Thực hiện quyền tự chủ đại học từ thực tiễn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – Thực trạng và giải pháp

ThS. Trần Thị Tố Uyên
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh kể từ khi thành lập, đã trải qua quá trình hoạt động với mô hình tổ chức hiệu quả, gặt hái nhiều thành tựu. Với tính tự chủ cao, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn đi tiên phong trong lĩnh vực giáo dục đại học và đã khẳng định vị thế ở khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đứng trước những khó khăn và thách thức trong quá trình tự chủ đại học, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có những giải pháp tháo gỡ để tiếp tục duy trì vị thế tiên phong của mình và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Từ khóa: Tự chủ đại học, giáo dục đại học, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đang diễn biến rất mạnh mẽ, tác động đến tất cả các lĩnh vực. Sự phát triển của kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang là sự lựa chọn của nhiều quốc gia. Vì vậy, giáo dục Việt Nam đang dần chuyển đổi theo hướng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, tiên tiến để phù hợp với tình hình mới.

Vấn đề tự chủ đại học (tự chủ đại học) đã được đặt ra và hoàn thiện dần trong quá trình đổi mới giáo dục đại học. Kết quả của một quá trình từ khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản của pháp luật. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 27/01/1995 theo Nghị định số 16/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp 9 trường đại học và tổ chức lại theo Quyết định số 15/2001/QĐ-TTg ngày 12/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn khẳng định sứ mạng tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam với tầm nhìn trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam.

Qua việc phân tích, đánh giá về quá trình thực hiện, thành tựu mang lại, đồng thời, làm rõ các yếu tố khó khăn và thách thức trong thực hiện quyền tự chủ đại học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả quyền tự chủ đại học trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của đất nước, của ngành Giáo dục và đào tạo hiện nay, chủ trương này càng cần được quán triệt, hiện thực hóa quyết liệt hơn.

2. Quá trình thực hiện quyền tự chủ đại học ở Việt Nam

Tự chủ là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học, tạo ra sự linh hoạt, năng động, làm tăng tính cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình sáng tạo ra tri thức dẫn dắt xã hội, nâng cao trí tuệ con người, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Đây là xu hướng mang tính toàn cầu trong quản trị giáo dục đại học chính là tự chủ đại học, xu thế tất yếu của các quốc gia trong quản trị đại học, đó là xu hướng cắt giảm sự can thiệp của Nhà nước trong quản lý các trường, tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường đại học. tự chủ đại học ở Việt Nam đã được Luật hóa và thí điểm trước khi triển khai áp dụng trong thực tiễn.

Có thể khẳng định việc thành lập và phát triển mô hình Đại học Quốc gia là một chủ trương đúng đắn, có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước được thể hiện từ Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong Thông báo số 315-TB/TW ngày 29/8/2000 của Thường vụ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) và Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII). Chủ trương này đã nhiều lần được tái khẳng định bằng các văn bản và ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Chủ trương trên đã từng bước được thể chế hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan. Cụ thể nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 về Đại học Quốc gia thay thế Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và Nghị định số 16/CP ngày 27/01/1995 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Theo quy định tại Nghị định số 07/2001/NĐ-CP, Đại học Quốc gia là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

Thực hiện chủ trương trao “quyền chủ động cao” cho Đại học Quốc gia, Nghị định số 07/2001/NĐ-CP không còn quy định Đại học Quốc gia là trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vào đó Nghị định quy định: “Đại học Quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân địa phương nơi Đại học Quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật”.

Điều lệ Trường đại học được ban hành tại Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ Tướng Chính phủ đã quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học (cụ thể tại Điều 10 quy định quyền hạn và trách nhiệm của trường đại học: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và Điều lệ này về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự).

Tiếp theo đó Luật Giáo dục năm 2005 đã đề cập đến ở Điều 14 về việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Tại Luật Giáo dục đại học năm 2012, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định. Luật quy định cơ sở giáo dục đại học được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện mở ngành đào tạo trong danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo; xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục, tổ chức và quản lý đào tạo và công nhận tốt nghiệp, cũng như các hoạt động khoa học và công nghệ.

Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo cho phép “… Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo phát huy vai trò của hội đồng trường…”.

Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Quyền tự chủ của trường đại học lần đầu tiên được ghi nhận từ năm 2003 trong quy định về Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, nhiều văn bản khác tiếp tục tái khẳng định các nội dung tự chủ đại học, một số văn bản có thể kể đến, như: Luật Giáo dục năm 2005; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 mới được ban hành hiện nay đã điều chỉnh một số điều khoản liên quan nhằm mở rộng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, như: bổ sung các quy định nhằm khẳng định vị trí của hội đồng trường trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của trường đại học, bổ sung các quy định về quyền tự chủ của nhà trường trong hoạt động đào tạo chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản…, quyền tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên trên cơ sở đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012, trong đó hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường; công nhận Hiệu trưởng của trường đại học công lập (Điều 7).

Như vậy, Luật Giáo dục đại học năm 2018 được ban hành đã đánh dấu sự hoàn thiện của quy định pháp luật về mô hình về tự chủ đại học, mang tính hệ thống và quy chuẩn về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và cơ sở sở giáo dục đại học công lập nói riêng, góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của đất nước, của ngành Giáo dục và đào tạo hiện nay, chủ trương này càng cần được quán triệt, hiện thực hóa quyết liệt hơn. Quyền tự chủ của trường đại học ngày càng được mở rộng nhằm mục đích giải phóng cho hệ thống giáo dục đại học hoạt động hiệu quả và đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của xã hội, hay nói cách khác là nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trường đại học thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

3. Thực tiễn thực hiện quyền tự chủ của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được thành lập theo Nghị định số 16/NĐ-CP ngày 27/01/1995, là một trong hai Đại học Quốc gia của Việt Nam, được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học cả nước.

Trong suốt gần 30 năm hình thành và phát triển, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn khẳng định sứ mạng tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam.

Sau khi được thành lập, ban đầu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được ban hành theo Quyết định số 185/TTg ngày 28/3/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 15 hình thành và phát triển, đến năm 2012, vị trí của Đại học Quốc gia nói chung và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói riêng mới được luật hóa trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tại Điều 7 (cơ sở giáo dục đại học) và Điều 8 (Đại học Quốc gia) của Luật Giáo dục đại học năm 2012. Đồng thời, Luật Giáo dục đại học năm 2012 cũng đã quy định về quyền chủ động cao trong một số mặt hoạt động của Đại học Quốc gia.

Căn cứ Luật Giáo dục đại học năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 về Đại học Quốc gia quy định về vị trí, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Đại học Quốc gia; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26/3/2014 của về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên, áp dụng cho 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và hoạt động của Đại học Quốc gia.

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP) tiếp tục hiện thực hóa chủ trương về mô hình đặc biệt, trao quyền tự chủ cao cho Đại học Quốc gia. Về việc thực thi quyền tự chủ trên các lĩnh vực, cụ thể:

+ Thực thi quyền tự chủ đối với quản trị, tổ chức bộ máy:

Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao; một mặt, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế nguồn nhân lực khoa học có uy tín trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, mặt khác, bảo đảm điều phối thống nhất của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và trong khuôn khổ quản lý. Do đó, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho phép các đơn vị chủ động tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất… liên quan đến chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của mình.

Tự chủ trong quản trị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra, tăng quyền tự chủ gắn với việc nâng cao tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thành viên. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhờ vậy chất lượng kết quả/sản phẩm được giám sát chặt chẽ dựa vào các tiêu chí định lượng.

Đặc biệt là chất lượng các đơn vị đào tạo và chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm định chất lượng với các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được xây dựng khoa học, thực hiện đều đặn theo các chu kỳ nghiêm túc, đầy đủ.

Về tổ chức bộ máy, kể từ năm 2013 đến nay, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động và đã thực hiện tốt các quyền này, đồng thời đã phân chia thành 3 cấp quản lý rõ rệt: (1) Cấp Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; (2) Cấp đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và (3) Cấp khoa, viện, trung tâm và tương đương trực thuộc đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc. Theo đó, các trường đại học thành viên tự chủ trong việc thành lập các đơn vị trực thuộc Nhà trường, nhằm đáp ứng hoạt động và phát triển. Đối với công tác nhân sự, Nhà trường tự chủ trong việc tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực; bổ nhiệm, điều động và luân chuyển; cử nhân sự đi công tác, học tập nước ngoài,… theo thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị.

+ Thực thi quyền tự chủ đối với đào tạo, nghiên cứu khoa học:

Căn cứ văn bản pháp lý trên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế đào tạo riêng về các trình độ của giáo dục đại học và mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới, ngoài danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc triển khai thực hiện nội dung trên đã góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong quá trình xây dựng và phát triển.

Tự chủ về khoa học và công nghệ trong Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được tổ chức theo Luật Khoa học Công nghệ và cũng đã được luật hóa thông qua Nghị định số 186/2013/NĐ/CP và Quy chế số 26/2014/QĐ-TTg. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hình thành Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ để đầu tư cho khoa học – công nghệ. Đồng thời, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng nhà khoa học thông qua xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, khuyến khích có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế.

Hằng năm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh duyệt các đề xuất và thuyết minh từ các nhà khoa học của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc. Các đề tài nghiên cứu khoa học được duyệt theo hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng và có ưu tiên tính mới, sáng tạo, công bố quốc tế trong hệ thống có uy tín ISI/Scopus; tương tự, kết quả nghiên cứu của đề tài được đánh giá bằng hệ thống tiêu chí đã quy định. Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tăng, chỉ số ảnh hưởng tăng, nhiều nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được vinh danh có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Hành trình tự chủ đại học trong thời gian qua đã ghi nhận được nhiều kết quả rất tích cực, đặc biệt là chất lượng đào tạo đã không ngừng được nâng cao, phản ánh thông qua: (1) số lượng công bố quốc tế tăng nhanh; (2) số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng nhanh; (3) số trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng. Từ năm 2016 đến nay, toàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. 

Với quy mô trên 90 nghìn sinh viên, hơn 6.200 cán bộ, viên chức, người lao động phục vụ giảng dạy; 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu thành viên, 1 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre và 25 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được xem là hệ thống đại học lớn nhất nước. Chỉ tính riêng vùng Đông Nam bộ, hiện có tổng số 37.572 sinh viên đang theo học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong đó nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 24.140 sinh viên. Tất cả 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đều đã thực hiện tự chủ đại học (tự chủ chi thường xuyên), sớm nhất là Trường Đại học Quốc Tế từ năm 2008. Đây là trường công lập tự chủ đầu tiên có chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hiện đang nằm trong top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới; có 9 nhóm ngành được xếp hạng cao, trong đó cao nhất là top 50-100 cho ngành Kỹ thuật Dầu khí; ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử đạt top 301-350, ngành Kỹ thuật Hóa học top 401- 420, ngành Khoa học Môi trường top 451-470, ngành Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin top 401-450 và ngành Hóa học đạt top 601-630.

Đến nay, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có 125 chương trình đào tạo được đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Tính đến tháng 12/2023, tổng số bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí, hội nghị trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt gần 2.500 bài (nguồn: Cơ sở dữ liệu Scopus truy cập ngày 21/12/2023), là đơn vị có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước và có nhiều nhà khoa học của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đạt giải thưởng danh giá về khoa học trong nước và quốc tế.

+ Thực thi quyền tự chủ đối với tài chính, cơ sở vật chất:

Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản, bao gồm: ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về nguồn thu, quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, như: Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2008, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2013, Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 và Luật Phí và lệ phí năm 2015, trong đó đề cao tính tự chủ của các trường đại học đặc biệt là tự chủ về tài chính.

Đối với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, tự chủ tài chính bắt đầu được thực hiện từ năm 2021. Đến tháng 4/2024, trong số 35 đơn vị (có 7 trường đại học, 1 viện thành viên và 27 đơn vị trực thuộc), có 23 đơn vị đã tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2) và 12 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3). Trong 7 trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có 6 trường thực hiện tự chủ nhóm 2, chỉ còn 1 trường thực hiện tự chủ nhóm 3 (Trường Đại học An Giang). Các đơn vị trực thuộc có chức năng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện việc thành lập Hội đồng Quản lý của các đơn vị theo quy định. Hội đồng quản lý có chức năng quản trị, điều hành hoạt động của đơn vị nhằm bảo đảm hoạt động đơn vị gắn liền Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và đồng thời, bảo đảm mức độ tự chủ để đơn vị sáng tạo và phát triển.

Các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện hiệu quả cao trong vấn đề tự chủ tài chính, mô hình quản trị đại học của các đơn vị này ngày càng thể hiện rõ đóng góp cho xã hội với nhiều dịch vụ công cùng với các hoạt động khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo có chất lượng cao qua đó Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xây dựng mô hình tài chính bền vững cho Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

4. Những khó khăn và thách thức khi thực hiện quyền tự chủ đại học

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình hội nhập quốc tế cùng với những quyết sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện tự chủ đại học đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời mang đến nhiều cơ hội để Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiến hành đổi mới, nỗ lực phát triển, vươn tầm cao mới.

Qua quá trình thực hiện quyền tự chủ đại học, việc triển khai các điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung tại các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề cụ thể sau:

Một là, việc phân định mức độ tự chủ của các trường đại học thành viên trong bức tranh tự chủ chung của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Hai là, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng.

Ba là, cơ chế, chính sách trong việc ký hợp đồng lao động với người nước ngoài và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao còn hạn chế. Các quyền tự chủ về công tác nhân sự và quy trình tuyển dụng của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định.

Bốn là, hệ thống văn bản pháp lý còn chồng chéo, chưa hỗ trợ để phát huy hiệu quả tự chủ và phát triển đại học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tồn tại những thách thức trong tiến trình tự chủ bao gồm: (1) nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; (2) chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, định mức và thời hạn vay; (3) một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ đại học.

5. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quyền tự chủ đại học ở Việt Nam

Từ thực tiễn của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong thời gian tới, các trường đại học cần tiếp tục tiến hành đổi mới cơ chế hoạt động, xây dựng và phát triển mô hình tự chủ đại học tiên tiến trên nền tảng hệ thống thiết chế quản trị đại học hiện đại, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng; chú trọng phát triển nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức, nhà khoa học nhằm nâng cao hiệu quả mọi mặt hoạt động trong toàn hệ thống.

Thứ nhất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện khung hành lang pháp lý quy định về tự chủ trong trường đại học, làm rõ phạm vi tự chủ đại học, việc gì trường có thể thực hiện một cách tự chủ, quy trình/quy định cụ thể để được tự chủ và quy định về trách nhiệm xã hội của trường đại học tự chủ.

Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự chủ trong trường đại học. Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn có liên quan hiện nay đã quy định về trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, trên thực tế, công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục chủ yếu được thực hiện theo kế hoạch và việc phát hiện các hành vi vi phạm qua công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch chiếm tỉ lệ không cao.

Thứ ba, cần rà soát, nghiên cứu xây dựng và cụ thể hóa các quy trình, quy định trong thực hiện các hoạt động quản lý tài chính, tài sản, nhân sự, hoạt động đào tạo chuyên môn của trường đại học trong phạm vi đã được cho phép theo đúng pháp luật quy định nhằm bảo đảm thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm bảo đảm việc tuân thủ việc các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, mặt khác góp phần đánh giá toàn diện thực trạng phân quyền tự chủ cho trường đại học, nhằm phát hiện ra các hạn chế, khó khăn trong thực hiện tự chủ, làm cơ sở kiến nghị, xây dựng báo cáo, đề xuất đến các cơ quan cấp trên để có biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của hội đồng trường, xứng đáng với vai trò là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của Nhà trường, các bên có lợi ích liên quan trên cơ sở các quy định pháp luật. Việc kiện toàn Hội đồng trường sẽ góp phần nâng cao dân chủ ở trường đại học, góp phần phòng ngừa, hạn chế các sai phạm có thể xảy ra thông qua quyền giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng trường. Việc thành lập hội đồng trường là một trong những điều kiện không thể thiếu nhằm thúc đẩy việc thực hiện mở rộng quyền tự chủ của trường đại học trong các vấn đề về tự quyết định chính sách học phí, tuyển sinh, tài chính, nhân sự, quản lý tài sản.

Thứ năm, Nhà nước tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học. Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi. Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng. Đồng thời, sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển, như: hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng…

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng hợp hoạt động năm 2023 của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
2. Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.
4. Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về Đại học Quốc gia.
5. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
7. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Quyết định số 153/2003/QĐ- TTg ngày 30/7/2003 của Thủ Tướng Chính phủ quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học.
9. Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
10. Tài liệu hội thảo: Tự chủ đại học và mô hình quản trị đại học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2020.