Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo

(QLNN) – Công tác kiểm tra là một bộ phận cấu thành của công tác lãnh đạo, là một công việc nằm trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chính sách. Chính vì vậy, kiểm tra, giám sát có vị trí rất quan trọng trong Cương lĩnh, Điều lệ, các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã tồn tại nhiều bất cập. Bài viết nêu một số vấn đề về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay.

 

Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. (Ảnh: http://quochoi.vn).

Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cũng tại bản Hiến pháp này, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã ghi nhận trách nhiệm của Đảng trước nhân dân: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân,chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”1. Như vậy, với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng được đặt niềm tin chính trị rất lớn. Điều này cũng tương xứng với trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, dân tộc.

Để giữ vững được vai trò lãnh đạo, Đảng luôn chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ của mình để xứng đáng “là người lãnh đạo và đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”2. Một trong những nguyên lý xây dựng đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lãnh đạo phải đi đôi với kiểm tra, giám sát (KTGS). Theo Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện thế nào phụ thuộc một phần rất lớn vào công tác kiểm tra được tiến hành ra sao.

Người viết: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”3 và “Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”4;  “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”5.

Thực trạng yếu kém và hệ lụy trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Thực tế, ở nhiều nơi, công tác KTGS đã không được coi trọng, nhất là ở tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Những từ “buông lỏng”, hay “xem nhẹ” công tác KTGS thường thấy xuất hiện trong tổng kết, sơ kết công tác của nhiều cấp ủy, TCCSĐ ở các ngành, địa phương. Việc buông lỏng, xem nhẹ công tác KTGS dẫn đến uy tín của Đảng bị ảnh hưởng, chất lượng TCCSĐ, đảng viên cũng bị giảm sút, nếu kéo dài sẽ làm suy yếu, thậm chí thủ tiêu vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ nói riêng, của Đảng nói chung.

Thử hình dung, đảng viên trong một TCCSĐ “có vi phạm”, nhưng khi đánh giá, xếp loại vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì điều gì sẽ xảy ra? Những đảng viên trung thực liệu có cảm thấy xấu hổ, vì họ nghĩ rằng trong cùng một chi bộ, tổ đảng lại có biểu hiện nói dối? Theo đó, quần chúng ngoài Đảng nghĩ gì, nhìn vào Đảng như thế nào khi không còn thấy đảng viên, TCCSĐ là đội tiên phong, là hạt nhân lãnh đạo quần chúng?

Như vậy, việc “buông lỏng, xem nhẹ” công tác KTGS đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Đó là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”6, nhiều người phạm tội tham nhũng lớn, “tham nhũng quyền lực”, biến thành “giặc nội xâm”, hại dân, hại nước, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nguy cơ mất Đảng, mất chế độ chủ yếu từ những người này, nếu như không làm tốt công tác KTGS.

Buông lỏng, xem nhẹ công tác KTGS thực chất là do chúng ta đã làm “nửa vời”, chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện nghiêm KTGS. Hầu hết các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị phanh phui đều là do dư luận quần chúng, báo chí phản ánh, chứ không phải do công tác KTGS của TCCSĐ phát hiện.

Một thực tế hết sức sống động là trong hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan trung ương và địa phương được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận và xử lý đến nơi đến chốn đều có công đầu của báo chí. Ví dụ như: vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin… Gần đây là các vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Trịnh Xuân Thanh,  Nguyễn Thanh Hóa…

Nguyên nhân của hạn chế

Qua sự phân tích nêu trên, chúng tôi có thể chỉ ra những nguyên nhân sau:

Một là, sự chồng chéo của hệ thống văn bản, nghị quyết về công tác KTGS dẫn đến những khó khăn trong công tác này. Hơn thế, hệ thống văn bản hiện hành đang thiếu một cơ chế bắt buộc, chặt chẽ, có tính khả thi trong công tác KTGS. Công tác KTGS của không ít TCCSĐ chỉ là hình thức, hoặc bị vô hiệu hóa, “có cũng như không”. Công tác này thường diễn ra theo định kỳ 6 tháng, hoặc cuối năm sơ kết, tổng kết. Quy trình cũng hình thức, từng đảng viên đọc bản tự kiểm điểm (mà nội dung chủ yếu là thành tích, ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại chỉ sơ sài, lấy lệ).

Sau đó, chi bộ và các đảng viên khác góp ý (chủ yếu ca tụng, lấy lòng nhau, với thủ trưởng thì thường chỉ có khuyết điểm là “làm việc quá mức, không chú ý giữ gìn sức khỏe”…). Rất hiếm khi công tác KTGS  phát hiện ra “dấu hiệu vi phạm” và nếu có, những “dấu hiệu” này được phát hiện lại do dư luận quần chúng hoặc báo chí phản ánh…

Hai là, thiếu vắng sự công khai, dân chủ. Những công việc phức tạp của Đảng, của đất nước mà không phát huy được dân chủ, không có người dân tham gia thì khó thành công. Bác Hồ đã chỉ ra: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”7.

TCCSĐ (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có vai trò rất quan trọng. Một TCCSĐ nói riêng, một Đảng nói chung yếu kém do công tác KTGS yếu kém, không làm đúng, không tự mình KTGS mình được thì nên tranh thủ sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian dài, công tác tổ chức này còn chưa chú trọng và chưa có cơ chế để động viên, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tham gia công tác xây dựng Đảng. Gần đây, vấn đề dân chủ, công khai được chú trọng, đề cao hơn trong xã hội nên dư luận quần chúng, báo chí mới có cơ hội phanh phui những con sâu mọt lớn, mới ra được những “đại án ngàn tỷ” đã và đang bị xét xử.

Ba là, nhận thức về công tác KTGS chưa đầy đủ; tư tưởng thì buông lỏng, xem nhẹ. Đây cũng là hệ quả của nguyên nhân trên. Hầu như đảng viên nào cũng biết, cũng thuộc câu “không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”, nhưng không phải đảng viên, cán bộ nào cũng có nhận thức, thấm nhuần, hiểu đúng, hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung, hình thức, biện pháp, kỹ năng của công tác KTGS. Do vậy mà chúng ta đã “buông lỏng, xem nhẹ”, vô hiệu hóa công tác KTGS.

Bốn là, tâm lý, thói quen cả nể, “dĩ hòa vi quý”, nặng về tình cảm, nhẹ lý trí ăn sâu trong cán bộ, đảng viên. Gần đây lại thêm thói “thờ ơ, vô cảm” trước cái đúng, cái sai, cái xấu, cái tốt khá phổ biến, đấu tranh tự phê bình và phê bình, yếu kém, hình thức, không thực chất… Xét cho cùng, đó cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, lợi cho mình, hại cho Đảng. Những hạn chế trong thói quen, tâm lý đó hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn trái ngược với tôn chỉ, mục đích, tính chất của Đảng ta, nếu để phổ biến, kéo dài sẽ không còn là Đảng của chúng ta, của Bác Hồ, của nhân dân.

Giải pháp khắc phục những yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Khi đã tìm được nguyên nhân và chỉ ra những yếu kém một cách rõ ràng, cụ thể trong công tác KTGS của TCCSĐ nói riêng, của Đảng nói chung, điều đó cũng có nghĩa là đã tìm ra được các giải pháp để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng công tác KTGS lên một bước. Theo chúng tôi, cần tập trung vào những nội dung sau đây:

Một là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, lỗ hổng, yếu kém trong công tác KTGS của Đảng. Phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể để ràng buộc cán bộ, đảng viên, TCCSĐ làm tốt, làm đúng công tác KTGS. Người đứng đầu (bí thư chi bộ, cấp ủy), từng cấp ủy viên, từng đảng viên trong TCCSĐ nếu không tự phát hiện được sai phạm trong TCCSĐ của mình lãnh đạo, để khi dư luận, báo chí lên tiếng, phát hiện mới “vào cuộc” đều bị xử lý kỷ luật Đảng, tùy vào mức độ.

TCCSĐ nào, cán bộ, đảng viên nào làm đúng, làm tốt công tác KTGS, tự phát hiện được sai phạm trong nội bộ, chỉ ra phương hướng khắc phục thì được biểu dương, khen thưởng xứng đáng. TCCSĐ nào dù có một số khuyết, nhược điểm nhưng có những đảng viên dám nghĩ, dám nói sự thật, dám đấu tranh với cái xấu, cái sai thì không thể coi là “yếu kém”, không “trong sạch, vững mạnh”. Những điểm mới này phải được bổ sung vào Điều lệ và những quy định về khen thưởng, kỷ luật của Đảng và những quy chế, quy định về công tác KTGS, đồng thời, phải được thực hiện nghiêm minh.

Hai là, có cơ chế rõ ràng, cụ thể, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch để động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nhân dân nơi TCCSĐ lãnh đạo tham gia vào công tác KTGS của Đảng, tham gia KTGS cán bộ, đảng viên một cách trực tiếp, (không nhất thiết phải qua Mặt trận, đoàn thể). Chỉ có như vậy, nhân dân mới tin Đảng.

Ba là, làm tốt, làm thực chất công tác giáo dục để nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung, phương pháp, kỹ năng làm công tác KTGS cho từng cán bộ, đảng viên trong TCCSĐ, nhất là những người được phân công phụ trách công tác KTGS của Đảng. Giáo dục cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hiện đúng: lãnh đạo mà không KTGS thì coi như không có lãnh đạo.

Bốn là, bổ sung, đổi mới về nhận thức cũng như phương pháp để làm tốt, làm thực chất công tác tự phê bình, phê bình theo đúng tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những thói hư tật xấu, những hạn chế trong tâm lý, thói quen của người Việt; có những biện pháp hữu hiệu loại bỏ những hạn chế, những thói hư tật xấu đó.

Năm là, khẩn trương khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong nhiều mặt công tác, trong đó có công tác KTGS của Đảng. Hiện nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo sát sao, gương mẫu “làm từ trên”, “không có vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy nhà nước nói chung, đã và đang đạt nhiều kết quả khả quan, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng. Đây là thời cơ tốt, thuận lợi, cần phải tận dụng, đẩy mạnh công tác KTGS của Đảng và tiếp tục có những biện pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, để hâm nóng toàn bộ hệ thống của Đảng.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã nhận thức được sâu sắc mặt yếu kém trong công tác KTGS, coi công tác KTGS là một trong những nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và yêu cầu “phải kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Để thực hiện mục tiêu đó, cùng với việc nâng cao công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, cần phải tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của tổ chức cơ sở đảng”8.

Ngày 26/7/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra “Quyết định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng”, trong đó nhắc lại và nhấn mạnh Điều 30: “Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”9, và “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng”10.

Từ tháng 5/2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác KTGS và kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngày 01/6/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 86-QĐ/TW về giám sát trong Đảng, thay thế Quy chế 68-QĐ/TW ngày 21/3/2012 về quy chế giám sát trong Đảng. Quy định số 86-QĐ/TW năm 2017 đã kế thừa các nội dung cơ bản của Quy định số 68-QĐ/TW năm 2012 và có bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung mới, gồm: mở rộng giám sát đối với tổ chức đảng, như giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ…

Quy định cũng bổ sung phương pháp giám sát trực tiếp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cơ sở trở lên bằng cách chất vấn tại các kỳ hội nghị của cấp ủy, góp ý với đối tượng giám sát. Ngoài ra, còn bổ sung phương pháp giám sát gián tiếp thông qua xem xét các văn bản báo cáo; thông qua các kiến nghị phản ánh của các tổ chức, cá nhân đối với tổ chức đảng, đảng viên…

Ngày 03/10/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Hướng dẫn công khai nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; 19 điều đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

Hướng dẫn cũng đề cập việc công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được kết luận. Theo Hướng dẫn, có nhiều hình thức công khai, gồm: trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, gửi văn bản hoặc các hình thức khác.

Từ văn bản, nghị quyết đến thực tiễn cho thấy, Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện “không có vùng cấm”, “nói đi đôi với làm”… Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng được dư luận hoan nghênh, ví như “thanh bảo kiếm” của Đảng, đã và đang đưa những người trong “bộ phận không nhỏ” ra trước ánh sáng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Những “đại án nghìn tỷ” với rất nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm; những án kỷ luật Đảng, quy định pháp luật dành cho nhiều người là cán bộ cao cấp ở các bộ, ngành, địa phương. Điều này rất đau xót, nhưng đó là cần thiết để lấy lại niềm tin của nhân dân, để cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng là “người lãnh đạo và đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”./.

Chú thích:
1. Khoản 1, 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
2, 7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 510, 212.
3, 4, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 552, 250, 520 – 521.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 36.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 192.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. H. NXB Sự thật, 1976, tr. 192 – 193.
10. Mục 1 Điều 30 Quy định thi hành Chương VII và Chương VII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

                                                          PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu
Học viện Hành chính Quốc gia