Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam trên cơ sở thực thi các cam kết quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Biến đổi khí hậu và việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết, là vấn đề mang tính chất sống còn của các quốc gia và được ghi nhận bởi pháp luật trong nước cũng như số lượng lớn các điều ước quốc tế. Trong đó phải kể đến Công ước khung của Liên Hiệp quốc năm 1992 về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Việc thực thi các cam kết nền tảng về biến đổi khí hậu luôn mang ý nghĩa tích cực, góp phần trực tiếp hoàn thiện chính sách pháp luật quốc gia về môi trường, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN.
Cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó dự đoán, với các biểu hiện, như: nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, băng biển tan chảy, lượng mưa thay đổi, các đại dương đang dần axit hóa… Nguyên nhân xuất phát từ quá trình tự nhiên, do tác động của con người, như: đốt nhiên liệu hóa thạch để phát điện, phá rừng, hoạt động nông nghiệp, lượng khí thải từ tàu và máy bay trong giao thông vận tải, sản xuất hàng hóa, mức tiêu thụ năng lượng cho các tòa nhà ngày càng gia tăng…

Nhằm ứng phó với tình trạng BĐKH trên toàn cầu, trong những thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng một hệ thống các điều ước quốc tế về ứng phó với với BĐKH với hàng loạt các công ước quốc tế, điển hình, như: Công ước Viên năm 1985 về bảo vệ tầng Ozon; Nghị định thư Montreal năm 1987 về các chất làm suy giảm tầng Ozon; Công ước khung của Liên Hiệp quốc về BĐKH năm 1992; Nghị định thư Kyoto về giảm phát khí thải nhà kính năm 1997… Năm 2015, Thỏa thuận Paris ra đời như một bước ngoặt lịch sử thể hiện tinh thần trách nhiệm, hữu nghị, đoàn kết quốc tế giữa các quốc gia, dân tộc trong cuộc chiến ứng phó với thực trạng BĐKH khắc nghiệt đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên khắp địa cầu.

Tại khoản 2 Điều 1 Công ước khung của Liên Hiệp quốc về BĐKH năm 1992 (viết tắt là UNFCCC), BĐKH là: “Biến đổi trực tiếp hoặc gián tiến do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kỳ có thể so sánh được”. BĐKH được hiểu như một hiện tượng “ấm lên toàn cầu” của trái đất, là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thông thường là vài thập kỷ, thế kỷ, bắt nguồn từ các tác nhân tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, từ các hoạt động tạo ra chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác do con người gây ra.

Bước sang năm thứ 8 kể từ khi Thỏa thuận Paris năm 2015 được các thành viên ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hiệp quốc (COP 21), Hội nghị COP 27 được tổ chức từ ngày 06 – 18/11/2022 tại Ai Cập về BĐKH đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát trong phiên toàn thể. Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận chung tại COP 27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra. Trải qua hơn 30 năm đàm phán, nội dung này mới lần đầu được ghi nhận.

Vào năm 1979, theo đề xuất của các nước Bắc Âu và dưới sự bảo trợ của Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp quốc, Công ước Chống ô nhiễm không khí qua biên giới tầm xa đã được các quốc gia châu Âu đàm phán, ký kết. Năm 1985, hai Nghị định thư ban hành kèm theo Công ước này cũng đã được thông qua và sau đó là sự ra đời của Công ước Viên năm 1985 về bảo vệ tầng ô-zôn, Nghị định thư Montreal năm 1987 về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn (bổ sung năm 1990). Đến năm 1988, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã chính thức thông qua Nghị quyết số 43/53, thừa nhận BĐKH là một vấn đề thực sự cần sự quan tâm của cả nhân loại. Tuy nhiên, phải đến năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về bảo vệ môi trường tại Rio – De Janeiro (Bra-xin), Công ước khung về BĐKH của Liên Hiệp quốc mới chính thức ra đời. Để triển khai thực hiện công ước, Hội nghị thượng đỉnh các bên lần thứ 3 (COP 3) tổ chức vào tháng 12/1997 đã thông qua Nghị định thư Kyoto về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Sau thời gian này, nhằm xây dựng một công ước quốc tế mới thay thế Nghị định thư Kyoto (hết hiệu lực năm 2012), Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được ký kết.

Cho đến nay, hai công ước được coi là nền tảng trong số các công ước quốc tế về BĐKH mang tính chất toàn cầu có thể kể đến là:

(1) Công ước khung của Liên Hiệp quốc năm 1992 về BĐKH được hình thành nhằm đối phó với những hiểm họa và thách thức lớn về khí hậu đối với nhân loại. Tại Điều 2 Công ước, mục tiêu cuối cùng của Công ước này là: “Sự ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Mức đó phải được đạt tới trong một khung thời gian đủ để cho phép các hệ sinh thái thích nghi một cách tự nhiên với biến đổi khí hậu, bảo đảm rằng việc sản xuất lương thực không bị đe dọa và tạo khả năng cho sự phát triển kinh tế tiến triển một cách bền vững.”1

(2) Thỏa thuận Paris năm 2015 có hiệu lực đã đề ra một mục tiêu thiết thực: giữ mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận nêu rõ, thế giới cần nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mức nhiều nhất có thể. Theo đó, đến năm 2018, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong việc ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và công bố những kế hoạch cụ thể cắt giảm khí carbon khi. Sau thời gian này, cứ 5 năm, tính từ năm 2023, các quốc gia sẽ rà soát lại những mục tiêu đã đề ra, đồng thời trước năm 2025, các nước thành viên cần đạt được một thỏa thuận chung cung cấp ít nhất 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng BĐKH2.

Việt Nam tích cực tham gia các cam kết về biến đổi khí hậu

Cùng với việc phê duyệt ký kết Thỏa thuận Paris năm 2015, Việt Nam trong những năm qua đã lập kế hoạch xúc tiến thực thi Thỏa thuận này. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật “đóng góp do quốc gia tự quyết định”, đồng thời, đã điều chỉnh tăng đáng kể mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2030 của đất nước. Để thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về BĐKH, Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Chính phủ quản lý thống nhất về BĐKH. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Cục BĐKH trên cơ sở Cục Khí tượng thuỷ văn và BĐKH để tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH. Ngoài ra, các Sở tài nguyên và môi trường có Phòng BĐKH; các viện, trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập các đơn vị nghiên cứu, khoa đào tạo về  BĐKH để phục vụ thiết thực công cuộc ứng phó với BĐKH.

Trong tiến trình thực thi các cam kết quốc tế về BĐKH, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP), Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua là cơ sở pháp lý nhằm luật hóa các hoạt động ứng phó với BĐKH, quy định chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể pháp luật trong nước, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội trong thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, vì sự phát triển vững bền của đất nước, đóng góp tích cực cho việc thực thi Thỏa thuận Paris trong từng giai đoạn. Ứng phó BĐKH không chỉ được thực hiện bằng các chính sách, dự án, mà còn được điều chỉnh bởi các nguyên tắc căn bản trong ứng phó BĐKH thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, ghi nhận rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro thiên tai, ghi nhận cụ thể trách nhiệm chung của cộng đồng xã hội.

Với mục tiêu thực thi các thỏa thuận toàn cầu mới về BĐKH, Việt Nam sẽ chuyển từ việc ứng phó với BĐKH mang tính tự nguyện sang ứng phó mang tính bắt buộc, chịu giám sát, đánh giá của các cơ quan trong nước và quốc tế. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang dần đáp ứng được những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris năm 2015, mặt khác cũng cần thời gian chuyển hóa những thách thức thành cơ hội thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển. Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55/NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các mục tiêu cụ thể, trong đó có các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm tỷ trọng điện than, phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng với các văn bản triểnkhai thi hành được xem như những cơ sở pháp lý quan trọng, định hình chuyển đổi mô hình phát triển “xanh” cùng với các quy định về ứng phó với BĐKH, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, quy định về phát triển triển thị trường carbon như một công cụ thúc đẩy mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đó là là nền tảng quan trọng để thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu minh bạch được ghi nhận trong Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris 2015. Thêm vào đó, việc thực thi Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Đa dạng sinh họcnăm 2008, cùng các chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia 2023”, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050… là những hoạt động tích cực của Việt Nam góp phần thực thi các cam kết quốc tế về môi trường.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Trước những tác động của BĐKH, trước bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục chủ động ứng phó với BĐKH thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý nhà nước về vấn đề này. Ứng phó với BĐKH cần được đặc biệt quan tâm tiếp tục đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Theo đó, vấn đề triển khai một cách tổng thể và toàn diện các giải pháp để ứng phó với BĐKH cần đi vào thực chất, gắn liền với các biện pháp thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua các nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chính sách đào tạo, sử dụng hợp lý cán bộ, chuyên gia trong ứng phó BĐKH với từng ngành, lĩnh vực, cả ở trung ương, địa phương. Song song với việc xây dựng cơ chế khuyến khích việc phối hợp giữa các vùng lãnh thổ, các ngành và các thành phần kinh tế. Để tiếp tục hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, việc thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ tác động của BĐKH được xem là hai nội dung mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở tận tâm thực thi các cam kết quốc tế. Việt Nam đã và đang chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế để đổi mới tư duy phát triển, đồng thời, tập trung sức mạnh nội lực nhằm ứng phó hiệu quả với thực trạng BĐKH, tăng cường quản lý nhà nước đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Với mục tiêu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý kết hợp hoàn thiện chính sách hợp tác quốc tế, những giải pháp trên sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tích cực, chủ động thực thi có hiệu quả các cam kết trong các Điều ước quốc tế về BĐKH. Tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH ngày 27/11/2022 tổ chức tại Ai Cập (COP 27), nhiều nước, tổ chức quốc tế đã mời Việt Nam tham gia tiếp tục những hội nghị quan trọng trong thời gian tới. Việt Nam đã cam kết tiếp tục cùng với các quốc gia trên thế giới trao đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực đóng góp từ các nước phát triển. Nguồn lực này cần được phân bổ một cách minh bạch, cân bằng cho các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng của các quốc gia.

Chú thích:
1. Công ước khung của Liên Hiệp quốc năm 1992 về biến đổi khí hậu.
2. Thỏa thuận Paris năm 2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
3. COP27: Thỏa thuận bước ngoặt nhưng còn chưa thuyết phục. https://vtv.vn, ngày 21/11/2022.
4. Những điều cần biết về hội nghị biến đổi khí hậu COP26. https://moit.gov.vn, ngày 27/9/2021.
5. Thỏa thuận Paris năm 2015. https://vupc.monre.gov.vn, ngày 23/6/2019.
6. Ứng phó biến đổi khí hậu: hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với xu thế toàn cầu biến đổi khí hậu. https://baotainguyenmoitruong.vn, ngày 04/8/2022.
TS. Nguyễn Lan Nguyên
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội