Về quan điểm lợi ích, quan điểm làm chủ và quan điểm quyền lực Nhà nước trong xây dựng Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đã qua gần nửa thế kỷ, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến một vấn đề rộng lớn, phức tạp và quan trọng về quan điểm lợi ích, quan điểm làm chủ và quan điểm quyền lực Nhà nước của nhân dân, cho đến nay những quan điểm đó vẫn có giá trị và ý nghĩa thực tiễn lớn lao đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta.

 

Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Người luôn luôn gắn cách mạng Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người là tấm gương đạo đức cao cả, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vô cùng khiêm tốn, giản dị.

Người đã viết:

“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1. Người đã nhiều lần khẳng định: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”2. “Nước lấy dân làm gốc”³. “Gốc có vững cây mới bền”4.

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân5

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát mới có thể là nhà nước vì dân. Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thật sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh…”6

Cán bộ nhà nước phải là đầy tớ của nhân dân,đồng thời người lãnh đạo hướng dẫn nhân dân. Đầy tớ thì phải trung thành, tận tuỵ, cần kiệm liêm chính, chí công vo tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người lãnh đạo phải trí tuệ hơn người, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền tài. Như vậy, người phải có đủ đức và tài, phải minh mẫn, sáng suốt mới đủ tư cách để thay mặt nhân dân.

Công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước luôn đặt mục tiêu nhằm mưu cầu lợi ích ngày càng cao cho nhân dân ta được coi như là mục tiêu hàng đầu đã được Đảng xác định trong cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Quan điểm lợi ích và quyền lực thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển và cụ thể hoá trong Hiến pháp Việt Nam với các quan điểm “lấy dân làm gốc”,”dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Con người là trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực chính của sự phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi của một nước dân chủ, một nền dân chủ là ở chỗ lợi ích và quyền lực thuộc về nhân dân. Đây là cơ sở chủ yếu để phân biệt nền dân chủ của Nhà nước ta so với các nền dân chủ khác. Tư tưởng “vì dân, do dân” đã được Người quán triệt trong quá trình lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ta suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn thấm nhuần tư tưởng kim chỉ nam của Người và quán triệt tư tưởng đó trong Nhà nước được tổ chức, quản lý theo hướng kiến tạo phát triển, xây dựng một xã hội mới phát triển toàn diện, coi trọng nâng cao dân trí…

Vấn đề mấu chốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tất cả lợi ích đều vì dân. Điều này, đòi hỏi tất cả những tác động lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, mục tiêu trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội phải lấy việc đem lại lợi ích cho nhân dân làm mục tiêu tối cao, tránh những khuynh hướng lệch lạc như khoa trương hình thức, không vì lợi ích nhân dân mà hành động. Khi nhấn mạnh tất cả các lợi ích đều vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ, đảng viên về nguy cơ thoát ly lợi ích của nhân dân sẽ làm thoái hoá biến chất đạo đức của đảng viên, của cán bộ, công chức và làm mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thực hiện theo lời dạy của Người, trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện biết bao gương sáng của cán bộ, đảng viên trong bộ máy hoạt động của Đảng và Nhà nước, phấn đấu rèn luyện lập trường tư tưởng, ra sức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lãnh đạo, quản lý, học tập phẩm chất trong sáng của Người “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Đặc biệt thời gian qua, khi Việt Nam lâm vào khủng hoảng do thiên tai và dịch bệnh gây ra, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi tính mạng, sức khoẻ của Nhân dân đặt lên hàng đầu. Mọi quyết sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra đều xuất phát từ mục tiêu hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điều này được thể hiện tại gói hỗ trợ an sinh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dành cho hàng triệu người dân. Gói hỗ trợ có quy mô khoảng 62 ngàn tỷ đồng, bao phủ 7 nhóm đối tượng và 2 nhóm chính sách đặc thù khác cho khoảng 20 triệu người. Đây là những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ người dân, có lợi cho nhân dân, với mục tiêu không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy tính mạng, sự an toàn của người dân.

Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống”; triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ…

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, công tác quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường hiện còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế; chất lượng luật pháp, chính sách còn thấp, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình, cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho người khác…

Hiện nay, các cấp uỷ và tổ chức đảng đang tích cực triển khai các hoạt động chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhất là việc tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là Quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Việc đấu tranh chống thói quan liêu, xa rời lợi ích quần chúng, xa hoa lãng phí, tham nhũng cũng như kém về trình độ quản lý và chuyên môn, được xem là trọng tâm trong công tác giáo dục và phát triển đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay đòi hỏi phải nhanh chóng hình thành một đội ngũ công chức có đủ phẩm chất và năng lực, suốt đời phụng sự cho sự nghiệp vì lợi ích của nhân dân. Đảng và Nhà nước ta phải luôn nỗ lực thực hiện một “chiến lược vì dân và do dân”. Do vậy, cán bộ, đảng viên phải toàn tâm toàn ý, phải luôn có ý thức và trách nhiệm mưu cầu lợi ích cho nhân dân, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước

Quan điểm làm chủ của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình bằng Nhà nước và các tổ chức quần chúng, xã hội do mình lập ra và quản lý.

Người viết: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nê n”Vì vậy, để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thì vấn đề cốt tử là làm sao cho nhân dân thực sự quyết định vận mệnh của đất nước, của xã hội và của bản thân, hay nói cách khác, là thực thi một nền dân chủ thực sự với những hình thức thích hợp.

Vấn đề đặt ra theo tư tưởng Hồ Chí Minh là làm sao cho nhân dân thực sự quyết định được những việc trọng đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những hình thức dân chủ hữu hiệu, bảo đảm nguyên tắc “quyền hạn đều là của dân”, không phải ở bộ máy và cũng không phải ở những người có chức, có quyền.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân, Đảng ta đã đúc kết thành cơ chế tổng thể trong điều hành đất nước ta là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và đã có những đổi mới thiết thực nhằm tạo điều kiện cho nhân dân ngày càng thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, như trưng cầu ý kiến toàn dân về xây dựng Hiến pháp, các đạo luật và các quyết định quan trọng, mở rộng quyền tự do lựa chọn các đại biểu của nhân dân trong các chính quyền, mở rộng quyền thông qua các tổ chức Nhà nước và đoàn thể,… Người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, có quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật.

Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị đại diện của dân, do dân cử ra chỉ là thừa uỷ quyền của đân, chỉ là công bộc của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những vị đại diện lầm lẫn giữa sự uỷ quyền đó với quyền lực cá nhân, sinh lộng quyền, cửa quyền: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân”.7

Ngoài ra, trong thực tế ở nơi này, nơi khác vẫn chưa tạo được và chưa tạo đủ điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình; hoặc để xảy ra dân chủ cực đoan, dân chủ quá trớn trong hoạt động điều hành và quản lý của bộ máy Nhà nước. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta rằng, bất cứ điều gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên, tổ chức toàn dân thi hành.

Công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc đất nước ngày nay phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta có phát huy quyền làm chủ của nhân dân và giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng có được thực hiện đúng đắn, đầy đủ hay không.

Nói về sức mạnh của quần chúng nhân dân, Người dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tư tưởng chỉ đạo đó đã góp phần quan trọng, quyết định cho cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thực hiện lời dạy của Bác, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để toàn bộ đảng viên của Đảng hiểu được sâu sắc sức mạnh của nhân dân, thực hành dân chủ và trách nhiệm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ một cách nghiêm túc, thiết thực, tự giác, phù hợp với vị thế của mình.

Người lãnh đạo phải thực sự cầu thị, tôn trọng tập thể và cấp dưới; biết khơi gợi để cấp dưới nói lên ý kiến của mình; phải xem xét ý kiến của cấp dưới một cách công tâm; phải lựa chọn, tổng hợp những ý kiến riêng lẻ thành một chỉnh thể thống nhất và nâng nó lên một tầm cao mới, một “chất” mới bằng tầm nhìn và tư duy khoa học của người lãnh đạo, quản lý. Người lãnh đạo giỏi cần có cách làm việc dân chủ, tập thể, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; đồng thời, phải quyết đoán đưa ra những quyết sách đúng trong những thời điểm quyết định. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc. Người cho rằng, trách nhiệm và tính quyết đoán của người đứng đầu phải luôn được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công tác.

Về phía đảng viên, cần phải đóng góp ý kiến, tri thức, trí tuệ, quan điểm của mình cho các công việc của tổ chức; tẩy bỏ tư tưởng “im lặng là vàng”; phải chống tư tưởng ngôi thứ, cấp bậc, gia trưởng. Tuy nhiên, dân chủ cao độ phải gắn với tập trung cao độ nên không được lợi dụng dân chủ để thực hiện các hành vi vô tổ chức, vô chính phủ.

Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Cần phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp9.

Quyền lực thuộc về nhân dân

Quan điểm “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”10 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, vấn đề mấu chốt của Nhà nước và thực chất của Nhà nước là vấn đề quyền lực và tổ chức quyền lực thuộc về Nhân dân.

Nhà nước ta ra đời sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945 là Nhà nước dân chủ nhân dân mà thực chất là Nhà nước chuyên chính Vô sản. Lần đầu tiên, nhân dân ta làm chủ đất nước, thực hiện quyền lực tuyệt đối của mình thông qua Nhà nước. Quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là luận điểm cơ bản trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Quyền lực đó, trước hết được thể hiện ở việc dân cử ra chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương, tức là quyền xây dựng và tổ chức quản lý bộ máy Nhà nước.

Nhân dân vừa là người cử ra chính quyền các cấp, vừa là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực đó. Nhân dân bầu ra Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất và Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực đại diện cho mình ở các địa phương. Vì vậy, quyền lực Nhà nước là quyền lực của nhân dân trao cho Nhà nước để thay mặt nhân dân quản lý toàn diện xã hội.

Xét về mặt quản lý, hệ thống các cơ quan Nhà nước và viên chức lãnh đạo Nhà nước là chủ thể quản lý xã hội; xét về mặt chính trị – xã hội, thì nhân dân là chủ thể quản lý đất nước, thể hiện quyền lực của mình thông qua việc bầu ra và kiểm soát Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và tất cả các hệ thống Nhà nước khác.

Quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân quyết định; quyền lực này phải gắn liền với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình. Người luôn luôn chỉ bảo quản lý phải gắn liền vấn đề lợi ích, phải phát huy quyền làm chủ và quyền lực của nhân dân trong tổ chức và hoạt động Nhà nước.

Để thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm lợi ích, quan điểm làm chủ và quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân, ngày nay Đảng và Nhà nước phải giải quyết hàng loạt vấn đề, mà trước hết là:

– Mở rộng quyền dân chủ để nhân dân thực sự thực hiện quyền lực và quyền làm chủ đất nước của mình, để nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề chủ yếu, trọng đại của đất nước và để huy động được sức mạnh của từng công dân và cả cộng đồng đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng hoạt động và phương thức hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhằm đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng, quyền làm chủ và quyền lực của nhân dân.

Nâng cao quyền lực, năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành pháp và hành chính Nhà nước, thể hiện đầy đủ ý chí và lợi ích, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc quản lý và điều hành đất nước, phục vụ tốt xã hội và công dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp (hệ thống Toà án và Viện Kiểm sát nhân dân) nhằm thực thi quyền lực tối cao của Nhà nước và của nhân dân.

Thực hiện sự xét xử độc lập, công minh chỉ tuân theo pháp luật của hệ thống Toà án, quyền kiểm sát và công tố của Viện Kiểm sát nhân dân nhằm thực thi quyền lực của nhân dân và thiết lập kỷ cương, trật tự xã hội. Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức về phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách và năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và để thực sự là đầy tớ trung thành của nhân dân, toàn tâm toàn ý phục vụ cho lợi ích của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để có bộ máy hành chính thật sự có hiệu lực, hiệu quả cần có 3 yếu tố quan trọng sau đây:

– Những người đóng vai trò chủ chốt trong các cấp chính quyền phải có trình độ học vấn và phải có kiến thức cơ bản về công việc hành chính, quản lý nhà nước và am hiểu luật pháp, có như vậy mới đủ sức điều hành công việc.

– Những người đứng đầu cũng như những viên chức dưới quyền trong bộ máy hành chính nhà nước phải có đạo đức, trong sạch, không được tham nhũng, ăn hối lộ, hà lạm của công, sách nhiễu dân chúng.

– Thật sự tôn trọng nhân dân, thực hành dân chủ với nhân dân, không được coi khinh nhân dân bởi vì “quan nhất thời, dân vạn đại”.

Đại hội X của Đảng đã nêu 5 bài học chủ yếu rút ra sau quá trình đổi mới, trong đó có bài học: “Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”11. Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài các hoà các lợi ích, thống nhất lợi ích và nghĩa vụ công dân.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập sâu rộng với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Chú thích:
1,2,3,4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 698, 293, 409, 410.
5,7,10. Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB Sự thật, Hà Nội, 1985, t.5, tr. 299, 69
6,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB Sự thật, Hà Nội, 1985, t.4, tr. 56-57.
9. Chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. http://baochinhphu.vn, truy cập ngày 30/12/2019
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 71. 192

ThS. Nguyễn Thị Thuý Vân
Tạp chí Quản lý nhà nước