Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam: Vai trò của năng lượng tái tạo

ThS. Hoàng Đình Hiệp
Trường Đại học Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển kinh tế bền vững là mô hình mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu và triển khai dưới nhiều hình thức. Mỗi nền kinh tế nếu không kịp thích nghi, thay đổi sẽ trở nên lỗi thời trong một thế giới phẳng với mối quan hệ khăng khít và chồng chéo. Năng lượng tái tạo là một nội dung rất quan trọng đối với mô hình phát triển kinh tế bền vững của mọi quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nội dung bài viết tập trung nghiên cứu về vai trò của năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam và cung cấp cái nhìn sâu sắc mối quan hệ khăng khít giữa hai vấn đề này. Trên cơ sở tổng hợp các tư liệu, bài viết đưa ra một số vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo trong mối quan hệ với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Từ khóa: Phát triển kinh tế; phát triển bền vững; mô hình phát triển; năng lượng tái tạo.

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế bền vững đang được Đảng và Chính phủ quan tâm, đặt mục tiêu thực hiện. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 622/QĐ-TTg, trong đó khẳng định mục tiêu tổng quát phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam: “Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững”. Như vậy, phát triển kinh tế bền vững là nội dung quan trọng cần đạt được trong mối quan hệ tổng hòa với các yếu tố xã hội, môi trường sinh thái, tài nguyên, biến đổi khí hậu… tạo nên sự phát triển bền vững.

Sau một giai đoạn dài phát triển kinh tế, đến năm 2023, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 34 thế giới, theo Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới được công bố bởi Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR). Thành quả trên đi kèm với sự sụt giảm nguồnnguyên liệu hóa thạch, tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối để bổ sung và dần thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trở cấp thiết. Năng lượng tái tạo mới sẽ là giải pháp quan trọng để bảo đảm tài nguyên hóa thạch; đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.

2. Vai trò của năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

a. Năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt1.

Năng lượng tái tạo còn được hiểu: “là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.”2

Như vậy, có thể hiểu năng lượng tái tạo được hình thành từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tự tái tạo trong một khoảng thời gian ngắn so với thời gian mà con người chúng ta sử dụng lại.

Các hình thức của năng lượng tái tạo bao gồm:

Một là, năng lượng thủy điện. Loại năng lượng này được tạo ra từ sức mạnh của nước chảy, thường là từ dòng chảy của các dòng sông hoặc dòng nước trong các hồ chứa. Quá trình sản xuất điện từ năng lượng thủy điện thường bao gồm việc sử dụng đập, thủy lợi, và các cấu trúc khác để tạo ra áp lực và dòng chảy nước, từ đó quay các turbine để tạo ra điện. Năng lượng thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo và không gây ra khí thải carbon, do đó, được xem là một giải pháp sạch và bền vững cho việc sản xuất điện.

Hai là, năng lượng thủy triềuLà loại năng lượng tái tạo được tạo ra bằng cách sử dụng sự biến đổi của mực nước biển giữa thủy triều cao và thủy triều thấp. Quá trình này thường bao gồm việc sử dụng các thủy điện thủy triều, trong đó nước được cung cấp vào hoặc ra khỏi hồ chứa thông qua một loạt các cửa đập hoặc cửa cống. Khi nước chảy vào hoặc ra khỏi hồ chứa do ảnh hưởng của thủy triều, năng lượng được tạo ra từ dòng chảy của nước được sử dụng để quay turbine và sản xuất điện. Năng lượng thủy triều cung cấp một nguồn điện ổn định và dự báo được, và không tạo ra khí thải carbon, giúp giảm phát thải gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng thủy triều có thể ảnh hưởng đến môi trường và sinh thái của khu vực lân cận, do đó, cần được thực hiện cẩn thận và đánh giá kỹ lưỡng.

Ba là, năng lượng mặt trờiĐây là nguồn năng lượng gắn liền với việc hình thành và phát triển sự sống trên trái đất. Dưới ánh sáng mặt trời các loài động thực vật mới có thể sinh sôi và phát triển bình thường. Năng lượng mặt trời là loại năng lượng tái tạo được tạo ra từ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời. Quá trình chuyển đổi này thường được thực hiện thông qua sử dụng các tấm pin mặt trời hoặc tấm năng lượng mặt trời, còn được gọi là tấm pin quang điện, để hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển đổi nó thành điện năng hoặc nhiệt năng. Năng lượng mặt trời được xem là một nguồn năng lượng sạch và bền vững, không gây ra khí thải carbon hoặc ô nhiễm môi trường. Điều này đã làm cho nó trở thành một lựa chọn phổ biến trong việc sản xuất điện và nhiệt.

Bốn là, năng lượng gióLà loại năng lượng tái tạo được tạo ra từ sức mạnh của gió. Quá trình này thường được thực hiện thông qua sử dụng các tuabin gió, hay còn gọi là cánh quạt gió, để chuyển đổi động năng của gió thành điện năng. Các tuabin gió thường được đặt trên các cột cao và có cánh quạt được thiết kế để quay khi gió thổi qua. Quá trình quay này tạo ra sự chuyển động trong các động cơ hoặc generator, tạo ra điện năng. Điện năng này sau đó có thể được truyền đến lưới điện để sử dụng hoặc lưu trữ. Năng lượng gió được xem là một nguồn năng lượng sạch và bền vững, không gây ra khí thải carbon hoặc ô nhiễm môi trường. Nó cũng có thể được sử dụng ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn thế giới, từ các trang trại gió trên đất liền đến các dự án gió nổi trên biển.

Năm là, nhiên liệu hydrogenLà loại năng lượng được tạo ra thông qua sử dụng hydro (H2) như một nguồn năng lượng. Hydrogen thường được sử dụng như một nhiên liệu vì nó có thể được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, như: năng lượng mặt trời hoặc gió, và khi nó được đốt cháy hoặc sử dụng trong các phản ứng hóa học, sản phẩm cuối cùng thường là nước (H2O), không gây ra khí thải carbon hay các chất gây ô nhiễm khác.  Tuy nhiên, việc phát triển và triển khai công nghệ năng lượng từ nhiên liệu hydro vẫn đang trong giai đoạn phát triển, cần giải quyết nhiều thách thức, bao gồm chi phí sản xuất, hạ tầng lưu trữ và vận chuyển, an toàn.

Sáu là, năng lượng địa nhiệtLà loại năng lượng được tạo ra từ nhiệt độ của lõi trái đất. Nhiệt độ trong lòng trái đất tăng theo độ sâu, do áp suất và sự phân hủy các nguyên tố phóng xạ như uranium và thorium. Các kỹ thuật khai thác năng lượng địa nhiệt thường tập trung vào việc sử dụng nhiệt độ này để tạo ra điện. Năng lượng địa nhiệt được xem là một nguồn năng lượng tái tạo và không gây ra khí thải carbon trong quá trình sản xuất điện. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng địa nhiệt cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và yêu cầu các công nghệ phức tạp để khai thác năng lượng từ lõi trái đất.

Bảy là, năng lượng sinh khối (năng lượng sinh học). Là loại năng lượng được tạo ra từ việc sử dụng vật liệu hữu cơ sinh học, như: gỗ, bã cỏ, bã bia, bã đậu nành, hoặc bã cỏ màu khác, để sản xuất nhiệt hoặc điện năng. Quá trình sản xuất năng lượng từ sinh khối thường bao gồm đốt cháy hoặc phân hủy sinh học vật liệu này để tạo ra nhiệt năng, sau đó sử dụng nhiệt năng này để sản xuất điện hoặc nước nóng. Năng lượng sinh khối được coi là một nguồn năng lượng tái tạo và bền vững, vì vật liệu nguyên liệu thường được tái tạo nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sản xuất năng lượng từ sinh khối cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là khi gây ra sự giảm số lượng rừng hoặc sử dụng các phương pháp khai thác không bền vững.

b. Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

Có thể thấy, những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tái tạo trong mối quan hệ với phát triển kinh tế bền vững. Các quyết sách, định hướng vì thế luôn sâu sát vào các vấn đề kinh tế đặt ra.

Phát triển kinh tế bền vững là phương thức phát triển kinh tế không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, xã hội, bảo đảm sự công bằng và phân phối hợp lý của lợi ích. Mục tiêu của phát triển kinh tế bền vững là đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của thế hệ tương lai. Do vậy, tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm đẩy mạnh trong thời gian vừa qua nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh thủy điện được coi là nguồn năng lượng truyền thống đã được Chính phủ Việt  Nam đầu tư và phát triển gần đạt mức tối đa, các nguồn năng lượng gió và mặt trời được khuyến khích phát triển rộng rãi.

Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng suất năng lượng tái tạo cao nhất Đông Nam Á. Giai đoạn 2014 – 2023, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung công suất điện ở Việt Nam như sau3:

Bảng 1. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện

%2014201520162017201820192020202120222023
Việt Nam46,743,743,841,741,147,755,856,256,755,6
 Nguồn: IRENA, 2024

Như vậy, tỷ trọng năng lượng tái tạo 4 năm gần nhất đều đã vượt tỷ lệ 55,6% trong tổng cung năng lượng điện tại Việt Nam. Cùng với đó, công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023như sau:

Bảng 2. Công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023

 Tiêu chí Năm 2021 Năm 2022 Năm 2023Chênh lệch 2022/2021Chênh lệch 2023/2022
MW%MW%MW%+/-%+/-%
Năng lượng mặt trời 1666138,751669837,361707737,11370,223792,27
Năng lượng gió 41189,58506511,33588812,89472382316,25
Tổng năng lượng tái tạo 43000100446911004601210016913,9313212,96
Nguồn: IRENA, 2024

Đối với năng lượng mặt trời. Công suất hòa lưới điện đã đạt và giữ vững ở mức cao đột biến giai đoạn 2021 – 2023 với tỷ trọng cao nhưng giảm nhẹ còn 37,11% vào năm 2023 với giá trị tuyệt đối 17077 MW. Năm 2022, công suất năng lượng mặt trời tăng nhẹ 37 MW tương ứng 0,22% so với năm 2021. Năm 2023, công suất năng lượng mặt trời tăng 379 MW tương ứng 2,27% so với năm 2022.

Đối với năng lượng gió. Công suất hòa lưới điện có sự cải thiện, tăng trưởng ổn định giai đoạn 2021 – 2023 với tỷ trọng ở mức còn khiêm tốn so với tiềm năng và đạt 12,8% vào năm 2023 với giá trị tuyệt đối 5888 MW. Năm 2022, công suất năng lượng gió tăng khá tốt 947 MW tương ứng 23% so với năm 2021. Năm 2023, công suất năng lượng gió tăng 823 MW tương ứng 16,25% so với năm 2022.

c. Vai trò của năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

Sử dụng năng lượng tái tạo có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Thứ nhất, giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu lượng khí thải và ô nhiễm môi trường so với năng lượng từ nguồn hóa thạch như than đá và dầu mỏ. Việt Nam, một quốc gia sau một giai đoạn dài phát triển nhanh chóng dựa trên khai thác kiệt quệ các nguồn tài nguyên mà chủ yếu là tài nguyên hóa thạch, đồng thời đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về môi trường không khí, đất, nước. Năng lượng tái tạo có thể giúp giảm bớt tác động này, góp phần bảo vệ môi trường sống cho cả người dân hiện tại và tương lai.

Thứ hai, an ninh năng lượng được giữ vững. Sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ các quốc gia nhập khẩu, giúp tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, đường bờ biển dài hơn 3260 km cùng với quản lý nhiều đảo lớn ở Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển sử dụng năng lượng tái tạo vốn được đánh giá là vô tận sẽ giảm bớt sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia, tạo nguồn năng lượng đa dạng và dồi dào.

Thứ ba, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngành năng lượng tái tạo tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm trên toàn thế giới, từ việc thiết kế, sản xuất, lắp đặt và bảo trì các hệ thống năng lượng tái tạo đến nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ xanh. Điều này, tạo ra cơ hội việc làm cho kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân, nhà quản lý dự án và nhiều ngành nghề khác. Cùng với đó, sử dụng năng lượng tái tọa giúp tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cung cấp một nguồn thu nhập mới và tạo ra một chuỗi cung ứng kinh tế mới, từ sản xuất linh kiện đến vận chuyển và dịch vụ. Điều này, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các khu vực mà ngành này phát triển mạnh.

Thứ tư, tiết kiệm chi phí vận hành và sản xuất. Mặc dù chi phí ban đầu cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo có thể cao nhưng sau đó chi phí vận hành và bảo dưỡng thường thấp hơn so với các nguồn năng lượng truyền thống. Điều này có thể giúp giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp và gia đình, từ đó thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư vào các lĩnh vực khác của kinh tế. Khác với các hoạt động sản xuất dựa trên nguyên liệu hóa thạch, hoạt động sản xuất dựa trên năng lượng tái tạo có chi phí nguyên vật liệu đầu vào rất thấp. Về lâu dài điều này giúp tiết kiệm chi phí rất lớn cho hoạt động sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường đổi mới và công nghệ. Phát triển năng lượng tái tạo yêu cầu sự đổi mới trong công nghệ và quy trình sản xuất. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao và tăng cường sức mạnh cạnh tranh quốc tế.

3. Kết luận

Phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới trong mô hình phát triển bền vững của mình. Năng lượng tái tạo với ưu thế của nguồn cung cấp năng lượng xanh, sạch và vô hạn đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững theo yêu cầu Đảng và nhà nước đề ra. Mỗi người dân cần tận dụng mọi cơ hội để nền kinh tế phát triển bền vững nhằm tạo động lực cho đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, truy cập ngày 24/02/2024.
2. Khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
3, 4. Theo số liệu báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (tiếng Anh: International Renewable Energy Agency, viết tắt là IRENA), truy cập ngày 24/02/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
2. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
3. Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.