(Quanlynhanuoc.vn) – Nội dung bài viết hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản của C. Mác và V.I. Lênin về tác động của quy mô ruộng đất đến năng suất lao động trong nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp tập trung ruộng đất phù hợp với các quy luật khách quan nhằm thúc đẩy năng suất lao động trong nông nghiệp nước ta; đồng thời, đánh giá những thành tựu đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại từ những năm đổi mới. Qua đó, đề xuất một số biện pháp nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam trong những năm tới.
Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về tác động của quy mô ruộng đất đến năng suất lao động nông nghiệp
Năng suất lao động (NSLĐ) hay sức sản xuất của lao động là vấn đề được C. Mác và V.I. Lênin rất quan tâm. Theo C. Mác “Sức sản xuất của lao động được quyết định bởi rất nhiều tình hình, trong đó có: trình độ khéo léo trung bình của người công nhân, mức độ phát triển của khoa học và trình độ áp dụng khoa học vào quy trình công nghệ, sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, và các điều kiện thiên nhiên”1. Nhưng trong những ngành, lĩnh vực khác nhau, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau NSLĐ lại do những yếu tố khác nhau quyết định.
Đối với sản xuất nông nghiệp (SXNN), ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, không có nó không thể có SXNN. Do đó, NSLĐ nông nghiệp phụ thuộc trước hết vào quy mô ruộng đất. C. Mác chỉ rõ: “Trong chừng mực mà ở đây phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra với những nét đặc trưng của nó, thì điều đó diễn ra trước tiên… không phải bằng việc tập trung tư bản lại trên những diện tích tương đối hẹp, mà bằng việc tiến hành sản xuất theo quy mô tương đối lớn, nhờ thế mà tiết kiệm được về ngựa và các chi phí sản xuất khác”2.
Cũng như C. Mác, khi nghiên cứu về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp ở nước Nga, V.I. Lênin thấy rằng, sự tăng lên của NSLĐ góp phần tiết kiệm lao động, giảm chi phí sản xuất từ đó làm giảm giá trị cá biệt của sản phẩm. Để chứng minh điều này, V.I. Lênin đã dựa vào hệ thống số liệu thống kê của các hội đồng địa phương ở miền Nam nước Nga để so sánh NSLĐ: “Kết quả tổng hợp của các địa phương ở miền Nam nước Nga đều phản ánh “tình trạng lao động bị phân tán và lãng phí một cách dã man ở loại hộ tiểu nông”3. Sự lãng phí đó không chỉ là sự lãng phí về lao động mà còn là sự lãng phí về tư liệu sản xuất. Ngược lại “các nông hộ tư bản chủ nghĩa, thì ta thấy có hầu hết mọi thứ máy móc và năng suất lao động cao”4. Điều này, được V.I. Lênin luận giải, việc sản xuất trên quy mô lớn đã giúp các nông hộ thuận lợi hơn trong áp dụng kỹ thuật, cải tiến sản xuất và đưa máy móc và trong quá trình sản xuất, nhờ đó, NSLĐ tăng lên, kéo theo là hao phí lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa giảm xuống, đồng thời tiết kiệm được tư liệu sản xuất, nhất là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất ấy (tức là NSLĐ trong nông nghiệp tăng lên).
Các nhà kinh điển cũng lưu ý rằng, việc mở rộng quy mô ruộng đất để SXNN lớn đến đâu, bằng cách thức nào phải căn cứ vào trình độ của lực lượng sản xuất (người lao động, khoa học, công nghệ, trang thiết bị sản xuất…) và phải tuân theo các quy luật khách quan, bảo đảm tự nguyện. Mở rộng quy mô đất đai mang tính chủ quan, duy ý chí thông qua các biện pháp hành chính, không phù hợp với thực tiễn sẽ không đem lại hiệu quả.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện tập trung ruộng đất nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới
Trước đổi mới, với tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng khắc phục tình trạng manh mún trong SXNN nhằm tăng NSLĐ trong nông nghiệp, Nhà nước đã đẩy mạnh tập trung ruộng đất trên quy mô lớn bằng việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, nông trường, lâm trường quốc doanh quy mô lớn. Trong khi đó, trình độ của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp của Việt Nam những năm trước đổi mới còn rất thấp, chính sách phân phối sản phẩm theo lối “cào bằng” nên việc tập trung ruộng đất trên quy mô lớn để SXNN không phát huy được tác dụng làm tăng NSLĐ nông nghiệp. Biểu hiện là, năng suất, sản lượng lương thực, thực phẩm thấp, sản xuất không đủ tiêu dùng, tình trạng thiếu lương thực kéo dài buộc Việt Nam phải nhập khẩu và nhận viện trợ từ nước ngoài.
Đứng trước tình hình đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chủ trương đổi mới toàn diện về kinh tế. Đối với nông nghiệp, Bộ Chính trị (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 05/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, trong đó có chủ trương giao khoán đất lâu dài đến từng hộ nông dân (HND). Trên cơ sở đó, các địa phương đã tiến hành chia lại ruộng đất, giao khoán đất cho các HND sử dụng lâu dài theo nguyên tắc bình quân đầu người và nguyên tắc có gần có xa. Nhờ đó, NSLĐ nông nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện.
Tuy nhiên, việc chia lại ruộng đất theo nguyên tắc bình quân đầu người, có gần có xa lại làm cho ruộng đất chia nhỏ và phân tán nằm ở những vị trí khác nhau. Trong khi đó, quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa đã làm phát sinh nhu cầu tập trung ruộng đất để sản xuất trên quy mô lớn nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhưng do Luật Đất đai năm 1987 chưa cho phép người được giao quyền sử dụng đất được sử dụng đất lâu dài, được chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê. Hơn nữa, Luật này cũng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, người dân, DN không thể tập trung ruộng đất theo các quy luật của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu này, trên cơ sở quán triệt lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về tác động của quy mô ruộng đất đến NSLĐ nông nghiệp, Đảng ta đã đề xuất một số biện pháp lãnh đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp quá trình tập trung ruộng đất được diễn ra thuận lợi theo các quy luật của kinh tế thị trường. Cụ thể là:
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo từng bước sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, cho phép các chủ thể kinh tế được tập trung ruộng đất đất theo các quy luật của thị trường.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII, tháng 6/1993), Đảng chỉ đạo: “Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ nội dung các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo đảm cho người sống bằng nghề nông, nhất là những gia đình chính sách phải có ruộng đất, được quyền sử dụng lâu dài, được chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp theo những điều kiện cụ thể do pháp luật quy định, nhằm khuyến khích sử dụng và phát triển quỹ đất có hiệu quả…”, đồng thời “quy định thời gian sử dụng đất hợp lý đối với cây ngắn ngày và cây lâu năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được quyền tiếp tục sử dụng. Chính sách hạn điền phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng”5.
Từ chỉ đạo này, tháng 7/1993 Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Đất đai, trong đó cho phép người sử dụng đất được mua, bán, chuyển nhượng cho thuê quyền sử dụng đất. Khoản 2 Điều 3 của Luật này quy định:“Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất”. Luật Đất đai năm 1993 cũng quy định cụ thể những quyền của chủ sử dụng đất. Những quy định đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tập trung ruộng đất diễn ra theo quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng cần lưu ý rằng, tập trung ruộng đất ở nước ta khác với tập trung ruộng đất ở các nước thực hiện chế độ tư hữu về ruộng đất. Bản chất của tập trung ruộng đất ở nước ta là tập trung quyền sử dụng đất, vì ở nước ta quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân và đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Đất đai.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo sửa đổi Luật Đất đai cho phép mở rộng hạn mức giao đất và thời hạn giao đất.
Quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, Luật Đất đai năm1993 tiếp tục bộc lộ có hạn chế, cản trở tập trung ruộng đất quy mô lớn, hạn chế đó là đã quy định giới hạn diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp. Ví dụ như: sử dụng đất trồng cây hàng năm không quá 3ha tại các tỉnh thuộc Nam Bộ và không quá 2 ha tại các nơi khác; với cây trồng lâu năm, không quá 10 ha tại các xã đồng bằng và 30 ha tại các xã trung du, miền núi đối với đất cây trồng lâu năm. Để khắc phục hạn chế này, ngày 21/6/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hànhNghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11, trong đó quy định: mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được sử dụng một diện tích đất gấp đôi so với Luật Đất đai năm 1993 nhưng không quá 6 ha đất trồng hàng năm, thủy sản, muối ở Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, 4 ha khu vực còn lại… Mặc dù hạn mức giao đất đã được mở rộng nhưng hạn mức trên vẫn là quá nhỏ bé, và đây tiếp tục là rào cản, cản trở trở quá trình tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn ở nước ta. Vì vậy, Đảng tiếp tục lãnh đạo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai vào năm 2003 nhằm tạo điều kiện cho tập trung ruộng đất diễn ra trên quy mô lớn hơn với thời hạn lâu hơn.
Ngày 31/10/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, xác định: tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Trên tinh thần đó, năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 kéo dài thời hạn giao đất, cho thuê đất lên 50 năm đối với các loại đất nông nghiệp; mở rộng hạn mức giao đất cho các HND, cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất… tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp mở rộng sản xuất và yên tâm đầu tư lâu dài.
Thứ ba, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tập trung ruộng đất.
Bên cạnh việc lãnh đạo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) ngày 17/10/1998 đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TƯ về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 1999. Trong đó, đối với nông nghiệp, Đảng ta chủ trương “Khuyến khích phát triển tất cả các hình thức sản xuất nông nghiệp,… đúng pháp luật”6. Trên cơ sở đó, Quốc hội tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật khác có liên quan, như: Luật DN, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư, Luật Thương mại nhằm tạo điều kiện cho tập trung ruộng đất dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Trong đó, tập trung ruộng đất chủ yếu được thực hiện thông qua các hình thức như: trang trại, hợp tác xã, DN và mô hình cánh đồng mẫu lớn với các biện pháp chủ yếu là: dồn điền, đổi thửa; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua trao đổi, mua bán, cho, tặng quyền sử dụng đất; cho thuê quyền sử dụng đất; DN liên kết sản xuất với hộ gia đình; DN thuê đất của HND; đóng góp cổ phần bằng đất vào DN.
Thứ tư, Đảng lãnh đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa.
Nhận thấy rằng, việc chia lại ruộng đất theo nguyên tắc bình quân đầu người, có gần có xa đã làm cho ruộng đất bị chia nhỏ, phân tán. Do đó, Đảng đã lãnh đạo nhà nước thực hiện dồn điền, đổi thửa. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/1998/CT-TTg ngày 20/2/1998 và Chỉ thị số 18/1999/CT-TTg ngày 01/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ để khuyến khích nông dân, chính quyền địa phương các cấp xây dựng phương án hoán đổi ruộng đất để hợp nhất những thửa ruộng gần nhau thành một thửa lớn hơn. Chủ trương này được gọi với tên chung là “dồn điền, đổi thửa”. Chủ trương được các địa phương tổ chức thực hiện tập trung vào giai đoạn 2008 – 2010 và 2012 – 2014 và đến nay, vẫn được các địa phương triển khai thực hiện.
Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn này, tình trạng manh mún, phân tán về đất đai ở nước ta đã từng bước được khắc phục. Cụ thể, số thửa trung bình trên mỗi hộ đã giảm xuống, trong khi diện tích trung bình mỗi thửa tăng lên (Bảng 1).
Quy mô thửa ruộng được mở rộng, đã tạo điều kiện cho các HND, các hợp tác xã, các DN ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ, cơ giới hóa sản xuất vào SXNN. So với năm 2016, năm 2020, bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần. Bình quân 100 hộ trồng lúa sử dụng 28,87 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 2,23 lần; 0,44 máy gặt đập liên hợp, gấp 1,61 lần; 2,84 máy gặt khác, gấp 1,32 lần; 4,02 máy tuốt lúa có động cơ, gấp 1,25 lần7.
Nhờ đó, NSLĐ nông nghiệp của nước ta đã tăng lên liên tục. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, NSLĐ trong nông nghiệp của Việt Nam tăng lên rất mạnh mẽ. Nếu như năm 2021, NSLĐ nông nghiệp của Việt Nam đạt 74,7 triệu đồng/người (theo cách tính mới), tăng 3,36 lần so với năm 2011 (năm 2011 đạt 22,2 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, tốc độ tăng NSLĐ trong nông nghiệp trung bình giai đoạn 2011 – 2020 ở mức rất cao là 12,51%/năm8 (cao hơn cả ngành công nghiệp và ngành dịch vụ). Điều này, đã giúp Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực, đói nghèo, phải nhận viện trợ lương thực từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đến nay, đã hoàn toàn tự chủ được nguồn lương thực, thực phẩm, không ít sản phẩm đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới, thậm chí có một số sản phẩm nông nghiệp nằm trong top đầu thế giới, như: gạo, cà phê, hồ tiêu.
Tuy nhiên, quá trình tập trung ruộng đất dưới sự lãnh đạo của Đảng còn có hạn chế, đó là: tốc độ tập trung ruộng đất và diện tích bình quân mỗi thửa ruộng tăng lên chậm. Đa số các thửa ruộng có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ (Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản giữa kỳ 2020 đã cho thấy điều này). Trong tổng số hộ sử dụng đất nông nghiệp năm 2020, số hộ sử dụng dưới 0,2 ha chiếm 42,67%; trong khi đó, số hộ sử dụng đất từ 2 ha trở lên chỉ chiếm 5,95%9. Điều này, đã hạn chế sự tăng lên của NSLĐ nông nghiệp Việt Nam cả về tốc độ và giá trị tuyệt đối. Biểu hiện là: dù được cải thiện, nhưng NSLĐ nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, thấp hơn nhiều NSLĐ của các ngành, các lĩnh vực khác. Đến năm 2021, NSLĐ nông nghiệp của Việt Nam vẫn thấp hơn 29,65 lần NSLĐ của ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt; thấp hơn 15,78 lần NSLĐ của ngành khai khoáng; thấp hơn 14,4 lần NSLĐ của ngành thông tin, truyền thông; thấp hơn 13,28 lần NSLĐ của ngành kinh doanh bất động sản; thấp hơn 11,07 lần NSLĐ của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thấp hơn NSLĐ của các ngành còn lại từ 1,3 – 4,5 lần10.
Nguyên nhân làm chậm quá trình tập trung ruộng đất ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, trong quá trình dồn điền, đổi thửa chính quyền các địa phương chưa thực hiện tốt yêu cầu công khai, minh bạch, công bằng, còn để lợi ích cá nhân, gia đình chi phối, nên chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo các HND trong thực hiện chủ trương này.
Thứ hai, việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho người nông dân bị thu hồi đất hoặc chuyển nhượng, cho thuê đất chưa tốt. Sau khi bị thu hồi đất, chuyển nhượng hoặc cho thuê đất, người nông dân phải loay hoay tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, thậm chí cuộc sống của nhiều HND trở nên bấp bênh, khó khăn hơn trước. Điều này, gây nên tâm lý không muốn chuyển nhượng, cho thuê đối với các HND khác.
Thứ ba, Luật Đất đai hiện nay vẫn quy định hạn điền (Điều 129 Luật Đất đai) quy định này đã cản trở các HND tập trung ruộng đất để sản xuất trên quy mô lớn. Để có thêm ruộng đất SXNN, thì các gia đình, cá nhân chỉ có thể nhận lại quyền sử dụng đất thông qua thuê hoặc mua lại quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này”.
Thứ tư, hiện nay, các DN đã và đang tiến hành tập trung ruộng đất để SXNN với nhiều biện pháp khác nhau, như: mua, thuê lại đất của các HND hoặc cho nông dân đóng góp cổ phần bằng đất. Tuy nhiên, việc mua đất đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính lớn, trong khi việc thuê hoặc cho nông dân đóng góp cổ phần bằng đất lại thiếu tính bền vững do các bên mà cụ thể là DN và HND thiếu lòng tin vào nhau, hơn nữa chưa có các quy định cụ thể của pháp luật cho việc mua bán, cho thuê hay cho nông dân đóng góp cổ phần bằng đất để SXNN nên những việc này cho đến nay diễn ra tự phát, thiếu tính bền vững.
Thứ năm, Nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN tập trung ruộng đất như: chính sách về thuế, lãi suất, chính sách đầu tư hạ tầng sản xuất, chính sách bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong thời điểm được mùa.
Thứ sáu, SXNN là lĩnh vực dễ gặp rủi ro, đặc biệt đối với Việt Nam. Là quốc gia ven biển, lại nằm trong đới khí hậu nhiệt đới, nên ở Việt Nam thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho SXNN. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm nông nghiệp dù đã được thực hiện nhưng mức đền bù còn thấp, không đủ bù đắp cho các thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Điều này, đã khiến HND, DN chưa mạnh dạn tập trung ruộng đất để sản xuất lớn.
Một số giải pháp lãnh đạo đẩy mạnh tập trung ruộng đất nhằm tăng năng suất lao động trong nông nghiệp ở Việt Nam thời gian tới
Một là, Đảng tiếp tục lãnh đạo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để khuyến khích tập trung ruộng đất. Trong đó, điểm mấu chốt cần thực hiện là gỡ bỏ quy định hạn mức giao đất và cho thuê đất trong Luật Đất đai hiện hành nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tập trung ruộng đất để sản xuất trên quy mô lớn.
Hai là, Đảng tiếp tục lãnh đạo xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, HND tập trung ruộng đất để sản xuất trên quy mô lớn, như: miễn giảm thuế đất, ưu đãi về lãi suất, nới lỏng các điều kiện cho vay, hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy họ đầu tư sản xuất trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có chủ trương, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, sản phẩm làm ra không tiêu thụ hết, bị vứt bỏ lãng phí như đã xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua. Đồng thời, Nhà nước làm cầu nối liên kết nông dân và DN nhằm bảo đảm tiêu thụ được hết các sản phẩm do nông dân sản xuất ra, có như vậy mới khuyến khích được nông dân, DN tổ chức sản xuất trên quy mô lớn.
Ba là, Nhà nước cần phải phát triển hệ thống bảo hiểm trong nông nghiệp để giúp cho các HND và DN giảm thiểu thiệt hại do thiên tai dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phải có những chính sách khác để hỗ trợ các HND và DN bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để khuyến khích họ tái đầu tư sản xuất và mở rộng sản xuất.
Bốn là, đảng bộ, chính quyền các địa phương tiếp tục lãnh đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa. Để thực hiệu quả phong trào này, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người nông dân thấy được những tác dụng to lớn của dồn điền, đổi thửa, của SXNN trên quy mô lớn. Trong thực hiện dồn điền đổi thửa, phải bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng; bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích của người nông dân.
Năm là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm cho tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ tăng lên, lao động trong ngành nông nghiệp giảm xuống, thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ cho người nông dân,từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất theo lối manh mún, nhỏ lẻ.
Sáu là, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ SXNN trên quy mô lớn. Điều này, sẽ giúp cho khoảng cách ruộng gần, ruộng xa; ruộng tốt, ruộng xấu sẽ không còn khoảng cách chênh lệch nữa. Hơn nữa, việc phát triển kết cấu hạ tầng giúp cho các phương tiện phục vụ sản xuất và thu hoạch dễ dàng tiếp cận với các khu vực sản xuất, từ đó gián tiếp khuyến khích các HND, DN tập trung ruộng đất để SXNN trên quy mô lớn.