Một số giải pháp phát triển công nghiệp sản xuất CHIP bán dẫn ở Việt Nam

                                                                                           TS. Nguyễn Văn Sơn
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Sản xuất chip bán dẫn thuộc ngành công nghệ cao và có vai trò ngày quan trọng đối với nền sản xuất của các quốc gia trên thế giới. Bài viết phân tích vai trò, thực trạng ngành sản xuất chip, để từ đó, đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, nhằm tạo cơ sở cho việc chuyển đổi kinh tế số ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: Công nghiệp; sản xuất công nghiệp; chip bán dẫn; điện tử; công nghiệp 4.0.

1. Vai trò của công nghiệp sản xuất chip bán dẫn

Với cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (4.0) hiện nay thì vai trò của con chip bán dẫn ngày càng tăng và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba với hệ thống mạng internet, điện tử tự động hóa, tin học hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, big data… nền tảng cuộc cách mạng này bắt nguồn từ con chip nhỏ bé để lưu trữ, xử lý các số liệu, thông tin, hình ảnh.

Ngày nay, với các thiết bị máy móc ngày càng thông minh hơn, các con chip bán dẫn đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: sản xuất, tiêu dùng, tài chính, ngân hàng, truyền thông, giải trí với các thiết bị, như: ti vi, tủ lạnh, ô tô, điện thoại, máy tính, hệ thống chiếu sáng thông minh, cửa cuốn, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, các loại bếp từ hiện đại… đều không thể thiếu con chip bán dẫn, thiếu nó các cỗ máy và thiết bị thông minh không thể hoạt động. Do đó, thị trường chip bán dẫn ngày càng tăng, “Doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029”1.

 Nhu cầu chip bán dẫn của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng dẫn đến nhập khẩu chip bán dẫn ngày càng lớn hơn, con chip ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chẳng hạn như, Trung Quốc (nền kinh tế thứ 2 trên thế giới) giá trị nhập khẩu chip bán dẫn đã vượt so với năng lượng truyền thống là dầu mỏ.

 Nhận thức được vai trò của chip bán dẫn, các nước đã chạy đua ưu tiên cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, cuộc chiến với con chip bán dẫn ngày càng nóng hơn. Nước Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt hạn chế xuất khẩu các thiết bị chế tạo chip bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nhằm hạn chế nước này trong việc sản xuất các thiết bị thông minh, tiên tiến để cạnh tranh với Mỹ, điển hình là trừng phạt Công ty Huawei. Tại châu Âu, nước Đức – cái nôi công nghiệp truyền thống của ngành công nghiệp cũng đang lo lắng trước việc phụ thuộc vào ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn ở các nước châu Á và Mỹ: “Các doanh nghiệp ở Đức đang bối rối, không biết tình hình sẽ tiếp tục ra sao và lo sợ trong bước phát triển công nghệ sẽ bị phụ thuộc vào bên ngoài. Công nghiệp Đức sẽ chỉ còn có thể cung cấp vỏ thép, vỏ máy, turbine gió hay các turbine thủy điện – nhưng sẽ phải nhập cái ruột, cái não thông minh (con chip điện tử) cho các máy đó từ California”2.

Đối với quân đội, trong cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay, với các tên lửa hành trình tầm xa, máy bay không người lái và các thiết bị, vũ khí thông minh khác, như: bản đồ vệ tinh, hệ thống dẫn đường chính xác đều phụ thuộc vào các con chip bán dẫn. Điều gì sẽ diễn ra với một quốc gia thiếu các con chip hiện đại hoặc con chip bị cài đặt mã độc, các thiết bị sẽ không hoạt động được hoặc bị tấn công máy chủ nên thiệt hại là rất lớn. Chính vì lo ngại này, các nước phương Tây và Mỹ đã phải hủy hoặc cấm các thiết bị tiên tiến từ Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông mạng 5G và các thiết bị điện tử tiên tiến khác.

Đối với an ninh kinh tế, an ninh xã hội, con chip bán dẫn cũng rất quan trọng vì hệ thống tài chính, ngân hàng và hạ tầng xã hội đều sử dụng mạng internet tốc độ cao, khả năng lưu trữ, xử lý số liệu ngày càng lớn, có nghĩa là phụ thuộc vào hoạt động của các con chip bán dẫn và các con chip cũng đòi hỏi ngày càng tiên tiến hơn. Do vậy, con chip đã ảnh hưởng tới các hoạt động, an ninh, an toàn của các quốc gia ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội.

Trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc do thương chiến Mỹ – Trung gây ra, các nước đều muốn đón đầu sự chuyển dịch, đều muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip, như: Ấn Độ, Malayxia, Singapo, Philipin… và cả Việt Nam. Mỗi nước đều có kế hoạch, chiến lược để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn nhằm khẳng định vị thế của quốc gia và cạnh tranh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

2. Thực trạng ngành công nghiệp sản xuất chip ở Việt Nam.

Ngành Công nghiệp sản xuất chip ở Việt Nam không phải bây giờ mới có mà đã được hình thành khá sớm trong lịch sử. Với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, năm 1973, một phòng thí nghiệm về bán dẫn đã được xây dựng tại Viện Vật lý và đã chế tạo ra hàng loạt Transistor Silicon bằng công nghệ Planar – Epitaxi hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đây là viên gạch đầu tiên hình thành nên ngành sản xuất chip bán dẫn của Việt Nam.

Nhà máy bán dẫn Z181 cũng đã được thành lập vào năm 1979, được coi là khởi đầu của lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip bán dẫn Việt Nam. Nhà máy đã sản xuất và xuất khẩu sản phẩm là các chip bán dẫn sang các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và các nước Đông Âu. Tới cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 thế kỷ trước, do biến động chính trị thế giới, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ thì nhà máy đã không còn những đơn hàng sản xuất bán dẫn nữa và việc sản xuất, đóng gói chip của nhà máy Z181 đã phải dừng lại. Tuy phải ngừng lại nhưng quá trình tồn tại sản xuất 10 năm đã đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý trong sản xuất chip bán dẫn nhất là về đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm sản xuất trong ngành công nghệ cao, đặt nền móng cho sản xuất chip phát triển.

Cùng với sự đổi mới của nền kinh tế chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, ngành công nghiệp sản xuất chip có sự khôi phục trở lại. Từ cuối thập niên 1990, các kỹ sư người Việt Nam ở nước ngoài về nước bắt đầu cho thời kỳ phát triển về số lượng các kỹ sư thiết kế chip làm việc trong các trung tâm thiết kế vi mạch ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Những người tiên phong có thể kể tới là ông Trịnh Xuân Lạc với Công ty Next Level Communications, sau này là Arrive; hay ông Duy Tan với Công ty SDS, sau này là eSilicon và hiện nay là Synopsys; ông Steven Huỳnh với Công ty Active-Semi Việt Nam và hiện là Công ty Qorvo Việt Nam3.

Chính phủ xác định sản xuất chip bán dẫn là lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên phát triển, do vậy đã ban hành các chính sách kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, từ đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Năm 2005, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch chip bán dẫn (ICDREC) ra đời với sự đóng góp của GS. Đặng Lương Mô và các chuyên gia người Việt thành danh ở nước ngoài, trung tâm đã đào tạo được đội ngũ hàng trăm kỹ sư và đã thiết kế thành công một số vi mạch mang thương hiệu Việt Nam.

Với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2005 Intel đã xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh để lắp ráp, kiểm thử các con chip bán dẫn của Intel và sau năm 2021 đã tăng vốn lên 1,5 tỷ USD. Năm 2008, Samsung đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh ở Bắc Ninh trị giá hơn 1 tỷ USD.

Trong nước, năm 1989, Tổng công ty Quân đội Viettel được thành lập và đã khẳng định được vị thế ngày càng lớn mạnh trong việc thiết kế, sản xuất chip 3G, 4G, 5G phục vụ trong lĩnh vực viễn thông cũng như trong lĩnh vực quốc phòng. Tập đoàn tư nhân FPT cũng được thành lập năm 1990 trong lĩnh vực gia công phần mềm và thiết kế chip điện tử, đến nay đã trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, đã thiết kế được 70 triệu con chip điện tử xuất khẩu sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Thương chiến Mỹ – Trung khiến các công ty di chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc, họ đã tìm đến các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Nhờ ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn ngày càng phát triển và Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều công ty lớn trên thế giới, như: Intel, Samsung, Apple, Foxconn…

Gần đây nhất, năm 2023, có sự hiện diện của Hana Micron Vina, Amkor Technology là doanh nghiệp sản xuất và gia công chip bán dẫn với bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD tại Bắc Giang; một dự án 1,6 tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn đang được Công ty Amkor Technology Việt Nam (Hàn Quốc) triển khai tại Bắc Ninh dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới và đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó. Đây là nhà máy lớn, hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu.

Cho tới nay, “bên cạnh các công ty trong nước, như: Viettel và FPT, có hơn 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam để sản xuất các con chip dùng trong ô tô, thiết bị mạng viễn thông và hàng tỷ các thiết bị điện tử dân dụng khác được sử dụng rộng khắp trên toàn thế giới4. Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới và trở thành một mắt xích quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Xuất khẩu các thiết bị điện tử đã thu về cho đất nước hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay, các công ty tại Việt Nam chủ yếu là gia công lắp ráp, đóng gói, kiểm thử cho các tập đoàn đa quốc gia, bí quyết công nghệ vẫn do các công ty nước ngoài nắm giữ. Để gia tăng giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đòi hỏi chúng ta phải dần chuyển sang khâu có giá trị cao hơn là thiết kế, chế tạo, theo đó đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong những năm qua, đã có các công ty trong nước đi theo hướng này, như: Viettel đã thiết kế các chip 5G phục vụ cho lĩnh vực viễn thông, vừa không phụ thuộc công nghệ của nước ngoài vừa có thể phục vụ cho an ninh quốc gia, hoặc FPT đã thiết kế chip phục vụ cho lĩnh vực y tế và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới…

3. Một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip ở Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất chip, Chính phủ đã dành nguồn lực cho ngành sản xuất chip từ khá sớm (ngay từ những năm 80 thế kỷ XX), tiềm năng còn rất lớn. Đặc biệt những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên và trở thành điểm đến của các tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Intel, Samsung, Foxcon, LG, Ndivia… Do vậy, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị cho sản phẩm cũng như tự chủ trong sản xuất chip bán dẫn đòi hỏi phải có một số các giải pháp đồng bộ sau:

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sản xuất chip bán dẫn gồm các khâu chính là: thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử. Trong đó chúng ta đang tham gia nhiều và khâu cuối là đóng gói, kiểm thử, khâu này chỉ chiếm 10% giá trị của sản phẩm vì nó chưa đòi hỏi nguồn nhân lực ở trình độ cao như các khâu khác. Khâu sản xuất đòi hỏi số vốn rất lớn, để có một nhà máy có thể tiêu tốn 15 – 20 tỷ USD và có bề dày nhiều năm kinh nghiệp cùng với các bí quyết công nghệ riêng. Hiện nay, ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chip do hai công ty chính là TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc thống trị, trong khi đó Hà Lan chi phối thiết bị in tiến tiến là máy in thạch bản với tia cực tím.

Trường hợp nếu Việt Nam đi theo hướng sản xuất là không khả thi, khó thực hiện thì nên đi vào khâu thiết kế, bởi lẽ khâu này không đòi hỏi nhiều về nguồn vốn và hạ tầng kỹ thuật. Nguồn nhân lực thiết kế chip của nước ta có thể cung cấp bổ sung cho các công ty hàng đầu, như: Intel, Samsung, Ndivia… muốn vậy phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực cho thiết kế chip đòi hỏi trình độ rất cao và có nhiều năm kinh nghiệm với sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo báo cáo của công ty IBM thì: “Một con chip AI chứa khoảng 2 tỷ transistors, diện tích 600mm2. Đầu não để thiết kế nên con chip này gồm 43 tác. Trong 43 người thì có 30 tiến sỹ, 13 thạc sỹ với các chuyên môn khác nhau: 5 vật lý, 2 toán, 1 hóa, 1 khoa học vật liệu, 1 cơ khí, 33 tác giả còn lại thuộc các ngành kỹ thuật điện, điện tử, khoa học máy tính”.5

Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư, nếu so với nhu cầu, tiềm năng còn nhỏ và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo thống kê: “số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào các khâu, công đoạn có liên quan tới thiết kế và sản xuất đóng gói chip khoảng 5.000, rất ít so với một số nước dẫn đầu, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ… Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn.”6

Việt Nam hiện có các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành gần với bán dẫn là công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Một số cơ sở, như: Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội… đã đào tạo, nghiên cứu chip bán dẫn, coi đây là một hướng chuyên môn trong ngành học điện – điện tử, điện tử – viễn thông và một số ngành khác. Các trường mới chỉ đào tạo các ngành học, môn học làm cơ sở nền tảng cho sản xuất chip chưa có ngành chuyên sâu phục vụ cho thiết kế, sản xuất chip, như: thiết kế vi mạch, sản xuất các vật liệu cho sản xuất chip bán dẫn …

Đểthực hiện được nhiệm vụ trên, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu phải tăng cường công tác tuyển sinh, liên kết với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cập nhật chương trình đào tạo tiên tiến, sát với thực tiễn và tăng cường cơ sở vật chất máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo.

Hai là, chính phủ cần xây dựng chiến lược ưu tiên cho sản xuất chip.

Sản xuất chip có vai trò quan trọng với kinh tế – xã hội và an ninh quốc gia. Do vậy, chính phủ phải có chiến lược mang tầm quốc gia với các ưu đãi đặc thù về cơ chế chính sách giúp sản xuất phát triển, như: miễn giảm thuế, tiền thuê đất, vốn vay ngân hàng cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào ngành sản xuất, thiết kế chip nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho sản xuất chip. Các thủ tục đăng ký, thẩm định các dự án cho sản xuất – kinh doanh, xúc tiến đầu tư nhanh, kịp thời giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện… nhằm thúc đẩy sản xuất chip phát triển, đón làn sóng chuyển dịch khỏi Trung Quốc và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ba là, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ươm mầm cho phát triển.

Sản xuất phát triển phải luôn có sự tìm tòi, thử nghiệm sản phẩm mới. Vì vậy rất cần hệ sinh thái khởi nghiệp trong sản xuất chip bán dẫn, một lĩnh vực đổi mới sáng tạo gắn với sự năng động. Bên cạnh lắp ráp, kiểm thử để tham gia sâu, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn, ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn cũng cần phải chuyển sang khâu có giá trị cao hơn.

Sản xuất chip tiên tiến đòi hỏi vốn lớn, có bề dày kinh nghiệm và bí quyết công nghệ, do đó cần hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp với số vốn nhỏ, các con chip cũ hơn phục vụ cho đời sống trên lĩnh vực nhất định, như: y tế, giáo dục, viễn thông, ô tô … trên cơ sở đó nâng cấp phát triển các sản phẩm cao cấp hơn. Sự thành công của Viettel và FPT đã minh chứng cho điều đó, do vậy cần khuyến khích các doanh nghiệp dấn thân vào lĩnh vực thiết kế, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn ít, nhưng cần có ý tưởng mới, sản phẩm mang tính đặc thù. Các công ty lớn trên thế giới cũng bắt nguồn từ các công ty khởi nghiệp, như: Ndivia chỉ thiết kế riêng cho chip Card đồ họa và hiện nay đã phát triển rất nhanh vốn hóa 1.000 tỷ USD. Các công ty phát triển của Mỹ phát triển nhờ có thung lũng Silicon, nên chăng Việt Nam cũng cần có sự đầu tư, ươm mầm cho các công ty khởi nghiệp như vậy.

Bốn là, kêu gọi đầu tư nước ngoài cho nghiên cứu chuyển giao.

Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong sản xuất chip bán dẫn, có được thành quả đó một phần nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo linh hoạt của nhà nước. Theo đó, cần phát huy hơn nữa ngoại giao nhà nước để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong sản xuất chip để không chỉ gia công lắp ráp mà còn hình thành chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Qua đó cung cấp nguồn nhân lực cho các tập đoàn ở các vị trí khác nhau trong thiết kế, sản xuất chip nhằm hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh kêu gọi đầu tư, cần phát huy sức mạnh của nhà nước với các cam kết, ưu đãi cụ thể để các tập đoàn chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam hình thành ngành công nghiệp phụ trợ.

Năm là, tăng cường hợp tác, giao lưu với các nước, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia.

Sản xuất chip ngành công nghệ cao rất cần có sự giao lưu, học hỏi từ các nước đi trước, như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Vì vậy, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp phải thường xuyên cử các chuyên gia đi học tập kinh nghiệm nước ngoài, qua đó học hỏi, rút kinh nghiệm và áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Với các nước đi sau, việc giao lưu, học hỏi là con đường ngắn nhất tiếp cận với thành tựu khoa học – công nghệ của thế giới. Chính vì vậy, các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, học viện của Việt Nam cần thường xuyên mời các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia ở các trung tâm nghiên cứu trên thế giới về trong nước chia sẻ, phổ biến những thành tựu mới nhất trong ngành, qua đó, tiếp cận, học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia.

4. Kết luận

Sản xuất chip bán dẫn có vai trò quan trọng, có vị trí chiến lược và ngày càng phát triển trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng 4.0. Với các giải pháp đồng bộ về con người, cơ chế, chính sách, kết hợp các nguồn lực trong nước và ngoài nước, Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn trở thành ngành công nghệ cao, làm động lực cho sự phát triển như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, khẳng định: “Nâng cao tiềm lực về khoa học và công nghệ, tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế và phát triển kinh tế số”7.

Chú thích:
1. Hàng tỷ USD đổ vào các dự án bán dẫn Việt Nam. https://vneconomy.vn ngày 25/02/2024.
2,5. Ngành Công nghiệp bán dẫn: Cơ hội và tương lai cho Việt Nam, kỳ 2. https://tiasang.com.vn ngày 27/02/2024.
3, 5. Định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam. https://ictvietnam.vn, ngày 26/02/2024.
6. Đào tạo nhân lực bán dẫn – thách thức lớn, cơ hội nhiều. https://vnexpress.net, ngày 25/02/2024.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 123.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Việt Nam triển khai chiến lược quốc gia về bán dẫn trong 2024. https://vnexpress.net/.
3. Con đường bước vào lĩnh vực bán dẫn trăm tỷ USD của Việt Nam. https://vnexpress.net/.
4. Tham vọng chip Việt. https://vnexpress.net/.
5. Công nghiệp sản xuất chip điện tử – cơ hội nào cho Việt Nam. https://congthuong.vn/.