ThS. Bành Thăng Long
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế phải dựa chủ yếu vào tri thức khoa học – công nghệ hiện đại. Tri thức khoa học – công nghệ đã làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội, hình thành và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Trên cơ sở phân tích vai trò của tri thức – khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, bài viết khái quát những đóng góp của tri thức khoa học – công nghệ trong phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay.
Vai trò của tri thức khoa học – công nghệ trong phát triển kinh tế
Tri thức khoa học công nghệ là nền tảng, là động lực để phát triển kinh tế. Tri thức khoa học – công nghệ luôn đóng một vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong bất kỳ giai đoạn nào, con người cũng luôn ứng dụng tri thức vào lĩnh vực phát triển kinh tế. Tri thức không giới hạn ở bất cứ một lĩnh vực nào. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Việt Nam luôn hướng tới một nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức. Tri thức khoa học – công nghệ đã tạo ra bước phát triển vượt bậc cho nền kinh tế.
Tri thức khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, như:
(1) Tri thức khoa học – công nghệ tác động tích cực tới việc tăng năng suất lao động, như: tối ưu hóa các quá trình sản xuất – kinh doanh, sử dụng máy móc hiện đại thay cho sức lao động của con người để giải phóng sức lao động, từ đó giúp cho quy trình sản xuất sản được rút ngắn và tối ưu hiệu suất.
(2) Tri thức khoa học và công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực giúp các ngành công nghiệp, dịch vụ có những bước nhảy vọt, như: nhiều công nghệ cũ tiêu hao nhiều tài nguyên và sức lao động được thay thế bởi công nghệ hiện đại, tiêu hao ít các nguồn lực đầu vào, giảm suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên gấp nhiều lần, trong khi mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng gần như không đổi. Đồng thời, tri thức khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng trong đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp của Việt Nam. Giai đoạn 2011 – 2020 khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, TFP tăng từ 33,5% giai đoạn 2011 – 2015 lên 45,7% giai đoạn 2016 – 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 20201.
(3) Tri thức khoa học và công nghệ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp như: giá cả, chất lượng sản phẩm dịch vụ, mẫu mã sản phẩm. Từ đó, gia tăng được lợi nhuận và quy mô của doanh nghiệp được mở rộng.
Những đóng góp của tri thức khoa học – công nghệ
Tri thức khoa học – công nghệ trở thành lực lượng sản xuất quan trọng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tri thức khoa học – công nghệ đã tham gia hiệu quả vào các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành, lĩnh vực:
Một là, trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tri thức khoa học – công nghệ như một chiếc chìa khóa giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững, chủ động trong ứng phó biến đổi khí hậu; truy xuất nguồn gốc lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm. Đặc biệt, ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sinh học, công nghệ cảm biến, tự động hóa,… đã giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, ứng dụng tri thức khoa học – công nghệ trong nông nghiệp đã giúp người nông dân chủ động hơn trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Các tiến bộ về khoa học – công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,…). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%)2. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Bra-xin), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới3.
Hai là, trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ứng dụng tri thức khoa học – công nghệ giúp phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, giúp duy trì đà tăng trưởng, tạo cơ hội phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, như:
* Ngành điện: đã đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220KV, một số máy biến áp cấp điện áp 500KV. Ngành điện đã làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp và sản xuất nhiều linh phụ kiện cho các công trình lưới điện truyền tải… quản lý vận hành hệ thống điện được hiện đại hóa với các giải pháp lưới điện thông minh
* Doanh nghiệp ngành dầu khí: triển khai thành công nhiều công trình có hiệu quả kinh tế cao, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt5.
* Khai thác và chế biến khoáng sản: công nghệ thiết bị khai thác than lộ thiên đạt trình độ tiên tiến; nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ở các nhà máy tuyển6. Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm, đồng thời giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tạo ra các sản phẩm mới thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc, từ 10% lên 80% trong những năm qua7.
Những kết quả trên đã giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới, như: ngành Dệt may (xếp thứ 7 thế giới về xuất khẩu), ngành Da giày (xếp thứ 3 thế giới về sản xuất, thứ 2 về xuất khẩu), ngành Điện tử (xếp thứ 12 thế giới; trong đó, mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới), ngành Thủy sản (xếp thứ 4 thế giới), ngành Nội thất (xếp thứ 5 thế giới)8.
Ba là, trong ngành Giao thông – vận tải.
Nhờ ứng dụng tri thức khoa học công nghệ mà ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành nhiều công trình, sản phẩm có quy mô lớn, như cầu Hàm Luông (có công nghệ bê tông cốt thép, nhịp dài 150 m). Hệ thống đường sắt ứng dụng công nghệ mới: sử dụng ray hàn liền, lắp đặt thiết bị kết nối đàn hồi, các thiết bị hiện đại, một số tuyến đường có thể nâng tốc độ chạy tàu lên 80-90%9.
Bốn là, ngành Du lịch.
Tri thức khoa học – công nghệ “chắp cánh” cho ngành Du lịch phát triển. Cụ thể:
(1) Hà Nội: xây dựng một cổng thông tin chung cho du lịch Thủ đô với tên miền https://sodulich.hanoi.gov.vn hoặc ứng dụng cho điện thoại thông minh là: Visit Hanoi chạy trên các hệ điều hành di động iOS và Android; lắp đặt các điểm quét mã QR – mã vạch hai chiều phản hồi nhanh về các điểm du lịch để cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch tại điểm di tích,…10
(2) TP. Hồ Chí Minh: ứng dụng công nghệ vào phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao, như: ứng dụng phần mềm (app) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS “Sở du lịch trực tuyến”, “Công chức trực tuyến”, Hồ Chí Minh City tourism; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map. Đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka)…11.
(3) Ở Quảng Ninh: có khách sạn 5 sao Central Luxury Hotel tại Hạ Long sử dụng các OTA (Online Travel Agent) hay các đại lý du lịch trực tuyến như Agoda, Booking.com hay Airbnb… Qua các OTA, Central Luxury tiếp cận được lượng khách lớn gấp 20 lần so với con số mà du khách tự tiếp cận. Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ tại Hạ Long đều đang bán phòng qua các OTA12.
(4) Tại Thừa Thiên Huế: đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram… đặc biệt là Facebook, trong vòng 1 tháng (tháng 8/2020), Huế đã tiếp cận được hơn 1 triệu người dùng. Ngoài ra, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đối tác trong quảng bá du lịch bằng công nghệ số. Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích, từ 13 quốc gia được Google số hóa 3D, giúp tăng hiệu quả trong quảng bá13.
Kết luận
Tri thức khoa học – công nghệ mang đến nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế. Tri thức khoa học – công nghệ gắn bó với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực, từ đó tăng vốn tích lũy đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống cho người dân, cải thiện phúc lợi xã hội. Vì vậy, cần phải xác định tri thức khoa học – công nghệ luôn là bước đột phá trong sự phát triển kinh tế của đất nước, làm chủ khoa học – công nghệ để chủ động trong sản xuất – kinh doanh, hiện đại hóa sản xuất.
Chú thích:
1. Năng suất lao động Việt Nam tăng trung bình 5,88% mỗi năm. https://doanhnhansaigon.vn, ngày 26/10/2021.
2. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. https://ppri.org.vn, ngày 27/6/2023).
3. Khoa học và công nghệ giúp ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị, tạo đà bứt phá. https://dangcongsan.vn, ngày 11/3/2022.
4,5,6. Doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.https://vov.vn, ngày 26/10/2022.
7,8. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong phát triển công nghiệp.https://moit.gov.vn, ngày 09/11/2021.
9. Đưa khoa học – công nghệ vào phát triển giao thông. https//: baochinhphu.vn, ngày 22/04/2011.
10. Phát triển du lịch thông minh trong thời đại 4.0 tại thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp. https://tapchicongthuong.vn, ngày 30/6/2022.
11. TP. Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh để “hút” du khách. https://vneconomy.vn, ngày 20/6/2023.
12,13. Khoa học – công nghệ “chắp cánh” cho du lịch phát triển. https://dangcongsan.vn, ngày 11/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ. Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020. H.NXB Khoa học và kỹ thuật, 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
4. Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.