Pháp luật của Trung Quốc về thực hiện quy định trong công tác cán bộ và trách nhiệm kỷ luật công chức – Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

TSHồ Đức Hiệp
ThSTrần Anh Hùng
ThS. Nguyễn Văn Thanh
Phân
 hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh
PGS.TS. Vũ Hồng Vận
Phân hiệu Trường Đại học Giao thông Vận tải tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trung Quốc đã trải qua gần 50 năm cải cách, mở cửa, trong đó việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức luôn là nội dung cải cách quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Trung Quốc về trách nhiệm kỷ luật công chức vẫn còn những tồn tại và hạn chế. Bài viết phân tích, đánh giá pháp luật của Trung Quốc về thực hiện quy định trong công tác cán bộ và trách nhiệm kỷ luật công chức, từ đó rút ra một số kinh nghiệm vận dụng cho Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Trách nhiệm kỷ luật; quy định trong công tác cán bộ; công chức; pháp luật; Trung Quốc; bài học kinh nghiệm.

1. Đặt vấn đề

Trung Quốc đã trải qua gần 50 năm cải cách mở cửa, trong đó, việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức luôn là nội dung cải cách quan trọng và nhất là trong bối cảnh tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay. Kết quả của Trung Quốc trong xây dựng thể chế và phát triển kinh tế xuất phát từ các quyết định về chính sách và pháp luật, trong đó có chủ trương và hệ thống quy phạm pháp luật về kỷ luật công chức. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Trung Quốc về công chức vẫn còn những “kẽ hở”, quy định về trách nhiệm kỷ luật công chức vẫn còn những tồn tại và hạn chế, dẫn đến còn nhiều công chức vi phạm các quy định về những điều công chức không được làm. Ngoài ra, tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu, tham nhũng… vẫn còn tồn tại trong xã hội Trung Quốc.

Kể từ năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách nâng cao năng lực và tính hợp pháp của Nhà nước thông qua đổi mới công tác cán bộ và cải cách dịch vụ dân sự. Nỗ lực cải thiện quản trị ở Trung Quốc tập trung vào cải cách bộ máy hành chính, nâng cao tính minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thưc hiện pháp luật và thực thi công vụ, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

2. Quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc về công tác cán bộ và kỷ luật cán bộ

Năm 2004, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp hội nghị bàn về xây dựng tác phong liêm chính của Đảng và chống tham nhũng. Tác phong liêm chính đòi hỏi các cán bộ lãnh đạo nghiêm chỉnh chấp hành 8 yêu cầu kỷ luật lớn, trong đó 5 yêu cầu quan trọng:

Thứ nhất, thực hiện quyền lực theo đúng pháp luật, không được lạm dụng chức quyền.

Thứ hai, liêm khiết vì việc công, không làm gì ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Thứ ba, quản lý tốt người thân, vợ con trong công tác, không cho phép họ lợi dụng ảnh hưởng của bản thân để mưu lợi riêng.

Thứ , dùng người một cách công bằng, hợp lý, không lôi kéo người thân để cầu lợi.

Thứ năm, gian khổ phấn đấu, không được sống xa hoa, lãng phí, chạy theo lối sống hưởng thụ.

Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về kỷ luật Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành “Điều lệ giám sát nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc” và “Điều lệ xử phạt kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Hai bản điều lệ có tác dụng phát huy vai trò quần chúng dân chủ giám sát công chức nhà nước, tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên và cán bộ lãnh đạo các cấp. Điều lệ xử phạt kỷ luật gồm 178 điều quy định cụ thể các hình thức trừng phạt các tội, như: nhận hối lộ, tham ô công quỹ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu, vô trách nhiệm, lơ là nhiệm vụ. Điều lệ cũng nghiêm khắc trừng trị những sai phạm về mặt đạo đức, như cờ bạc, quan hệ với gái điếm, bồ bịch, lấy vợ bé, ngoại tình… 

Các hình thức kỷ luật bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng tùy theo mức nặng nhẹ. Những đảng viên bị khiển trách, cảnh cáo thì trong một năm sau đó không được cất nhắc, đề bạt. Đảng viên nào lợi dụng chức vụ để thu nhận, tuyển lựa, đề bạt bạn bè, người thân trong các cơ quan nhà nước đều bị xử lý, từ cảnh cáo đến khai trừ Đảng.

3Pháp luật của Trung Quốc về trách nhiệm kỷ luật công chức

3.1. Giám sát thực hiện nhiệm vụ của công chức

Điều 57 Luật Công chức năm 2005 của Trung Quốc quy định cơ quan nhà nước giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức về phẩm chất chính trị liêm chính, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tác phong công tác và chấp hành kỷ luật, pháp luật. Nâng cao nhận thức của nhân viên về sự cần thiết phải siêng năng và không tham nhũng trong công việc, đồng thời thiết lập một hệ thống quản lý và giám sát thường xuyên. Trong quá trình giám sát công chức phát hiện có vấn đề thì áp dụng các biện pháp đối với từng trường hợp, bao gồm: đối thoại cảnh cáo, phê bình, yêu cầu tự phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc xử phạt. Trường hợp công chức bị nghi ngờ vi phạm pháp luật hoặc phạm tội liên quan đến công việc thì chuyển giao cho cơ quan quản lý cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công chức phải sẵn sàng chấp nhận sự giám sát, xin ý kiến chỉ đạo về công việc và báo cáo công tác của mình với cấp trên và báo cáo việc riêng theo quy định (Điều 58).

3.2. Chấp hành kỷ luật và pháp luật của công chức

Theo Điều 59 Luật Công chức năm 2005 của Trung Quốc: công chức làm trong các bộ máy công quyền của Trung Quốc không được thực hiện một trong các hành vi sau đây:

(1) Phổ biến bất kỳ tuyên bố nào gây bất lợi cho thẩm quyền của Hiến pháp, uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước hoặc tổ chức hoặc tham gia vào các hoạt động như hội họp, diễu hành và biểu tình nhằm chống lại Hiến pháp, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

(2) Tổ chức hoặc tham gia tổ chức bất hợp pháp, hoặc tổ chức hoặc tham gia đình công.

(3) Gây bất hòa hoặc phá hoại quan hệ dân tộc, tham gia các hoạt động ly khai dân tộc, tổ chức hoặc sử dụng các hoạt động tôn giáo để phá hoại đoàn kết dân tộc hoặc ổn định xã hội.

(4) Thiếu trách nhiệm, không thực hiện, chểnh mảng nhiệm vụ, gây chậm trễ trong công việc.

(5) Từ chối thực hiện quyết định, mệnh lệnh của cấp trên theo quy định của pháp luật.

(6) Trấn áp, trả thù người đã phê bình, khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm.

(7) Gây hiểu lầm hoặc lừa dối đội ngũ lãnh đạo hoặc công chúng bằng các thủ đoạn gian lận và lừa dối.

(8) Tham ô, hối lộ, hoặc mưu lợi cho mình hoặc cho người khác bằng cách lợi dụng chức vụ của mình.

(9) Vi phạm kỷ luật tài chính, gây lãng phí nguồn lực, kinh phí của Nhà nước.

(10) Lạm quyền, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, tổ chức khác.

(11) Tiết lộ bí mật Nhà nước hoặc bí mật liên quan đến công việc.

(12) Làm mất danh dự hoặc lợi ích của Nhà nước trong giao lưu quốc tế.

(13) Tham gia hoặc hỗ trợ các hoạt động như khiêu dâm, lạm dụng ma túy, cờ bạc và mê tín dị đoan.

(14) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội, gia đình.

(15) Tham gia phát tán thông tin bị cấm trên mạng hoặc các hoạt động bị cấm trên mạng vi phạm các quy định có liên quan.

(16) Tham gia hoặc tham gia các hoạt động vì lợi nhuận, đồng thời giữ chức vụ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức vì lợi nhuận khác vi phạm các quy định có liên quan.

(17) Nghỉ việc không xin phép hoặc không trở lại làm việc mà không có lý do chính đáng sau khi kết thúc nhiệm vụ công việc hoặc hết thời hạn nghỉ phép; hoặc có hành vi khác vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Như vậy, pháp luật về công chức của Trung Quốc quy định rất đầy đủ các hành vi vi phạm của công chức. Quy định không chỉ tập trung ở những hành xử ở cơ quan, nơi làm việc mà còn thể hiện ở các mối quan hệ xã hội cũng như cách ứng xử trên không gian mạng, qua đó, làm cơ sở để xử lý kỷ luật đối với những công chức vi phạm những hành vi trên.

3.3. Xử lý vi phạm kỷ luật của công chức

Tại Điều 61 Luật Công chức năm 2005 của Trung Quốc quy định: trường hợp công chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật này hoặc bị cơ quan giám sát xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm kỷ luật, pháp luật có tính chất nhẹ, công chức có liên quan đã sửa chữa sau khi bị kiểm điểm thì có thể được miễn xử phạt. Trường hợp cơ quan giám sát đã quyết định xử phạt công chức vi phạm kỷ luật, pháp luật thì cơ quan nhà nước mà công chức đó trực thuộc không được áp dụng hình thức xử phạt khác đối với công chức đó về hành vi vi phạm tương tự.

Các hình thức kỷ luật bao gồm: cảnh cáo, khiển trách, hạ mức nghiêm trọng, giáng chức, cách chức, cách chức (Điều 62). Việc xử lý kỷ luật đối với công chức được căn cứ vào căn cứ xác minh, chứng cứ xác lập, xác định đúng bản chất vụ việc, tương ứng với mức độ vi phạm, căn cứ trình tự, thủ tục đúng pháp luật (Điều 63). 

Trong khi chịu hình phạt kỷ luật, công chức liên quan sẽ không được thăng cấp lên một vị trí cao hơn, cấp độ và cấp độ; công chức không được nâng bậc lương nếu bị khen hoặc bị kỷ luật nặng, bị hạ ngạch, bị cách chức. Các hình thức kỷ luật có thời hạn 6 tháng đối với khiển trách, 12 tháng đối với cảnh cáo, 18 tháng đối với tội nặng và 24 tháng nếu bị giáng chức hoặc cách chức. Công chức bị cách chức thì bị hạ ngạch theo quy định (Điều 64).

Với chính sách quyết liệt đã thực hiện, thể hiện sự liêm chính của bộ máy công quyền. Trong năm 2021, gần 180.000 cán bộ hành pháp và tư pháp của Trung Quốc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trong đợt chấn chỉnh quy mô lớn trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XX của Đảng cộng sản Trung Quốc (từ ngày 16/10 – 22/10/2022). Trong số đó, có 1.985 người, làm việc tại tòa án, viện kiểm sát, nhà tù, cảnh sát và lực lượng an ninh quốc gia, bị truy tố tính đến cuối tháng 7/2022 có 3.466 người bị kỷ luật trong đảng và hầu hết những người còn lại bị khiển trách. Hơn 90% người bị khiển trách là công chức cấp thấp nhất trong bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên cũng có một bộ phận là các cán bộ cấp cao hơn thuộc các cơ quan cấp huyện, thị, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và luật pháp1.

4. Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Thứ nhất, về cơ chế hoạt động và phân loại công chức. Việc hình thành chế độ áp dụng đồng thời chức vụ và cấp bậc đối với công vụ viên của Trung Quốc là cách làm đáng lưu ý mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo. Việc kết hợp đồng thời các tiêu chí về chức vụ và cấp bậc sẽ có tác dụng khuyến khích công chức làm tròn chức trách, nhiệm vụ, thúc đẩy tinh thần cầu tiến. Mặc dù việc xác định quan hệ tương ứng giữa chức vụ và cấp bậc của công chức gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh nghiệm mà Trung Quốc thu được từ cách thức áp dụng trong quá trình tích hợp, chuyển đổi tương đương giữa chức vụ và cấp bậc sẽ là những thông tin có giá trị mà Việt Nam có thể nghiên cứu, vận dụng một cách phù hợp với điều kiện và tình hình riêng của đất nước.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục và tăng cường cơ chế giám sát chặt chẽ đội ngũ công chức. Công tác giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng, giúp cho đội ngũ công chức không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, luôn bám sát thực tiễn. Công chức biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác, rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng hợp tác, tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm; kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái. 

Ngoài ra, việc tăng cường cơ chế giáp sát giúp mọi hoạt động của công chức đi vào nề nếp. Luật Giám sát năm 2018 của Trung Quốc đã quy định những nguyên tắc chung trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, xác định các cơ quan giám sát và các vấn đề như phạm vi, quyền hạn, quy trình giám sát. Đạo luật này cũng có các quy định về hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng, yêu cầu cụ thể về việc giám sát các cơ quan và nhân viên thực hiện chức năng giám sát, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm pháp luật cụ thể của các chủ thể có liên quan. Việt Nam có thể nghiên cứu tham khảo khung cơ chế của đạo luật này trong việc xây dựng và hoàn thiện một luật riêng về cơ chế giám sát, nhằm tạo nền tảng pháp lý và quy chuẩn hóa công tác giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Thứ ba, cần sửa đổi quy định về thời hiệu và thời hạn kỷ luật cán bộ, công chức. Quy định hiện hành về thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng và thời hạn xử lý kỷ luật là 2 tháng, kéo dài không quá 4 tháng đối với cán bộ, công chức là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu, thời hạn. Nên tăng thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 12 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 18 tháng.

Chú thích:
1. Trung Quốc kỷ luật gần 180.000 cán bộ. https://vnexpress.net, ngày 01/9/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
2. Luật Khiếu nại năm 2011.
3. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019.
5. Luật Tố cáo năm 2018.
6. Luật Viên chức năm 2010.
7. Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
8. Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
9. Nguyễn Quốc Sửu (2019). Nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi công vụ bằng kỷ luật công vụ. https://www.quanlynhanuoc.vn/2019/10/29/nang-cao-trach-nhiem-can-bo-cong-chuc-trong-thuc-thi-cong-vu-bang-ky-luat-cong-vu/.
10. Feng Jun, et al (2016): China’s New Strategies for Governing the Country.
11. Gustave Peiser Administrative Law – University of Social Sciences Published Grenoble Dalloz, 11 Soufflot, 75240 Paris Cedex 05 France, 1993.
12. Jiang Haishan, Jiang Junjie, Yu Hongsheng, et al (2016): An Insider’s Guide to the Inner Workings and Structure of the Chinese Government and Public Services.
13. The China (2005), The civil service law of the People’s Republic of China, The China Personnel Publishing House.
Understanding Modern China Series. People’s Publishing House. ACA Publishing Ltd.