Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

ThS. Nguyễn Thị Linh
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược và là yếu tố quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bài viết phân tích thực trạng nguồn nhân lực hiện nay, từ đó, đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Nguồn nhân lực là tổng thể số lượng và chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là chỉ người lao động có sức khỏe, có thể chất, tinh thần tốt; có trình độ tay nghề cao, khả năng lao động giỏi và kỹ năng chuyên môn tốt; có những phẩm chất xã hội tốt đẹp, như tinh thần nhân văn, hòa nhập, thích nghi làm việc trong môi trường đa văn hóa… Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”1. Đại hội đặt ra yêu cầu: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”2. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, dân số Việt Nam có gần 100 triệu dân3, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, chiếm 68,9%, đây là lợi thế vô cùng thuận lợi để khai thác, phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp dựng xây dựng và phát triển đất nước4. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, chiếm 64,5%, năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 5,8%/năm cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%)5.

Về lao động, việc làm quý I/2023, có tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,5%, (tương đương 19,7 triệu người); lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 32,3%, (tương đương 16,1 triệu người); lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, chiếm 28,2% (tương đương 14,1 triệu người). So với quý IV/2022 và quý I/2023, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều tăng nhưng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng lại giảm (tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp tăng tương ứng là 0,8 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm; tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tương ứng là 1,3 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, ước đạt 64,5% năm 2022, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%, tăng so với năm 2020 (19,9%)6.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030… Thông qua đào tạo, bồi dưỡng giúp người lao động từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, khả năng tự giác, tự tiến hành công việc độc lập đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bởi vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là sự đóng góp của mỗi người ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, dưới tác động của cơ chế, chính sách đã, đang và sẽ được khơi dậy tiềm năng, thế mạnh một cách hiệu quả nhất.

Thực tế hiện nay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, cụ thể:

(1) Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cơ cấu lao động chưa hợp lý, cả về trình độ và về phân bố theo khu vực. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn và gia tăng nhanh chóng, trong khi nền kinh tế thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp, đặc biệt là tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở là các ngành, nghề kỹ thuật cao, nghề nặng nhọc, độc hại. Mặt khác, hiện nay một số sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cũng như khả năng làm việc theo đội, nhóm và kỹ năng khởi nghiệp…

(2) Việc kết nối cung – cầu lao động chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, đó là người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo cũng như với trình độ, chuyên môn và tay nghề đào tạo.

(3) Thể lực và thái độ lao động, theo công bố của Bộ Y tế, chiều cao trung bình của người Việt Nam đối với nam là xấp xỉ 1,68 m và nữ là 1,56 m. Chiều cao này là rất thấp so với chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á và thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu. Thể lực yếu, độ bền và sức tải trong lao động kém nên người lao động Việt Nam thường chỉ làm việc với thời gian tập trung ngắn, nhanh mệt mỏi dẫn đến đạt hiệu quả công việc không cao. Ngoài ra, vấn đề ý thức kỷ luật lao động, kỹ năng mềm, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng được coi là điểm hạn chế của lao động Việt Nam.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Một là, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, tăng cường phân tầng, phân luồng, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề. Bên cạnh đó, cần khắc phục sự bất hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành, nghề và cơ cấu vùng, miền, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Đồng thời, chú trọng hơn nữa phát triển ngành tự động hóa, đầu tư cho các nhóm ngành nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, thông tin vệ tinh, số hóa, công nghệ sinh học và đặc biệt là sự tích hợp giữa chúng với nhau. Mặt khác, xác định đúng khả năng và nhu cầu đào tạo của các ngành, nghề, tăng cường công tác lập kế hoạch, dự báo thường xuyên và cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của xã hội, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương nhằm điều tiết quy mô, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo cho phù hợp.

Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, kết hợp với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là lao động ở nông thôn để giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng.

Hai là, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; đồng thời, từng bước tăng cường bổ sung đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực số, nhân lực quản lý xã hội. Đồng thời, tiếp tục chăm lo đời sống của lao động, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người lao động về nhà ở, giáo dục, y tế, việc làm. Nâng cao chất lượng các chính sách về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân… Thực hiện tốt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030”.

Ba là, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học – công nghệ trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học – công nghệ tiên tiến; gắn hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.

Bốn là, cần nhận thức rõ nguồn nhân lực chất lượng cao là tài nguyên quý giá nhất, lực lượng đầu tàu, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và cán bộ khoa học – công nghệ đầu ngành; đồng thời, phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Kết luận

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đòi hỏi mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải xây dựng quy hoạch, chiến lược phù hợp với thực tiễn và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 231, 232 – 233.
3. Dân số Việt Nam. https://danso.org, truy cập ngày 01/8/2023.
4, 5, 6. Tổng Cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 20/9/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Từ Thúy Anh và cộng sự. Cơ sở khoa học xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, Mã số KHGD/16-20, năm 2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nguyễn Văn Khánh. Nguồn lực trí tuệ Việt Nam, lịch sử, hiện trạng và triển vọng. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012.
4. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong bối cảnh mới. https://tapchitaichinh.vn, ngày 23/5/2020.