Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII

(QLNN) – Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong hệ thống chính trị, đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước… Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội còn chậm đổi mới, có lúc, có nơi chưa thiết thực, hiệu quả. Chính vì vậy, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) là hết sức cần thiết.

 

1. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung cho cơ sở, gắn bó với đoàn viên, hội viên, từng bước khắc phục “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ; tăng cường phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan; tích cực tổ chức triển khai và nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội”.

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị – xã hội (CTXH) (bao gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong hệ thống chính trị, đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước.

Hội nghị lần thứ 13, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Khoá VIII), ngày 04/01/2018. (Nguồn: http://tapchimattran.vn/QuangVinh).

MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị – tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo; là tổ chức đại diện cho ý chí đại đoàn kết và nguyện vọng chân chính của nhân dân; nơi tập hợp trí tuệ của con người Việt Nam yêu nước, nơi thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền thực hiện nền dân chủ, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân; giám sát, bảo vệ, tham gia xây dựng Nhà nước, quản lý xã hội.

MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CTXH đã phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh…

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng chỉ rõ, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CTXH chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng “hành chính hóa”, “công chức hóa”; cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức giữa các cấp và trong từng cơ quan chưa hợp lý; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở còn hạn chế; nội dung và phương thức hoạt động có lúc, có nơi chưa thiết thực, hiệu quả, thiếu sâu sát cơ sở.

Đặc biệt, Nghị quyết khẳng định, cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với MTTQ, các đoàn thể CTXH còn bất cập; một số quy định về tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý tài chính, tài sản đối với tổ chức công đoàn chưa phù hợp; tổ chức hội quần chúng lập nhiều ở các cấp, nhưng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào NSNN.

Nghiên cứu gần đây về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, NSNN ước tính chi khoảng 14 nghìn tỉ đồng cho toàn bộ khối này, gấp đôi dự toán cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và gấp 5 lần cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Tính cộng gộp thì tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng hàng năm dao động từ 45,6 – 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1% – 1,7% GDP của cả nước1.

Thống kê từ dữ liệu NSNN trên cổng thông tin của Bộ Tài chính cũng cho thấy, chi cho trung ương hội của các tổ chức CTXH, cũng như trung ương hội khối các tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã tăng gấp hơn 3 lần trong 10 năm, kể từ năm 2006 – 20152. Theo Dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016, tổng chi cho các cơ quan trung ương của sáu tổ chức chính trị – xã hội tới 1.503,740 tỷ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỷ đồng); Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (551,505 tỷ đồng); Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (158,685 tỷ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỷ đồng); Hội Cựu chiến binh Việt Nam (80,830 tỷ đồng); Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (273,770 tỷ đồng).

Nếu tính cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỷ đồng3. Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức CTXH, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, trụ sở, xe…  Chi thường xuyên (lương và chi phí hành chính) trung bình chiếm phần lớn số tiền ngân sách được hỗ trợ. Do vậy, tình trạng phổ biến là chỉ có kinh phí trả lương bộ máy, rất ít kinh phí để làm việc.

2. Có thể nói, giải quyết được bài toán về cơ chế tài chính đối với MTTQ và các đoàn thể CTXH sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến việc dôi dư cán bộ, nhiều bộ phận chồng chéo, hoạt động hình thức… Chính vì vậy, theo chúng tôi, nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CTXH, cần sớm nghiên cứu phương án tự chủ về tài chính đối với MTTQ và các đoàn thể CTXH, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện. Điều này xuất phát từ những lý do cơ bản sau:

Một là, bảo đảm cho các tổ chức CTXH chủ động về tài chính, giảm gánh nặng cho NSNN. Kinh phí từ ngân sách chi cho hoạt động của các tổ chức này hằng năm là khá lớn. Vì vậy, khi để các tổ chức thực hiện theo cơ chế tự chủ về tài chính, mỗi tổ chức sẽ có sự năng động trong việc khai thác các nhiệm vụ khi Nhà nước giao kinh phí theo nhiệm vụ thực hiện. Điều này cũng tránh tình trạng cùng một nhiệm vụ nhưng nhiều tổ chức CTXH cùng tham gia, bởi đã có sự kiểm soát từ cơ quan phân giao nhiệm vụ.

Hai là, mở rộng các nguồn khai thác kinh phí khác nhau của tổ chức CTXH. Nguồn kinh phí có thể được giao từ Nhà nước căn cứ vào nhiệm vụ, cũng có thể được khai thác từ khu vực ngoài Nhà nước. Điều này giúp cho các tổ chức buộc phải có sự chủ động trong việc khai thác các nguồn tài chính khác nhau gắn với nhiệm vụ thực hiện.

Ba là, tự chủ về tài chính sẽ kéo theo tự chủ về tổ chức, tránh tình trạng dư thừa số lượng cán bộ trong các tổ chức này. Vấn đề con người, nhân sự sẽ luôn gắn chặt với nguồn kinh phí được giao. Do vậy, khi tự chủ về tài chính, các tổ chức CTXH sẽ buộc phải lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ, có kỹ năng hoạt động hội và tâm huyết. Thực chất, về mặt khoa học quản lý, hoạt động tinh giản biên chế sẽ vô cùng đơn giản nếu gắn với việc tự chủ về tài chính. Một tổ chức khi buộc phải tự chủ về tài chính sẽ không thể bao gồm những cá nhân thuộc diện “dôi dư”, hoạt động kém hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Tự chủ về tài chính sẽ buộc các tổ chức có một cơ cấu gọn nhẹ, hợp lý, đội ngũ nhân sự bảo đảm về chất lượng.

Bốn là, Nhà nước vẫn giao kinh phí gắn với nhiệm vụ thực hiện, điều này tránh tình trạng giao kinh phí tràn lan, đặc biệt có sự kiểm soát đầu ra của nhiệm vụ và cũng không để cho các tổ chức CTXH quá khó khăn về kinh phí khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Khi kinh phí được giao gắn với nhiệm vụ sẽ buộc các tổ chức phải tự nâng cao chất lượng hoạt động của mình, đặc biệt nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, tránh tâm lý cho rằng đó là nhiệm vụ phong trào, hoạt động lấy lệ, hình thức vì đầu năm vẫn được giao kinh phí hoạt động từ ngân sách. Như vậy, rõ ràng giao kinh phí gắn với nhiệm vụ và nhiệm vụ nhiều sẽ có nguồn kinh phí cao, nhiệm  vụ ít thì kinh phí ít, điều này bảo đảm sự công bằng, hợp lý trong hoạt động của xã hội hiện nay, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.

Năm là, chủ động, tự chủ về nguồn tài chính sẽ giúp cho MTTQ và các đoàn thể CTXH không bị lệ thuộc quá nhiều vào Nhà nước. Từ trước đến nay, chúng ta nói nhiều tới hiệu quả hoạt động của các tổ chức CTXH chỉ là hình thức, hoạt động giám sát đối với cơ quan nhà nước chưa cao. Tuy nhiên, liệu hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên có thể nâng cao được không khi kinh phí hoạt động của họ phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước theo cơ chế xin – cho, cấp phát bao nhiêu, kiểm soát nguồn kinh phí sử dụng thế nào, đều là do Nhà nước thực hiện. Và, khi bị lệ thuộc về nguồn tài chính như vậy, liệu MTTQ và các tổ chức thành viên có thể chủ động, độc lập trong hoạt động giám sát của mình hay không?

Sáu là, việc thực hiện cơ chế tự chủ, có cấp kinh phí theo nhiệm vụ được giao đối với MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tránh được tính trạng phân bổ kinh phí một cách thiếu công khai, minh bạch, thiếu công bằng giữa các tổ chức. Các tổ chức CTXH đều mong muốn tạo ra được cơ chế cạnh tranh để sử dụng nguồn lực nhà nước phục vụ cho các mục tiêu công cộng.

Như vậy, tự chủ về tài chính sẽ phải gắn chặt với việc bảo đảm công khai, minh bạch về quản lý tài chính, giúp MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện tốt các chức năng được giao, thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Bảy là, thay vì việc cấp phát kinh phí ngân sách theo đầu người là cấp phát kinh phí theo nhiệm vụ được giao và có sự kiểm tra đầu ra – kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ. Điều này là hoàn toàn phù hợp trong xu thế cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay, trong đó có vấn đề cải cách hệ thống tiền lương.

Việc yêu cầu các tổ chức CTXH tự chủ về kinh phí hoạt động cũng phù hợp với xu thế hoạt động chung của các tổ chức CTXH ở các nước trên thế giới. Pháp luật của một số nước, như: Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Nhật Bản, CHLB Đức, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Síp, Phần Lan, Hung-ga-ry, I-ta-li-a, Ba Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Bỉ, Ru-ma-ni…, đều quy định khá rõ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức  hội.

Nguồn tài chính cho hoạt động của các tổ chức hội ở các quốc gia này chủ yếu bao gồm hội phí. Các trợ cấp của Nhà nước hay chính quyền địa phương đều trên cơ sở các nhiệm vụ của hội. Chủ động và tự chủ về tài chính là yêu cầu rất quan trọng trong việc bảo đảm sự độc lập của các hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ở nước ta hiện nay, việc thực hiện phương án này có thể sẽ gặp phải những thách thức nhất định, như:

– Buộc các tổ chức phải năng động trong hoạt động của mình, khi phải tự chủ về kinh phí, các tổ chức có thể sẽ gặp khó khăn ban đầu. Mọi thay đổi thường là khó khăn và thách thức, đó cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển.

– Thay đổi về cơ chế tự chủ tài chính sẽ có thể kéo theo những thay đổi về nhân sự, xáo trộn về tổ chức. Đây là điều bình thường khi muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức CTXH hiện nay.

Như vậy, đây là một phương án mới nhằm đổi mới cơ bản phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CTXH, do đó, cần phải có lộ trình thực hiện. Có thể yêu cầu các tổ chức tự chủ về kinh phí tăng dần từng bước, năm đầu có thể tự chủ 30%, hai năm tiếp theo là 50%, 70%, tiến dần đến tự chủ 100% nguồn kinh phí. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức này xây dựng nhiệm vụ hằng năm, trên cơ sở các nhiệm vụ cụ thể, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ được duyệt.

Nguyên tắc thực hiện: cơ quan có thẩm quyền duyệt nhiệm vụ phải rà soát thật kỹ các nhiệm vụ được giao, tránh giao các nhiệm vụ chồng chéo giữa các tổ chức CTXH với nhau, đặc biệt phải kiểm tra đầu ra của nhiệm vụ. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ này sẽ không được giao cho tổ chức thực hiện trong năm tiếp theo, thậm chí có thể phải hoàn lại kinh phí đã được phê duyệt. Cắt nhiệm vụ cũng đồng nghĩa với việc cắt kinh phí.

Mỗi tổ chức sẽ buộc phải có sự điều chỉnh trong cách thức vận hành của mình. Trong quá trình tự chủ về kinh phí, có thể sẽ có những thay đổi nhất định về số lượng đội ngũ cán bộ trong các tổ chức, nhất là những cán bộ có năng lực kém, không có tâm huyết, nhiệt tình với công việc sẽ buộc phải ra khỏi tổ chức.

Đồng thời, cần sửa đổi Điều 38 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 với nội dung cụ thể như sau:

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội là thành viên thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động.

  1. Nhà nước có cấp kinh phí theo nhiệm vụ được giao.
  2. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước được giao căn cứ vào nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
  3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội được quản lý và sử dụng tài sản do Nhà nước giao theo nhiệm vụ, tài sản và các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tặng, cho theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, đổi mới cơ chế tài chính trong phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CTXH là một trong những yêu cầu đặt ra nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Thực hiện tốt yêu cầu này cũng sẽ góp phần đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CTXH, đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nướcr

Chú thích:
1, 2, 3. Ngân sách và các tổ chức hội – đoàn thể nhà nước. http://vepr.org.vn, ngày 18/5/2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2016.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Hà Nội, 2017.
3. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
4. Ngô Sách Thực. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo Nhân dân điện tử.
5. Bùi Thị Nguyệt Thu. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Thực tiễn và một số kiến nghị. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử.

    PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Học viện Hành chính Quốc gia