Phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

(QLNN) – Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trên thực tế, công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

 

1. Công nghiệp văn hóa (CNVH) là sự tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo, kỹ năng, sở hữu trí tuệ, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa xã hội; nhấn mạnh đến hai yếu tố công nghiệp và sáng tạo. Trên thế giới, CNVH phát triển đặc biệt mạnh mẽ từ giữa thế kỷ XX. Đó là sản phẩm kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật cao với sự nghiệp văn hóa, thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa hòa đồng, thấm quyện vào nhau. Phát triển CNVH dần dần thành nhận thức chung của nhiều quốc gia. Tỷ trọng CNVH trong hệ thống kinh tế của nhiều nước đã được nâng lên với tốc độ nhanh chóng và CNVH trở thành một ngành công nghiệp trụ cột trong nhiều nền kinh tế.

Ngay từ “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 đã khẳng định, phát triển CNVH đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới; đồng thời nhận thức rõ về xu thế tất yếu phải phát triển CNVH, những điều kiện phát triển CNVH và nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát triển ngành CNVH ở nước ta.

Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đề ra mục tiêu xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển CNVH, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam.

Một trong 6 nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết là phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; phát triển CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới…

Nhằm xác lập chủ trương nhất quán về phát triển CNVH, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa”1.

Quán triệt tinh thần này, ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu rõ: phát triển các ngành CNVH Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.

Như vậy, có thể khẳng định, chủ trương xây dựng và phát triển CNVH là một bước tiến quan trọng trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan quản lý; là kết quả của quá trình đổi mới tư duy về văn hóa gắn với đổi mới tư duy kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường. Phát triển CNVH không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trên thực tế, CNVH đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn: tapchitaichinh.vn).

2. Thực tiễn phát triển CNVH ở nước ta cho thấy, tuy còn nhỏ bé nhưng ngành này đã bắt đầu tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. CNVH hiện nay không chỉ là vấn đề văn hóa, công nghệ, kinh tế mà thực chất là biểu hiện sinh động của quá trình nhất thể hóa văn hóa và kinh tế, tạo thành lực lượng sản xuất văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.

CNVH chính là công cụ hữu hiệu đối với tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. Chính vì vậy, phát triển CNVH phải được coi là một thành tố quan trọng của quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các ngành CNVH có khả năng cung cấp nhiều cơ hội để tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo đó, phát triển CNVH đúng đắn sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. CNVH sẽ giúp khai thác tốt hơn mọi nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế. Với đặc trưng riêng có trong sáng tạo và công nghệ, CNVH là hướng phát triển cần quan tâm, bởi nó có khả năng tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa, đưa phát triển kinh tế theo chiều sâu.

Hiện nay, với quy mô dân số trên 90 triệu người, trong đó lực lượng lao động khoảng hơn 50 triệu người; hằng năm trung bình có khoảng 1,5 – 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động2, đây là nguồn lực chính trong quá trình lao động sáng tạo, tạo ra lượng sản phẩm văn hóa dồi dào ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống (gốm, lụa, tranh, gỗ), các loại hình nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực… ở nước ta.

Hơn nữa, người Việt Nam được đánh giá là thông minh, cần cù, sáng tạo, khéo léo, đó là những phẩm chất cần có, tạo cơ sở, nền tảng thúc đẩy sự gia tăng các sản phẩm văn hóa. Dân số đông, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn hóa lớn tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, phong phú, kích thích thị trường phát triển sôi động.

Hằng năm, ở nước ta, mức chi cho hoạt động văn hóa chiếm khoảng 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước3. Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật bằng cách đầu tư từ nguồn ngân sách và xây dựng những thiết chế văn hóa gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế. Theo đó, những tổ chức xã hội, nghề nghiệp hay những cá nhân đóng góp tài chính cho các hoạt động văn hóa đều được khấu trừ thuế, được hưởng miễn thuế tài sản và miễn thuế thu nhập khi đóng góp cho Nhà nước.

Việc đầu tư tài chính từ hình thức hỗ trợ gián tiếp này đã huy động được nguồn kinh phí đáng kể cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, thực hiện mở rộng phạm vi đào tạo văn hóa nghệ thuật cho mọi đối tượng xã hội trên cơ sở đóng góp kinh phí đào tạo ngoài chỉ tiêu của Nhà nước, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo ngoài Nhà nước. Nhà nước cho phép tư nhân tham gia các hoạt động xuất bản, thư viện, thành lập các hãng phim tư nhân, chiếu phim, tổ chức các hoạt động biểu diễn, hợp tác…

Bên cạnh đó, trong quá trình mở cửa và hội nhập, Đảng, Nhà nước cũng dành nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống phát triển, tạo hành lang pháp lý, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực để thúc đẩy các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, truyền thông có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn trong khu vực và quốc tế.

Là một quốc gia có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh tín ngưỡng, trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước, người Việt Nam đã tạo dựng, xây đắp nên một nền văn hóa rực rỡ với những nét độc đáo riêng. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, hiện cả nước ta có 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%)4. Lễ hội là điểm nhấn quan trọng trong du lịch tâm linh để thu hút được lượng khách lớn từ trong và ngoài nước.

Với một thị trường nội địa lớn (hơn 90 triệu dân), đây là thuận lợi mà ngành CNVH Việt Nam có được bởi thị trường này bảo đảm tiềm năng lớn cho các sản phẩm của các tiểu ngành trong ngành CNVH có thể được tiêu thụ. Bên cạnh đó, thị trường khu vực châu Á đang mở rộng cũng là một cơ hội lớn mở ra cho các ngành CNVH của Việt Nam.

3. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, chúng ta còn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của các ngành CNVH đối với sự phát triển kinh tế – xã hội khiến việc phát triển các ngành CNVH gặp nhiều khó khăn. Trước hết, số lượng các dự án liên quan đến CNVH còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa cũng như với toàn xã hội.

Nhiều ngành CNVH vẫn ở giai đoạn thử nghiệm nên chưa có những sáng tạo đột phá, chưa có bề dày kinh nghiệm trong chiến lược sản xuất – kinh doanh, phân phối sản phẩm, đánh giá đúng thị trường công chúng tiêu thụ.

Thứ hai, các ngành sản xuất – kinh doanh sản phẩm văn hóa hiện nay mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất – kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. Hệ thống sản phẩm nghèo nàn, mẫu mã không thay đổi, dịch vụ chất lượng thấp, chưa xứng với tiềm năng sẵn có, không thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Các chủ thể tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNVH còn chưa nhanh nhạy cả trong nhận thức cũng như trong thực tiễn. Về cơ bản, quá trình sản xuất – phân phối và phổ biến các sản phẩm văn hóa chủ yếu vẫn do đơn vị nhà nước đảm nhiệm, các đơn vị tư nhân chỉ tham gia nhiều ở khâu lưu thông trên thị trường, song còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp.

Mặc dù Nhà nước đã sớm có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa bằng việc ban hành các luật: Luật Xuất bản năm 1993 (sửa đổi năm 2004); Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật Điện ảnh năm 2009… nhưng trên thực tế, hệ thống sản xuất, phân phối các sản phẩm văn hóa chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp của Nhà nước đảm nhiệm.

Khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ đã xuất hiện và tham gia song còn ở mức độ hạn chế. Các doanh nghiệp văn hóa chủ yếu có quy mô nhỏ. Đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa vẫn thấp so với các ngành khác. Thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành, các lĩnh vực và các địa phương trong việc phát triển các ngành CNVH.

Thứ ba, trên thị trường, tình trạng vi phạm bản quyền với phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực thuộc ngành CNVH, như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi trực tuyến, thời trang, thiết kế… đang diễn ra phổ biến. Có hai lý do dẫn đến tình trạng này:

(1) Cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa chỉ chú trọng tới đầu tư của Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Việt Nam cần “tăng lượng” thu hút vốn đầu tư từ nhiều thành phần sở hữu khác nhau; có biện pháp kích hoạt nguồn vốn tồn đọng của Nhà nước, giải quyết vấn đề mối quan hệ hữu cơ giữa nguồn vốn và nhân lực để phát triển;

(2) Hệ thống luật bảo hộ bản quyền thiếu các bảo đảm cần thiết để kích thích khả năng sáng tạo và hội nhập quốc tế. Sự yếu kém trong hệ thống luật bảo hộ này khiến các sản phẩm văn hóa Việt Nam không được bảo đảm các quyền cơ bản để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, cản trở việc phát huy khả năng sáng tạo văn hóa và không kiểm soát được các thiệt hại khi bị tước đoạt bản quyền, thương hiệu, các bí mật thương mại khi hội nhập quốc tế.

4. Để thực hiện “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa” như tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các mục tiêu: đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội

Đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP. Đồng thời, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu trên, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành CNVH trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành CNVH; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

Hai là, củng cố mô hình tổ chức, nâng cao năng lực của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả và các tổ chức dịch vụ quyền tác giả. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành CNVH. Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đồng thời nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch.

Ba là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành CNVH. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành CNVH; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành CNVH nói chung.

Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền; hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành CNVH và lĩnh vực bản quyền. Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về CNVH đến Việt Nam làm việc.

Bốn là, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành CNVH gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học – kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH.

Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: in ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm. Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.

Năm là, xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CNVH sẵn có lợi thế, tiềm năng như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về CNVH ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến.

Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành CNVH; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Sáu là, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển ở công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.  Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế.

Bảy là, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của đất nước tại các hội chợ quốc tế, liên hoan quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển CNVH gắn với các sự kiện ngoại giao. Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài./.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 130.
2, 3. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. http://tapchicongsan.org.vn, ngày 08/3/2018.
4. Nhiều hoạt động lễ hội dân gian bị “biến dạng”. http://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 14/02/2017.

PGS.TS. Phạm Hương Trà
Học viện Báo chí và Tuyên truyền