Chuẩn nghèo đa chiều riêng của địa phương: nghiên cứu trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuẩn nghèo đa chiều là cơ sở quan trọng trong quản lý và phát triển xã hội không chỉ ở trung ương mà còn thiết thực đối với từng địa phương. Do tính đặc thù phát triển của mỗi địa phương khác nhau nên chuẩn nghèo đa chiều riêng của mỗi địa phương là hết sức cần thiết. Bài viết phân tích, so sánh, đánh giá chuẩn nghèo đa chiều của TP. Hồ Chí Minh và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề 

Chuẩn nghèo và chỉ số, ngưỡng đo lường nghèo có tác động đến kết quả xác định hộ nghèo và ảnh hưởng đến hiệu quả thiết kế – thực thi chính sách giảm nghèo. Mỗi địa phương đều có sự khác biệt về tình hình kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, đặc điểm dân cư, phong tục tập quán… nên đòi hỏi chỉ số, ngưỡng đo lường nghèo sử dụng cũng có sự khác nhau… Chủ trương cho phép tỉnh – thành phố trực thuộc Trung ương được xác định và ban hành chuẩn nghèo riêng, dựa trên chuẩn nghèo chung của quốc gia được thực hiện và áp dụng từ năm 2016 theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Đánh giá việc thực hiện chủ trương này, minh chứng tại TP. Hồ Chí Minh để xem xét lại quy định trao thẩm quyền cho địa phương được ban hành chuẩn riêng của địa phương. Từ đó có những khuyến nghị hợp lý để tiếp tục áp dụng các quy định này trong giai đoạn tiếp theo.

Nghiên cứu chuẩn nghèo của TP. Hồ Chí Minh và kết quả thực hiện

TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo vào đầu năm 1992, đến nay đã 31 năm và được chia làm 6 giai đoạn (giai đoạn 1: năm 1992 – 2003; giai đoạn 2: năm 2004 – 2010; giai đoạn 3: năm 2009 – 2013; giai đoạn 4: năm 2014 – 2015, giai đoạn 5: năm 2016 – 2020 và giai đoạn 6: năm 2021 – 2025). Bốn giai đoạn đầu (1992 – 2015), Thành phố xây dựng chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người/năm để thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Mặc dù, trong các giai đoạn, chuẩn nghèo của Thành phố xây dựng luôn cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo quốc gia, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố luôn thấp nhất trong cả nước, tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm luôn ở mức cao nhất. Điều đó cũng khẳng định thành tựu, đồng thời thể hiện sự quyết tâm cao của chính quyền và người dân Thành phố trong công tác giảm nghèo.

Từ năm 2016, quốc gia và Thành phố bắt đầu thực hiện chương trình giảm nghèo theo phương pháp đo lường tiếp cận đa chiều. So với chuẩn nghèo của quốc gia1, chuẩn nghèo Thành phố2 tương đồng về cách thức đo lường; về tiêu chí thu nhập cao hơn gần 2 lần chuẩn nghèo quốc gia và 5 chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của chuẩn nghèo Thành phố có một số chiều nghèo, chỉ số đo lường và điểm khác so với chuẩn nghèo quốc gia, đó là: bổ sung chỉ số trình độ nghề vào chiều thiếu hụt về giáo dục; bổ sung chiều nghèo thiếu hụt về việc làm và bảo hiểm xã hội; không đưa vào chỉ số thiếu hụt về nhà vệ sinh; 2 chỉ số thiếu hụt về tiếp cận thông tin và tài sản tiếp cận thông tin mỗi chỉ số là 5 điểm (chuẩn nghèo quốc gia với chỉ số là 10 điểm); (5) ngưỡng thiếu hụt đa chiều là 40 điểm (chuẩn nghèo quốc gia là 30 điểm).

Với chuẩn nghèo riêng của Thành phố giai đoạn 2016 – 2020, theo kết quả khảo sát năm 2016, Thành phố có 67.090 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,36%; được phân ra làm 3 nhóm hộ và có 48.154 hộ, cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,41% tổng hộ dân Thành phố. Thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung của vùng Đông Nam Bộ là 5,6%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 8,23%. Sau 3 năm (2016 – 2018) triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ của chương trình giảm nghèo, Thành phố còn lại 3.767 hộ nghèo, tỷ lệ 0,19% tổng hộ dân và 22.882 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,15% tổng hộ dân, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 vào cuối năm 2018, Thành phố điều chỉnh ngưỡng thu nhập từ 21 triệu đồng/ người/năm lên 28 triệu đồng/ người/ năm và tiêu chí nghèo đa chiều vẫn giữ nguyên 5 chiều với 11 chỉ số để phấn đấu kéo giảm các chỉ số thiếu hụt có tỷ lệ cao, khó thực hiện. Đến cuối năm 2019, Thành phố còn lại 9.668 hộ nghèo, tỷ lệ 0,39% tổng hộ dân Thành phố. Như vậy, sau khi nâng tiêu chí thu nhập đầu năm 2019 và thực hiện chương trình giảm nghèo trong năm, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2019 – 2020.

Để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 vào cuối năm 20203, ban hành trước chuẩn nghèo quốc gia4. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ, cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, có thể ban hành chuẩn riêng của địa phương mình bằng cách (nâng tiêu chí thu nhập cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, bổ sung tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (dịch vụ, chỉ số thiếu hụt), điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt). Chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, được xây dựng trên cơ sở kế thừa chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 (tiếp tục thực hiện các chỉ số chưa hoàn thành của giai đoạn 2016 – 2020 và không đề xuất các chỉ số thiếu hụt đã hoàn thành) và hướng đến cách đo lường nghèo đa chiều, xem thu nhập là một chỉ số thiếu hụt, có vai trò và trọng số ngang bằng với các tiêu chí đa chiều khác.

So với chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn nghèo Thành phố khác về bộ tiêu chí đa chiều (chuẩn nghèo đa chiều TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025: Thành phố không áp dụng 3 chỉ số mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; bổ sung 1 chỉ số bảo hiểm xã hội để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo so với tiêu chí đo lường đa chiều quốc gia. Đối với ngưỡng thu nhập, Thành phố có ngưỡng thu nhập cao hơn và sử dụng 2 ngưỡng riêng cho chuẩn nghèo/ cận nghèo trong khi quốc gia sử dụng chung 1 ngưỡng đo lường thu nhập), và cách thức đo lường (chuẩn nghèo đa chiều TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025: Thành phố coi thu nhập là 1 trong 10 tiêu chí (hộ nghèo là (i) hộ có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên (giống quốc gia) nhưng không bắt buộc thiếu hụt về chỉ số thu nhập; (ii) hộ có chỉ số thiếu hụt về thu nhập là bắt buộc và thiếu hụt 01 chỉ số “người phụ thuộc”: đây là các hộ có thành viên thuộc các diện già yếu, neo đơn, có nhiều trẻ em, người hưởng bảo trợ xã hội; hộ cận nghèo được xác định tiêu chí thu nhập là bắt buộc và thiếu hụt 2 chỉ số). Trong khi quốc gia đo lường song song, tiêu chí thu nhập là bắt buộc và xét thêm tiêu chí đa chiều (hộ nghèo thiếu hụt trên 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; hộ cận nghèo thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản).

Với chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025, đầu năm 2021, Thành phố có 58.019 hộ, gồm 37.772 hộ nghèo, tỷ lệ 1,49% và 20.247 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,8% cao hơn tỷ lệ hộ nghèo của vùng Đông Nam Bộ là 0,93%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 9,35%. Sau 3 năm thực hiện, theo lộ trình thực hiện giảm nghèo đến cuối năm 2023, Thành phố còn lại 26.395 hộ, trong đó có 9.538 hộ nghèo, tỷ lệ 0,38% trên tổng hộ dân và 16.857 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,67% trên tổng hộ dân. Như vậy, sau 3 năm thực hiện, Thành phố cũng hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, Thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo của Thành phố áp dụng cho năm 2024 – 2025, để đảm bảo chăm lo chính sách cho người nghèo, người mới thoát nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Đánh giá sự phù hợp của chuẩn nghèo riêng của TP. HChí Minh

Năm 2016, là năm đầu tiên thành phố thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Với chuẩn nghèo gồm 2 tiêu chí về thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và 40 điểm thiếu hụt đa chiều trong 5 chiều – 10 chỉ số (y tế, giáo dục, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin). Kết quả khảo sát năm 2016 (đầu giai đoạn năm 2016 của Thành phố) có 67.090 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,36% tổng hộ dân Thành phố; được phân ra làm 3 nhóm hộ (Nhóm 1: hộ có thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt các chiều nghèo từ 40 điểm trở lên; Nhóm 2: hộ có thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt các chiều nghèo dưới 40 điểm; Nhóm 3: hộ có thu nhập trên 21 triệu đồng/người/năm và có điểm thiếu hụt các chiều nghèo từ 40 điểm trở lên) và có 48.154 hộ, cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,41% tổng hộ dân Thành phố (Chuẩn hộ cận nghèo là hộ dân có thu nhập từ 21 đến 28 triệu đồng/người/năm và có điểm thiếu hụt 5 chiều nghèo dưới 40 điểm).

Như vậy, qua kết quả phân loại hộ nghèo (như Biểu đồ 1) cho thấy, chủ yếu hộ nghèo Thành phố thuộc hộ nghèo Nhóm 2, nghĩa là hộ nghèo về thu nhập (tiêu chí thu nhập dưới ngưỡng nghèo – 21 triệu đồng/người/năm trở xuống) nhưng không nghèo đa chiều (tổng điểm thiếu hụt đa chiều dưới 40 điểm). Hộ nghèo đa chiều nhóm 3 (thu nhập trên ngưỡng, nhưng tổng điểm thiếu hụt đa chiều trên 40 điểm) có tỷ lệ thấp – 13%, hộ nghèo nhất – nghèo Nhóm 1 (vừa nghèo thu nhập – thu nhập dưới ngưỡng nghèo và điểm thiếu hụt đa chiều trên 40 điểm) thấp nhất, chỉ chiếm 12%. Điều đó cho thấy, việc đo lường nghèo vẫn chủ yếu tập trung đo lường về thu nhập.

Về tình trạng thiếu hụt 5 chiều xã hội (y tế, giáo dục, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin) của hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố năm 2016 như sau:

 Kết quả cho thấy: (1) hộ nghèo thiếu hụt xã hội cao hơn hộ cận nghèo, nghĩa là càng nghèo thì càng thiếu hụt xã hội; (2) chiều giáo dục và đào tạo, chiều Việc làm và bảo hiểm xã hội, chiều điều kiện sống có tỷ lệ thiếu hụt cao trong 5 chiều xã hội, đây là bức tranh phản ánh thực tế đời sống người dân Thành phố. Chiều y tế và chiều tiếp cận thông tin có tỷ lệ thiếu hụt thấp, được xác định là chiều có thể có giải pháp hỗ trợ kéo giảm thiếu hụt. Trên thực tế, bức tranh thiếu hụt đa chiều này cũng tương đồng với tình hình đời sống của người dân nghèo Thành phố. Hầu hết người nghèo thường lao động tự do, giản đơn do thiếu trình độ chuyên môn. Vì đa số làm công việc từ khu vực không chính thức, nên không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc nơi làm việc không tham gia bảo hiểm xã hội cho họ.

TP. Hồ Chí Minh là Thành phố lớn, giá cả nhà rất cao, đất đai chật hẹp, nhất là đối với người nghèo, vì vậy, điều kiện về nhà ở cho người nghèo luôn là vấn đề nan giải đối với chính quyền Thành phố. Về cách thức đo lường, nếu tiếp tục chú trọng đo lường nghèo theo tiêu chí thu nhập: tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đô thị rất thấp; đô thị có dân nhập cư lớn rất dễ bỏ sót đối tượng, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương; chính sách hỗ trợ mang tính cào bằng, xây dựng chính sách chỉ chú trọng đến khả năng chi trả, chưa tính đến khả năng tiếp cận dịch vụ, chất lượng dịch vụ…; phân bổ ngân sách chưa hợp lý tạo ra tâm lý ỷ lại của người nghèo, lãng phí nguồn lực và đặc biệt là giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 đã khắc phục được vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020: đa số các hộ gia đình đều giấu thu nhập trong quá trình khai thác nên việc lấy thu nhập làm bộ tiêu chí quyết định hộ trong chương trình giảm nghèo có khó khăn cho một số địa phương, trong khi chất lượng sống của hộ được thể hiện thông qua tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là cơ sở phản ánh thu nhập của hộ; bên cạnh đó, giai đoạn 2016 -2020, chuẩn nghèo Thành phố đo lường song song tiêu chí thu nhập và đa chiều, nhưng giải pháp giảm nghèo của địa phương vẫn chỉ tập trung vào nâng thu nhập và hỗ trợ trực tiếp, chưa chú trọng giải pháp kéo giảm chiều thiếu hụt.

Với chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn nghèo của quốc gia sử dụng cách thức đo lường nghèo/ cận nghèo song song 2 bộ tiêu chí: tiêu chí thu nhập và tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội, gồm 6 dịch vụ – 12 chỉ số (trong đó, tiêu chí thu nhập là bắt buộc kết hợp cùng với tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội) để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Còn bộ tiêu chí của Thành phố sử dụng không áp dụng 3 chỉ số mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; bổ sung 1 chỉ số bảo hiểm xã hội để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo so với tiêu chí đo lường đa chiều quốc gia.

Đối với ngưỡng thu nhập, Thành phố có ngưỡng thu nhập cao hơn và sử dụng 2 ngưỡng riêng cho chuẩn nghèo/ cận nghèo trong khi quốc gia sử dụng chung 1 ngưỡng đo lường thu nhập. Về cách thức xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố khác quốc gia: (1) Về đối tượng khảo sát, lập danh sách hộ: Hộ gia đình để xem xét là hộ nghèo hay hộ cận nghèo của Thành phố phải là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 06 tháng tại Thành phố trong khi quốc gia quy định đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú; (2) Về cách xác định hộ nghèo, cận nghèo: Thành phố coi thu nhập là 1 trong 10 tiêu chí (Hộ nghèo là (1) hộ có từ 03 chỉ số thiếu hụt trở lên (giống quốc gia) nhưng không bắt buộc thiếu hụt về chỉ số thu nhập; (2) hộ có chỉ số thiếu hụt về thu nhập là bắt buộc và thiếu hụt 01 chỉ số “người phụ thuộc”  đây là các hộ có thành viên thuộc các diện già yếu, neo đơn, có nhiều trẻ em, người hưởng bảo trợ xã hội; Hộ cận nghèo được xác định tiêu chí thu nhập là bắt buộc và thiếu hụt 2 chỉ số). Trong khi quốc gia đo lường song song, tiêu chí thu nhập là bắt buộc và xét thêm tiêu chí đa chiều (Hộ nghèo thiếu hụt trên 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; Hộ cận nghèo thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản).

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 4 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP thì thẩm quyền của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện: nâng tiêu chí thu nhập cao hơn, bổ sung tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt. Do đó, so với chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo của Thành phố có nâng tiêu chí thu nhập so với chuẩn nghèo quốc gia và bổ sung thêm chỉ số đo lường thiếu hụt về bảo hiểm xã hội; nhưng còn chưa phù hợp: đối tượng rà soát là hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú ổn định trên 6 tháng tại TP. Hồ Chí Minh; cách xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo khác với chuẩn nghèo quốc gia; mức độ đo lường thiếu hụt nhà ở khu vực đô thị thấp hơn (6m2/người, chuẩn nghèo quốc gia là 8m2/người); không thực hiện đo lường 3 chỉ số (nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin).

Phần lớn hộ dân trên địa bàn Thành phố là dân nhập cư lao động chiếm tỷ lệ cao, đa phần tạm trú không ổn định trong khi, việc quản lý, bình xét danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương và thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ thoát nghèo được liên tục, ổn định. Việc nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 trên cơ sở kế thừa chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 (tiếp tục thực hiện các chỉ số chưa hoàn thành của giai đoạn 2016 – 2020, không đề xuất các chỉ số thiếu hụt đã hoàn thành) và hướng đến tiếp cận cách đo lường nghèo theo 1 bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, xem thu nhập là một chỉ số thiếu hụt. Về đo lường thiếu hụt về diện tích nhà ở, do đặc điểm về đất đai của Thành phố nên ngưỡng thiếu hụt về diện tích nhà ở có phân biệt giữa các quận nội thành (6m2/đầu người) và các huyện ngoại thành (10m2/đầu người). Chỉ số này Thành phố đã nghiên cứu và đưa vào thực hiện ở giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2021 – 2025. Chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ số sử dụng dịch vụ viễn thông và phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin, đến cuối năm 2020, tỷ lệ thiếu hụt chỉ số này chỉ còn 0,0002% trên tổng hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo nên Thành phố đã hoàn thành ở giai đoạn 2016 – 2020 và không đưa vào để đo lường chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Với chuẩn nghèo đa chiều riêng của Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hộ nghèo là 1,49% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,8% trên tổng hộ dân Thành phố. Tỷ lệ thấp nhất qua các giai đoạn, điều này cũng tương đồng với các nghiên cứu, khi thay đổi thước đo sang đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo sẽ có xu hướng giảm so với các thước đo khác. Về bức tranh thiếu hụt các chiều xã hội cho thấy: 4 chỉ số thiếu hụt cao nhất đối với hộ nghèo là chỉ số thiếu hụt về thu thập tỷ lệ 84,52%, chỉ số thiếu hụt Bảo hiểm xã hội tỷ lệ 78,11%, chỉ số thiếu hụt bảo hiểm y tế là 74,81%, chỉ số thiếu hụt về việc làm 48,94%; 2 chỉ số có tỷ lệ thiếu hụt thấp nhất đối với hộ nghèo là chỉ số thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em là 4,92% và chỉ số thiếu hụt về nước sinh hoạt an toàn là 0,18%; 3 chỉ số còn lại có tỷ lệ thiếu hụt ở mức dưới 30%.

Như vậy, việc ban hành chuẩn riêng của TP. Hồ Chí Minh với bộ tiêu chí đo lường phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đời sống người dân và khả năng ngân sách của Thành phố. Đối với cách thức đo lường, Thành phố cũng nhận thấy cách đo lường song song 2 bộ tiêu chí riêng là thu nhập và các chiều xã hội để xác định hộ nghèo, trong đó thu nhập vẫn là tiêu chí chính để đo lường còn nhiều bất cập trong xác định đối tượng và cách thức triển khai các chính sách hỗ trợ.

Chuẩn nghèo riêng của một số tỉnh, thành phố khác

Chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025, cả nước có 7 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội5, Đà Nẵng6, Bà Rịa – Vũng Tàu7, Bình Dương8, Đồng Nai9, Tây Ninh10) thực hiện chuẩn nghèo đa chiều khác so với chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng đảm bảo cách thức đo lường của quốc gia, đảm bảo bộ chỉ số và có điều chỉnh tăng ngưỡng thu nhập; các tỉnh thành phố còn lại bộ tiêu chí đảm bảo theo chuẩn quốc gia và có điều chỉnh ngưỡng thu nhập, tuy nhiên cách thức đo lường khác với quốc gia (Bà Rịa -Vũng Tàu đo lường nghèo riêng về thu nhập và nghèo về thu nhập kết hợp với đa chiều; Bình Dương và Đồng Nai điều chỉnh ngưỡng đo lường nghèo và thiếu hụt từ 2 chỉ số đa chiều; riêng tỉnh Tây Ninh vẫn chỉ sử dụng thu nhập để đo lường nghèo). Như vậy, chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh sử dụng bộ chỉ số đo lường và cách thức đo lường khác so với chuẩn quốc gia. Các tỉnh, thành phố có chuẩn nghèo riêng đều vận dụng, áp dụng quy định cho phép được xây dựng chuẩn riêng để tự xác định xây dựng chuẩn nghèo phù hợp với địa phương mình.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ, việc xác định thẩm quyền ban hành chuẩn cũng như ngưỡng xác định và quyết định thước đo chuẩn địa phương sự phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế xã hội và ngân sách của địa phương chưa được trao quyền cụ thể và rõ ràng cho địa phương.

Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu, quan sát, nhận định về chuẩn riêng của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác có ban hành chuẩn nghèo riêng của địa phương; tỷ lệ và bức tranh nghèo của hộ nghèo đa chiều của Thành phố cho thấy:

Thứ nhất, do chuẩn nghèo của địa phương liên quan đến ngân sách, nguồn lực để thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Do đó, để bảo đảm tính pháp quy về cơ sở pháp lý được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản của Chính phủ đảm bảo rõ ràng về thẩm quyền ban hành chuẩn nghèo của địa phương là Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.

Thứ hai, trao quyền cho tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương được phép ban hành chuẩn nghèo riêng của địa phương (bao gồm xác định tiêu chí, chiều, chỉ số và ngưỡng đo lường phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách và người dân của địa phương).

Thứ ba, tiếp cận theo cách đo lường nghèo đa chiều quốc tế, chuẩn quốc gia chỉ bao gồm một số tiêu chí chủ yếu, tiến tới đo lường đa chiều chỉ coi thu nhập là một trong các chỉ số; dựa trên tiêu chí chủ yếu đó các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung tiêu chí phù hợp với địa phương mình.

Thứ tư, ngoài chuẩn nghèo chung của quốc gia, cần thiết có chuẩn theo từng vùng, chỉ tiêu phù hợp theo từng vùng và chuẩn riêng đối với một số đối tượng cần chính sách quan tâm đặc biệt hơn như là trẻ em nghèo, phụ nữ nghèo, người cao tuổi nghèo… Khi có đo lường cụ thể theo từng vùng, từng đối tượng sẽ có chính sách phù hợp hỗ trợ giải quyết tận gốc nguyên nhân nghèo, giúp giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Chú thích:
1. Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 2020.
2. Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 31/12 /2015 của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố áp dụng cho giai đoạn 2016 2020.
3. Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/ 2020 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về chương trình giảm nghèo bền vững thành phố hồ chí minh giai đoạn 2021 2025.
4. Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
5. Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 2025.
6. Quyết định số 76/2021/QĐ-UBND ngày 17/12/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 2025.
7. Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 2025.
8. Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2022 2025.
9. Quyết định số 32/2022/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 2025.
10. Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh tây ninh giai đoạn 2022 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020.
2. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm năm 2023.