Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

(QLNN) – Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, giai cấp công nhân Việt Nam giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, GCCNVN cùng với các giai cấp khác đấu tranh để giải phóng mình, giải phóng dân tộc. Trong chế độ dân chủ mới, công nhân đã là người chủ, giữ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.      

 

Ảnh minh họa (Nguồn: http://tuyengiao.vn).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước ngày giải phóng miền Bắc, anh chị em công nhân ta là những người nô lệ, mình làm cực khổ nhưng bọn đế quốc và tư bản hưởng lợi, bây giờ công nhân làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp của mình”1; “Trong công việc kháng chiến và kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ mới, giai cấp công nhân phải là người lãnh đạo”2; “Công nhân ta rất xứng đáng với cái tên vẻ vang là đội tiền phong của dân tộc ta”3.

Ở nước ta, công nhân là lực lượng chủ chốt nhất, có sứ mệnh đi tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, v.v…, nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân”4. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, giai cấp công nhân Việt Nam (GCCNVN) là giai cấp tiên tiến, có ý thức tổ chức, kỷ luật; có tinh thần cách mạng triệt để. Người đã bày tỏ quan điểm xây dựng GCCNVN với những nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng ý thức làm chủ, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn bảo vệ máy móc, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn vệ sinh, bảo đảm an toàn lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi công nhân đã là chủ của xí nghiệp, chủ của nước nhà thì phải làm sao cho xứng đáng với địa vị người làm chủ, cần nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác giữ kỷ luật lao động. Nếu ý thức kỷ luật không giữ vững sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chính vì vậy, Người yêu cầu: “Mỗi người công nhân, viên chức là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm”5. Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Mặt khác, cần nêu cao ý thức giữ gìn tài sản của xí nghiệp, của Nhà nước; “Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy”6 và an toàn lao động phải được thực hiện nghiêm túc.

Người nói: “Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu, chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa … Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân”7.

Hai là, xây dựng ý thức học hỏi, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, cần cù trong lao động, tích cực học tập, cải tiến sáng kiến để nâng cao năng suất lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, giai cấp công nhân (GCCN) nước ta phải không ngừng nâng cao tinh thần học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam hiện nay là kháng chiến và kiến quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp”8.

GCCN là những người trực tiếp hay gián tiếp vận hành, sử dụng các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp, đại diện cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu họ phải ý thức được trách nhiệm to lớn của mình, phải luôn chăm chỉ, siêng năng trong lao động, sản xuất, ý thức được lao động là vẻ vang, cống hiến hết khả năng cũng như tâm huyết cho công việc, cần tận dụng tối đa công suất của máy móc, tránh tình trạng để máy nhàn rỗi.

Bên cạnh đó, GCCN phải tích cực đấu tranh chống lại thói lười biếng, mỗi người công nhân cần ý thức được rằng, thói lười biếng không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho xí nghiệp, cho nền sản xuất của nước nhà mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của công nhân.  Người nói:“Công nhân vắng mặt không đi làm, đã gây cho công nghệ thiệt mất hàng chục vạn giờ lao động, tổn thất hàng trăm vạn đồng. Nếu không chấm dứt thói lười biếng, không nâng cao năng suất, thì công nghệ không tiến được, mà lương bổng công nhân cũng không tăng được”9.

Mặt khác, trong lao động sản xuất thì công nhân cần có những sáng kiến cải tiến để phục vụ cho công việc, tăng năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển của kinh tế nước nhà. Khi có những sáng kiến cải tiến, không nên giữ cho riêng mình mà cần phổ biến cho mọi người làm theo. Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần cầu thị, học tập sáng kiến, cải tiến của người khác để nâng cao năng suất lao động. Trong sản xuất phải đạt được 4 tiêu chí: nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

Ba là, xây dựng ý thức thực hành tiết kiệm đấu tranh chống tham ô, lãng phí, đẩy mạnh các phong trào thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là bạn đồng minh của thực dân đế quốc. Tham ô, lãng phí sẽ gây thiệt hại to lớn không chỉ cho Nhà nước, cho xí nghiệp mà chính bản thân mỗi người công nhân. Chính vì vậy, phải: “chống tham ô lãng phí cũng như cảnh giác chống địch phá hoại”10. Người nói: “Nhà máy đang có hiện tượng tham ô lãng phí, mà nhất là lãng phí… Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô, lãng phí thì sẽ hết được”11.

Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua  làm cho các cá nhân, tổ chức cùng thi đua sản xuất, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí từ đó sẽ tạo động lực cho sự phát triển. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua ở đây không phải là ganh đua, kèn cựa nhau hay một người hoặc một nhóm người vượt lên trước, mà mục đích của thi đua là để giúp nhau tiến bộ, hoàn thiện. Người răn dạy: “Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ. Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu”12.

Muốn thi đua đạt kết quả tốt cần phải giữ đúng kỷ luật lao động, nếu không thì thi đua sẽ lệch lạc. Trong phong trào thi đua, công nhân cần thi đua trong một xí nghiệp, nhà máy, thi đua giữa các xí nghiệp, nhà máy với nhau, thi đua với công nhân của các nước trên thế giới, đặc biệt là công nhân Trung Quốc và Liên Xô, học tập về: “tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, chí tiến thủ, tinh thần khắc phục khó khăn, thi đua bền bỉ”13.

Bốn là, xây dựng tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống lại các thế lực phá hoại cách mạng, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình. Người nói: “Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải thế nào? Chế độ này là của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm”14.

Mục đích của tự phê bình là tự thấy được khuyết điểm của bản thân để sửa chữa, làm cho cá nhân mình tốt hơn, còn phê bình là góp ý chỉ ra khuyết điểm của người khác để họ sửa chữa, phương pháp phê bình phải chân thành, thẳng thắn. Người cho rằng: “Từ trước cán bộ, công nhân tách rời nhau nên cán bộ có làm sai công nhân không biết, có cán bộ lại làm ngơ cho nhau không phê bình thẳng thắn; công nhân có khuyết điểm, cán bộ vì ngồi xa nên cũng không biết thế nào mà phê bình cho đúng. Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa”15.

Năm là, xây dựng tinh thần đoàn kết, liên minh với các giai cấp, tầng lớp khác, đặc biệt là nông dân, tinh thần đoàn kết quốc tế. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết, bởi đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh to lớn giúp thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng. Do đó, khi nói về GCCN, Người cũng yêu cầu phải nêu cao tinh thần đoàn kết, không chỉ đoàn kết trong nội bộ giai cấp mình mà cần phải đoàn kết với các giai cấp khác, đặc biệt là giai cấp nông dân để góp phần vào sự nghiệp to lớn, đó là độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Người khẳng định: “Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Người ta thường nói đoàn kết là sức mạnh vô địch. Ta kháng chiến thắng lợi, cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng hoà bình thắng lợi, cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất”16.

Lý giải vì sao GCCN luôn phải gắn bó mật thiết với giai cấp nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng vì giai cấp công, nông là đông nhất, trong cuộc đấu tranh cách mạng, công nhân, nông dân là hai giai cấp kiên quyết nhất, đóng góp nhiều nhất, hy sinh to nhất, thành tích lớn nhất.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng giai cấp công nhân ở Việt Nam hiện nay

Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, GCCNVN đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại đa số công nhân, người lao động tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức.

Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, GCCN nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Đó là: trình độ học vấn, chuyên môn, khả năng nghề nghiệp nhìn chung còn thấp so với yêu cầu; mất cân đối trong cơ cấu lao động – kỹ thuật; thừa lao động giản đơn, thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao; thiếu các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; lòng say mê nghề nghiệp, ý thức tổ chức, kỷ luật, tác phong công nghiệp, vai trò làm chủ còn hạn chế…

Bên cạnh đó, những vấn đề bức xúc về nhà ở, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn; tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở một số doanh nghiệp; tình trạng vi phạm kỷ luật lao động còn khá phổ biến; tranh chấp lao động tập thể và đình công vẫn diễn ra phức tạp… Đây là những thách thức lớn đối với bản thân GCCN nói riêng và đối với đất nước ta nói chung. Chính vì vậy, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng GCCNVN tăng về số lượng, bảo đảm về chất lượng cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức theo định hướng XHCN. Việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa giải quyết được việc làm cho lao động, vừa đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, sử dụng nguồn lực lao động ở mọi trình độ, phân bổ hợp lý lao động giữa các vùng miền, thành phần, ngành nghề kinh tế.

Hai là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hóa GCCN. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân từ nông dân, công nhân nữ nhằm phát triển về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Làm tốt việc này, nước ta sẽ có một đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những nhà kinh doanh có tài, có đức, các nhà quản lý giỏi và các cán bộ khoa học – kỹ thuật xuất thân từ công nhân có trình độ cao, có khả năng tiếp cận với công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại trong nền kinh tế thị trường, hội nhập. Quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới, hiện đại. Chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân là người dân tộc thiểu số, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Có chính sách để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào những cơ sở đào tạo nghề với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Có chính sách khuyến khích liên kết đào tạo, bồi dưỡng giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp.

Ba là, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho GCCN. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên đối với công tác tuyên truyền, giáo dục trong công nhân; bảo đảm định hướng thống nhất nội dung và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư (được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất) xây dựng và hoạt động của các nhà văn hóa lao động, nhà văn hóa thanh niên, câu lạc bộ công nhân, hệ thống truyền thông đại chúng, nơi sinh hoạt của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ ở các khu công nghiệp tập trung. Điều này, sẽ làm cho công nhân gắn bó thiết tha với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; quyết tâm chiến thắng trong cạnh tranh, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và lương tâm nghề nghiệp.

Bốn là, Nhà nước cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của GCCN. Trong quá trình hội nhập quốc tế, cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng cần được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trước mắt cần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách việc làm cho công nhân; hoàn thiện chính sách tiền lương phù hợp, bảo đảm sự công bằng trong phân phối thu nhập cho công nhân – lao động; phát triển hệ thống an sinh xã hội, mở rộng phúc lợi xã hội cho công nhân; hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả quy định về xây dựng thiết chế văn hóa – xã hội cho công nhân trong doanh nghiệp.

Sự lớn mạnh của GCCN là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng GCCN nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội./.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 109.
2, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 305, 67.
4, 5, 10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 679, 678.
6, 11, 14, 16. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 534, 478, 480.
7, 12, 15. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.142, 144.
8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 257.
9, 13. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 71.

      ThS. Nguyễn Ngọc Hà
Trường Đại học Giao thông Vận tải