Nghiên cứu lao động trong khu vực công dưới góc độ tổ chức lao động khoa học – một số giải pháp đánh giá, phân loại lao động

ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất phát từ đặc trưng của cơ quan hành chính nhà nước và những đặc thù công việc trong khu vực công, đòi hỏi hoạt động vận hành tổ chức và sắp xếp lao động của khu vực công cũng có những yêu cầu và nguyên tắc khác biệt, có các biện pháp bảo đảm thực hiện để hoạt động lao động của người làm việc trong khu vực này được sắp xếp tổ chức lao động khoa học, phát huy tối đa năng lực. Bài viết nghiên cứu các tiêu chí phân loại vị trí việc làm trong khu vực công dưới góc độ tổ chức lao động khoa học và đề xuất một số giải pháp đánh giá, phân loại lao động nhằm thúc đẩy phát triển năng lực, hiệu quả lao động và đổi mới sáng tạo.

Cơ sở khoa học tổ chức lao động

Tổ chức lao động khoa học là cách thức tổ chức lao động trình độ cao áp dụng các biện pháp kỹ thuật, dựa trên việc ứng dụng các chuyên ngành khoa học, như: kinh tế học, quản trị học, tâm lý học lao động, sinh lý học lao động… nhằm tăng năng suất lao động và sử dụng hợp lý hiệu quả các nguồn lực của tổ chức. Các nội dung chủ yếu của tổ chức lao động khoa học, bao gồm:

Một là, xây dựng các cách thức, hình thức phân công và hợp tác lao động hợp lý, phù hợp với các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại, trình độ văn hóa, kỹ thuật của người lao động, tạo điều kiện để người lao động không ngừng tăng năng suất lao động.

Hai, quy hoạch, tổ chức và bố trí hợp lý nơi làm việc phù hợp với quan điểm khoa học nhân sinh quan, nhân trắc học, tâm sinh lý lao động, vệ sinh an toàn lao động…

Ba, xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, cải thiện điều kiện lao động nhằm bảo đảm và tái tạo sức lao động cho người làm việc.

Bốn, xây dựng và hoàn thiện định mức lao động, bao gồm nghiên cứu các dạng mức lao động và điều kiện áp dụng, tính toán định lượng được khối lượng, giá trị và hiệu quả của quá trình lao động.

Năm, thiết kế, tạo lập môi trường lao động tốt, phát huy sức sáng tạo trong lao động, bao gồm: toàn bộ các yếu tố tại nơi làm việc tạo cảm nhận về vẻ đẹp, tạo tâm lý thoải mái cho người lao động, như: sử dụng ánh sáng, màu sắc, bố trí vật dụng,…

Như vậy, tùy thuộc vào đặc điểm của từng tính chất công việc, môi trường, điều kiện và mô hình tổ chức, có thể áp dụng một số các nội dung trong thiết kế tổ chức lao động khoa học nêu trên với những thứ tự ưu tiên nhất định. Các hình thức và phương pháp tổ chức lao động được áp dụng không chỉ một lần, mà được vận dụng thường xuyên để không ngừng cải tiến, hoàn thiện.

Việc áp dụng tổ chức lao động trong cơ quan hành chính nhà nước cũng dựa trên những nguyên tắc tương tự với cách thức, phương thức tổ chức lao động trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp. Nhưng, do những đặc trưng và tính chất đặc thù của hoạt động lao động trong cơ quan hành chính nhà nước nên việc áp dụng các biện pháp tổ chức lao động trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ có những yêu cầu riêng và đòi hỏi những phương pháp tổ chức – kỹ thuật phù hợp.

Đặc trưng tổ chức lao động khoa học trong các cơ quan hành chính nhà nước

Cơ quan hành chính nhà nước hoạt động với mục tiêu phục vụ lợi ích chung của xã hội, bảo đảm sự tiến bộ và phát triển bền vững của quốc gia. Cơ quan hành chính nhà nước điều hành và triển khai chính sách của Nhà nước, thực hiện quyền lực và chức năng của Nhà nước trong việc quản lý, điều hành và giám sát các hoạt động của xã hội. Điều hành, thực thi pháp luật và đại diện cho Nhà nước tiếp nhận và phản ánh ý kiến, yêu cầu của công dân và các tổ chức, đồng thời, thực hiện mối quan hệ phối hợp trong hệ thống chính trị để quản lý xã hội đạt được mục tiêu chung, duy trì trật tự xã hội, phát triển bền vững.

Hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên nguyên tắc pháp luật và chuẩn mực hành vi được xác định chung. Đội ngũ những người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước phải tuân thủ quy định, cam kết và trách nhiệm để bảo đảm các hoạt động của cơ quan được thực thi hiệu quả, công bằng và minh bạch. Cơ quan hành chính nhà nước hoạt động độc lập và không phân biệt với các tổ chức, cá nhân khác, không được chi phối bởi nhóm lợi ích riêng hay tư duy cá nhân, đồng thời, không phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo, sắc tộc, quốc gia hay địa vị xã hội.

Trong bối cảnh mới và sự phát triển của khoa học – công nghệ, yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan hành chính nhà nước cần liên tục đổi mới sáng tạo để đáp ứng với sự thay đổi của xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức phải thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực và cải tiến quy trình làm việc để đạt được hiệu suất và hiệu quả cao hơn.

Đội ngũ cán bộ, công chức không được quan liêu, phải đối xử công bằng, khách quan đối với tất cả công dân và tổ chức trong xã hội, không thiên vị hay ưu tiên đối tượng nào. Họ phải thể hiện đạo đức và trung thực trong các quyết định và hành động của mình. Bảo vệ thông tin và quyền riêng tư của cá nhân và tổ chức một cách cẩn thận, bảo đảm tính bảo mật và tin cậy. Họ phải tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu và công khai thông tin đúng lúc và đúng đối tượng.

Như vậy, từ đặc trưng trên, lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, lao động công vụđược hiểu là tất cả những người lao động hoạt động trong bộ máy có chức năng quản lý hành chính nhà nước và tham gia vào việc hiện thực hoá các chức năng quản lý đó. Nhờ có hoạt động lao động mà các chức năng quản lý hành chính nhà nước được thực hiện, chức năng quản lý hành chính của Nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức lao động, người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước thường được phân loại dựa trên vai trò của họ đối với việc thực hiện chức năng quản lý. Theo cách này, lao động công vụ được phân chia ra thành các nhóm: (1) Nhóm lãnh đạo, quản lý. (2) Nhóm chuyên viên. (3) Nhóm nhân viên kỹ thuật – nghiệp vụ.

Sự phân loại này xuất phát từ cơ sở thực tế là bất kỳ một chức năng quản lý nào cũng được tạo thành từ những công việc lãnh đạo, quản lý (các công việc chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ra quyết định) và những công việc chuẩn bị thông tin cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các công việc lãnh đạo, quản lý (các công việc kỹ thuật – nghiệp vụ).

Nhóm thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý: là những lao động công vụ trực tiếp thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý bao gồm: thủ trưởng đơn vị (chủ tịch, phó chủ tịch UBND, giám đốc, phó giám đốc sở…); trưởng phó các bộ phận trong cơ quan (phòng ban…). Nhóm lãnh đạo, quản lý có nhiệm vụ: lựa chọn, đào tạo và bố trí cán bộ; điều phối lao động, kiểm tra và điều chỉnh chu trình hoạt động, thực hiện các chức năng quản lý hành chính tổ chức, động viên tập thể lao động thực hiện kế hoạch hoạt động và giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa – tinh thần cho người lao động.

Hoạt động lao động của lãnh đạo, quản lý là hoạt động thực hiện các công việc chủ yếu trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, ra các quyết định quản lý hành chính nhà nước và tổ chức thực hiện các quyết định đó. Cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người trực tiếp thực hiện các chức năng quản lý chung trong cơ quan, tổ chức.

Nhóm chuyên viên: là những lao động công vụ không thực hiện các chức năng lãnh đạo, quản lý trực tiếp mà thực hiện các công việc chuyên môn. Nhiệm vụ của nhóm này là: vận dụng năng lực của mình (kiến thức, kỹ năng, thái độ) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; đề xuất giải pháp để tham mưu cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Đây là những người làm các công việc cố vấn, hỗ trợ trực tiếp cho quá trình ra quyết định của nhà lãnh đạo, quản lý và cũng chính là người giúp lãnh đạo, quản lý tổ chức thực hiện và kiểm tra sự đúng đắn các quyết định trong quá trình quản lý.

Nhóm nhân viên thực hành kỹ thuật – nghiệp vụ: là những lao động công vụ thực hiện các công việc đơn giản, thường xuyên lặp đi lặp lại, mang tính chất thông tin – kỹ thuật, phục vụ quản lý, bao gồm: nhân viên làm công tác hạch toán, kế toán; nhân viên làm công tác hành chính; nhân viên làm công tác phục vụ. Nhiệm vụ của các nhân viên thực hành kỹ thuật, nghiệp vụ là thực hiện thông tin ban đầu và xử lý chúng (hoàn thành các văn bản, các bảng, biểu tổng hợp, viết phiếu, sổ, phân loại, lưu trữ tài liệu…), truyền tin đến nơi nhận cũng như chuẩn bị và giải quyết các thủ tục hành chính đối với các loại văn bản khác nhau.

Sự phân loại trên cho thấy, muốn thực hiện được bất kỳ chức năng quản lý hành chính nhà nướcnào đều phải có hoạt động của cả ba loại lao động công vụ (lãnh đạo, quản lý; chuyên viên; thực hành kỹ thuật – nghiệp vụ). Do đó, quá trình quản lý hành chính nhà nước là quá trình lao động thống nhất giữa hoạt động lao động của các cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; hoạt động lao động của các chuyên viên và hoạt động lao động của các nhân viên thực hành kỹ thuật – nghiệp vụ. Việc thực hiện các chức năng quản lý hành chính nhà nước chỉ có thể diễn ra trôi chảy và đạt hiệu quả cao nếu như đạt được sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa hoạt động lao động của cả ba loại lao động công vụ đó.

Sự phân loại lao động công vụ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu và đánh giá cơ cấu tỷ lệ về số lượng và chất lượng của đội ngũ lao động công vụ, phù hợp với đặc điểm, quy mô và hoạt động của cơ quan. Đồng thời, sự phân loại đó cho thấy, các loại lao động công vụ khác nhau sẽ có nội dung lao động khác nhau, do đó đòi hỏi phải có những yêu cầu về tổ chức lao động phù hợp.

Một số đề xuất, kiến nghị đánh giá và phân loại lao động trong khu vực công hiện nay

Căn cứ vào cơ sở lý luận của tổ chức lao động khoa học, từ chất lượng của nguồn nhân lực lao động khu vực công ở Việt Nam đã được đào tạo và trang bị kiến thức chuyên môn. Nhân lực khu vực công ở Việt Nam thường có tinh thần trách nhiệm, ham học hỏi và cam kết trách nhiệm cao với công việc của mình. Điều này bảo đảm tính ổn định và hiệu quả trong hoạt động của tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, nhân lực trong khu vực công ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: trình độ học vấn chưa đáp ứng được yêu cầu cao, công tác tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chưa đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, cần thực hiện đánh giá và phân loại lao động trong khu vực công như sau:

Thứ nhất, tổ chức thực hiện đánh giá năng lực và hiệu suất lao động.

Tổ chức đánh giá năng lực và hiệu suất lao động sẽ giúp phân loại lao động dựa trên khả năng và kết quả làm việc của từng cá nhân. Điều này sẽ tạo động lực cho nhân viên cải thiện và phát triển kỹ năng, đồng thời, giúp nhà quản lý nhận biết và khai thác tối đa tiềm năng của từng nhân viên.

Thứ hai, xác định rõ nhu cầu và yêu cầu phát triển để đề xuất các chương trình đào tạo và phát triển năng lực nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Dựa trên đánh giá năng lực và hiệu suất lao động, các cơ quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình bối cảnh phát triển mới có thể xác định các kỹ năng cần thiết cần được đào tạo nâng cao, đồng thời, đề xuất các chương trình đào tạo và phát triển phù hợp để nâng cao trình độ và năng lực cho nhân viên.

Thứ ba, tạo mọi điều kiện để nhân viên, lao động khu vực công thể hiện sáng tạo. Cần tạo ra môi trường làm việc thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này có thể bao gồm việc tổ chức các buổi hội thảo, làm việc theo dự án, khuyến khích ý kiến đóng góp từ nhân viên và tạo ra các kênh giao tiếp mở để ghi nhận và đánh giá các ý tưởng mới.

Thứ tư, thúc đẩy cộng tác và giao tiếp trong các bộ phận, các nhóm làm việc. Để nâng cao hiệu quả lao động và đổi mới, cần tạo môi trường làm việc nơi mỗi thành viên trong nhóm có thể làm việc cùng nhau, hỗ trợ và chia sẻ ý tưởng. Điều này cần kỳ vọng mỗi thành viên đóng góp và hoạt động cùng nhau để tạo ra sự hỗ trợ và sức mạnh tập thể.

Thứ năm, định rõ mục tiêu và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện mục tiêu. Các cơ quan cần thiết lập mục tiêu rõ ràng cho từng cá nhân và phân công công việc một cách rõ ràng, cụ thể, sau đó theo dõi tiến độ đạt được mục tiêu. Điều này giúp tăng cường sự định hướng và đồng thuận, đồng thời cung cấp cơ hội để đánh giá và đề xuất cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực cá nhân nếu cần.

Thứ sáu, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ và công cụ làm việc hiện đại.  Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ như hiện nay, các cơ quan cần bảo đảm rằng nhân viên được trang bị công nghệ và công cụ làm việc phù hợp, hiện đại để tăng cường hiệu quả lao động và khả năng sáng tạo. Điều này bao gồm cung cấp phần mềm và thiết bị phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Các giải pháp trên có thể hỗ trợ đánh giá, phân loại và phát triển lao động trong khu vực công hiện nay, từ đó, nâng cao hiệu suất lao động của các cơ quan, tổ chức khu vực công và hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Tài liệu tham khảo:
1. Võ Kim Sơn. Giáo trình Tổ chức nhân sự hành chính nhà nước. H. NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Tiệp. Giáo trình tổ chức lao động. H. NXB Lao động – Xã hội, 2007.
3. Trần Kim Dung. Quản trị nguồn nhân lực. H. NXB Giáo dục, 2003.