(QLNN) – Trong số các quốc gia phát triển ở châu Á, Nhật Bản là một trong những nước có đội ngũ công chức nói chung và công chức địa phương nói riêng có tính chuyên nghiệp và kỷ luật cao. Để xây dựng được đội ngũ này, bên cạnh việc chú trọng thiết kế các nội dung, chương trình đào tạo hợp lý, khoa học, các cơ sở đào tạo công chức và chính quyền địa phương các cấp ở Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức và áp dụng các hình thức đào tạo đa dạng và mang tính hiệu quả thiết thực.
Hệ thống cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Luật Tự trị địa phương của Nhật Bản được ban hành trên cơ sở của Hiến pháp năm 1947 của nước này. Các cơ quan nhà nước ở địa phương được giao trách nhiệm tự chủ nhiều hơn trong quản lý nhà nước ở địa phương theo hướng tăng cường dân chủ và bảo đảm hiệu quả. Xuất phát từ thực tiễn này, yêu cầu cần nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ những người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý hành chính nhà nước ở địa phương được đặt ra cấp thiết. Trong bối cảnh đó, ngay từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, nhiều cơ sở đào tạo công chức địa phương ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau đã được thành lập trên cơ sở nguyên tắc chung là bảo đảm chất lượng đội ngũ giảng viên và hệ thống cơ sở vật chất.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương chủ yếu ở Nhật Bản gồm: Trường Tự quản địa phương (Local Autonomy School); Viện đào tạo nhân sự quản lý đô thị Nhật Bản (Japan Academy for Municipal Personnel); Viện đào tạo kỹ năng và trao đổi văn hóa Nhật Bản (Japan Intercultural Academy of Municipalities). Ngoài ra, một số ngành như cứu hỏa và quản lý thảm họa do Học viện Cảnh sát quốc gia và trường đào tạo cảnh sát địa phương tiến hành.
Bên cạnh một số cơ sở đào tạo lớn cho địa phương đó, ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh đều có các cơ sở đào tạo riêng. Các cơ sở đào tạo này do chính các tỉnh thành lập, không chỉ cung cấp các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các tỉnh đó mà còn thường xuyên ký hợp đồng với chính quyền các đô thị để đào tạo, bồi dưỡng công chức cho họ.
Theo phân công và phân cấp trong đào tạo công chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản, Trường Tự quản địa phương cung cấp các khóa học từ 2 tuần đến 6 tháng cho các công chức mới được tuyển dụng và cập nhật một số kỹ năng mới cho công chức lâu năm. Viện Đào tạo công chức quản lý đô thị, Viện đào tạo kỹ năng và trao đổi văn hóa Nhật Bản cung cấp các khóa học với thời gian tập trung dưới 2 tuần về các kỹ năng cần thiết đối với công chức. Công chức được tham gia khóa đào tạo về nghiệp vụ tại Trường Tự quản địa phương (sau 4 năm được tuyển dụng); tham gia khóa học dành cho công chức có thâm niên lâu năm (8 năm sau khi đã từng tham gia học tại Trường Tự quản địa phương) và cuối cùng là khóa đào tạo dành cho quan chức lãnh đạo.
Còn đối với một số ngành, nghề đặc biệt như: thuế, kiểm toán, công chức được đào tạo với các khóa học riêng. Các lĩnh vực như cứu hỏa, quản lý thảm họa và cảnh sát sẽ do các trường đào tạo cảnh sát, trường đào tạo nhân viên cứu hỏa ở mỗi địa phương phụ trách với các khóa học không quá 2 năm. Học viện Cảnh sát quốc gia là nơi đào tạo kỹ năng và khoa học điều tra đặc thù cho quan chức cấp cao ngành cảnh sát.
Ngoài ra, tại Nhật Bản, từ những năm 90 của thế kỷ XX đến đầu những năm 2000, các trường đại học chuyên ngành về chính sách công và các lĩnh vực tương tự cũng đã được thành lập và sau đó cùng tham gia vào việc cung cấp một số khóa học cho những người đã có kinh nghiệm trong công vụ. Trong số đó, có các khóa học chủ yếu hướng tới đối tượng là các công chức chính quyền ở các địa phương, chẳng hạn như: chương trình đào tạo về chính sách cho các vùng và khu vực do Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Đại học quốc gia cung cấp.
Nội dung đào tạo công chức địa phương ở Nhật Bản rất đa dạng, đáp ứng yêu cầu của nhiều loại đối tượng công chức địa phương ở các lĩnh vực và các cấp độ khác nhau. Các chủ đề, môn học có nội dung thiết thực, cụ thể gắn liền với các nhiệm vụ của công chức ở cơ quan đơn vị, từ đào tạo nghiệp vụ thu thuế, kỹ năng giao tiếp với công dân, cứu hỏa,… cho đến các vấn đề vĩ mô như: quản lý thảm họa, quản lý và phát triển tổ chức, nhân sự trong kỷ nguyên cải cách, hoạch định chính sách, chính phủ điện tử…
Và điều quan trọng hơn là các cơ sở đào tạo công chức ở địa phương được quyền chủ động trong việc thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể cũng như các chương trình linh hoạt khác nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng loại đối tượng công chức. Ở một số cơ sở đào tạo công chức địa phương của Nhật Bản, thời lượng các chương trình đào tạo cũng được sắp xếp rất linh hoạt, có khóa chỉ diễn ra từ 3 đến 4 ngày, cũng có khóa được tổ chức trong 6 tháng với số lượng học viên mỗi khóa được chú trọng tổ chức tương đối phù hợp từ 40 người cho đến 120 người.
Các hình thức đào tạo chủ yếu
Một là, hình thức đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.
Để thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, điều quan trọng là cung cấp cho công chức các cơ hội để tiếp thu một cách có hệ thống và toàn diện những kiến thức, cũng như cơ hội nhằm phát triển bản thân thông qua việc tương tác hằng ngày với các công chức khác ở các cơ quan thuộc chính quyền địa phương khác hoặc ở các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, ở Nhật Bản, đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo là một hình thức rất hữu ích hỗ trợ cho các hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác như tự bồi dưỡng hoặc đào tạo tại chức; đào tạo thông qua luân chuyển,…
Tuy nhiên, để hình thức này phát huy được hiệu quả cao nhất thì vẫn cần kết hợp với hình thức tự bồi dưỡng, phát triển của mỗi cá nhân công chức, hay nói cách khác là cần phải nêu cao ý thức tự giác từ chính bản thân mỗi cá nhân công chức. Và điều quan trọng và bắt buộc là bản thân các công chức cần nỗ lực để nhận thức rõ ràng về các vấn đề liên quan đến công việc và luôn ghi nhớ để cố gắng cải thiện năng lực của mình. Bên cạnh đó, các cấp quản lý là những người đi trước, cần chủ động phát triển, làm gương, song đồng thời cũng cần đưa ra các quan điểm và giải pháp để khuyến khích đội ngũ nhân sự dưới quyền tự học, đổi mới cũng như khuyến khích và bồi dưỡng các sáng kiến của chính họ.
Các hình thức đào tạo chủ yếu và nổi bật ở các cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương gồm: đào tạo trực tuyến, liên kết đào tạo quốc tế, đào tạo thông qua các hội thảo, diễn đàn.
Hai là, hình thức đào tạo trong công việc.
Bên cạnh các hình thức đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo công chức địa phương ở Nhật Bản cũng được các cơ quan nhà nước ở chính quyền địa phương các cấp chú trọng đào tạo ngay trong quá trình làm việc thông qua các hình thức như đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc và đào tạo thông qua luân chuyển, cụ thể:
Thứ nhất, đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc. Một trong những điều quan trọng của đào tạo công chức địa phương ở Nhật Bản chính là nuôi dưỡng khả năng và khát khao cống hiến của bản thân họ nhằm khám phá ra những vấn đề còn bất cập, trở ngại trong phạm vi trách nhiệm của mình để có biện pháp giải quyết các vấn đề đó. Môi trường tốt nhất cho đào tạo những công chức như vậy chính là tại nơi họ làm việc. Do đó, rất cần thiết phải áp dụng hình thức đào tạo tại nơi làm việc một cách tích cực và có hệ thống, đồng thời coi đây là một trong những trụ cột hỗ trợ đào tạo nhân sự cho các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Hình thức đào tạo này được tiến hành thông qua quan sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Trong khi quan sát việc thực hiện đó, các công chức cao cấp (chuyên viên cao cấp) hoặc những người có thâm niên hơn sẽ giúp các công chức mới vào nghề hiểu về các bản mô tả công việc và các hướng dẫn cụ thể, đồng thời trực tiếp chỉ cho họ những kiến thức và các kỹ năng một cách có hệ thống về bản chất công việc cũng như các kỹ năng xử lý công việc được giao theo kinh nghiệm mà họ đã làm. Ở Nhật Bản, hình thức đào tạo này được cả khu vực công và khu vực tư coi là phương pháp đào tạo nhân sự trung tâm bởi nó mang lại hiệu quả thiết thực và cho thấy rõ những tiến bộ rõ rệt của công chức mới vào nghề cả về kiến thức chung cũng như kỹ năng và phương pháp làm việc cụ thể.
Trong hình thức đào tạo tại nơi làm việc, những công chức mới được tuyển dụng sẽ tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước. Ngoài việc truyền thụ kinh nghiệm giữa các công chức lâu năm, việc đào tạo tại chỗ còn được tiến hành thông qua tập huấn cho công chức mới vào nghề những công việc cụ thể, do người đứng đầu bộ phận tổ chức với các bước: phân tích, đánh giá nội dung công việc; xác định những điểm quan trọng mà công chức cần ghi nhớ và thực hiện; xác định quy trình giải quyết công việc; lập kế hoạch chi tiết để thực hiện, phân công việc cho từng vị trí; tiến hành giải quyết công việc theo trình tự được xác lập; và cuối cùng là đánh giá kết quả. Với nhiều tình huống khác nhau, các công chức mới vào nghề sẽ dần làm quen, tích lũy kinh nghiệm tiến tới chủ động xử lý và đưa ra quyết định chính xác để giải quyết công việc với hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, đào tạo thông qua luân chuyển được thực hiện thông qua việc luân chuyển dài hạn tới các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương khác hoặc thậm chí là đến các doanh nghiệp tư nhân. Mục đích của hình thức đào tạo này là để công chức nâng cao nhận thức về các quy trình hành chính và các chính sách tiên tiến, các kỹ năng được yêu cầu và xây dựng được quan hệ với các tổ chức khác. Mỗi chính quyền địa phương đều chủ động thực hiện hình thức này thông qua việc ký kết hợp đồng với các cơ quan nhà nước ở trung ương hay các cơ quan nhà nước ở chính quyền địa phương khác hoặc các doanh nghiệp tư nhân. Hình thức đào tạo này thông thường kéo dài từ khoảng trên 3 tháng cho đến một năm tùy từng trường hợp và tùy từng vị trí cụ thể.
Hình thức luân chuyển ngắn hạn nhằm mục đích bổ sung cho việc tự đào tạo. Luân chuyển sẽ cho phép họ được trải nghiệm thực tế với các dịch vụ khách hàng ở các doanh nghiệp tư nhân hoặc trải nghiệm với việc cung ứng các dịch vụ tại các cơ quan quản lý cùng lĩnh vực. Các công chức cũng được trải nghiệm thực tiễn với những công việc liên quan tới các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp hay các hoạt động tình nguyện nhằm đóng góp lợi ích trực tiếp cho xã hội cùng các tổ chức phi lợi nhuận. Ở Nhật Bản, từng cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động này một cách riêng lẻ hoặc trong một số trường hợp nhất định có thể phối hợp để cùng tổ chức theo các nhóm. Hình thức đào tạo này thông thường được tổ chức trong thời gian tối thiểu từ vài ngày cho đến tối đa là 3 tháng.
Kinh nghiệm đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu về hệ thống đào tạo, các nội dung đào tạo và đặc biệt là các hình thức đào tạo đối với công chức ở các cấp chính quyền địa phương ở Nhật Bản có thể nhận thấy, các cơ sở đào tạo công chức địa phương áp dụng nhiều hình thức đào tạo phong phú và đa dạng.
Ở các cơ sở đào tạo công chức địa phương của Nhật Bản (đặc biệt là ở Trường Tự quản địa phương) có các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, song cũng có kèm theo bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm và cấp chứng chỉ về nghiệp vụ huấn luyện, giảng dạy cho công chức đối với một số khóa nhất định. Từ đó, giúp họ có điều kiện tham gia huấn luyện, đào tạo lại đối với các công chức ở các cơ quan nhà nước ở tỉnh hoặc thành phố của họ. Đây là hình thức đào tạo rất đáng để chúng ta học tập để đào tạo đội ngũ công chức trẻ, đặc biệt là đối với công chức mới vào nghề, giúp họ nắm bắt và xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ở Nhật Bản, hình thức đào tạo trực tuyến đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả ở các cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương từ khá sớm, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Đây là hình thức đào tạo có thể tham khảo và áp dụng trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin hiện nay ở Việt Nam.
Còn đối với hình thức đào tạo thông qua luân chuyển, đây là hình thức được chúng ta áp dụng từ lâu, tuy nhiên có nhiều nơi, nhiều lúc chưa phát huy được hiệu quả thiết thực, thậm chí còn bị “biến tướng” nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân của một số cán bộ, công chức được luân chuyển hoặc các cán bộ lãnh đạo. Do đó, việc đào tạo thông qua trải nghiệm thực tế này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, cần nghiên cứu và siết chặt hơn quy trình luân chuyển, bảo đảm luân chuyển đúng đối tượng vì mục đích chung là bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho công chức được luân chuyển và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Qua nghiên cứu thực tiễn ở Nhật Bản cho thấy, công chức địa phương không chỉ được luân chuyển trong cùng hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở địa phương mà còn được luân chuyển tới các doanh nghiệp tư nhân để có điều kiện nắm bắt các quy trình hoạt động và các chính sách tiên tiến, cũng như phát triển các kỹ năng được yêu cầu và xây dựng được quan hệ với các tổ chức khác.
Một điểm đáng lưu ý nữa là chính quyền các địa phương và các cơ sở đào tạo công chức ở các địa phương của Nhật Bản rất xem trọng việc hợp tác và liên kết đào tạo với nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, bởi đây là các quốc gia có nhiều điểm tương đồng để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý nhà nước ở địa phương.
Để công chức có điều kiện tiếp cận được với nền công vụ tiên tiến ở các nước phát triển thì điều kiện bắt buộc là cần chú trọng tới việc đào tạo cho họ về kỹ năng tin học và ngoại ngữ. Nhận thức được điều này, các cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản cũng đã thiết kế và tổ chức nhiều khóa đào tạo về ngoại ngữ, tin học cũng như các kiến thức về văn hóa nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế… Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới nên có điều kiện để tiếp thu, học hỏi các kinh nghiệm về cải cách công vụ, công chức ở cả trung ương và địa phương. Do đó, học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng ta cần tăng cường đào tạo cho đội ngũ công chức nói chung, đặc biệt là công chức ở các địa phương nói riêng về ngoại ngữ, tin học và các kiến thức, kỹ năng hội nhập khác.
Như vậy, đội ngũ công chức chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân ở địa phương, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được thực hiện trong thực tiễn. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này là việc làm cần thiết và không thể xem nhẹ. Qua nghiên cứu về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này nói chung và các hình thức đào tạo chủ yếu đối với công chức địa phương ở Nhật Bản nói riêng cho thấy, bên cạnh việc chú trọng tới đào tạo, bồi dưỡng với những nội dung rất phong phú, thiết thực, họ còn đặc biệt quan tâm tới việc áp dụng nhiều hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt nhằm trang bị cho đội ngũ công chức địa phương những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể vận hành và quản lý có hiệu quả các lĩnh vực ở chính quyền địa phương.
Trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, để bảo đảm cho sự vận hành đồng bộ của chính quyền địa phương, tạo cơ chế cho chính quyền địa phương có thể ủy quyền cho cấp dưới khi thực hiện những nhiệm vụ nhất định, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới theo hướng mở rộng phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương. Do đó, để chính quyền địa phương hoạt động có hiệu quả trong bối cảnh mới, rất cần thiết phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong tổ chức và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức cho bộ máy chính quyền địa phương ở các quốc gia phát triển, trong đó có các hình thức đào tạo mới và mang tính hiệu quả thiết thực như ở Nhật Bản./.
ThS. Đoàn Kim Huy
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Thị Nguyệt, “Mô hình đào tạo công chức ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 208 (tháng 05-2013).
2. Inatsugu, Hiroaki, “Personnel Systems in Japanese Local Governments”, World Ban Institute Working Papers, Washington, D.C. The International Bank for Reconstruction and Development, 2001.
3. Hideaki Tanaka, The Civil Service System and Governance in Japan, http://unpan1.un.org, August 27, 2009.
4. Yoshinori Ishikawa, Training of Japanese Local Government Officials as a Policy of Human Resource Development, Council of Local Authorities for International Relations (CLAIR), 2007.
Theo: http://www.tapchicongsan.org.vn