Nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của của công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ

(Quanlynhanuoc.vn) – Hội thảo khoa học: Năng lực sử dụng ngoại ngữ của của công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ” được Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 27/12/2023. Đây là Hội thảo nằm trong chương trình thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do ThS. Bùi Thị Phương Lan giảng viên Khoa Ngoại ngữ và Tin học, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Với gần 20 bài tham luận được in trong kỷ yếu Hội thảo, Ban tổ chức đã sắp xếp theo ba nội dung chính: (1) Cơ sở lý luận về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện; (2) Thực trạng năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ; (3) Phương hướng và giải pháp nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ.

Những vấn đề đặt ra trong việc nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ThS. Bùi Thị Phương Lan – Chủ trì Hội thảo đã thay mặt nhóm nghiên cứu trân trọng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Phân viện và nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện tham dự Hội thảo do Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

ThS. Bùi Thị Phương Lan phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đã khiến ngoại ngữ không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp thông thường, mà còn được nâng lên như một năng lực, phẩm chất cần thiết của công chức lãnh đạo quản lý các cấp nói chung và cấp tỉnh, cấp huyện nói riêng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang dần khẳng định được vị trí và vai trò của mình trên trường quốc tế. Với mong muốn góp phần tìm kiếm thêm các giải pháp nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý các tỉnh Nam Bộ, Hội thảo: Năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ là diễn đàn trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những giải pháp sáng tạo và mạnh dạn nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cũng như những cơ chế, chính sách liên quan.

PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng – Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam trình bày tham luận.

Trong bài tham luận: Suy nghĩ về đào tạo ngoại ngữ cho công chức nhà nước ở các tỉnh Nam Bộ, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng – Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho rằng, biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời. Đúng vậy, khi chúng ta biết thêm một ngoại ngữ, nguồn tri thức thu nhận được sẽ phong phú thêm, dù đó là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga hay tiếng Trung Quốc… Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân và công việc, việc học ngoại ngữ có những mức độ khác nhau. Công chức cấp tỉnh, huyện có cần giỏi ngoại ngữ không? Giỏi ngoại ngữ thì tốt quá. Nhưng yêu cầu công chức giỏi ngoại ngữ? Rất khó! Ông Vượng đã gợi ý rất nhiều phương pháp nhằm nâng cao khả năng học và sử dụng ngoại ngữ cho công chức. Các phương pháp mà ông đưa ra đều có tính khả thi và gợi ý nhiều ý tưởng trong việc học ngoại ngữ.

TS. Nguyễn Trang Thu – Giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trong những năm qua, nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho công chức lãnh đạo, quản lý cơ quan quản lý hành chính đã được triển khai trong đó có chương trình về ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Làm thế nào để biết việc dạy và học ngoại ngữ tác dụng đến đâu cho công việc của học viên là câu hỏi chỉ có thể trả lời thông qua đánh giá. Việc đánh giá một cách bài bản và khoa học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng không phải là việc đơn giản trong thực tiễn quản lý. Tuy nhiên, hiện nay còn ít nghiên cứu sâu về đánh giá các chương trình như vậy. TS. Nguyễn Trang Thu đã giới thiệu mô hình Kirkpatrick về đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng; làm rõ những mặt mạnh, mặt hạn chế của mô hình này và một số vấn đề đặt ra nếu áp dụng mô hình vào việc đánh giá hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan quản lý hành chính cấp tỉnh và huyện ở Việt Nam; đề xuất giải pháp để góp phần tháo gỡ những vấn đề tồn tại để tăng tính khả thi của việc áp dụng.

TS. Vũ Thị Yến Nga – Giảng viên Khoa Ngoại ngữ và Tin học, Học viện Hành chính Quốc gia đã chỉ ra 6 yếu tố tác động đến hiệu quả nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý hiện nay, như: nhận thức và ý thức; nhu cầu và mục tiêu cá nhân; môi trường làm việc và yêu cầu công việc; tâm lý và động lực; chính sách thưởng phạt và hỗ trợ tổ chức; cơ hội thực hành và áp dụng. Theo TS. Vũ Thị Yến Nga, việc nghiên cứu và hiểu rõ những yếu tố này sẽ giúp tạo ra các chiến lược và chương trình đào tạo hiệu quả, phản ánh nhu cầu thực tế của đội ngũ và đảm bảo sự hỗ trợ từ tổ chức mới có thể nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của họ. Có thể nói, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ là một quá trình đòi hỏi sự đồng thuận và hỗ trợ từ nhiều bên, và chỉ khi tất cả các khía cạnh này hòa quyện lại, mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ mới có thể đạt được hiệu quả.

 Đồng tình với quan điểm này, TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra các yếu tố cần phải quan tâm trong chiến lược nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ. Cụ thể: (1) Chính sách và hỗ trợ đào tạo; (2) Môi trường làm việc đa văn hóa; (3) Sử dụng ngôn ngữ ngoại ngữ trong công việc hàng ngày; (4) Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; (5) Thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ; (6) Tạo thói quen học tập liên tục.

Cần có những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ

Trong tham luận “Phương hướng nâng cao và duy trì năng lực sử dụng ngoại ngữ của cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh Nam Bộ”, ThS. Nguyễn Ngọc Toán – Trưởng phòng, Phòng Quản lý khoa học và Thư viện, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoại ngữ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của một người nói chung và của cán bộ, công chức nói riêng là một loại tài nguyên mà nếu không dùng thường xuyên thì dù có đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đến đâu cũng sẽ suy giảm theo thời gian, gây lãng phí cho nguồn lực đầu tư trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. ThS. Nguyễn Ngọc Toán đã gợi mở các phương hướng nhằm góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Ngọc Toán – Trưởng phòng, Phòng Quản lý khoa học và Thư viện, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày bài tham luận.

Ông Lê Văn Phúc, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tại Hội thảo đã thẳng thắn chia sẻ câu chuyện bằng cấp, chứng chỉ thực chất chỉ là một trong những dấu hiệu để nhận biết năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức. Năng lực sử dụng ngoại ngữ của công chức phải được thể hiện trong thực thi công vụ chứ không phải ở văn bằng hay chứng chỉ “giấy”.

PGS. TS. Phương Hữu Từng – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia trong bài tham luận “Vai trò của Chat GPT trong việc viết các bài luận của công chức lãnh đạo cấp tỉnh ở Việt Nam” chia sẻ, ở Việt Nam, hiện có rất ít tài liệu, ấn phẩm học thuật đi sâu nghiên cứu xem các công cụ viết AI cóảnh hưởng như thế nào đến nội dung và tổ chức, xem xét cả góc độ của người học và người dạy. Theo PGS.TS. Phương Hữu Từng thì năng lực sử dụng ngoại ngữ thể hiện thông qua 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Do đó, để có giải pháp nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ phù hợp thì cần phải chia công chức lãnh đạo thành 2 nhóm: 1) Nhóm công chức lãnh đạo có sử dụng ngoại ngữ thường xuyên trong quá trình thực thi công vụ; 2) Nhóm công chức lãnh đạo ít hoặc không sử dụng ngoại ngữ trong quá trình thực thi công vụ. Theo PGS.TS. Phương Hữu Từng, đối với các tỉnh Nam Bộ thì việc nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ không chỉ dừng lại là tiếng Anh mà cần phải nâng cao cả năng lực ngoại ngữ khác, tiêu biểu là tiếng Hoa…

ThS. Trần Quang Hải, Trường Đại học Hoa Sen trình bày bài tham luận.

ThS. Trần Quang Hải, Trường Đại học Hoa Sen tham luận “Đánh giá thực trạng năng lực ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý tại cơ quan hành chính Quận 10 tại TP. Hồ Chí Minh”. Bằng việc khảo sát và phỏng vấn công chức lãnh đạo, quản lý tác giả đã phản ánh đa chiều thực trạng năng lực tiếng Anh cũng như những thuận lợi, khó khăn và thách thức mà nhóm đối tượng đang gặp phải. Từ đó, đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh, góp phần tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế của địa phương. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có sự chênh lệch giữa nhu cầu và thực tế trong việc sử dụng và học ngoại ngữ, cũng như sự không hài lòng đối với chất lượng và phương pháp đào tạo hiện tại. Để giải quyết vấn đề này, cần có các giải pháp và đề xuất cụ thể như xây dựng chương trình đào tạo tập trung và linh hoạt, tăng cường hỗ trợ ngân sách cho người học, tạo cơ hội thực hành trong môi trường ngoại ngữ, đánh giá và phản hồi liên tục kết quả học tập cũng như phát triển văn hóa học tập.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa, giảng viên Khoa Ngoại ngữ – Tin học, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào các số liệu, kết quả nghiên cứu quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, vừa là cơ hội vừa đặt ra cho Đông Nam Bộ những thách thức lớn, yêu cầu phải nâng cao năng lực của đội ngũ công chức đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là năng lực tiếng Anh để có thể bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, để Đông Nam Bộ chủ động hội nhập ngày càng sâu, rộng. Do đó, cần xác định chính xác nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng tiếng anh cho công chức lãnh đạo, quản lý, từ đó xây dựng các chương trình và mô hình bồi dưỡng phù hợp, tăng cường kiểm tra giám sát đối với việc cấp chứng chỉ tiếng Anh nhằm tối ưu hóa hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho đối tượng này. Thời gian tới, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp mà tác giả đưa ra thì việc nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức nói chung và công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng sẽ có những chuyển biến tích cực.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa, giảng viên Khoa Ngoại ngữ – Tin học, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận.

Thực tiễn, ngoại ngữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, kết nối quốc tế và sự đa dạng văn hóa hiện nay. Ngoại ngữ là công cụ mở cánh cửa cho nhiều cơ hội trong một thế giới ngày càng liên kết. Trước yêu cầu quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả ngày nay, khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ là quan trọng đặc biệt cho các lãnh đạo và quản lý. Xu thế hội nhập quốc tế đem lại cho các quốc gia nhiều cơ hội và thử thách mới. Để phát triển thì các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần có những chủ trương và bước đi phù hợp. Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ của công chức lãnh đạo trong cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện là một trong giải pháp quan trọng đáp ứng yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế góp phần quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ThS. Bùi Thị Phương Lan cảm ơn các đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, cho rằng hoàn thiện mô hình nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện các tỉnh, thành phố của Nam Bộ là một quá trình, đòi hỏi phải nghiên cứu, tổng kết cả lý luận thực tiễn, trên hết cần phải có cơ chế đặc thù riêng. Các tham luận, góp ý kiến tại Hội thảo rất quan trọng để nhóm nghiên cứu đề tài tham khảo, hoàn thiện nội dung nghiên cứu.

Phúc