngữ cho người lao động được coi là vấn đề cấp bách. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình đào tạo thực chất, gắn với công việc thực tế của người lao động; hướng dẫn cách sử dụng hiệu quả kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán, tư duy sáng tạo, …

Để nâng cao chất lượng NNL, cần thiết phải đẩy mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, gắn lý thuyết với thực hành; các chương trình học cần được xây dựng đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu thị trường lao động.

Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% vào năm 2030. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục – đào tạo, đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, cần chủ động trong việc đào tạo NNL các ngành, lĩnh vực ưu tiên đã được xác định tại “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo NNL trẻ chất lượng cao làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành kinh tế mũi nhọn đóng vai trò cốt lõi để tạo bước đột phá cho nền kinh tế của đất nước, như: ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến; ngành công nghiệp dệt may; ngành công nghiệp công nghệ cao; ngành công nghiệp năng lượng; ngành công nghiệp cơ khí điện tử; ngành công nghiệp khai thác khoáng sản;… Do đó, đào tạo NNL trẻ chất lượng cao sẽ là NNL tiềm năng cho ngành kinh tế mũi nhọn.

Để đào tạo NNL làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn cần thiết kế các chương trình đào tạo gắn với các ứng dụng công nghệ cao; đồng thời cần liên kết chương trình đào tạo ở trong nước với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài; mời các chuyên gia nước ngoài giảng dạy một số ngành, nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức đào tạo theo hướng phát triển toàn diện năng lực, tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng thành thạo vào sản xuất.

Thứ ba, cần có chính sách thu hút, đãi ngộ đối với NNL chất lượng cao để họ yên tâm làm việc và cống hiến, như: cấp nhà; hỗ trợ đi lại; trả lương cao; được tham gia chương trình liên kết đào tạo tại nhiều nước trên thế giới để cập nhật những kiến thức tiên tiến, hiện đại; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc; tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Thứ tư, hằng năm cần đánh giá về tình hình sử dụng NNL, nhất là NNL chất lượng cao ở nước ta. Trên cơ sở đó, xây dựng chính sách về phát triển NNL cho phù hợp, như: chính sách hướng nghiệp, dạy nghề, học nghề; dự báo nhu cầu lao động và cân đối lao động theo ngành nghề, trình độ; điều chỉnh chính sách an sinh xã hội cho người lao động; chính sách đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022. https://www.gso.gov.vn/, ngày 29/12/2022.
2, 3, 7. Tỷ lệ lao động chất lượng cao của Việt Nam vẫn ở mức thấp. https://vneconomy.vn/, ngày 21/2/2023.
4. Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. https://www.worldbank.org, tháng 3/2023.
5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Báo cáo lao động việc làm của Việt Nam năm 2020. Hà Nội, 2021.
6. Tổ chức Lao động Quốc tế – ILO. Báo cáo lao động việc làm toàn cầu năm 2021. https://www.ilo.org/, ngày 02/6/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nguyễn Thị Thanh Liên. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – một khâu đột phá ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kỷ yếu hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.
3. Vũ Thị Hồng Ngân. Nguồn nhân lực trong thời đại 4.0 (sách dịch). H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2022.
4. Phạm Nguyên Trường. Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại – David Held. NXB Tri thức, 2013.
5. Brenda King, Eric Osei, Human Resources Development for Economic Development ‐ examples and lessons from ACP countries. Economic Council ACP-EU and Social Interest Group, Brussels, Belgium, 2022.
TS. Phương Hữu Từng
Học viện Hành chính Quốc gia