Ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Hàn Quốc đã có chính sách phát triển kinh tế phù hợp và đúng đắn vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX nên đã phát triển vượt bậc trong vòng mấy chục năm qua.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam Ki và các đại biểu tại Cuộc Đối thoại lần thứ nhất về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng ngày 21/6/2019 (Ảnh: TTXVN).

 Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hoạt động ngoại giao kinh tế (NGKT) luôn được các quốc gia trên thế giới chú trọng. Hoạt động NGKT thể hiện ở việc các quốc gia chủ động và tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực. Ngoài ra, còn được thể hiện qua việc các quốc gia xây dựng mạng lưới các cơ quan đại diện ở các châu lục, góp phần vào việc thu thập thông tin kinh tế, dự báo xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, là cầu nối giúp giới thiệu đối tác, tìm kiếm các thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động của mỗi quốc gia.

Cơ sở để Hàn Quốc tiến hành ngoại giao kinh tế từ năm 1960 – 2020

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Hàn Quốc đã có chính sách phát triển kinh tế phù hợp và đúng đắn vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ XX nên đã phát triển vượt bậc trong vòng mấy chục năm qua. GDP bình quân/người của Hàn Quốc đã nhảy vọt 100 lần, từ 100 USD vào năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995, 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 34.431 USD vào năm 20191.

Năm 1962, với định hướng nền kinh tế theo hướng xuất khẩu, Hàn Quốc dần tham gia tích cực vào các hoạt động thương mại thế giới. Đến năm 1970, quốc gia này còn thực hiện thống nhất, tăng cường độc lập, hòa bình hai miền Bắc  – Nam Triều Tiên. Từ đó cho thấy, Hàn Quốc đã rất tích cực tạo cho mình một “môi trường” ổn định để có thể tập trung vào vực dậy nền kinh tế, đồng thời gây dựng lòng tin từ các nước đối tác để không ngừng thắt chặt mối quan hệ chính trị – kinh tế.

Đầu năm 1990, Hàn Quốc đã chuyển mục tiêu của NGKT sang phương Bắc (Bắc Triều Tiên và Nga). Tuy trước kia có những khác biệt trong tư tưởng chính trị lẫn kinh tế, nhất là Triều Tiên, nhưng với nhiều nỗ lực nên trong một thời gian ngắn, quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc đã sớm gặt hái được những thành quả đáng kể, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có thể ổn định tập trung vào phát triển quốc nội. Điều này, lại một lần nữa thấy rõ được chiến lược sử dụng quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Đến những năm 90 thế kỷ XX, với những trưởng thành trong kinh tế cùng với bước đầu thành công trong thiết lập quan hệ chính trị đối ngoại ra tầm thế giới, Hàn Quốc đã bền bỉ theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm bảo đảm sự ủng hộ của thế giới đối với hòa bình ổn định ở Đông Bắc Á. Để thực hiện được điều đó, Hàn Quốc đã tích cực tham gia vào đội ngũ các quốc gia tiên tiến nhằm gây dựng vị thế trên trường quốc tế, điển hình là việc Hàn Quốc gia nhập Liên hiệp quốc vào năm 1991. Có thể thấy, NGKT được Hàn Quốc hoạch định và sử dụng rất linh hoạt trong giai đoạn này, cụ thể, với một nền kinh tế đang dần trưởng thành, Hàn Quốc vận dụng nó để gia tăng ảnh hưởng, vị thế của mình. Đồng thời, với nền tảng chính trị đối ngoại, Hàn Quốc dùng nó để tạo lợi thế nhằm phát triển kinh tế đối ngoại.

Trong giai đoạn 2001 – 2009, Hàn Quốc chú trọng phát triển nền kinh tế định hướng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp nặng để thu ngoại tệ. Ngoài ra, còn chú trọng đến các dịch vụ công, cải cách giáo dục, tạo việc làm mới, bảo đảm phúc lợi xã hội, nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân. Với chủ trương “toàn cầu hóa”, Hàn Quốc đã mở rộng quan hệ quốc tế với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn tích cực tham gia giải quyết các vấn đề có tính khu vực hoặc toàn cầu, như: an ninh, xóa đói, giảm nghèo hay biến đổi khí hậu… Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp với các nước láng giềng và tăng cường hỗ trợ vốn ODA dành cho các nước đang phát triển tại châu Á.

Ngoài ra, một công cụ quan trọng mà Hàn Quốc dùng để thực hiện chính sách NGKT đó là viện trợ phát triển chính thức (ODA). Hàn Quốc đã tăng cường viện trợ vốn ODA kể từ khi gia nhập vào Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) vào năm 2010.

Giai đoạn 2008 – 2013 là giai đoạn Hàn Quốc củng cố mối quan hệ chính trị ngoại giao, từ đó thúc đẩy mạnh hơn nữa chính sách kinh tế mở và “ngoại giao bán hàng”2. Hàn Quốc đã chú trọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các vấn đề quân sự song phương.

Ngoài các mối quan hệ song phương, các cơ chế đa phương như Diễn đàn quốc tế G20 là cơ hội để Hàn Quốc thay đổi quy chế của mình trên trường quốc tế và tham gia vào việc đề ra những cơ chế giúp đỡ các nước nghèo, đồng thời bảo đảm phát triển bền vững cho các nền kinh tế đang trỗi dậy. Nhờ đó, Hàn Quốc ngày càng khẳng định vị trí của mình và bước ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế đang phát triển.

Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã chứng minh được những bước tiến quan trọng trong chính sách NGKT. Không chỉ chú trọng trong quan hệ song phương, Hàn Quốc cũng nỗ lực nâng cao vai trò của mình trong các cơ chế đa phương, như ở Liên hiệp quốc, G20 hay Tổ chức OECD và là nhà tài trợ lớn trong DAC với việc sử dụng vốn ODA như một công cụ kinh tế phục vụ mục đích chính trị, ngoại giao.

Thành tựu trong ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc

Với những bước thực hiện đúng đắn trong chính sách NGKT mà Hàn Quốc đã thu được nhiều thành tựu trong NGKT các đối tác lớn như:

– Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc trong xuất khẩu hàng hóa, trong khi đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ sáu của Mỹ tính đến năm 20183. Hiệp định Thương mại tự do Mỹ – Hàn (KORUS FTA) có hiệu lực từ tháng 3/2012 đã xóa bỏ 95% rào cản thuế quan giữa hai nước. Năm 2015, thương mại hai chiều về hàng hóa lên tới 113,8 tỷ USD và 33,4 tỷ USD về dịch vụ4. Đặc biệt trong năm 2018, Tổng thống Trump và Tổng thống Moon Jae-in đã ký lại thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước bên lề họp Đại Hội đồng của Liên hiệp quốc, cho thấy những tiến triển đáng kể trong thương mại hai nước.

– Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu lên đến 124,4 tỷ USD, chiếm hơn một phần tư tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc năm 2016. Hai nước còn ký kết FTA vào ngày 20/12/2015, theo đó, thuế quan đối với 958 sản phẩm bao gồm thiết bị y tế, máy biến thế… đã bị loại bỏ. Đồng thời, Trung Quốc cũng là nguồn du lịch nước ngoài chính của Hàn Quốc. Khách du lịch Trung Quốc chiếm một nửa tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc năm 2016 – hơn 8 triệu người. Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục là đối tác xuất – nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu là 98,1 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu là 149 triệu USD5.

– Nga luôn là đối tác quan trọng trong việc cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, các phương tiện giao thông, điện thoại, các sản phẩm của ngành hóa dầu… Ngoài ra, còn có các lợi ích được phát triển trên lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, y tế và sinh học. Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức cao nhất 26 tỷ USD. Năm 2016 đánh dấu 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hàn Quốc. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Nga và Hàn Quốc đã dần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế. Điển hình trong quan hệ kinh tế với Nga là các dự án tiềm năng như công tác thăm dò chung Bắc Cực nhằm phát triển các kênh vận tải đi qua vòng cực Bắc, hay công nghiệp đóng tàu và phát triển năng lượng. Công ty Daewoo của Hàn Quốc đã đóng được tàu chở khí hóa lỏng phá băng, hoàn thành hành trình xuyên Bắc Cực với thời gian ngắn kỷ lục, thể hiện sức phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc mà Nga rất cần6.

Ngoài ra, tính đến năm 2018, Hàn Quốc đã ký kết và đàm phán tổng cộng 37 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với các nước, nhóm nước và khu vực, bao gồm các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và cơ chế đa phương như ASEAN.

Bài học kinh nghiệm từ ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc

Việt Nam và Hàn Quốc từng có chung một xuất phát điểm, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã có những thành tựu nhất định, đồng thời khẳng định được vị trí của đất nước trên trường kinh tế – chính trị quốc tế. Đó sẽ là cơ sở, mô hình tốt cho Việt Nam để lựa chọn và áp dụng trong quá trình phát triển nền kinh tế – chính trị của mình.

Một là, các hoạt động NGKT cần phải bảo đảm được những mục tiêu cơ bản của ngành Ngoại giao ở bất kỳ quốc gia nào. Các mục tiêu đó bao gồm: góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; tranh thủ và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc mình; và nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ba mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại, tạo ra một thể thống nhất để phát triển đất nước, trong đó sức mạnh kinh tế đóng vai trò cơ bản và quyết định. Các nhà ngoại giao Việt Nam cần sử dụng NGKT như một công cụ để thúc đẩy lợi ích kinh tế nhằm đạt được những kết quả ở mức cao nhất, đồng thời giảm đến mức thấp nhất những hạn chế, tiêu cực cho nền kinh tế và quốc gia.

Hai là, cần phải thích ứng và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với thế giới, tận dụng lợi thế về thị trường và đầu tư đúng hướng từ bên ngoài. Xu thế toàn cầu hóa đang tạo ra một môi trường rộng lớn, khách quan và có trật tự nhưng luôn thay đổi và cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy, Việt Nam cần năng động hơn trong quá trình gia nhập nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua các cơ chế và tổ chức đa phương. Điều cốt yếu là Việt Nam cần có các giải pháp để không bị “bỏ rơi xa” trong một thị trường thế giới thống nhất trước xu thế các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau và cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển kỳ diệu.

Ba là, cần bảo đảm không gian an ninh sinh tồn, bao gồm các vùng địa lý sát sườn và địa chiến lược của Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay về chủ quyền lãnh thổ và nguy cơ xung đột trong vùng, nổi lên là Biển Đông, với sự can dự của cả hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Chính vì vậy, phải phát triển mọi mặt bên trong đất nước để tăng cường nội lực. Việt Nam cần tìm cách tận dụng các xu thế mới về thay đổi trật tự và luật chơi quốc tế để củng cố nền hòa bình cho phát triển đất nước, cần  khéo léo vận dụng chính sách đối ngoại phù hợp để có thể bảo đảm lợi ích mà vẫn có quan hệ tốt đẹp với các quốc gia đồng minh, đặc biệt là các nước lớn.

Bốn là, cần theo dõi sát sao tình hình quốc tế, khu vực và báo cáo về chính sách NGKT của các nước để tư vấn cho Chính phủ nhằm khai thác có hiệu quả và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, đồng thời cảnh báo những vấn đề kinh tế, biến động vĩ mô toàn cầu và khu vực có thể ảnh hưởng đến quốc gia mình. Công tác này nhằm nghiên cứu, đưa ra những dự báo và xây dựng chiến lược NGKT cho đất nước trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Bên cạnh đó, các hoạt động NGKT cũng cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cung cấp thông tin, tạo môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro trên thị trường thế giới thông qua các đàm phán, ký kết các FTAs với những đối tác quan trọng.

Chú thích:
1. Theo số liệu của IMF. https://www.imf.org, ngày 19/6/2020.
2. Tài liệu cơ bản về Đại Hàn Dân Quốc và quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. http://www.mofahcm.gov.vn.
3. Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jea-in. http://nghiencuubiendong.vn, ngày 20/7/2018.
4. U.S. Relations With the Republic of Korea. https://www.state.gov, ngày 17/7/2018.
5. The China-South Korea trade war must end”. https://www.japantimes.co.jp, ngày 26/3/2017.
6. Russia’s Asia-Pacific Pivot: South Korean President Confirms Visit to Russia. https://strategic-culture.org, ngày 26/8/2017.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hoàn
Học viện Ngoại giao